Các nghiên cứu hiện đại cho thấy nhân lạc có những tác dụng: tăng lực, bồi bổ cơ thể, hạ huyết áp, giảm mỡ máu và cầm máu. Vỏ lạc (vỏ cứng bọc ngoài nhân lạc, vẫn dùng để đun nấu thay củi), cũng có tác dụng hạ huyết áp và giảm mỡ máu. Cành và lá cây lạc, ngoài tác dụng hạ huyết áp và giảm mỡ máu còn có tác dụng an thần, chống mất ngủ. Với những người bị tăng huyết áp, thần kinh suy nhược, mất ngủ, có thể sử dụng theo những cách sau:
Chữa thần kinh suy nhược:
dùng lá lạc (có thể kèm cả cành tươi) 100g (hoặc 40g cành lá khô), cho vào nồi, đổ ngập nước, đặt lên bếp đun sôi, sau đó đun nhỏ lửa thêm 10 phút nữa là được; nước chắt ra chia thành 2 lần uống vào buổi sáng và tối. Bệnh viện Liêu Ninh (Trung Quốc) đã thử nghiệm dùng bài thuốc này để điều trị mất ngủ, kết quả cho thấy, nói chung sau khi dùng thuốc 4-7 ngày, ở đại bộ phận bệnh nhân giấc ngủ đều được cải thiện ở mức độ nhất định. Thuốc còn có tác dụng điều hòa huyết áp và hàm lượng cholesterol trong huyết thanh máu.
Chữa tăng huyết áp, cao mỡ máu:
- Dùng lạc nhân liền cả vỏ lụa, lượng thích hợp, để sống (không rang hoặc luộc), cho vào lọ, đổ ngập giấm ăn, ngâm từ 5-7 ngày là có thể dùng được; sử dụng ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi tối, mỗi lần lấy khoảng 10 -15 hạt nhai nuốt dần.
- Lấy vỏ lạc 100g, sắc nước uống thay trà trong ngày; hoặc vỏ lạc đem tán nhỏ, rây mịn, cất vào lọ nút kín dùng dần; hằng ngày dùng 2 - 3 lần, mỗi lần 9g, dùng nước ấm chiêu thuốc.
Sử dụng lạc cần chú ý một số vấn đề: dùng quá liều có thể gây tiêu chảy, hoặc khiến mắt, miệng hoặc mũi bị khô. Người vốn nhuận tràng, đại tiện ỏng do hàn thấp ứ trệ, không nên dùng độc vị (cần dùng phối hợp với một số vị thuốc khác). Ngoài ra, lạc bị mốc dễ gây ung thư gan, cũng không được dùng.
Lương y Thái Hư