Người đàn bà được mệnh danh là "NỮ HOÀNG CÀ PHÊ" LÊ HOÀNG DIỆP THẢO cũng chẳng nằm ngoài quy luật của nhân sinh. Thuở hàn vi ấy, muôn bề gian khó, vinh quang đong đầy, để nay, hạnh phúc chia đôi quãng đời, tủi hờn chất chứa, nụ cười chợt tắt, nước mắt lăn dài nhuốm màu đắng cay sau bản án ly hôn. Sau tất cả, với sự yếu mềm bản năng của một người phụ nữ, cũng chẳng ai trách bà nguôi nỗi nhớ và kể lại tỏ tường đến từng dấu mốc về những miền ký ức tươi đẹp mang tên "TRUNG NGUYÊN" 27 năm về trước! 

KÝ ỨC ‘TRUNG NGUYÊN’ TRONG NỖI NHỚ CỦA ‘NỮ HOÀNG CÀ PHÊ’ LÊ HOÀNG DIỆP THẢO - Ảnh 1.

Đường về nhà đã từng rõ lối trong tim. Vật đổi, sao dời, con tạo cứ mãi xoay vần, lòng người cải biến, tổ ấm không còn là đường về nhà - đó là câu chuyện của "Nữ hoàng cà phê" Lê Hoàng Diệp Thảo ngày hôm nay. Nhưng 27 năm về trước, người đàn bà ấy dẫu có một trí tưởng tượng vô cùng phong phú cũng không thể "vẽ" cho cuộc đời mình một kịch bản về những tháng ngày chan chứa nước mắt vẫn phải gồng lên chứng tỏ mình mạnh mẽ để chống chọi với cuộc hôn nhân bên bờ vực tan vỡ, với miệng lưỡi thế gian, sự thêu dệt của dư luận và những trang hồ sơ và phiên tòa ly hôn. Bà nhớ lại: Câu chuyện cuộc đời tôi cũng không còn mới, báo giới cũng "mổ xẻ" hết rồi, tìm kiếm là dễ thấy. Nhưng, cả nghìn lần để kể, trăm năm để nhớ thì nó vẫn mới như ngày hôm qua, đủ mọi dư vị sắc thái để nhớ về quãng thời gian ấy… 

KÝ ỨC ‘TRUNG NGUYÊN’ TRONG NỖI NHỚ CỦA ‘NỮ HOÀNG CÀ PHÊ’ LÊ HOÀNG DIỆP THẢO - Ảnh 2.

Thế kỷ trước, năm 1994, định mệnh đưa tôi và ANH gặp nhau lần đầu tiên. Khi ấy, tôi tròn 21 tuổi và đang làm việc tại Tổng đài 108 - Bưu điện tỉnh Gia Lai.   

Tôi may mắn được sinh ra trong gia đình khá giả ở Pleiku. Những đầu năm 1960, gia đình tôi đã kinh doanh vàng bạc đá quý. Còn anh, một chàng sinh viên nghèo, gia đình sống ở một vùng xa xôi ở huyện M'drak, tỉnh Đắk Lắk. Thời điểm đó, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo của địa phương và được nhận trợ cấp hàng tháng. Ba mẹ và chị gái của anh làm công nhân tại Xí nghiệp gạch 20 ở huyện M'drak.

Đúng 1 năm sau ngày tôi quen anh, năm 1995, tôi đã bàn với anh đưa gia đình lên Buôn Ma Thuột sinh sống để phụng dưỡng ba mẹ và tiện bề xây dựng sự nghiệp. Vào lúc đó, ba mẹ anh đã bán căn nhà đang ở cho ông Cao Xuân Yên - một người dân ở địa phương với giá 70 triệu đồng, trả dần trong 5 năm. Khi đưa ba mẹ anh lên Buôn Ma Thuột, tôi đã đưa tiền cho anh mượn để lo cho gia đình và thuê căn nhà gỗ nhỏ để ba mẹ anh sinh sống.

KÝ ỨC ‘TRUNG NGUYÊN’ TRONG NỖI NHỚ CỦA ‘NỮ HOÀNG CÀ PHÊ’ LÊ HOÀNG DIỆP THẢO - Ảnh 3.

