Hà Nội

Lá lốt chữa đau xương, thấp khớp

03-09-2022 13:34 | Vị thuốc quanh ta

SKĐS - Lá lốt là một loại rau gia vị rất thông dụng và được chế biến trong nhiều món ăn của người Việt. Lá lốt đặc biệt có hiệu quả đối với các bệnh xương khớp.

1. Đặc điểm của lá lốt

Lá lốt còn gọi là ana klùa táo (Buôn Mê Thuột).

Tên khoa học Piper lolot C.DC.

Thuộc họ Hồ tiêu Piperaceae.

Lá lốt là một loại cây mềm, mọc cao tới 1m, thân hơi có lông. Lá hình trứng rộng, phía gốc hình tim, đầu lá nhọn, soi lên có những điểm trong, phiến lá dài 13cm, rộng 8,5cm, mặt trên nhẵn, mặt dưới hơi có lông ở gân, cuống lá dài chừng 2,5cm.

Lá lốt chữa đau xương, thấp khớp - Ảnh 1.

Lá lốt - một loại rau thơm, rau gia vị, vị thuốc quý chữa các bệnh xương khớp.

Cây lá lốt mọc hoang và được trồng tại nhiều nơi ở miền Bắc nước ta, thường trồng bằng mẩu thân cắt thành từng khúc 20-25cm, giấm vào nơi ẩm ướt, dưới bóng cây mát.

Thường nhân dân trồng lấy lá làm gia vị hay làm thuốc. Lá hái quanh năm, có thể dùng thân, hoa hay rễ. Hái về dùng tươi hay phơi khô để dành, nhưng thường dùng tươi. Nếu dùng rễ thường hái vào tháng 8-9.

Trong lá lốt có tinh dầu.

2. Công dụng và liều dùng

Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, lá lốt là một vị thuốc còn được dùng trong phạm vi nhân dân.

Trong nhân dân dùng lá lốt làm gia vị hay làm thuốc sắc uống chữa đau xương, thấp khớp, tê thấp, đổ mồ hôi tay, chân, bệnh đi ngoài lỏng.

Lá lốt hương vị thơm đặc trưng, là nguyên liệu không thể thiếu của nhiều món ăn dân dã mà hấp dẫn như bò cuốn lá lốt, chả ốc lá lốt, lẩu ếch, ốc nấu chuối... Ngoài ra, lá lốt còn được dùng ăn sống trong nhiều món ăn ngon hoặc thái nhỏ chiên với dầu, mỡ ăn kèm với các món ăn có vị tanh như lươn, ếch, ốc…

Theo Đông y, lá lốt vị cay thơm, tính ấm; vào tỳ vị. Tác dụng ôn trung (làm ấm bụng), tán hàn (trừ lạnh), hạ khí (đưa khí đi xuống) và chỉ thống (giảm đau)… Dùng cho người bị đau bụng lạnh gây nôn thổ, tiêu chảy, hội chứng lỵ trên cơ địa hư hàn; đau đầu, đau răng, chán ăn, đầy bụng

Ngày dùng 5-10g lá phơi khô hay 15-30g lá tươi. Sắc với nước chia 2-3 lần uống trong ngày. Uống khi thuốc còn ấm.

Người ta còn dùng dạng thuốc sắc rồi cho ngâm chân hoặc tay hay đổ mồ hôi, ngâm đến khi nguội thì thôi.

Lá lốt chữa đau xương, thấp khớp - Ảnh 2.

Chả lá lốt - món ăn ngon, hấp dẫn của người Việt.

Đơn thuốc có lá lốt

Chữa chân tay đau nhức: Lá lốt, rễ bưởi bung, rễ cây vòi voi, rễ cỏ xước, tất cả đều dùng tươi thái mỏng sao vàng, mỗi vị đều nhau 15g khô, sắc với 600ml nước. Cô còn 200ml. Chia 3 lần uống trong ngày.

Theo TS. bác sĩ Y học cổ truyền Nguyễn Đức Quang, lá lốt được dùng làm thuốc chữa bệnh như sau:

Chữa phong thấp, đau nhức xương: Rễ lá lốt 12g, dây chìa vôi 12g, cỏ xước 12g, hoàng lực 12g, độc lực 12g, đơn gối hạc 12g, hạt xích hoa xà 12g. Sắc uống ngày 1 thang. Chia 2-3 lần, uống khi thuốc còn ấm.

Chữa phù thũng: Lá lốt 12g, rễ cà gai leo 12g, rễ mỏ quạ 12g, rễ gai tầm xoọng 12g, lá đa lông 12g, mã đề 12g. Sắc uống ngày 1 thang. Chia 2-3 lần, uống khi thuốc còn ấm.

Giải độc, chữa say nấm, rắn cắn: Lá lốt 50g, lá đậu ván trắng 50g, lá khế 50g. Tất cả rửa sạch, giã nát thêm ít nước, ép gạn lấy nước cho uống. Chia 2-3 lần, uống khi thuốc còn ấm.

Món ăn - bài thuốc có lá lốt

Đầu, chân dê hầm lá lốt:

Đầu dê 1 cái, chân dê 4 cái, lá lốt 30g, gừng tươi 30g, hạt tiêu 10g, hành trắng 50g, đậu xị lượng tùy ý, bột gia vị.

Đầu và chân dê làm sạch, cho vào nồi, đổ nước nấu luộc chín, cho lá lốt, gừng tươi, hạt tiêu, hành trắng, đậu xị, bột gia vị, tiếp tục nấu nhỏ lửa cho chín nhừ, chia ăn nhiều lần trong ngày.

Món này rất tốt cho bệnh nhân có bệnh mạn tính, cơ thể suy nhược, tỳ vị hư hàn (đau quặn bụng, ăn kém, chậm tiêu, đại tiện lỏng).

Sữa bò sắc lá lốt:

Sữa bò 200ml, lá lốt tươi 30g, thái nhỏ, cùng cho vào nấu sắc, uống khi đói. Dùng tốt cho người bị đầy trướng, bụng tăng sinh hơi, trung tiện nhiều trong ngày.

Cháo lá lốt:

Gạo tẻ 100g, hành tươi 1 nắm, cành nụ lá lốt khô 30g, hồ tiêu 30g, quế 12g.

Lá lốt khô, hồ tiêu, quế tán mịn, mỗi lần dùng 9g. Đầu tiên nấu nước hành tươi, gạn lấy nước bỏ bã để riêng. Cho tiếp gạo tẻ vo sạch vào nồi, đổ nước vừa đủ nấu cháo, cháo chín cho bột thuốc vào khuấy đều, ăn khi đói.

Dùng tốt cho người bị đầy bụng không tiêu, chán ăn có liên quan với hư hàn, hàn thấp.

Kiêng kỵ: Người âm hư hỏa vượng và thực nhiệt không nên dùng nhiều.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Cách nào để giảm cân không cần cardio?

Hải Long
Ý kiến của bạn