Hà Nội

La Nina bất thường, tháng 2 không khí lạnh hoạt động mạnh hơn

06-02-2025 09:43 | Xã hội
google news

SKĐS - La Nina xuất hiện vào các tháng đầu năm với thời gian ngắn chỉ khoảng 1-2 tháng cũng là điều hiếm thấy, bởi La Nina thường xuất hiện vào mùa thu đông và kéo dài từ khoảng 9 – 12 tháng. La Nina bất thường sẽ ảnh hưởng đến thời tiết tại Việt Nam.

Đợt không khí lạnh mạnh cuối tuần kéo dài bao lâu?Đợt không khí lạnh mạnh cuối tuần kéo dài bao lâu?

SKĐS - Đón không khí lạnh, ở Bắc Bộ từ chiều 7/2 trời chuyển rét đậm, rét hại; từ đêm 7/2 khu vực Bắc Trung Bộ trời chuyển rét đậm, khu vực từ Quảng Bình đến Huế trời chuyển rét.

La Nina tồn tại trong thời gian ngắn

TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho biết, hiện nay (tháng 2/2025), theo số liệu của Cơ quan quản lý Khí quyển và Đại dương của Mỹ (NOAA) đã chính thức xác nhận sự xuất hiện của La Nina. La Nina sẽ được dự báo sẽ duy trì tới tháng 3/2025 sau đó sẽ chuyển sang giai đoạn trung tính.

Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mỗi pha của của ENSO (gồm El Nino và La Nina) được xác định dựa vào trị số chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển khu vực xích đạo trung tâm Thái Bình Dương (hay còn gọi là SSTA Nino 3.4) và thời gian kéo dài của trị số này.

Cụ thể, ENSO được xác định ở trạng thái La Nina nếu SSTA Nino 3.4 dưới -0,5 độ C liên tục 6 tháng; trung tính nếu SSTA Nino 3.4 trong khoảng -0,5 đến +0,5 độ C liên tục 6 tháng. El Nino nếu SSTA Nino 3.4 trên +0,5 độ C liên tục 6 tháng.

La Nina bất thường, tháng 2 không khí lạnh hoạt động mạnh hơn- Ảnh 2.

Chu kỳ La Nina bất thường, nhiệt độ tháng 2 thấp, rét hơn trung bình nhiều năm.

Ở tuần giữa tháng 1/2025, chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển khu vực xích đạo trung tâm Thái Bình Dương đang ở mức thấp hơn  trung bình nhiều năm (TBNN) là -0,7 độ C. Dự báo, mức nhiệt này khả năng cao chỉ còn duy trì trong tháng 1. Từ tháng 2 - 4/2025, nhiệt độ mặt nước biển sẽ xuống mức thấp hơn TBNN dưới -0,5 độ C. Do đó, hiện tượng ENSO ở trong điều kiện La Nina có thể tồn tại chỉ trong vài tháng đầu năm 2025, chưa đủ dài để đạt chỉ tiêu về thời gian duy trì để xác định một chu kỳ La Nina.

"La Nina xuất hiện vào các tháng đầu năm với thời gian ngắn như vậy cũng là điều hiếm thấy, bởi La Nina thường xuất hiện vào mùa thu đông và kéo dài từ khoảng 9 – 12 tháng" – ông Khiêm chia sẻ. Trong điều kiện La Nina, có khả năng miền Nam sẽ xuất hiện mưa trái mùa cục bộ trong những tháng mùa khô đầu năm.

TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, ENSO ở trong điều kiện La Nina có thể tồn tại trong thời gian ngắn (có thể chỉ trong vài tháng đầu năm 2025, chưa đủ dài để đạt chỉ tiêu về thời gian duy trì để xác định một chu kỳ La Nina). La Nina bất thường sẽ ảnh hưởng đến thời tiết tại Việt Nam.

Cụ thể, trong điều kiện La Nina, ở khu vực Thái Bình Dương, tín phong sẽ mạnh hơn trung bình, hoạt động đối lưu sẽ suy giảm ở khu vực gần trung tâm Thái Bình Dương và gia tăng trên phần phía tây Thái Bình Dương.

Điều này sẽ khiến khu vực Đông Nam Á, đặc biệt khu vực Indonesia, trong đó gồm cả khu vực phía nam của Việt Nam mưa sẽ có xu hướng cao hơn trung bình trong những tháng đầu năm 2025 (khả năng khu vực phía nam Việt Nam xuất hiện mưa trái mùa cục bộ trong những tháng mùa khô).

