Lác mắt ảnh hưởng học tập và cuộc sống của trẻ
Theo các bác sĩ nhãn khoa thuộc Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, lác hay còn gọi lé - là tình trạng hai mắt không thẳng hàng với nhau khi nhìn vào một vật thể, là sự không đồng đều của hai mắt để duy trì sự liên kết thích hợp và làm việc cùng nhau.
Mỗi mắt có 6 cơ bên ngoài điều khiển hoạt động của mắt, bao gồm 4 cơ thẳng: cơ thẳng trên, cơ thẳng dưới, cơ thẳng trong, cơ thẳng ngoài và 2 cơ chéo: cơ chéo bé, cơ chéo lớn. Cũng từ đó các chuyên gia phân loại lác mắt theo hướng:
- Bệnh lác mắt trong: mắt nhìn vào trong
- Bệnh lác mắt ngoài: mắt nhìn ra ngoài
- Bệnh lác mắt dọc: mắt nhìn lên trên hoặc xuống dưới
- Bệnh lác mắt luân phiên: lúc mắt này lác, lúc mắt kia lác
Nguyên nhân gây bên bệnh lác mắt chủ yếu là do tổn thương ở dây thần kinh thị giác, trung khu thần kinh thị giác hoặc tổn thương tại cơ vận nhãn như nhược thị thực thể (đục thủy tinh thể); Tật khúc xạ (cận thị nặng, viễn thị không được điều trị); Liệt cơ vận nhãn; Di truyền; Tổn thương não, tổn thương các dây thần kinh vận nhãn có thể do khối u…
Lác mắt có thể dẫn đến nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, thị lực cũng như thẩm mỹ, tâm lý và các hoạt động của người bệnh. Cụ thể, lác làm giảm thị lực (nhìn mờ), mắt càng bị lác lâu ngày càng giảm thị lực trầm trọng (nhược thị); Lác làm tổn hại thị giác hai mắt, nghĩa là giảm khả năng nhìn nổi, nhìn chiều sâu. Ở người lác, hai mắt thường không phối hợp được với nhau để cảm nhận một hình ảnh, vật thể một cách đầy đủ, tinh tế, được gọi là mất thị giác hai mắt; Lác làm giảm trường nhìn ở phía mắt lác (giảm thị trường)…
Đặc biệt đối với trẻ nhỏ, lác ảnh hưởng việc học tập vì nhìn kém, về lâu dài nếu không điều trị có thể khiến thị lực giảm mạnh dẫn đến việc học tập, tiếp thu kiến thức… bị giảm sút. Đồng thời, lác khiến trẻ có tâm lý tự ti, rụt rè và ái ngại. Đây cũng là cản trở đến hoạt động học tập, tham gia tìm hiểu khám phá xã hội và sự phát triển hoàn thiện bản thân của trẻ.
Vì sao cần điều trị lác cho trẻ trước 6 tuổi?
Theo các chuyên gia, lác mắt xuất hiện ở khoảng 3% trẻ em, nếu không được điều trị, khoảng 50% trẻ bị mắt lác có thể mất thị lực một phần do nhược thị - giảm chức năng thị lực của một mắt, gây ra do không sử dụng trong quá trình phát triển thị lực.
Khi phát hiện trẻ có nguy cơ hoặc bị lác mắt cần phải điều trị sớm trước 6 tuổi. Bởi, điều trị cho trẻ càng sớm thì cơ hội khỏi bệnh càng cao. Nếu chữa lác trước 3 tuổi, tỷ lệ thành công lên tới 92%, nếu trẻ từ 6 - 8 tuổi là 62%. Nếu để lâu, mắt trẻ sẽ thành tật nên khả năng phục hồi sẽ kém. Cùng với việc hoàn thiện cho trẻ đôi mắt cân xứng, vẻ ngoài ưa nhìn trước khi vào tiểu học sẽ giúp trẻ tự tin trong giao tiếp và học tập hơn.
Hiện nay y học hiện đại phát triển, điều trị lác có thể thông qua điều trị không phẫu thuật và điều trị phẫu thuật. Tùy vào tình trạng mắt lác, độ tuổi của trẻ, các bác sĩ nhãn khoa sẽ đưa ra các phương án phù hợp nhất.
Trong đó, điều trị không phẫu thuật được áp dụng cho các trường hợp lác mắt không liên tục và góc nhỏ, có thể cải thiện sự hợp quy mắt bằng liệu pháp thị lực (luyện mắt) mà không cần phải can thiệp bằng phẫu thuật. Bác sĩ có thể chỉ định băng kín một bên mắt không bị tật, để giúp bé luyện tập hướng nhìn cho bên mắt còn lại. Hoặc bác sĩ chỉ định cho bé đeo một loại kính đặc biệt để chỉnh hướng nhìn cho mắt của bé.
Trường hợp áp dụng điều trị phẫu thuật (phẫu thuật chỉnh trục nhãn cầu) khi trẻ đeo kính tối đa nhưng tình trạng lé vẫn không có dấu hiệu suy giảm.
Các chuyên gia nhấn mạnh, khi phát hiện trẻ có dấu hiệu mắt không bình thường cũng như nguy cơ bị lác cần đưa trẻ đi khám ѕức khỏe định kỳ hoặc theo lịch hẹn để có thể phát hiện kịp thời các bệnh ᴠề mắt ᴠà có biện pháp can thiệp ѕớm. Trong quá trình điều trị, cần phối hợp chặt chẽ giữa gia đình trẻ lác và bệnh viện, nhất là trong quá trình tập nhược thị. Gia đình cũng cần kiên trì và tuân thủ theo y lệnh của bác sĩ.