Từ những bước chập chững, nhạc điện tử (Electronic music) đã bắt đầu có được tiếng nói trong làng nhạc Việt. Đây cũng là xu hướng âm nhạc được đánh giá là sẽ có những bước tiến bất ngờ trong thời gian tới.
Dòng chảy của âm nhạc đương đại
Việc Liên hoan Âm thanh Hà Nội lần 6 - sự kiện âm nhạc điện tử lớn nhất trong năm tại Việt Nam được tổ chức giữa tháng 4 vừa rồi thu hút một số lượng lớn công chúng theo dõi đã khẳng định vị trí của nhạc điện tử (Electronic music) trong đời sống âm nhạc của Việt Nam. Từ một thể loại manh nha ở Âu Mỹ, với sự cổ súy của những diva hàng đầu như Madona, U2, nhạc điện tử đã thâm nhập vào Việt Nam, từ những bước bỡ ngỡ, có được tiếng nói riêng, được nhiều ca sĩ tên tuổi lựa chọn để nâng cao giọng hát của mình.
Khá nhiều những cái tên nổi trội hiện nay của làng nhạc Việt, về phía người sáng tác có Võ Thiện Thanh, Nguyễn Xinh Xô, Quốc Bảo, những DJ tài năng như Trí Minh, Hoàng Anh, Phát P, SlimV, DJ Kruise đến những người biểu diễn có nghề như Hồng Nhung, Trần Thu Hà, Thu Minh, Tùng Dương đã có những thành công nhất định khi theo đuổi nhạc điện tử. Nhạc sĩ, DJ tìm thấy sự hứng thú, cảm hứng khi hòa vào sắc màu ánh sáng và bị kích thích bởi nhạc điện tử còn ca sĩ, họ hưng phấn, thỏa sức tung tẩy trên nền nhạc hiện đại của phương Tây, bung tỏa và cống hiến hết mình trên sân khấu.
![]() DJ Trí Minh - người có công đưa nhạc điện tử tới gần hơn với công chúng Việt Nam. |
Bản thân nhạc điện tử ngay từ khi mới ra đời đã được đánh giá là chiếc cầu bắc qua nhiều nền âm nhạc khác nhau. Ở đó, tính tương thích của ca sĩ và nhạc đệm được thể hiện khá rõ ràng. Tuy nhiên, ở một quốc gia mà công chúng vốn ưa sự nhẹ nhàng, cẩn trọng và tự nhiên như Việt Nam, nhạc điện tử đã gặp một số rào cản khi bị đánh giá là công nghiệp, khó đi vào lòng người. Điều đó cũng dễ hiểu khi khán giả của nhạc điện tử hiện nay chủ yếu là giới trẻ, vốn hòa đồng và ưa thích các tiết tấu âm thanh mới lạ.
Một thị trường âm nhạc điện tử
Một điều dễ nhận thấy là hầu hết những người làm nhạc điện tử hiện tại của Việt Nam đều tự phát, tự tìm tòi và thử nghiệm. Họ tự tìm kiếm những bản nhạc đã được phối trước đó, phối lại trên nền nhạc điện tử và ra mắt khán giả. Cũng một điều dễ nhận thấy nữa là rất ít người làm nghề có khả năng hiện nay dám đi đường dài với nhạc điện tử. Trừ một số cái tên kể trên, các ngôi sao đang lên của làng nhạc vẫn chủ yếu chọn con đường phẳng lặng, truyền thống để phát triển. Cũng có một số ca sĩ thị trường nhái nhạc điện tử hòng khuếch trương tên tuổi nhưng lại gây phản tác dụng. Sản phẩm âm nhạc của họ trở nên méo mó, ồn ào và khó hiểu.
Trên thế giới hiện nay có nhiều quốc gia tổ chức lễ hội âm nhạc điện tử hàng năm thu hút sự cuồng nhiệt của lượng tín đồ khổng lồ như kaZantip (Ukraina), Boom Festival (Bồ Đào Nha), LovEvolution, Electric Daisy Carnival, (Mỹ), Sensation (Hà Lan). Nhiều nghệ sĩ nhạc điện tử nổi tiếng cũng đã đi lên từ những lễ hội hoành tráng này như Paul Van Dyk, Markus Schulz, Alex Morph, Ferry Corsten, Carl Cox, Moby, John Digweed... Trái lại, bức tranh âm nhạc điện tử Việt Nam hiện tại lại chưa có những mảng màu phụ trợ lý tưởng.
Tuy nhiên, chúng ta cũng có quyền hy vọng khi một số cái tên được hy vọng hiện nay như Phạm Thu Hà, gương mặt mới đi theo hướng âm nhạc cổ điển giao thoa với nhạc điện tử vừa nhận giải Album của năm tại Cống hiến 2013, Tùng Dương thể nghiệm phong cách âm nhạc điện tử trên nền nhạc giao hưởng với album Li ti (2010) và mới đây cũng thắng lớn tại giải Cống hiến với ca khúc Chiếc khăn piêu được phối lại một cách tươi mới theo phong cách Jazz và dàn nhạc điện tử. Một cái tên khá mới mẻ từng gây ấn tượng tại chương trình The Voice là Trúc Nhân cũng đang thể nghiệm khá hiệu quả với nhạc điện tử. Thị trường âm nhạc cũng bắt đầu ghi nhận một số nhà sản xuất, các nhạc sĩ, các nhà hòa âm phối khí rất trẻ và sở trường của họ chính là dựa trên nền tảng là nhạc điện tử.
Từ con số ít ỏi, 800 người với 75% là người nước ngoài tham dự trong lần tổ chức đầu tiên, Liên hoan Âm thanh Hà Nội lần thứ 5 đã nhận được sự hưởng ứng của 4.500 khán giả, 80% trong đó là các bạn trẻ Việt Nam. Trong lần tổ chức thứ 6, liên hoàn còn đẩy mạnh chuỗi hoạt động ngoài lề như tổ chức một số buổi hội thảo, các khóa đào tạo ngắn ngày dành cho các nhạc sĩ và sinh viên âm nhạc cũng như các bạn trẻ quan tâm đến nhạc điện tử. Đó thực sự là một kết quả đáng khích lệ. Và đẩy mạnh sự phát triển của nhạc điện tử ở Việt Nam là một động thái đưa công chúng trong nước tiếp cận gần hơn với xu hướng âm nhạc toàn cầu.
Đường Sơn