Lác mắt là một tình trạng thường gặp trong nhãn khoa, khi 2 mắt không thẳng hàng ở tư thế nguyên phát do bất thường về chức năng thị giác hai mắt hoặc do thần kinh cơ kiểm soát chuyển động của mắt.
Nguyên nhân gây lác là do các tật khúc xạ như viễn thị, thị lực kém ở một mắt, thay đổi do lão hóa, các bệnh nội sọ hoặc hệ thống và trong những năm gần đây, việc sử dụng điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng kéo dài… Lác cũng có thể là do một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng tiềm ẩn, vì vậy điều quan trọng là phải xác định nguyên nhân.
Lác mắt càng được chẩn đoán sớm, khả năng phục hồi thị lực càng cao. Nếu phát hiện trẻ có các biểu hiện nhìn lệch, mắt hiếng, nghiêng đầu hay quay đầu khi nhìn... cần đưa trẻ đi khám ngay. Hiện nay, việc điều trị lác chủ yếu dựa trên phẫu thuật điều chỉnh vị trí mắt, trong khi các phương pháp điều trị không phẫu thuật chủ yếu bao gồm: Đeo kính, vật lý trị liệu, điều trị bằng thuốc...
1. Các biện pháp điều trị lác mắt
Chẩn đoán lác chủ yếu dựa vào khám của bác sĩ nhãn khoa, bao gồm kiểm tra thị lực, kiểm tra đáy mắt, kiểm tra vị trí mắt... Sau khi được chẩn đoán lác mắt, bệnh nhân cần được điều trị kịp thời.
Các phương pháp điều trị lác mắt chủ yếu bao gồm:
- Đeo kính thuốc: Hầu hết bệnh nhân lác mắt có yếu tố khúc xạ đều có chỉ định đeo kính. Đeo kính làm giảm sự cố gắng tập trung và điều chỉnh lác mắt.
- Điều trị bằng thuốc: Đối với một số bệnh lác nhẹ, có thể dùng thuốc để điều chỉnh sức mạnh của cơ mắt.
- Vật lý trị liệu: Thông qua việc rèn luyện cơ mắt, việc cải thiện sức mạnh và khả năng phối hợp của cơ mắt có thể giúp cải thiện tình trạng lác.
- Điều trị bằng phẫu thuật: Đối với bệnh lác nặng thì phẫu thuật là phương pháp điều trị tốt nhất. Mục đích của phẫu thuật là điều chỉnh sức mạnh của cơ mắt và đưa nhãn cầu về vị trí bình thường.
Ngoài việc điều trị bằng phẫu thuật, bệnh nhân có thể cải thiện tình trạng lác bằng cách:
- Duy trì thói quen sinh hoạt tốt và tránh sử dụng mắt quá nhiều trong thời gian dài.
- Luyện tập cơ mắt để cải thiện sức mạnh và khả năng phối hợp của cơ mắt.
- Tiến hành khám mắt định kỳ để phát hiện và điều trị kịp thời.
2. Thuốc điều trị lác mắt
Một số loại thuốc có thể được sử dụng kết hợp với các phương pháp điều trị khác:
2.1 Thuốc nhỏ mắt atropine trị lác mắt
Atropine thuộc nhóm thuốc giãn đồng tử và làm liệt điều tiết, hoạt động bằng cách điều hòa phản ứng thần kinh cơ của mắt lệch.
Trong một số trường hợp, khi sử dụng thuốc có thể gặp một số tác dụng phụ như khô miệng, hồi hộp, buồn nôn, táo bón... Hầu hết các tác dụng phụ này không cần chăm sóc y tế và sẽ dần khỏi theo thời gian. Tuy nhiên, nên trao đổi với bác sĩ nếu gặp phải những tác dụng phụ này kéo dài.
Thông báo cho bác sĩ nếu bị sốt, các vấn đề về tim, bệnh tăng nhãn áp, các vấn đề về thận hoặc gan. Thuốc nhỏ mắt atropine có thể gây mờ mắt, vì vậy, tránh lái xe hoặc vận hành máy móc cho đến khi thị lực trở lại bình thường. Thông báo cho bác sĩ về các loại thuốc đang dùng để ngăn ngừa bất kỳ tác dụng phụ/tương tác nào.
2.2 Độc tố botulinum
Botulinum A là một loại độc tố thần kinh, được kê đơn để điều trị chứng loạn trương lực cơ cổ, lác mắt và co thắt mí mắt ở bệnh nhân người lớn dưới 65 tuổi. Độc tố botulinum, thường được gọi là botox, đã được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân lác mắt và là một phương pháp an toàn, hiệu quả để thay đổi vị trí của mắt.
Mặc dù được coi là một thủ thuật ít xâm lấn hơn phẫu thuật, tiêm botox trong điều trị lác mắt cũng đòi hỏi một lượng thuốc đáng kể với khả năng gây ra các tác dụng phụ có hại. Các tác dụng thường phụ thuộc vào liều lượng có thể bao gồm: Sụp mí mắt thoáng qua, xuất huyết kết mạc, nhìn đôi và mất phương hướng không gian, sự điều chỉnh quá mức tạm thời của chứng lác mắt…
Tóm lại, mỗi đôi mắt đều có một đặc điểm riêng và tình trạng lác cũng khác nhau. Dù thực hiện phương pháp điều trị nào, bạn cũng phải gặp bác sĩ nhãn khoa và tiến hành kiểm tra mắt nghiêm ngặt. Bác sĩ sẽ đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp dựa trên tình trạng của từng bệnh nhân.
3. Lưu ý khi sử dụng thuốc
- Khi được bác sĩ kê đơn thuốc, người bệnh cần thực hiện theo đúng chỉ dẫn, về số giọt thuốc tra/nhỏ một lần, số lần tra/nhỏ trong ngày và thời gian dùng thuốc.
- Trong quá trình sử dụng theo dõi các bất thường có thể xảy ra (có thể do tác dụng phụ của thuốc hoặc tiến triển của bệnh...), thông báo kịp thời cho bác sĩ biết để được xử lý thích hợp.
- Không tự ý tăng liều hoặc bỏ thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
-Tái khám theo lịch hẹn...
Mời xem thêm video được quan tâm:
Đục thủy tinh thể bẩm sinh: căn bệnh “cướp đi” ánh sáng đầu đời của trẻ | SKĐS