Non sông liền một dải, những mơ ước thầm kín trở nên hiển hiện, những bài hát ngày xưa mỗi bên chỉ nghe thầm, hát thầm, nhớ nhung và tưởng tượng ra tác giả của nó thì sau đó đã vang lên trên môi người, trên quảng trường, sân khấu lớn, trong từng nhà và trong trái tim yêu âm nhạc của họ. Tâm hồn Việt đồng điệu cùng các tác phẩm có giá trị của người Việt là thế, dù là ở ranh giới và thời điểm nào.
Ca sĩ Quang Thọ. |
Miền Nam
Trước 30/4/1975, ngoài dân ca Nam bộ, công chúng yêu nhạc miền Nam thường biết đến những tên tuổi như: Thẩm Oánh, Đức Quỳnh, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên, Phạm Duy, Y Vân, Trần Thiện Thanh, Lam Phương, Trúc Phương, Hoàng Thi Thơ, Anh Bằng và Trịnh Công Sơn… Nhớ tên nhạc sĩ có khi không bằng nhớ tên ca sĩ, những người hồi đó nổi tiếng như: Thái Thanh, Thái Hằng, Thanh Tuyền, Thanh Thúy, Hoài Trung, Khánh Ngọc, Mai Hương và “tứ trụ nhạc vàng”: Nhật Trường, Hùng Cường, Chế Linh, Duy Khánh… Người Nam lúc đó cũng thích nghe những bài hát tiền chiến của các nhạc sĩ miền Bắc như: Thiên thai, Buồn tàn thu, Đàn chim Việt (của Văn Cao), Vàng phai mấy lá, Gửi gió cho mây ngàn bay, Gửi người em gái miền Nam, Tà áo xanh (Đoàn Chuẩn), Mơ hoa, Ngày về (Hoàng Giác), Tạ từ, Em đến thăm anh một chiều mưa (Tô Vũ), Dư âm (Nguyễn Văn Tý), Đêm đông (Nguyễn Văn Thương), Giọt mưa thu (Đặng Thế Phong)…
Không ít người nói miền Nam là xứ sở của những bản tình ca mềm mại, đa sầu (nên có tên gọi là nhạc vàng), người sáng tác cũng như người thưởng thức đa số đều chuộng những bài hát khiến cho trái tim rung động theo chiều hướng “sến”, âm nhạc và ca từ gợi lên tình cảm da diết, gần gũi đời thường. Trong số đó có thể nhắc tới những ca khúc: Chiều mưa biên giới, Em hiền như ma- sơ, Đường xa ướt mưa, Mười năm tái ngộ, Con đường xưa em đi, Bây giờ tháng mấy, Tình thư của lính, Lệ đá, Rừng lá thấp, Giờ này anh ở đâu, Đưa em vào hạ, Tâm sự người lính trẻ, Ai nói yêu em đêm nay, Nàng tiên của lính, Nửa đêm ngoài phố, Một chuyến bay đêm… Nhưng có thể nói, những năm 70, nhạc của Trịnh Công Sơn đã gần như được lựa chọn nhiều nhất với “những ca khúc da vàng”. Hầu hết các tụ điểm ca nhạc, phòng trà và trong nhiều gia đình đều lựa chọn những bài hát Ướt mi, Diễm xưa, Biển nhớ, Hát cho một người nằm xuống, Tuổi đá buồn, Ru em từng ngón xuân nồng… Song, ngoài những nhạc phẩm ấy ra, một số người yêu nhạc ở miền Nam cũng đã biết đến một số ít những bài hát cách mạng (gọi là nhạc đỏ) của miền Bắc qua sự thẩm thấu từ vùng giải phóng, từ buổi phát thanh đêm khuya phát đi từ Hà Nội.
Ngày 30/4, trên đài Phát thanh Giải phóng, bài Tiến về Sài Gòn của Lưu Hữu Phước và Nối vòng tay lớn của Trịnh Công Sơn đã vang lên cũng như bài Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng của Phạm Tuyên vào ngày hôm sau, mở đầu cho một tiếp nhận chính thức, vừa tự nhiên vừa áp đặt của hệ thống tuyên truyền. Rồi đến những Bài ca hy vọng (Văn Ký), Hà Nội niềm tin và hy vọng (Phan Nhân), Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh (Xuân Hồng), Đất nước trọn niềm vui (Hoàng Hà), Việt Nam ơi, mùa xuân đến rồi (Huy Du)..., sự lan toả này cứ rộng khắp vào năm 1975. Trong thời gian đó, Dàn nhạc Giao hưởng và nhạc kịch Người tạc tượng của Đỗ Nhuận ở Sài Gòn cũng như sự xuất hiện của nhạc sĩ, chỉ huy dàn nhạc Trọng Bằng dường như là chất xúc tác mạnh mẽ, làm ảnh hưởng hơn đến sự tiếp nhận kể trên.
