Phát biểu với báo giới, ông Robert Bell đặc phái viên của Mỹ tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương ( NATO) cho biết, việc Mỹ khởi động hệ thống phòng thủ lá chắn tên lửa tại châu Âu là nhằm tăng cường khả năng phòng thủ, bảo vệ các nước đồng minh NATO ở châu Âu trước mối đe dọa tên lửa đạn đạo của Iran. Ông Bell khẳng định, hệ thống phòng thủ này không có năng lực chống lai Nga.
Hôm qua (12/5), tại căn cứ không quân Deveselu xa xôi ở Romania, Hoa Kỳ và các quan chức cấp cao NATO tuyên bố khởi động hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo có khả năng bắn hạ tên lửa từ cái gọi là quốc gia hiếu chiến mà Washington cho rằng một ngày nào đó có thể phóng tới châu Âu. “Iran tiếp tục phát triển, thử nghiệm và triển khai đầy đủ các khả năng tên lửa đạn đạo và những khả năng đang gia tăng hệ thống tên lửa mới với độ chính xác cao" Frank Rose, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách về kiểm soát vũ khí nói.
"Hệ thống của Iran có thể tiếp cận vào các quốc gia châu Âu, trong đó có Romania," ông Rose nói trước khi cùng Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cắt băng khánh thành hệ thống tên lửa mới.
Hệ thống phòng thủ tên lửa mới của Mỹ và NATO
Hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo của Mỹ được đặt tại thị trấn Deveselu miền Nam Romania bao gồm một ra-đa cảm biến mạnh, các thiết bị đánh chặn tên lửa, thiết bị liên lạc. Hệ thống này có khả năng phát hiện và tiêu diệt một tên lửa bắn vào không gian. Ngoài ra, hệ thống này còn có khả năng bảo vệ lãnh thổ Romania trước các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm ngắn và tầm trung. Tên lửa đánh chặn có thể được phóng từ các tàu ở Địa Trung Hải hoặc các cơ sở trên mặt đất.
Giới chức quân sự Mỹ cho biết, Mỹ sẽ sớm thiết lập một hệ thống lá chắn tên lửa thứ hai tại Ba Lan, đồng thời tuyên bố đến năm 2018, hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của nước này sẽ bao phủ toàn châu Âu.
Tuy nhiên, Nga đã bày tỏ sự tức giận khi Mỹ và đồng minh triển khai hệ thống tên lửa mới. Moscow cho biết liên minh do Mỹ dẫn đầu đang cố gắng để bao vây Nga từ những vị trí gần với Biển Đen-điểm yếu chiến lược quan trọng, nơi hải quân Nga đang đóng quân và là nơi NATO đang gia tăng tần suất kiểm soát.
Bộ Ngoại giao hôm 11/5 cho rằng, việc Mỹ khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Romania|, sát biên giới Nga là vi phạm Hiệp ước thủ tiêu các tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF). Bộ Ngoại giao Nga cũng cho rằng, động thái này của Mỹ là sai lầm và đe dọa trực tiếp nước Nga. Theo đó, buộc Nga phải áp dụng các biện pháp đáp trả để ngăn chặn mối đe dọa này.
Đáp lại động thái của NATO, Nga đang củng cố lại hệ thống an ninh của mình với ba sư đoàn mới.Điện Kremlin cho biết mục đích của lá chắn tên lửa mới là để cung cấp căn cứ địa cho Mỹ tấn công Nga trong trường hợp có chiến tranh. Song Washington phủ nhận yếu tố trên.
"Chúng tôi không can thiệp vào bất cứ điều gì mà có thể coi là có khả năng gây bất ổn," Douglas Lute, đặc phái viên của Mỹ tại NATO cho biết.Tuy nhiên, ông Lute nói NATO sẽ tiếp tục đẩy mạnh khả năng hiện đại hóa quân sự của NATO kể từ thời Chiến tranh Lạnh. "Chúng tôi đang triển khai vũ khí an ninh trên biển, trên mặt đất để ngăn chặn bất kỳ kẻ xâm lược," ông Lute nói.
Với chi phí hàng tỷ USD chiếc ô phòng thủ tên lửa này sẽ dễ dàng phát hiện một vụ phóng tên lửa đạn đạo vào không gian. Tiếp đó phá hủy nó trong không gian trước khi các tên lửa có thể nhắm trúng mục tiêu.
Chính quyền Moscow cảnh báo sẽ đáp trả bằng khả năng quân sự tương ứng. Tuần trước, Đại sứ Nga tại NATO Alexander Grushko cảnh báo, hệ thống phòng thủ tên lửa lá chắn của Mỹ tai Đông Âu sẽ gây ra một mối đe dọa cho toàn khu vực. Nga cũng đã nhiều lần cảnh báo các quốc gia như Romania, Thụy Điển, Ba Lan... nếu các nước này tham gia dự án lá chắn tên lửa của NATO../.