Vạn sự khởi đầu nan, năm 1996, tôi đã hỗ trợ tiền để anh mở cơ sở sản xuất cà phê bột lấy tên là "Hãng café Trung Nguyên" tại tỉnh Đắk Lắk. Tôi còn nhớ như in giấy phép hoạt động của cơ sở này chỉ có giá trị trong 4 tháng, từ tháng 8-1996 đến tháng 12-1996. Chuyện gì diễn ra cũng có nguyên do của nó, sau những chuyến anh sang Gia Lai thăm tôi, tâm sự cùng anh, chúng tôi đều thấy rõ thế mạnh nông nghiệp của vùng đất đỏ Tây Nguyên. Ấp ủ sự nghiệp kinh doanh ngành cà phê, thế mạnh của nông sản Việt Nam và "thai nghén" xây dựng thương hiệu Trung Nguyên từ những ngày đó từ nhem nhóm đến lớn dần trong chúng tôi. Việc khởi sự ban đầu rất khó khăn và gian nan, chúng tôi đã phải cố gắng thương lượng để mua chịu với một số nhà cung cấp để có nguyên liệu sản xuất cà phê và sau đó công việc dần ổn định.

Năm 1997, anh hợp tác với một người bạn và cùng nhau xuống Long Xuyên, An Giang để mở sản xuất cà phê tại đây. Lần hợp tác này đã thất bại và mọi thứ gây dựng sụp đổ hoàn toàn. Sau gần 1 năm ở Long Xuyên, anh đã mất toàn bộ vốn liếng và phải quay trở lại Đắk Lắk. Về việc này, anh đã nhiều lần chia sẻ trong các buổi phỏng vấn, sách báo viết về sự phát triển của Trung Nguyên. Cũng giống như anh, tôi cũng có những ký ức để nhớ về…  

KÝ ỨC ‘TRUNG NGUYÊN’ TRONG NỖI NHỚ CỦA ‘NỮ HOÀNG CÀ PHÊ’ LÊ HOÀNG DIỆP THẢO - Ảnh 4.

KÝ ỨC ‘TRUNG NGUYÊN’ TRONG NỖI NHỚ CỦA ‘NỮ HOÀNG CÀ PHÊ’ LÊ HOÀNG DIỆP THẢO - Ảnh 5.

KÝ ỨC ‘TRUNG NGUYÊN’ TRONG NỖI NHỚ CỦA ‘NỮ HOÀNG CÀ PHÊ’ LÊ HOÀNG DIỆP THẢO - Ảnh 6.

Thời điểm đó, mọi thứ diễn ra rất nhanh, tuần tự từng năm một, mỗi năm là một dấu mốc cuộc đời. Một ngày trong năm 1998, tôi từ bỏ công việc ở Bưu điện tỉnh Gia Lai và quyết định kết hôn với anh. Hậu hôn nhân là cùng nhau xây dựng sự nghiệp và cuộc đời. Từ khi kết hôn, với sự hỗ trợ của gia đình tôi, chúng tôi đã cùng nhau xây dựng sự nghiệp kinh doanh cà phê. Công việc kinh doanh của Trung Nguyên bắt đầu có sự khởi sắc, mọi chiến lược phát triển rõ ràng và ngày càng thịnh vượng. Đó thật sự là những năm tháng vất vả gian nan. Tôi hầu như tất bật với công việc và lo toan cho gia đình. Mang bầu, sinh nở, ở cữ và luôn trong tình trạng chỉ nghỉ sinh 2 ngày là phải quay trở lại với công việc. Yêu các con vô cùng, chúng còn nhỏ và thương anh, tôi lặng lẽ làm việc để cùng anh gánh vác, những năm tháng vất vả đó cũng vượt qua được.   

KÝ ỨC ‘TRUNG NGUYÊN’ TRONG NỖI NHỚ CỦA ‘NỮ HOÀNG CÀ PHÊ’ LÊ HOÀNG DIỆP THẢO - Ảnh 7.

140.500.000 đồng - số vốn nhỏ nhoi, tuy ít ỏi nhưng không thể lãng quên dẫu 22 năm đã qua bởi nó là số tiền đầu tiên để chúng tôi thành lập Hợp tác xã xí nghiệp cà phê Trung Nguyên, có trụ sở tại 268 Nguyễn Tất Thành, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk vào ngày 19-7-1999. Chúng tôi có sự phân chia công việc rất rõ ràng, anh phụ trách đối ngoại, tôi hàng ngày trực tiếp điều hành sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Cũng trong năm này, tôi mang thai đứa con đầu lòng. Guồng quay nuôi con, gánh vác, lo toan công việc khởi sự đầu tiên cứ thế bủa vây. Vất vả thật đấy, nhưng công việc của vợ chồng tôi cũng dần thuận lợi và phát triển nhanh kể từ đó…  

KÝ ỨC ‘TRUNG NGUYÊN’ TRONG NỖI NHỚ CỦA ‘NỮ HOÀNG CÀ PHÊ’ LÊ HOÀNG DIỆP THẢO - Ảnh 8.