Trong năm 2025, bão trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện tương đương so với TBNN (khoảng tháng 6), số lượng bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền có khả năng ở mức xấp xỉ TBNN (TBNN trên Biển Đông khoảng 11 - 13 cơn, ảnh hưởng đến đất liền khoảng 5 - 6 cơn).

Dự báo thêm về thời tiết trong năm 2025, ông Lâm cho hay, hiện tượng nắng nóng có khả năng xuất hiện tương đương so với TBNN, nắng nóng có khả năng bắt đầu xuất hiện tại khu vực Nam bộ vào khoảng nửa đầu tháng 3; khu vực Tây Bắc Bắc bộ, vùng núi phía tây bắc Trung bộ vào khoảng tháng 4 và phía đông Bắc bộ, khu vực ven biển Trung bộ từ khoảng tháng 5 trở đi.

Tháng 2 rét hơn trung bình nhiều năm

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong tháng 2, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, riêng khu vực Bắc và Trung Trung Bộ thấp hơn từ 0,5-1 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Về tổng lượng mưa trên cả nước phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, riêng khu vực Trung Trung Bộ có lượng mưa cao hơn từ 10-20mm có với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Đáng chú ý, trong tháng 2, không khí lạnh tiếp tục tác động đến thời tiết nước ta. Có khả năng hoạt động mạnh hơn so với trung bình nhiều năm trong nửa cuối thời kỳ dự báo và gây nhiều ngày rét đậm, rét hại.

Ngoài ra, trong thời kỳ dự báo, khu vực Trung Bộ có khả năng xuất hiện một số ngày mưa rào rải rác và có nơi có dông. Cảnh báo trên phạm vi toàn quốc tiếp tục xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như sương mù, dông, sét và băng giá, sương muối có thể ảnh hưởng đến sản xuất và các hoạt động dân sinh.

Đặc biệt, không khí lạnh có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động của tàu thuyền. Trên đất liền, không khí lạnh có thể gây ra nhiều ngày rét đậm, rét hại ở các tỉnh miền bắc, nguy cơ kèm theo sương muối và băng giá gây ảnh hưởng lớn đến vật nuôi, cây trồng và sức khỏe của người dân, đặc biệt khu vực vùng núi phía bắc. Ngoài ra, sương mù có thể gây ảnh hưởng đến khả năng quan sát, tăng nguy cơ va chạm trong các hoạt động lưu thông.

Trong tháng 1, miền Bắc đã trải qua 3 đợt không khí lạnh đáng chú ý vào các ngày 9/1, 14/1 và 26-1. Đợt không khí lạnh cuối tháng gây rét đậm, rét hại diện rộng, đặc biệt tại các tỉnh vùng núi như Hà Giang, Lào Cai - những nơi đã xuất hiện băng giá và mưa tuyết. Nhiệt độ nhiều nơi xuống dưới 10 độ C, vùng núi cao chỉ còn 2-4 độ C.

Lượng mưa tại Bắc bộ và Trung bộ thấp hơn so với TBNN 20-40mm, riêng các tỉnh Quảng Bình, Quảng Nam có mưa xấp xỉ đến cao hơn TBNN 15-30mm. Một số trạm khí tượng tại miền Nam ghi nhận lượng mưa ngày vượt giá trị lịch sử như: Tại Long Khánh (tỉnh Đồng Nai), lượng mưa ngày 3/1 là 49mm trong khi giá trị lịch sử trước đó là 37,2mm (năm 2018); tại Ba Tri (tỉnh Bến Tre), lượng mưa ngày 3/1 là 39mm, trong khi giá trị lịch sử trước đó là 31,8mm (năm 2010).

Miền Bắc tăng nhiệt từ ngày mai 5/2 trước khi tiếp tục đón không khí lạnhMiền Bắc tăng nhiệt từ ngày mai 5/2 trước khi tiếp tục đón không khí lạnh

SKĐS - Trong khi miền Bắc đang rét do đợt không khí lạnh khá mạnh thì đã có những dự báo về đợt lạnh tiếp theo. Từ đêm 6/2, dự báo đợt gió mùa Đông Bắc tiếp theo sẽ ảnh hưởng đến nước ta.


Tô Hội
Ý kiến của bạn