Lác mắt: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh

23-04-2022 13:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Lác mắt là bệnh lý của mắt mà hai mắt không nhìn thẳng được và nhìn theo các hướng khác nhau. Một mắt có thể nhìn thẳng về phía trước, trong khi mắt kia nhìn vào trong, ra ngoài, lên trên hoặc xuống dưới.

Phòng ngừa và điều trị lác mắtPhòng ngừa và điều trị lác mắt

SKĐS - Lác là tình trạng lệch trục của nhãn cầu, là khi 2 mắt không thể cùng duy trì thẳng trục thị giác khi nhìn vào vật tiêu. Lác có thể biểu hiện rõ ràng hoặc lác ẩn chỉ phát hiện khi thăm khám. Lác có thể luôn xuất hiện chỉ ở 1mắt hoặc lác xảy ra luân phiên ở cả 2 mắt.

1. Tổng quan về lác mắt

Lác mắt hay còn gọi là mắt lé là bệnh lý của mắt mà hai mắt không nhìn thẳng được và nhìn theo hai hướng khác nhau.

Theo một nghiên cứu, có khoảng 2 đến 3 triệu người Việt Nam mắc bệnh lác mắt. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ ảnh hưởng đến thị lực của bệnh nhân. Ngoài ra, bị mắt lác còn ảnh hưởng đến vấn đề thẩm mỹ.

Ở mắt bình thường, cả hai mắt cùng nhìn vào một điểm, hình ảnh thu được tại tế bào que được dẫn truyền qua dây thần kinh thị giác đến trung khu thần kinh thị giác tại não. Tại đây, hình ảnh từ hai mắt sẽ được tổng hợp thành một ảnh ba chiều duy nhất - đây được gọi là thị giác tinh tế. Khi hai mắt không cùng nhìn vào một điểm, hai hình ảnh hai mắt được chuyển đến não bộ.

Ở trẻ em, não sẽ loại bỏ hình ảnh của mắt nhìn lệch hoặc hình ảnh mờ hơn, từ đó trẻ sẽ nhìn thấy hình ảnh của mắt nhìn thẳng hoặc mắt có hình ảnh rõ hơn. Ở người lớn, não bộ không thể loại bỏ hình ảnh của mắt nhìn lệch nên người bệnh sẽ nhìn đôi.

Lác mắt: Thực trạng, nguyên nhân, biểu hiện, điều trị và phòng bệnh - Ảnh 2.

Lác mắt là bệnh lý của mắt mà hai mắt không nhìn thẳng được và nhìn theo các hướng khác nhau.

2. Nguyên nhân bệnh lác mắt

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng lác mắt được xác định là do sự khác biệt về phần cơ xung quanh mỗi mắt. Mỗi mắt hoạt động nhìn bằng cách tập trung vào một vật hay một điểm nhờ vào hoạt động của nhóm 6 cơ quanh mắt. Nếu một vài cơ này gặp vấn đề hoặc phối hợp hoạt động không tốt, bên mắt đó có thể không nhìn tập trung được theo mong muốn. Vì thế xảy ra tình trạng dù cố gắng tập trung nhìn một điểm song thực tế hai mắt nhìn theo hai hướng khác nhau.

Tình trạng lác mắt có thể xảy ra ở trẻ nhỏ là do bẩm sinh hoặc những ảnh hưởng do bệnh lý ở mắt, biến chứng mắt khi sinh nhưng phát triển chậm thành bệnh.

Còn lác mắt ở người lớn hầu hết do biến chứng bệnh lý mắc phải hoặc bệnh lý khác dẫn tới lác mắt như: Đột quỵ, đái tháo đường, chấn thương ở mắt…

Ngoài ra, những yếu tố làm tăng nguy cơ bị lác mắt bao gồm:

  • Mắc tật khúc xạ
  • Tiền sử gia đình
  • chấn thương
  • Các bệnh lý liên quan bao gồm đái tháo đường
  • Đột quỵ
  • Hội chứng Down
  • Bại não
  • Não úng thủy
  • U não
  • Trẻ sinh non…
Lác mắt: Thực trạng, nguyên nhân, biểu hiện, điều trị và phòng bệnh - Ảnh 3.

Lác mắt nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ ảnh hưởng đến thị lực của bệnh nhân.

3. Dấu hiệu nhận biết lác mắt

Trừ trường hợp trầm trọng, lác không thường xuyên hiếm khi gây ra triệu chứng lác mắt. Nếu có triệu chứng, thường là hiện tượng mỏi mắt (mắt căng thẳng).

Lác thường xuyên đôi khi gây ra vài triệu chứng. Ví dụ, xuất hiện nghẹo cổ do cố gắng để khắc phục khó khăn của não trong việc điều chỉnh hình ảnh từ đôi mắt không cân xứng và giảm nhìn đôi.

