Lạc lối giữa ma trận phụ gia mỹ phẩm

28-07-2019 07:24 | Khỏe - Đẹp
google news

SKĐS - Trong bối cảnh sản phẩm làm đẹp đang bị thả lỏng, trào lưu làm đẹp ngày một sôi động, nhiều thứ liên quan đến mỹ phẩm lại chưa rõ ràng, đặc biệt là các chất phụ gia có trong sản phẩm “best seller” này.

Mỹ phẩm và phụ gia dùng trong mỹ phẩm

Mỹ phẩm (cosmetics) là sản phẩm có lịch sử  lâu đời, được người Ai Cập cổ đại dùng cách đây hàng ngàn năm. Tên gọi của mỹ phẩm xuất phát từ tiếng Hy Lạp cổ kosmetik tekhn,  có nghĩa “kỹ thuật trang phục và đồ trang trí”.

Theo định nghĩa của Cơ  quan Quản lý Thực & Dược phẩm Mỹ (FDA), nơi quản lý sản phẩm này, mỹ phẩm là “chất dùng để bôi thoa vào cơ thể người nhằm tẩy sạch, tô điểm, tăng cường độ thu hút hoặc thay đổi diện mạo mà không ảnh hưởng đến cấu trúc hoặc chức năng của cơ thể”. Định nghĩa trên khá tổng quát, bao gồm mọi chất liệu nào được sử dụng để tạo ra một sản phẩm mỹ phẩm cụ thể nhưng xà phòng lại được FDA loại khỏi danh mục này.

Thực chất đây là hỗn hợp các hợp chất hóa học gốc tự nhiên (thực vật) hay được tổng hợp. Các loại mỹ phẩm phổ biến gồm son môi, mascara, phấn mắt, kem nền, phấn má hồng, phấn phủ, sữa rửa mặt và sữa dưỡng thể, dầu gội, sản phẩm tạo kiểu tóc (gel vuốt tóc, gôm xịt tóc,...), nước hoa.

Do được dùng thoa lên mặt để làm nổi bật diện mạo nên mỹ phẩm còn được gọi là đồ trang điểm hay đồ hóa trang.

Lạc lối giữa ma trận phụ gia mỹ phẩmMỹ phẩm từng được phụ nữ Ai Cập cổ đại sử dụng

Son môi có hiệu ứng lung linh, ban đầu được tạo nên bằng cách sử dụng một chất ánh ngũ sắc có trong vảy cá... Mặc dù mỹ phẩm hiện đại chủ yếu dành cho phái đẹp, nhưng ngày càng có nhiều nam giới sử dụng.

Về thành phần, mỹ phẩm chứa nhiều thứ, gồm  các hợp chất hữu cơ và vô cơ. Hợp chất hữu cơ điển hình là dầu và mỡ tự nhiên đã tinh chế cũng như một loạt tác nhân có gốc hoá dầu.Hợp chất vô cơ là những khoáng chất được xử lý như oxit sắt, talc và oxit kẽm. Oxit kẽm và sắt được phân loại là sắc tố, nghĩa là chất tạo màu không khả năng hòa tan trong dung môi.

Tại Mỹ, sản phẩm và thành phần mỹ phẩm không cần sự chấp thuận của FDA trước khi tung ra thị trường. FDA không phải phê duyệt hoặc xem xét mỹ phẩm, hoặc những gì có trong chúng, trước khi chúng được bán cho người tiêu dùng.FDA chỉ điều chỉnh một số màu sắc có thể được sử dụng trong mỹ phẩm và chất nhuộm tóc.

Còn tại châu Âu và các nơi khác trên thế giới có những quy định nghiêm ngặt hơn. Thực tế, đã xuất hiện khá nhiều mỹ phẩm có chứa các thành phần gây tranh cãi, đặc biệt là sản phẩm có nguồn gốc từ dầu mỏ, natri lauryl sulfat (SLS) và paraben, kể cả sản  phẩm được ghi là paraben-free (không paraben) và nhiều phụ gia khác.

Paraben có thể gây kích ứng da và viêm da tiếp xúc ở người bị dị ứng với paraben. Các thí nghiệm trên động vật cho biết paraben có hoạt tính estrogen yếu, giống như xenoestrogen.

Mỹ phẩm chứa paraben có thực sự nguy hiểm

Khi nói về mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân, nhiều người cho rằng nó “tinh khiết, tươi mới và sạch”, thậm chí là xa xỉ. Thậm chí người ta còn bổ sung thêm từ natural (tự nhiên) để đối với paraben-free (không paraben hay không chất bảo quản) nhưng mỹ phẩm không chất bảo quản được bán trên thị trường được gọi là “tự nhiên” còn nguy hiểm hơn cả các sản phẩm có chứa chất bảo quản tổng hợp.

