Hà Nội

KymViet - gia đình của những người khuyết tật

12-10-2023 11:02 | Nhịp cầu Nhân ái
google news

SKĐS - “Chúng ta là những người khuyết tật nhưng chúng ta không tạo ra những sản phẩm khuyết tật” – đó là Slogan của KymViet, một doanh nghiệp ra đời không phải với mong muốn kiếm tiền, làm giàu, mà mong muốn được làm điều gì đó cho cộng đồng người khuyết tật.

Mong muốn được làm điều gì đó cho cộng đồng người khuyết tật

KymViet được thành lập vào cuối tháng 12/2013, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đồ thủ công được làm chủ yếu từ vải: Các sản phẩm decor, quà tặng lưu niệm, sản phẩm ứng dụng...

Anh Phạm Việt Hoài, một trong những nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT công ty KymViet cho biết: "Chính bản thân tôi là một người khuyết tật cho nên tôi rất thấu hiểu khó khăn về cuộc sống của người khuyết tật. Các bạn cũng mong muốn tìm được một công việc phù hợp với khả năng và môi trường làm việc tốt để có một cuộc sống ổn định, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đó là lý do tôi quyết định mở lên không gian KymViet này. Kym Việt ra đời, không phải với mong muốn kiếm tiền, làm giàu, mà mong muốn được làm điều gì đó cho cộng đồng người khuyết tật".

Anh Hoài lý giải nguồn gốc tên KymViet: "Kym" trong từ "kim khâu", "Việt" trong tên Tổ quốc – Việt Nam. KymViet là một cái tên bình dị mang trong mình những khát khao bình dị, không mang nhiều tầng ý nghĩa hoa mỹ, chỉ đơn giản là ước vọng đem niềm tự hào về sản phẩm thủ công Việt vươn mình từ một cộng đồng nhỏ vươn ra thế giới. Cho dù có muôn vàn khó khăn nhưng sự nỗ lực, quyết tâm từ những người luôn nêu cao tinh thần tự lực, tự cường của con người Việt Nam.

KymViet: Gia đình của những người khuyết tật - Ảnh 1.

Những người làm việc tại KymViet đều là những người khuyết tật.

KymViet có sự đặc biệt khi những người làm việc ở đây là người khuyết tật. Nhưng tại đây, mọi người luôn muốn bình đẳng và được đối xử như những người bình thường khác. Họ luôn nhận thức rằng mình là một người lao động có thể tạo ra giá trị nên sẽ không có câu chuyện nâng đỡ hay hạ thấp tiêu chuẩn đánh giá cho bất cứ cá nhân nào.

Trong xưởng sản xuất có 30 công nhân nhưng chủ yếu là nữ. Nếu chỉ nhìn cách họ làm việc thì không ai biết đây là những người khuyết tật hay có vấn đề về sức khỏe. Đôi tay họ thoăn thoắt trên từng chi tiết để ráp lại thành những sản phẩm hoàn hảo và độc đáo. Mọi giao tiếp công việc trong xưởng đều diễn ra bằng thủ ngữ, những kí hiệu dành riêng cho cộng đồng người câm, điếc.

Tiếng máy may, tiếng kéo cắt, là những tiếng động duy nhất trong phân xưởng này, bởi toàn bộ công nhân nơi đây đều không thể nghe thấy, không thể nói được. Thứ giao tiếp của họ là qua những ký hiệu ngôn ngữ. Có một điều đặc biệt là những người khuyết tật làm việc ở đây không thích mọi người dùng từ 'khiếm thính'. Họ nói rằng, phải luôn yêu bản thân mình, yêu những khiếm khuyết của chính mình và luôn cố gắng để lan tỏa những giá trị lao động tốt đẹp nhất, dù cho mình có kém may mắn hơn nhiều người khác đi chăng nữa.

KymViet: Gia đình của những người khuyết tật - Ảnh 2.

Anh Phạm Việt Hoài trò chuyện với người lao động qua ngôn ngữ ký hiệu

Đi lên từ khó khăn

Anh Hoài chia sẻ, KymViet xác định mục tiêu ban đầu là chinh phục khách hàng bằng những sản phẩm giá trị. Ngoài mẫu mã đẹp, chất lượng hoàn thiện cao, mỗi sản phẩm của KymViet đều mang một thông điệp nhân văn, ý nghĩa để truyền tải đến cộng đồng. Tuy nhiên để thực hiện được mục tiêu này cũng phải điều dễ dàng.

Từ những ngày đầu thành lập, KymViet đã gặp không ít khó khăn và thách thức để có thể đưa sản phẩm ra thị trường và đến gần hơn với khách hàng. Khi đã là doanh nghiệp thì các vấn đề về vốn, cơ sở vật chất, nhân lực… đều là những khó khăn muôn thuở của doanh nghiệp.

Thời kỳ đầu, các sản phẩm của KymViet chưa có độ nhận diện cao, còn ít người biết đến, chủ yếu chỉ xuất hiện trong một số hội chợ. Anh Hoài kể, khi đi giới thiệu các sản phẩm, nhiều người vốn từ nghi ngại, không biết người khuyết tật câm, điếc, thậm chí thiểu năng trí tuệ thì sẽ làm việc như thế nào?

KymViet: Gia đình của những người khuyết tật - Ảnh 3.

