Hà Nội

Lạ lùng 'ông Tây' bán hàng rong, dùng điện thoại 'nhà quê' ở Hà Nội

23-03-2015 13:20 | Thời sự
google news

Ông Tây bán hàng rong và chuyện kinh doanh ở Hà Nội

Thời gian gần đây nhiều người Hà Nội lấy làm thú vị và ngạc nhiên khi bắt gặp hình 'ông Tây' lúc bán hàng rong ở cổng trường tiểu học, lúc bán quần áo 'hàng thùng' trên phố cổ.

Vào giờ tan tầm buổi chiều trước các cổng trường tiểu học, thi thoảng người ta vẫn thấy một "ông Tây" đi một chiếc xe Dream cũ cùng một chiếc giá treo búp bê gỗ đằng sau mời chào các em học sinh mua hàng.

Cứ mỗi lần thấy "ông Tây" đến là các em học sinh lại vây kín xung quanh và không ngừng ríu rít "Hello", "Hi", "Xin chào"... Tuy nhiên, "Ông Tây" lại có thể nói được tiếng Việt khá rõ ràng, tuy không nhiều nhưng cũng đủ để giao tiếp với các em và các vị phụ huynh đến xem mua hàng.

Em Thu Minh, học sinh trường tiểu học Tây Sơn thích thú cầm chú hề bằng gỗ của "ông Tây" tỏ ra khá thích thú:'' Trông ông ấy to ơi là to nhưng ông ấy rất hay cười, cháu và các bạn ở đây đều rất thích những con búp bê gỗ của ông ấy”.

Mẹ của bé Minh cũng chia sẻ :'' Thấy lạ vì là người Tây bán hàng mà lại thân thiện với con mình, đồ chơi cũng là tự làm chứ không phải đồ chơi Trung Quốc nên mình cũng yên tâm. Chỉ thỉnh thoảng mới thấy ông ấy bán hàng ở đây thôi''.

Ông Tây bán hàng rong ở Hà Nội có gì đặc biệt?

Rất nhiều người nhìn thấy "ông Tây" này thì lấy làm lạ rằng tại sao một người nước ngoài lại chịu đi làm nghề này ở Việt Nam. Khi được hỏi thì ông cười tươi nói: “Tôi bán hàng rong nhưng thực ra cũng không bán hàng rong, vì nghề gì tôi cũng làm. Tôi có nhiều nghề lắm, bạn muốn hỏi tôi nghề nào trước?”

Hỏi ra mới biết đây chính là người đàn ông ngoại quốc duy nhất từ trước đến nay có sạp hàng bán quần áo hàng thùng ở chợ đêm phố cổ Hà Nội, vốn đã được nhiều người biết đến.

Anh tên là David Cohen, sinh năm 1972 tại Canes, Pháp và đã từng là một chuyên viên marketing ở một trung tâm mua sắm tại thủ đô Paris. Năm 2008 khi đặt chân đến Việt Nam, anh quyết định sẽ định cư tại đây để bắt đầu tự kinh doanh với những ý tưởng táo bạo của mình.

Lý do đơn giản là vì con gái Việt Nam xinh, nhưng một cách nghiêm túc thì David nói, môi trường kinh doanh ở Việt Nam khá tốt và rất có tiềm năng, đặc biệt là với những người nước ngoài như anh. Ngoài ra vợ anh cũng là người Việt Nam và cậu con trai mang dòng máu lai Pháp - Việt của anh cũng đã được hơn 2 tuổi.

Quyết định mở sạp hàng bán quần áo sau 6 năm sinh sống tại Hà Nội cùng với khả năng nói tiếng Việt khá sõi, David luôn gây ấn tượng với khách đến mua hàng ở chợ đêm bởi những lời chào nồng nhiệt và một nụ cười đậm chất Pháp luôn nở trên môi.

Ông Tây bán hàng rong ở Hà Nội có gì đặc biệt?
David với những chiếc áo trong "bộ sưu tập" hàng thùng mà anh yêu thích nhất - Ảnh: Huyền Trân

Chưa hết, anh còn là một đầu bếp chuyên về các món ăn Pháp và là người duy nhất tại Hà Nội sử dụng gan ngỗng như một loại thực phẩm đặc biệt.

David nói rằng : ''Gan ngỗng ở Pháp được xem như một món ăn bổ dưỡng, nhiều protein và có mùi thơm đặc biệt. Nó như một món ăn tượng trưng cho tinh hoa ẩm thực nước Pháp nhưng chưa được nhiều người biết đến ở Việt Nam, vì thế nó rất có tiềm năng để phát triển tại đây.''

Với ý tưởng kinh doanh gan ngỗng, David đã xây dựng một trang trại chăn nuôi tại Ba Vì với hàng ngàn con ngỗng. Bên cạnh đó còn có các loại vật nuôi có giá trị kinh tế khác như đà điểu, ong mật, thỏ, lợn... và hoa màu.

Anh cho biết :''Một cân gan ngỗng sẽ có giá là 2 triệu đồng. Còn phần thân ngỗng tôi sẽ bán lại cho các nhà hàng hay khách sạn để chế biến những món ăn khác”.