Paraben là một trong những chất bảo quản được sử dụng khá rộng rãi. Về mặt hóa học, chúng là một loạt các parahydroxybenzoat hoặc este của axit parahydroxybenzoic (còn được gọi là axit 4-hydroxybenzoic). Paraben gồm 3 dạng phổ biến là methylparaben, propylparaben, và butylparaben.

Trong mỹ, thực hay dược phẩm người ta thường phối hợp các gốc paraben để giúp làm giảm liều lượng của chất này trong sản phẩm đồng thời tăng khả năng kháng khuẩn và kháng nấm. Mặc dù có thể tìm thấy paraben tự nhiên như trong một số loại nước ép trái cây và rượu vang, nhưng phần lớn paraben được sử dụng trong công nghiệp đều thuộc dạng nhân tạo, được tạo ra trong  phòng thí nghiệm.

Paraben đã được bổ sung thêm vào mỹ phẩm, thực phẩm và dược phẩm từ những năm 1950, và đến nay, rủi ro gây hại cho sức khỏe con người của paraben vẫn đang tranh luận.

Một nghiên cứu công bố năm 1998 cho thấy paraben có thể bắt chước các hormone estrogen của cơ thể nhưng ở mức hoạt tính estrogen yếu. Do hoạt tính estrogen tăng liên quan đến ung thư vú, nên một số người tránh dùng paraben mà không biết rằng tác dụng gây rối đối với cơ thể có thể là không đáng kể. Paraben tương tác với các thụ thể phân tử, nơi có các hormone estrogen, nhưng một số paraben nhất định có hoạt tính yếu hơn hàng nghìn đến hàng triệu lần so với hormone của cơ thể.

Theo giải thích của tác giả nghiên cứu Edwin Routledge, Rủi ro = Nguy hiểm x Phơi nhiễm. Nguy hiểm liên quan đến paraben dường như là tối thiểu nhưng còn tiếp xúc?.

Một nghiên cứu năm 2004 đã giải mã vấn đề, phát hiện thấy paraben có thể tích lũy theo thời gian trong mô vú bị ung thư, điều mà một số người bài xích paraben cho rằng paraben là thủ phạm gây ung thư vú. Tuy nhiên, nghiên cứu trên lại thiếu vế kiểm soát thực nghiệm khi kết luận.

Nói cách khác, ngay từ đầu nhiên cứu chỉ quan tâm các mô ung thư vú khi dùng paraben chứ không phân tích mô vú khỏe mạnh.Không có bất kỳ tham khảo nào về các mô vú tiến triển ra sao nếu nó khỏe mạnh, vì vậy nghiên cứu thiếu độ tin cậy về khả năng gây ung thư của parabens.Cũng phải nói thêm rằng, cách đây hơn chục năm kiến thức về paraben còn khá sơ khai, nên dễ bị hiểu lầm.

Lạc lối giữa ma trận phụ gia mỹ phẩmMỹ phẩm chứa dẫn chất paraben vẫn được EU và ASEAN cho phép sử dụng.

Kể từ năm 2013, các nghiên cứu vẫn mâu thuẫn với nhau, khiến người dùng như thể rơi vào ma trận không thấy lối ra.

“Paraben-free” hay “greenwashing”?

Theo Routledge, bác sĩ nội tiết ở  Đại học Brunel, London, người tiến hành nghiên cứu cách các mà các hóa chất phá vỡ hệ thống nội tiết tố của cơ thể dự báo, với tốc độ phát triển chóng mặt của ngành công nghiệp, việc lạm dụng hóa chất trong các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp sẽ không dừng lại, ngay cả dữ liệu an toàn của paraben cũng sẽ dần dần hoàn thiện và sẽ được hỗ trợ nhờ lĩnh vực độc học, với các công cụ cần thiết để kiểm tra tất cả các hợp chất độc hại đối với con người.

Thật không may, nhu cầu về mỹ phẩm “không paraben” tăng mạnh nên nó đã làm cho ngành công nghiệp này “lội ngược dòng”.

Không có các nghiên cứu khoa học mới định hướng tranh luận về paraben, xu hướng không paraben đã bắt đầu tìm cách “lách luật”. Một sản phẩm không paraben có thời hạn dài  cả 12 tháng (dài hơn so với sản phẩm paraben). Thử xem sản phẩm “không paraben” được tổng hợp để thay thế paraben chúng ta mới thấy hết sự thật.

