Hà Nội

Lá phổi xanh lớn nhất thế giới – rừng Amazon đang kêu cứu

25-08-2019 08:56 | Quốc tế
google news

SKĐS - Chưa bao giờ các vụ cháy rừng ở cánh rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới - rừng Amazon trở nên mất kiểm soát như hiện nay. Chỉ trong 3 tuần, diện tích rừng bị cháy lên mức đáng báo động, Brazil phải huy động cả quân đội để dập tắt các đám cháy rừng.

Xem video cháy rừng Amazon:

Những ngày qua, thế giới đang hướng về khu vực được coi là lá phổi xanh của thế giới – rừng Amazon đang bốc  cháy dữ dội, nhiều hình ảnh chụp từ vũ trụ khiến người xem không khỏi bang hoàng về mức độ thiệt hại của nó. Dường như chúng ta đang trong thời khắc đáng buồn của lịch sử khi phải chứng kiến diện tích lớn rừng nhiệt đới Amazon-   bị thiêu rụi bởi đám cháy tàn khốc nhất. Rừng Amazon dù chỉ chiếm 1% diện tích bề mặt Trái đất, nhưng đó lại là hơn 1/3 số rừng mưa còn sót lại trên hành tinh và  là nơi cung cấp 20% lượng oxy cho hành tinh trái đất.

Tính đến ngày 22/8, số vụ cháy rừng đã tăng 84% so với cùng kỳ năm 2018 , với 75000 vụ. Trên toàn bộ  phạm vi lưu vực sông Amazon, chỉ trong 8 tháng đầu năm 2019, tổng cộng có hơn 100.000 vụ cháy. Các đám cháy dày đặc với quy mô “chưa từng có” trong hàng chục năm qua.

Cháy rừng với quy mô và mức độ lớn kỷ lục trong hàng thập kỷ ở Amazon

Trong gần 50 năm qua, gần 1/5 diện tích rừng Amazon, khoảng hơn 770.000 km2 – lớn hơn cả diện tích đất nước Myanmar , đã bị đốn hạ và thiêu rụi ở Brazil. Lượng rừng khổng lồ biến mất gây ra những biến động đáng kể đối với tình hình khí hậu và lượng mưa tại khu vực.

Trên thực tế, cháy rừng tại Amazon không phải chuyện quá lạ, đặc biệt là vào  mùa khô từ tháng 7 - 10. Cháy rừng có thể xảy ra một cách tự nhiên - do sấm sét tạo ra, nhưng hàng chục năm trở lại đây nguyên nhân chính là vì cây rừng bị chặt hạ nhiều, và nông dân dọn rừng làm rẫy. Đặc biệt, sau quyết định của Tổng thống Brazil  Jair Bolsonaro chủ trương phục hồi kinh tế dựa trên khai thác tiềm năng kinh tế của rừng Amazon, các hoạt động chặt phá rừng cũng gia tăng khủng khiếp. Điều này gây ảnh hưởng mạnh đến môi trường, đến đời sống của người dân xung quanh lưu vực sông Amazon, và đã tạo điều kiện dẫn đến các vụ cháy .

Các đám cháy rừng nhìn từ không gian

Thực chất, các đám cháy lớn đã bắt đầu xuất hiện từ cuối tháng 7, người ta chỉ để ý đến vấn đề rừng Amazon bị cháy sau đó 3 tuần bởi nó nằm ngoài tầm kiểm soát của con người. Theo các nhân chứng, có đám cháy lớn tới nỗi quét sạch 1.000 ha của khu bảo tồn môi trường ở bang Rondonia của Brazil. Ngọn lửa đã tạo ra những lượng khói dày đặc lan xa khắp bang, gây nguy hiểm cho sức khỏe của người dân và động thực vật.

Theo ghi nhận, các đám cháy hiện tại ở Amazon lớn đến mức khói đen từ rừng rậm đã lan tận São Paulo cách hơn 2.700 km. Khói bụi che lấp ánh nắng giữa trưa, khiến bầu trời thành phố mới đây bỗng dưng sập tối, biến ngày thành đêm.