Kế hoạch đưa cà phê Trung Nguyên tiến vào TP.HCM được vợ chồng thống nhất, lên kế hoạch vào năm 2000. Chúng tôi cũng chuyển về sinh sống tại chính cửa hàng cà phê Trung Nguyên đầu tiên được mở tại địa chỉ số 587 Nguyễn Kiệm, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Sau 1 năm hoạt động, cơ sở này chính thức trở thành chi nhánh Hợp tác xã xí nghiệp cà phê Trung Nguyên. Với số vốn đăng ký là 250.000.000 đồng, tôi làm Giám đốc, trực tiếp điều hành mọi hoạt động chi nhánh TP.HCM.  

Cũng trong năm này, vợ chồng chúng tôi đã tích lũy để mua căn nhà tại số 268 Nguyễn Tất Thành, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và 6 căn kế bên - đây chính là "tổng hành dinh" của Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên (Đắk Lắk) ngày nay. Thời điểm đó, tôi thấy đó là việc cần ưu tiên hàng đầu để hình thành định hướng phát triển cho tương lai. Sau đó, chúng tôi mua được căn nhà 304/61 Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM và từ đó chuyển về đây sinh sống, thành lập và chuyển trụ sở của văn phòng công ty tại địa chỉ này. 

KÝ ỨC ‘TRUNG NGUYÊN’ TRONG NỖI NHỚ CỦA ‘NỮ HOÀNG CÀ PHÊ’ LÊ HOÀNG DIỆP THẢO - Ảnh 9.

Mọi thứ dường như thuận, cũng với những chuyến công tác đến nhiều quốc gia khác nhau, trao đổi học tập từ các chuyên gia cà phê nuớc ngoài, tôi nhận ra rằng muốn phát triển mạnh ngành cà phê Việt Nam một cách hiệu quả thì phải tìm cách xây nhà máy chế biến cà phê hòa tan để xuất khẩu, không thể chỉ kinh doanh chuỗi quán cà phê hay xuất nguyên liệu thô. Lập tức, vào năm 2002, chúng tôi thành lập mới Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên, thực chất được đổi từ Công ty TNHH Cà Phê Trung Nguyên mà hoàn toàn không có bất kỳ sự kế thừa nào từ Hợp tác xã xí nghiệp cà phê Trung Nguyên trước đây.

Khi khát vọng mang tên cà phê đủ lớn, năm 2003, tôi bỏ ra số tiền gần 16 tỷ đồng mà bây giờ vẫn còn nguyên vẹn giấy chứng nhận, giấy nộp tiền, ủy nhiệm chi… để xây dựng và thành lập mới Công ty Cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên ở tỉnh Bình Dương. Thương hiệu cà phê hòa tan G7 ra đời từ chính công ty này sản xuất, do tôi "thai nghén, đặt tên" và được khách hàng trong và ngoài nuớc yêu chuộng từ đó đến nay. 

KÝ ỨC ‘TRUNG NGUYÊN’ TRONG NỖI NHỚ CỦA ‘NỮ HOÀNG CÀ PHÊ’ LÊ HOÀNG DIỆP THẢO - Ảnh 10.

Dù thời gian đầu kinh doanh vất vả nhưng tôi đã thực sự có những ngày tháng hạnh phúc. Cũng trong năm này, tôi mang thai đứa con thứ hai. Cũng như đứa đầu, sau 2 ngày nghỉ sinh, tôi trở lại với dự án cà phê hòa tan, phụ trách việc xây dựng 2 nhà máy sản xuất cà phê ở TP Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk và TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Năm 2006, tôi và anh cùng nhau thảo luận và thống nhất để phát triển Trung Nguyên thành một tập đoàn lớn mạnh hơn thì cần phải xây dựng một mô hình các công ty. Thế là Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên, gọi tắt là "TNG" được thành lập mới. Tại thời điểm đăng ký kinh doanh, theo quy định thành lập công ty cổ phần thì phải có trên 3 cổ đông và theo đề nghị của anh đăng ký cổ đông và tỷ lệ gồm anh nắm giữ đa số 60% tổng sồ phần (trong đó cá nhân anh giữ 51% và 9% là đứng tên người đại diện cho tổ chức); ba của anh là ông Đặng Mơ nắm giữ 10%, em trai anh là Đặng Vũ Nhật Quang nắm giữ 2%, còn tôi nắm giữ 28% cổ phần. Lúc này, thật sự tôi không quan tâm lắm về việc đăng ký nắm tỷ lệ cổ phần trong các công ty, bởi tôi nghĩ rằng đây là tài sản chung của hai vợ chồng và việc xây dựng sự nghiệp lớn mạnh sau này cũng để lại cho các con kế nghiệp. Bởi thực tế, toàn bộ số tiền đóng góp vốn để thành lập công ty đều do vợ chồng tôi bỏ ra, các cổ đông khác chỉ đơn thuần được ghi danh chứ hoàn toàn không có đóng góp nào.