Chất bảo quản tự nhiên có sẵn nhưng ít hiệu quả hơn và cần được sử dụng ở nồng độ cao hơn so với chất bảo quản tổng hợp. Điều này có thể giải thích tại sao nhiều người gặp phải phản ứng dị ứng với chất bảo quản tự nhiên cao hơn so với paraben và chất bảo quản tổng hợp khác.

Chính điều này mà năm 2019, paraben được Hiệp hội Viêm da Tiếp xúc Mỹ (ACDS) chọn và tôn vinh là sản phẩm “không dị ứng”.

Bất kể dị ứng, các công ty mỹ phẩm đã chấp nhận một loại chất bảo quản tự nhiên mà các nhà khoa học hiểu, thậm chí còn kém an toàn hơn so với paraben tổng hợp. Đó là các dẫn xuất của một loại hợp chất có tên phenols và đang dần trở nên phổ biến hơn thay thế paraben.

Phenol rẻ tiền, hiệu quả và tự nhiên, vì chúng có thể được tìm thấy trong nhiều loại thực vật. Các dẫn xuất phenol đang thâm nhập thị trường với tốc độ cực nhanh, nó không an toàn hơn bất kỳ chất bảo quản nào khác vì chúng là những loại tinh dầu tự nhiên, có thể gây kích ứng da và nếu ăn phải sẽ gây độc cho gan mặc dù phenol tự nhiên trong thực phẩm được xem là chất chống oxy hóa. Tổng thể, sự an toàn của phenol trong các ứng dụng mỹ phẩm đã được nghiên cứu nhưng ít hơn so với paraben.

Theo tiến sĩ Kimberly Berger, nhà dịch tễ học nghiên cứu về độc tính của mỹ phẩm tại Đại học UC Berkeley, cộng đồng khoa học đã xác định một số nhóm hóa chất, dạng như parabens có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, điều này khuyến cáo người tiêu dùng nên thận trọng, còn các công ty mỹ phẩm lại phản ứng bằng cách loại bỏ ra hoặc thay bằng thứ chưa được khoa học kiểm chứng và lạ lẫm với người tiêu dùng lẫn cộng đồng khoa học.

Sau đó, họ lại cho ghi trên nhãn là “không paraben”, điều này nhằm gây hỏa mù, khiến người dùng rơi vào ma hồn trận. “Đây là một hình thức greenwashing ma quái, hình thức tiếp thị xanh được sử dụng một cách khôn ngoan để thúc đẩy nhận thức cho rằng các sản phẩm, mục tiêu hoặc chính sách của tổ chức là thân thiện với môi trường”, Kimberly Berger nói thẳng.

Trong vài năm trở lại, các sản phẩm “không paraben” trở nên phổ biến, không thể chắc chắn rằng phenol là an toàn, vì các tác dụng phụ tiêu cực có thể xuất hiện chỉ sau 10 - 20 năm. Do không ngăn cản các công ty mỹ phẩm kết hợp các dẫn xuất phenol vào sản phẩm của họ nên người tiêu dùng cần nhận biết sản phẩm Greenwashing và chọn hợp chất nào an toàn, phù hợp.

Để biết một loại mỹ phẩm có chứa các dẫn xuất phenol, hãy tìm đến danh sách liệt kê có tiền tố là pheno. Nếu hợp chất sử dụng làm mùi hương của sản phẩm, nó sẽ được đề cập là “parfum” hoặc “fragrance,” mà không hề được ghi trên nhãn sản phẩm. Trong trường hợp này hãy tham khảo độ tín nhiệm của công ty làm ra nó.

Người tiêu dùng có ý thức không thể tin tưởng một cách mù quáng vào các nhãn hiệu “không paraben”, mà bỏ qua các nghiên cứu khoa học và tìm hiểu nguồn gốc sản phẩm. Tại Mỹ, do Đạo luật an toàn sản phẩm chăm sóc cá nhân (PCPSA), dự luật nhằm cải cách việc sản xuất, quản lý và sử dụng mỹ phẩm đã không được thông qua lần hai vào tháng giêng năm 2019, hơn ai hết, người tiêu dùng phải tự mình tìm hiểu, mua và sử dụng sản phẩm để mang lại hiệu quả cao nhất, đặc biệt tiêu chí an toàn sức khỏe.


DS. TRANG NHUNG
Ý kiến của bạn