Hướng đến những ngày kỷ niệm lớn của nước ta trong hai năm 2009 - 2010, với mong muốn tìm lại và lưu giữ được thật nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể từ các cuộc kháng chiến cứu nước, vừa qua, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đã phát động cuộc vận động sưu tầm những kỷ vật kháng chiến còn đang được lưu giữ trong nhân dân.
Những kỷ vật biết nói
Đó là những kỷ vật gắn liền với sự hy sinh vô giá của hàng chục ngàn liệt sĩ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Những kỷ vật ấy giờ đây đã trở thành giá trị thiêng liêng đối với mọi người Việt Nam tham gia chiến tranh, đặc biệt là các cựu chiến binh, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, bạn bè quốc tế. Thậm chí đó còn là những kỷ vật duy nhất mà người thân của các liệt sĩ còn giữ lại được cho mình về người đã khuất. Nhưng trước ý nghĩa rộng lớn và sâu sắc của cuộc vận động, ngay sau khi thông tin về cuộc phát động lan xa, nhiều người đã tự tay mang đến bảo tàng những hiện vật mình còn cất giữ. Những kỷ vật này chỉ giản dị là những đồ dùng sinh hoạt, những vũ khí trong chiến đấu và lao động, tuy rất đời thường nhưng phản ánh tinh thần dũng cảm hy sinh, khả năng chịu đựng bền bỉ, sự hiểu biết và sức sáng tạo phi thường của con người Việt Nam trong chiến tranh. Hơn thế, đằng sau mỗi kỷ vật là những cuộc đời con người trong chiến tranh, là những sự kiện lịch sử của dân tộc... Đó là chiếc kẹp tóc và câu chuyện cảm động về nữ Anh hùng - liệt sĩ Lê Thị Riêng mà nay tên của chị đã thành tên đường, tên phố, tên công viên văn hóa ở nhiều nơi trên đất nước ta. Đó là tờ giấy phép gắn với câu chuyện tình đầy yêu thương của đôi vợ chồng tình báo Lê Văn Trọng (tên hoạt động tình báo ở Đà Nẵng là Lê Hiền) và Trà Thị Tâm (tên hoạt động tình báo ở nội thành Đà Nẵng là Thanh Tâm) hay bệnh án của liệt sĩ Phan Sĩ Yêng... Cũng có khi, những hiện vật mang đến là những thứ đã từng rất riêng tư của người hy sinh, nay lại trở thành tài sản chung của dân tộc như những dòng lưu bút, nhật ký của Anh hùng liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm. Đặc biệt, có rất nhiều hiện vật được mang đến là những bệnh án, hộp cứu thương, những khăn, áo mà các chiến sĩ từng dùng băng bó cho đồng đội...
... Kể chuyện xưa và nay
Những câu chuyện, những lá thư, những mối tình... đã từng rất riêng ấy, nay cùng xuất hiện tại bảo tàng trong cuộc vận động này, trở thành tài sản vô giá của lịch sử, của quốc gia lại kể tiếp những câu chuyện của mình với lớp người hiện nay. Không chỉ góp phần lưu giữ những giá trị của một thời kỳ hào hùng, chính những hiện vật biết nói ấy, với câu chuyện về nó có sức giáo dục lớn lao với lớp trẻ bây giờ về lòng yêu nước, sự hy sinh về tình đồng chí, tình quân dân và cả tình yêu thủy chung son sắt.
Theo Thiếu tướng Lê Mã Lương (Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam): Cuộc vận động nhằm sưu tầm từ 15.000 - 20.000 hiện vật gốc. Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam sẽ có nhiệm vụ hướng dẫn việc sưu tầm, ghi chép, lập hồ sơ khoa học, tiếp nhận, bảo quản những kỷ vật kháng chiến sưu tầm từ cuộc vận động; tổ chức nghiên cứu, thẩm định, phân loại, tập hợp thành các bộ sưu tập theo chủ đề khác nhau. Bảo tàng sẽ phối hợp với các bảo tàng khác trong quân đội và một số bảo tàng quốc gia, bảo tàng địa phương, tổ chức triển lãm lưu động tại một số địa phương, đơn vị, giới thiệu những kỷ vật kháng chiến độc đáo và quý hiếm sưu tầm từ cuộc vận động, phục vụ tuyên truyền tại chính các địa phương, đơn vị có số lượng lớn kỷ vật đóng góp. Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam sẽ tổ chức một cuộc trưng bày lớn tại Hà Nội giới thiệu "Những kỷ vật kháng chiến". Ngoài ra, bảo tàng còn đề xuất với cấp trên chọn lọc những kỷ vật đó, biên soạn, xuất bản hoặc đưa đi trưng bày ở nước ngoài. Để phát huy hiệu quả xã hội của cuộc vận động, ban tổ chức xây dựng chuyên trang thông tin điện tử về những kỷ vật kháng chiến: (www.kyvatkhangchien.vn) và cùng với trang tin điện tử www.btlsqsvn.org.vn công khai nội dung và hình ảnh của các kỷ vật đã tiếp nhận và địa chỉ của người sưu tầm. Đây là một trang thông tin điện tử để tôn vinh truyền thống văn hóa và tinh thần yêu nước của dân tộc.
Cuộc vận động thành công sẽ giúp cho việc mở rộng quy mô giới thiệu hình ảnh và con người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc đồng thời, một lần nữa giúp bạn bè quốc tế hiểu biết thêm về bản sắc văn hóa của đất nước và con người Việt Nam.
Hà Dương