Sau khi quá trình xây dựng và phát triển, TNG chính thức trở thành một tập đoàn về cà phê hùng mạnh, với các công ty - chi nhánh có công nghệ sản xuất cà phê hiện đại nhất tại Việt Nam thời bấy giờ đối với ngành cà phê. Bằng chiến lược phát triển chuỗi quán cà phê nhượng quyền, cà phê Trung Nguyên đã được biết đến như một "phép màu" với hơn 1.000 quán cà phê chỉ sau hơn 2 năm hoạt động với vốn chủ sở hữu của hệ thống Tập đoàn Trung Nguyên lên đến hàng nghìn tỷ đồng. 

KÝ ỨC ‘TRUNG NGUYÊN’ TRONG NỖI NHỚ CỦA ‘NỮ HOÀNG CÀ PHÊ’ LÊ HOÀNG DIỆP THẢO - Ảnh 11.

KÝ ỨC ‘TRUNG NGUYÊN’ TRONG NỖI NHỚ CỦA ‘NỮ HOÀNG CÀ PHÊ’ LÊ HOÀNG DIỆP THẢO - Ảnh 12.

Cũng chỉ vỏn vẹn đúng 1 năm sau, 2007, sau những thành công ban đầu trong công việc, sự nghiệp, mối quan hệ vợ chồng tôi ngày càng xấu đi và có những dấu hiệu rạn nứt. Chính tôi cũng từng hỏi đi hỏi lại bản thân mình hàng nghìn lần vì sao lại thế. Chúng tôi tranh cãi khiến ảnh hưởng ít nhiều đến các con, vì thế, tôi cho rằng hai người cần ở xa nhau một thời gian vì lợi ích của các con. Tôi đã đưa các con sang Singapore .

Tại Singapore, với vốn liếng của mình, tôi tìm cách phát triển mảng kinh doanh quốc tế dù không có sự hỗ trợ của TNG. Tôi đã tự mày mò, tìm tòi các giải pháp để tái định vị thương hiệu Trung Nguyên, cố gắng nỗ lực không biết mệt mỏi, làm việc ngày đêm với các nhóm tư vấn Singapore nhằm nghiên cứu ra mô hình quán cà phê Trung Nguyên mang tính đẳng cấp quốc tế tại Singapore, vừa phụ trách phát triển thị trường xuất khẩu cho mặt hàng cà phê của TNG xuất đi trên 50 quốc gia. Lúc đó, tại Singapore, tôi chỉ có một mình, vừa chăm sóc 3 đứa con, lo chỗ ăn, chỗ ở, trường học, vừa phải gánh chịu sự đau buồn khi vợ chồng trục trặc, không người thân lại phải làm quen với môi trường sống hoàn toàn xa lạ. Thật khó mà kể hết được những vất vả, khó khăn của tôi trong những tháng ngày đấy. Lúc đó tôi còn không có văn phòng làm việc mà phải ngồi làm việc ở cửa hàng McDonald. Sau bao nhiêu cố gắng, nỗ lực làm việc, tôi đã mở được văn phòng kinh doanh quốc tế tại Henderson Park và một quán cà phê đầu tiên tại Terminal 1, ở sân bay Changi, Singapore. Chính mô hình quán cà phê ở Singapore thành công đã đưa tôi trở về để sửa lại toàn bộ cho hệ thống quán cà phê Trung Nguyên tại Việt Nam .

Ngày 28-4-2008, tôi tự bỏ vốn và đứng tên cá nhân để thành lập Trung Nguyen Singapore Pte., Ltd tại Singapore . Cá nhân tôi - Lê Hoàng Diệp Thảo nắm sở hữu 100%. Ngày 28-8-2015, Trung Nguyen Singapore Pte., Ltd được tôi đổi tên thành Trung Nguyen International Pte., Ltd…

KÝ ỨC ‘TRUNG NGUYÊN’ TRONG NỖI NHỚ CỦA ‘NỮ HOÀNG CÀ PHÊ’ LÊ HOÀNG DIỆP THẢO - Ảnh 13.

KÝ ỨC ‘TRUNG NGUYÊN’ TRONG NỖI NHỚ CỦA ‘NỮ HOÀNG CÀ PHÊ’ LÊ HOÀNG DIỆP THẢO - Ảnh 14.