Đối với những người khuyết tật, KymViet giống như gia đình của họ.

Trong hai năm đầu tiên, các sản phẩm được KymViet làm ra nhiều nhưng không bán được, doanh số cả năm 2015 chỉ ở mức 200 triệu đồng. Vì vậy, các nhà sáng lập phải thay phiên nhau mang sản phẩm đến các hội chợ để bán.

Anh Hoài chia sẻ: "Tất cả mọi thứ cho dù có khó khăn đến mấy thì chúng ta cũng phải tìm được những lối thoát. Như thời điểm dịch COVID-19, KymViet cũng không thoát được vòng xoáy của dịch bệnh. Doanh nghiệp lớn họ còn gặp khó khăn chứ nói gì doanh nghiệp nhỏ. Nhưng bất cứ vấn đề gì xảy ra chúng ta cũng cần phải bình tĩnh và tìm ra cách để vượt qua nó. Đấy mới là cái quan trọng".

"Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc từ bỏ hay nản chí. Có những điều khiến cho những khó khăn đó không trở nên quá đáng sợ. Đó là sự đoàn kết, nhất trí đồng lòng trong một tập thể. Điều đó rất quan trọng. Những người lãnh đạo của KymViet đều cùng tầm nhìn, chí hướng với tôi, các bạn công nhân khuyết tật đều coi doanh nghiệp là gia đình. Vì những điều đó tôi nghĩ rằng KymViet có thể tồn tại được đến bây giờ và vượt qua đại dịch" – Anh Hoài tâm sự.

KymViet: Gia đình của những người khuyết tật - Ảnh 4.

KymViet đã tạo công ăn việc làm ổn định cho người khuyết tật.

Văn hóa của Việt Nam được làm từ những người khuyết tật Việt Nam

KymViet có rất nhiều sản phẩm mang tính văn hóa của Việt Nam. Sao la là một trong những sản phẩm như thế. Sao la là một linh vật được KymViet tạo ra nhằm hưởng ứng kỳ Seagame 31 được tổ chức tại Việt Nam. Sao la được gọi là "kỳ lân Châu Á" và cũng là con vật được phát hiện đầu tiên cũng như duy nhất tại Việt Nam.

Những chú Sao la do KymViet tạo ra đã và đang được bày bán trên thị trường và nhận được sự đón nhận tích cực từ du khách quốc tế cũng như khách hàng trong nước. Tuy không phải linh vật chính thức nhưng đây là một sản phẩm đồng hành, được Ban tổ chức SEA Games 31 cấp phép sản xuất với độc quyền thiết kế về mẫu.

Anh Hoài chia sẻ: "Chúng tôi cũng có rất nhiều sản phẩm khác như chú trâu mục đồng. Đó là một nét văn hóa thể hiện nền văn minh lúa nước của Việt Nam. Hình ảnh về một làng quê yên bình của Việt Nam, nó đã đi vào thi ca, vào sách, đó cũng là một biểu tượng của Việt Nam. Dó là những nét văn hóa của Việt Nam, được làm từ những người khuyết tật của Việt Nam, nó mang trong mình cả những nghị lực của người Việt Nam thì bạn bè quốc tế cũng rất yêu thích những sản phẩm đó. Đấy là điều tự hào của KymViet".

KymViet: Gia đình của những người khuyết tật - Ảnh 5.

Công nương KiKo cầm trên tay món quà con rồng chụp ảnh cùng người lao động tại KymViet

Mới đây vào ngày 23/9/203, KymViet đã được đón tiếp Công nương Nhật Bản KiKo trong chuyến thăm tại Việt Nam. Tại buổi gặp, anh Hoài đã tặng Công nương KiKo sản phẩm con rồng Việt Nam. Anh cho biết, Công nương rất thích sản phẩm đó và gửi lời cảm ơn. Công nương cũng rất gần gũi với người khuyết tật tại công ty. Anh Hoài cho rằng đây là biểu tượng gắn kết văn hóa không chỉ là một doanh nghiệp mà nó là hai nền văn hóa của hai đất nước.

Đến nay, sản phẩm của KymViet được rất nhiều giải thưởng, bằng khen và đó chính là sự ghi nhận từ các cấp chính quyền và cộng đồng xã hội. Anh Hoài chia sẻ, sự nhìn nhận của cộng đồng và các cơ quan ban ngành chính là thành công nhất của KymViet.

Trong tương lai KymViet sẽ phát triển từng bước nhỏ nhưng vững chắc. Anh Hoài cũng mong muốn mô hình của KymViet sẽ không chỉ dừng lại ở Hà Nội mà có thể sẽ ở các thành phố lớn để giúp cho người khuyết tật tại địa phương đó họ có công ăn việc làm và cuộc sống ổn định.

Chàng trai không tay, không chân miệt mài lan tỏa lòng nhân áiChàng trai không tay, không chân miệt mài lan tỏa lòng nhân ái

SKĐS - Cất tiếng khóc trào đời, Nay Djruêng đã bị khuyết tật, không có hai bàn tay và đôi chân, nhưng bằng nghị lực phi thường, Djruêng vươn lên và không ngừng nghỉ lan tỏa lòng nhân ái trong cộng đồng...


Đức Duy - Thảo Ngân
Ý kiến của bạn