Một số lác rất dễ nhận biết khi tự soi gương hay người xung quanh phát hiện thấy mắt lệch. Đối với những trường hợp lác ẩn, cần khám chuyên khoa mắt mới phát hiện được. Bệnh nhân mắc lác mắt sẽ có biểu hiện mỏi mắt thường xuyên, khả năng tập trung kém, làm việc không chính xác. Tư thế nghiêng đầu thích nghi với tình trạng lác. Ở người có chức năng thị giác đã hoàn thiện khi lác đột ngột sẽ xảy ra hiện tượng song thị (hai hình).

4. Chẩn đoán lác mắt

Hầu hết bác sĩ có thể chẩn đoán lác mắt qua thăm khám lâm sàng với sự hỗ trợ của kính y học trong việc tìm ra điểm khác nhau giữa hai mắt. Ngoài ra, thần kinh và võng mạc mắt cũng được kiểm tra để loại trừ nguyên nhân giảm thị lực, khó nhìn do vấn đề ở hai bộ phận này.

Lác mắt ở trẻ có thể xảy ra đột ngột, cần đưa trẻ đi khám định kỳ 6 tháng một lần hoặc tự kiểm tra để phát hiện bệnh sớm. Khi phát hiện bệnh, cần điều trị sớm để hiệu quả cao hơn, tỉ lệ thành công lớn hơn.

Các thống kê khoa học cho biết, nếu lác mắt phát hiện sớm ở trẻ dưới 3 tuổi, nếu điều trị tích cực sẽ đem lại tỉ lệ thành công lên đến 92%.

Còn lác mắt người lớn thường là bệnh lý tiến triển nên điều trị khó khăn hơn. Không nên chủ quan, vì lác mắt nếu phát hiện và điều trị muộn, tạo thói quen rất khó thay đổi, ảnh hưởng đến khả năng nhìn cũng như tính thẩm mỹ.

Lác mắt: Thực trạng, nguyên nhân, biểu hiện, điều trị và phòng bệnh - Ảnh 5.

Lác mắt có thể xảy ra đột ngột, cần đưa trẻ đi khám định kỳ 6 tháng một lần hoặc tự kiểm tra để phát hiện bệnh sớm.

5. Điều trị lác mắt

Tùy vào tình trạng bệnh và độ tuổi, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị lác mắt với phương pháp thích hợp. Mục đích của việc điều trị này là cải thiện thị lực của bên mắt bị lác tương đương với bên mắt khỏe mạnh.

Đeo kính hoặc miếng che mắt với kính chuyên dụng hoặc dụng cụ che mắt được sử dụng để mắt khỏe hơn, cũng tạo thói quen cơ thể sử dụng và nhận hình ảnh từ mắt yếu hơn.

Nhiều trường hợp lác mắt nặng, bên mắt lác quá yếu không thể tăng cường, tự cải thiện thì phẫu thuật sẽ được xem xét để điều trị. Bác sĩ sẽ can thiệp vào vùng cơ mắt để hướng nhìn của mắt bị lác được cân bằng. Tuy nhiên, sau phẫu thuật này bên mắt bị yếu không phục hồi được thị lực, có thể vẫn cần tập luyện, dùng băng che mắt để luyện tập cho bên mắt yếu hơn này.

Phẫu thuật cơ mắt càng sớm thì khả năng thành công càng cao¸ nhất là bệnh lác mắt sớm ở trẻ nhỏ.

6. Lời khuyên thầy thuốc

Tuân thủ điều trị để lác mắt được cải thiện. Người bệnh lác mắt nên áp dụng các thói quen sinh hoạt, thói quen nhìn tốt để hạn chế tiến triển bệnh cũng như ngăn ngừa tái phát. Dưới đây là các biện pháp cần lưu ý:

- Dùng kính hoặc miếng che mắt thường xuyên khi bạn có thời gian luyện tập cho mắt.

- Tái khám đúng lịch hẹn để kiểm tra tình trạng bệnh cũng như xem xét điều trị thích hợp.

- Không nên chủ quan nếu có dấu hiệu bị lác mắt, phát hiện và điều trị càng sớm thì khả năng chữa khỏi bệnh càng cao.

- Để phát hiện sớm lác mắt, trẻ em từ 3 đến 3 tuổi rưỡi cần được khám thị lực bởi các bác sĩ nhi khoa, khi phát hiện bất thường về thị lực, nhất là sau chấn thương, những người có tật khúc xạ… cần kiểm tra mắt toàn diện bởi bác sĩ chuyên khoa mắt.

- Nếu trong gia đình có người bị lác mắt hay giảm thị lực, hoặc có người đeo kính dày, cần khám thị lực ngay, thậm chí trước 3 tuổi. Sau khi khám mắt toàn diện, bác sĩ chuyên khoa mắt có thể chỉ định phương pháp điều trị thích hợp.

Mời độc giả xem thêm video:

Mối nguy hại khi trẻ em xem tivi quá nhiều và cách khắc phục


BS. Trần Thuý Hồng
Ý kiến của bạn