Nếu nói những năm sau giải phóng, đầu tiên sự tiếp nhận âm nhạc phía Bắc của người Nam còn vấn vương áp đặt thì sau những năm 80, sự tiếp nhận đã hoàn toàn tự nhiên. Ngay cả các ca sĩ hát nhạc vàng nổi tiếng một thời, song song những bài quen thuộc cũng hát: Quê hương (Giáp Văn Thạch, thơ Đỗ Trung Quân), Ở hai đầu nỗi nhớ (Phan Huỳnh Điểu), Tình yêu trên dòng sông quan họ, Bài ca không quên (Phạm Minh Tuấn), Cô đi nuôi dạy trẻ (Nguyễn Văn Tý), Tàu anh qua núi (Phan Lạc Hoa), Trị An âm vang mùa xuân (Tôn Thất Lập), Ơi cuộc sống mến thương (Nguyễn Ngọc Thiện), Tự nguyện (Trương Quốc Khánh), Quảng Bình quê ta ơi (Hoàng Vân), Tiếng chày trên sóc Bom Bo (Xuân Hồng),Trên đỉnh Trường Sơn ta hát... với phần thể hiện của các ca sĩ: Lệ Thu, Thanh Tuyền, Hà Thanh, Thái Châu, Thanh Phong, Cẩm Vân, Bảo Yến, Nhã Phương, Ánh Tuyết, Trang Kim Yến... Nhiều đêm diễn với những ca sĩ tên tuổi mang nội dung “ca khúc chính trị” với các ban nhạc trẻ, sôi động rất thu hút khán giả.
Ca sĩ Ánh Tuyết. |
Miền Bắc
Không ai có thể quên, ngay từ sau khi tin đất nước liền một dải, những bài hát kể trên của Trịnh Công Sơn với tiếng hát Khánh Ly đã theo các băng cối AKAI đến từng căn nhà ở miền Bắc. Người ta tạm gác lại những tác phẩm quen thuộc mang nhịp điệu hành khúc, hào hùng để đến với cơn khát, một thời còn nghe âm thầm như: Diễm xưa, Biển nhớ, Tình xa, Lệ đá, Bây giờ tháng mấy, Áo lụa Hà Đông, Rừng lá thấp, Tình thư của lính… Ngay cả những nghệ sĩ một thời bị hạn chế vì hát nhạc vàng (nhạc sến) như Hoàng Lộc (Lộc vàng) cũng được trở lại sân khấu, những bài hát của miền Nam được ưa chuộng cùng với giọng hát của ông. Rồi những năm sau đó, những bài: Về miền Trung của Phạm Duy, Chiếc lá cuối cùng của Tuấn Khanh, Buồn ơi chào mi của Nguyễn Ánh 9... được hát cả trên những sân khấu lớn với sự chào đón của đông đảo khán giả.
Sự nổi trội của các nhóm: Hy vọng (với các nhạc sĩ Lê Hựu Hà, Lý Được, ca sĩ Nhã Phương), nhóm Hương miền Nam (các nhạc sĩ Bảo Chấn, Quốc Dũng, ca sĩ Lan Ngọc, Thái Châu), nhóm của CLB Nhà nghệ thuật quần chúng TP.HCM (nhạc sĩ Vũ Văn Tuyên, các ca sĩ Hoàng Cúc, Lệ Thu), nhóm Bách Việt (sau đổi là Phù sa có ca sĩ Ngọc Yến, sau này có thêm Đình Văn), nhạc sĩ Sĩ Đan, các nhóm Seamen, Đại Dương… với dàn nhạc điện tử đã mang phong cách nhạc trẻ của họ ra Bắc và miền Bắc cũng thấy ở đó những “món ăn” còn thiếu của mình. Khoảng năm 1985 - 1986, những ca khúc sáng tác với mục đích cổ vũ phong trào xây dựng, phát triển đất nước được tiếp nối với nhiều sắc màu đa dạng, nhất là từ khi có sự tham gia của một số nhạc sĩ từ miền Bắc như Thanh Tùng, Trần Tiến, Dương Thụ, Phú Quang...
Ca sĩ Bảo Yến. |
Về mặt khán giả, nếu miền Bắc đã quen với những giọng hát của Tường Vi, Lê Dung, Thanh Hoa, Thu Hiền, Bích Liên, Quốc Hương, Trần Hiếu, Quang Hưng, Quý Dương, Thúy Hà, Vũ Dậu, Quang Huy, Quang Thọ, Ngọc Tân… giờ đây đã đầy bất ngờ khi nghe Thanh Tuyền hát Nổi lửa lên em, song ca với Phương Đại Tiếng chày trên sóc Bom Bo, Lệ Thu với Trên đỉnh Trường Sơn ta hát, Hà Nội niềm tin và hy vọng, Hà Thanh với Cùng anh tiến quân trên đường dài, Quảng Bình quê ta ơi, Câu hò bên bờ Hiền Lương... Không có sự ép buộc nào cả, những bài hát ấy được vang lên một cách sảng khoái, người hát bằng giọng hát trời phú, bằng tình cảm con tim và cách họ cảm nhận về bài hát.
Trần Thị Trường