Ông Tây bán hàng rong ở Hà Nội có gì đặc biệt?
David còn là một người đầu bếp với những món ăn mang đặc trưng ẩm thực nước Pháp - Ảnh: Huyền Trân

Việc trở thành đầu bếp không phải là dự định ban đầu của David khi anh quyết định sinh sống ở Việt Nam. Khi nhìn thấy những người nước ngoài kinh doanh ở Việt Nam chủ yếu đều đi theo mảng ẩm thực, lại vốn thích nấu nướng từ những ngày còn trẻ nên năm 2012 David đã quyết định mở một nhà hàng của riêng mình.

Không chịu ngồi yên, David tiếp tục thực hiện hàng trăm ý tưởng kinh doanh khác, trong đó có ý tưởng làm đồ thủ công làm từ gỗ, tre nứa hoặc từ những vật đã hết giá trị sử dụng.

Anh phấn khởi chia sẻ: ''Những sản phẩm này vừa có giá trị về kinh tế và thân thiện với môi trường, tôi rất thích và tự hào về chúng''. Những sản phẩm này được anh chào bán tại các cửa hàng lưu niệm dành cho khách du lịch nước ngoài ở các khách sạn lớn như Sofitel, Melia. Chúng hầu hết đều có màu sắc sặc sỡ, bắt mắt mà giá khá phải chăng.

Ông Tây bán hàng rong ở Hà Nội có gì đặc biệt?

 

Những con búp bê gỗ - một trong những sản phẩm thủ công của David - Ảnh: Huyền Trân

Ngoài ra anh còn kiêm một số nghề khác như in ấn, chụp ảnh, thiết kế và quan trọng anh không bao giờ chịu ngồi yên một chỗ khi có thời gian rảnh. Những ngày cuối tuần anh sẽ tranh thủ về trang trại của mình. Các ngày trong tuần nếu buổi chiều rảnh rỗi là anh lại đặt cây treo búp bê gỗ lên chiếc xe Dream đi tới một cổng trường tiểu học nào đó, bắt đầu mời chào ''Hello”, “Hi”, “Xin chào'' ... tíu tít với các em nhỏ.

Các phụ huynh hầu như ai thấy cũng đều mua cho con em mình một con búp bê, một phần vì thấy lạ, một phần cũng thấy yên tâm vì không phải đồ chơi độc hại của Trung Quốc.

"Người Việt chỉ chịu khó chứ không chịu khổ"

David cho biết thu nhập từ tất cả các loại hình kinh doanh của anh mỗi ngày có thể mang về trên dưới 1 triệu đồng, bù lại anh chỉ được ngủ khoảng 2 tiếng, nhiều nhất là 3 tiếng.

Những công việc lặt vặt như thiết kế, làm đồ thủ công, sơn vẽ và đi làm đầu bếp đã chiếm phần lớn thời gian trong ngày của anh. Còn thời gian rảnh, anh lại cưỡi chiếc xe Dream cũ lên đường về trang trại ở Ba Vì hoặc lại rong ruổi cùng những con búp bê gỗ tới các cổng trường, công viên hay khu vui chơi của trẻ con.

David chia sẻ: "Nhiều người nhìn tôi có vẻ nhếch nhác, quần áo cũ, đi xe xấu, dùng điện thoại "nhà quê" ("nhà quê" là từ tiếng Việt mà David thích và nói sõi nhất) thì cho rằng tôi nghèo, tôi không có tiền. Nhưng về thu nhập tôi không thua kém người bình thường, chỉ là tôi đang kiếm thêm tiền bằng mọi khả năng của mình và bằng những công việc mà mình thích thôi".

Ông Tây bán hàng rong ở Hà Nội có gì đặc biệt?
David tại trang trại ở Ba Vì - Ảnh: NVCC

Những công việc của anh như nấu nướng, làm đồ thủ công hay chăn nuôi cũng thường bị nói đó là công việc của phụ nữ, tại sao anh lại làm. Tuy nhiên với anh, bất kể một công việc nào mang lại vật chất và của cải thì không phân biệt đàn ông hay đàn bà, ai cũng đều có thể làm và có quyền được làm công việc đó".

David chia sẻ người Việt Nam thường đánh giá sự vật sự việc và cả con người chỉ qua vẻ bề ngoài. "Người Việt Nam chỉ chịu khó thôi, chứ không chịu khổ được vì còn trọng về hình thức. Mà như vậy thì sẽ khó để thành công được trong kinh doanh".

David cho biết đối với anh, điều quan trọng nhất trong việc kinh doanh đó là sự sáng tạo. Chỉ với một khúc tre thô cứng, anh sẽ biến nó thành một chiếc đèn ngủ. Với những ống cày trông giản đơn thì anh sẽ khắc hình lên cho thêm phần sinh động, hay quần áo trơn màu không có họa tiết anh cũng sẽ tìm cách để in thêm hình và chữ lên chúng...

Chủ yếu những sáng tạo của anh đều được lấy cảm hứng từ đất nước và con người Việt Nam. David đặc biệt rất thích những cô gái Việt Nam bởi "con gái Việt Nam xinh, duyên dáng mà cũng rất quyến rũ, có nét gì đó rất giống con gái Pháp mà ít nơi nào có thể có được".

"Khách du lịch, nhất là người Pháp thường rất thích những sản phẩm mà tôi làm", David nói, "Trong năm nay có thể tôi sẽ mở thêm vài sạp hàng nữa tại chợ đêm phố cổ để chuyên bán những sản phẩm tâm huyết này của mình", David chia sẻ.

 

 

ý độc giả bấm vào đây để gửi bình luận


Ý kiến của bạn