Khói bụi từ các đám cháy bao phủ nhiều khu vực

Chương trình vệ tinh Copernicus của Liên minh Châu Âu (EU) cũng đã công bố một báo cáo cho thấy khói bụi từ cháy rừng Amazon đang lan rộng kinh hoàng, từ Brazil đến tận phía đông Đại Tây Dương. Khói đen bao phủ gần 1/2 đất nước, lan sang cả các láng giềng Peru, Bolivia và Paraguay.

Theo các nhà hoạt động môi trường, những công trình lớn như Nhà thờ Đức Bà Paris, khi gặp hoả hoạn lớn vẫn có thể phục dựng lại, nhưng Amazon một khi đã cháy rụi thì không thể cứu vãn được, và điều này đồng nghĩa chúng ta sớm muộn sẽ phải đối mặt ngày tận thế thật sự của nhân loại.

Trong suốt những tuần qua, các hộ gia đình ở khu vực phía Tây Brazil ra sức nỗ lực từng giây phút để cứu lấy ngôi nhà và mùa màng của mình nhưng dường như vô vọng trước ngọn lửa bùng cháy dữ dội, vượt tầm kiểm soát. Tổng thống Pháp Macron đã  lên tiếng cho biết vấn đề cháy rừng Amazon sẽ là vấn đề lên ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Hội nghị cấp cao G7 đang diễn ra tại nước này. Trả lời phỏng vấn báo chí hôm 23/8, ông Macron  cho rằng Amazon cần chấm dứt tình trạng "diệt chủng sinh thái" đang diễn ra.

Quy mô cháy rừng tại Amazon thực sự gây sốc và khiến cộng đồng quốc tế hối thúc chính phủ Brazil nhanh chóng có các biện pháp quyết liệt hơn để chống "giặc lửa" kéo dài suốt hàng  tuần qua. Pháp và Ireland dọa sẽ chặn thỏa thuận thương mại tự do Mercosur giữa Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia Nam Mỹ nếu chính quyền của Tổng thống Jair Bolsonaro không ngăn chặn nạn phá rừng Amazon. Nhiều quốc gia EU cũng đang gây sức ép lên Brazil. Chính phủ Phần Lan, chủ tịch EU, kêu gọi các quốc gia thành viên xem xét nhiều hạn chế thương mại hơn, như cấm nhập khẩu thịt bò Brazil.

Trước sức ép từ trong nước và quốc tế,  Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro thông báo, ông đã phê chuẩn quyết định cử quân đội nước này tới hỗ trợ chữa cháy rừng Amazon, cũng như trấn áp các hoạt động tội phạm tại những bang khu vực có liên quan.

“Bảo vệ rừng là nhiệm vụ của chúng tôi, chúng tôi nhận thức được điều đó và chúng tôi đang hành động để chống lại nạn phá rừng bất hợp pháp cũng như các hoạt động tội phạm khác khiến rừng nhiệt đới Amazon gặp nguy hiểm”, ông Bolsonaro nói.

Người ta đang lo ngại  "thảm họa tự nhiên toàn cầu lớn nhất thế kỷ" đang xảy ra. Bởi thực tế rừng Amazon không chỉ thuộc 1 quốc gia là Brazil,  nó nằm trong 9 lãnh thổ thuộc các quốc gia của khu vực Nam Mỹ là phần nằm ở phía Tây Nam bán cầu trái đất thuộc châu Mỹ bao gồm 60% thuộc Brazil, phần còn lại là Colombia, Peru, Venezuela, Ecuador, Bolivia, Guyana, Suriname. Tổng diện tích của bề mặt phủ của rừng Amazon lên tới hơn 7 triệu km2.

Làm thể nào để dập tắt những đám cháy ở rừng Amazon, chắc chắn rằng một mình Brazil không thể kham nổi sứ mệnh này. Sẽ rất cần những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế để cứu lấy “lá phổi của thế giới”….


Hải Yến
Ý kiến của bạn