Hà Nội

Lạ lùng: Tết Thanh minh, đi tảo mộ cho chính mình

22-04-2015 10:45 | Thời sự
google news

Đi tảo mộ là một nét đẹp truyền thống của người Việt trong dịp Tết Thanh minh hằng năm. Tuy nhiên, hiện nay lại có người lại đi thăm chính phần mộ của mình.

Trước Tết Thanh minh 2 ngày, ông Lê Quang Đạo (75 tuổi, Khu tập thể Lê Văn Lương, Hà Nội) đã cùng các con lên thăm mộ vợ ông tại Nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Hòa Bình). Ông Đạo cho biết “Thanh minh không phải là tết lớn nhưng ngày này có ý nghĩa rất lớn, bởi đây là dịp để con cháu nhớ tới tổ tiên của mình”.

 

Đã thành thói quen, mỗi dịp Tết Thanh minh (3.3 Âm lịch), ông Lê Quang Đạo (Thanh Lương, Hà Nội) lại cùng con cháu đi tảo mộ, thăm phần mộ vợ ông và tổ tiên tại nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Hòa Bình, Hà Nội). Đây là dịp để ông chỉ cho con cháu biết, đâu là phần mộ của ai, để mà nhớ.

“Tôi mua hẳn một khu cho gia đình trên này và tôi cũng đã xây mộ “yên nghỉ” cho chính mình vì hiện tại một số nghĩa trang ở Thủ đô Hà Nội đang có xu thế “đóng cửa” vì quỹ đất không còn” – ông Đạo chia sẻ.

Cũng theo ông Đạo, không chỉ ông, mà rất nhiều người đã tính đến chuyện mua nơi chôn cất cho chính mình, thậm chí có gia đình đã chuẩn bị sẵn cho cả nhà…

 

Ông Đạo cũng có một phần mộ của riêng mình, bên cạnh phần mộ của vợ ông. Sau phần cúng lễ, ông cùng con cháu dọn dẹp sạch sẽ các phần mộ ông bà, tổ tiên. Ông cũng không quên ngắm phần mộ của mình, nơi mà sau này ông “yên nghỉ”.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu nghĩa trang này có rất nhiều phần mộ đã được mua sẵn, xây gọn gàng, khang trang nhưng chưa có di cốt.

Chúng tôi tìm gặp và trò chuyện với ông Nguyễn Thanh Sơn (Ba Đình, Hà Nội). Ông Sơn cho biết, hiện ông đã xây hoàn thiện toàn bộ mộ phần cho cả gia đình tại đây (Nghĩa trang Lạc Hồng Viên).

“Người ta thì lo mua nhà, mua đất, mua căn hộ chưng cư cao cấp cho con cháu nhưng tôi lại mua phần mộ cho con cháu. Mới đầu, các thành viên trong gia đình phản đối việc làm của tôi nhưng khi nghe tôi giải thích, mọi người nghe ra và đều ủng hộ. Khu mộ của gia đình tôi có 8 ngôi, với diện tích 30m2. Trong đó cụ ông thân sinh ra tôi đã an nghỉ ở một ngôi ở giữa. Còn 7 ngôi còn lại là phần của tôi và những thành viên khác trong gia đình” – ông Sơn chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Mẫn (72 tuổi, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng là một người như vậy. Bà cho biết, cứ cuối tuần bà lại đi thăm mộ của chính mình. “Tôi mua và xây sẵn mộ từ năm 2009. Nếu không chuẩn bị trước như vậy tôi không yên tâm bởi tôi gần như mất gốc ở quê, khi chết con cháu không thể mang về quê an táng được. Ban đầu, gia đình, bạn bè phản đối nhưng sau họ thấy việc tôi làm hợp lý, nên ủng hộ ”.

Ông Nguyễn Thanh Sơn (Ba Đình, Hà Nội) đưa cả gia đình lên thăm phần mộ cụ thân sinh ra ông và của chính gia đình mình. Ông không lo mua nhà cửa hay chung cư mà lại lo mua phần mộ cho cho gia đình trước.

Khu mộ nhà ông Sơn rộng 30m2. Có 8 ngôi trong đó có 7 ngôi để dành cho ông và gia đình.

Bà Nguyễn Thị Mẫn (72 tuổi, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) lại đi một mình lên nghĩa trang thăm phần mộ của người thân và của chính mình.

 

 

Vào dịp cuối tuần hay những ngày quan trọng, bà lại lên thăm, ngắm ngía phần mộ của chính mình, xem còn thiếu những gì.

Rất nhiều gia đình đã đưa con cháu đi tảo mộ cùng. Đây là dịp để dạy dỗ con cháu sống có tâm đức với tổ tiên.

Sau đó, người tảo mộ thắp vài nén hương, đốt vàng mã hoặc đặt thêm bó hoa cho linh hồn người đã khuất.

Tại đây, các con của ông Sơn tìm đến phần mộ của 3 mẹ con chị Nguyễn Ngọc Minh, nạn nhân trong vụ máy bay MH17 rơi tại miền Đông Ukraine, trên hành trình từ Hà Lan qua Malaysia để về Hà Nội nghỉ hè sau 2 năm xa xứ.

Các em thắp nén hương tưởng nhớ 3 mẹ con xấu số

Các phần mộ ở đây luôn được các nhân viên chăm sóc hằng ngày

Theo Hồng Phú (Dân Việt)

 


Ý kiến của bạn