Khoảng giữa năm 2009, công việc kinh doanh tại Singapore đã ổn định, tôi muốn trở về Việt Nam để hàn gắn quan hệ vợ chồng, để các con tôi được sống một trong gia đình tròn đầy, cạnh mẹ gần cha. Vì thế, tôi quyết định đưa các con quay trở lại Việt Nam. Quan hệ vợ chồng chúng tôi dần có nhiều cải thiện…

Cũng trong năm này, tôi và anh thành lập mới Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên, anh nắm giữ 60% tổng số cổ phần, còn tôi chỉ nắm giữ 30% tổng số cổ phần và ba mẹ anh là ông Đặng Mơ và bà Lê Thị Ước mỗi người nắm giữ 5% cổ phần. Anh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật, phụ trách đối ngoại, còn tôi giữ chức Phó Tổng Giám đốc Thường trực để điều hành. Ngày 27-7-2010, tôi đứng ra thành lập mới Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Đặng Lê với tỷ lệ góp vốn thành lập, nắm giữ 96% phần vốn góp… Đặng Lê được thành lập nhằm mục đích thực hiện đầu tư và phát triển thương hiệu "Coffee Tour" và khai thác các dự án du lịch. Đây được xem là một trong các dự án lớn để xây dựng Buôn Ma Thuột thành thánh địa cà phê toàn cầu tại Việt Nam và cũng được kỳ vọng sẽ phát triển để xây dựng thiên đường cà phê cho Đắk Lắk và đây thực sự là tài sản lớn của Tập đoàn Trung Nguyên. Tháng 8-2010, tôi sinh người con út. Đến ngày 22-6-2011, tôi và anh thành lập mới Công ty Cổ phần Trung Nguyên Franchising. Anh nắm giữ 10%, tôi nắm giữ 5%, còn lại là TNG nắm giữ 85% tổng số cổ phần... 

KÝ ỨC ‘TRUNG NGUYÊN’ TRONG NỖI NHỚ CỦA ‘NỮ HOÀNG CÀ PHÊ’ LÊ HOÀNG DIỆP THẢO - Ảnh 15.

Kết hôn năm 1998, đến năm 2010 tôi sinh người con út. 12 năm, 4 người con chào đời và ròng rã vượt qua bao năm tháng cùng chồng gây dựng nên thương hiệu Trung Nguyên. Thuở ban đầu ấy cho đến nay, 8 công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên đều do vợ chồng tôi đồng chủ sở hữu trong thời kỳ hôn nhân mà bất kỳ ai, kể cả anh không thể phủ nhận được. Công ty là tài sản chung, dù là cổ đông sáng lập nhưng luôn tôn trọng chồng của mình nên tỷ lệ nắm giữ cổ phần của tôi thường ít hơn anh khi làm thủ tục đăng ký kinh doanh các công ty. Trong suốt thời gian đó, tôi luôn là Phó Tổng Giám đốc Thường trực Tập đoàn Trung Nguyên hoặc là Tổng Giám đốc các công ty con trực thuộc - vị trí đứng thứ 2 chỉ anh. Cùng anh đồng hành và gầy dựng cơ nghiệp từ số không lên số một, giờ trở thành một trong những thương hiệu cà phê hàng đầu ở Việt Nam và thế giới. 

KÝ ỨC ‘TRUNG NGUYÊN’ TRONG NỖI NHỚ CỦA ‘NỮ HOÀNG CÀ PHÊ’ LÊ HOÀNG DIỆP THẢO - Ảnh 16.

Trong suốt hơn 20 năm làm vợ chồng, theo truyền thống Việt Nam, tôi luôn tôn trọng vai trò của người chồng trong gia đình, chưa bao giờ toan tính chuyện chồng hay vợ đứng tên hoặc sở hữu tài sản, hay vốn cổ phần trong các công ty, kể cả việc tiền bạc và công sức to lớn của tôi khi xây dựng các công ty. Việc ai đứng tên, hay nắm giữ tỷ lệ số cổ phần bao nhiêu đều do ý kiến của anh. Bởi của chồng công vợ - tôi nghĩ vậy tài sản công ty là tài sản đồng sở hữu của vợ chồng.

Vậy mà, đúng là bi kịch luôn xảy ra với mọi tầng lớp trong xã hội, với bất kỳ ai và nó ập đến bất cứ lúc nào. Gia đình tôi, cuộc hôn nhân của tôi, chính tôi và anh - người chồng của tôi cũng vậy! 49 ngày nhịn ăn, ngồi thiền liên tục tại vùng núi M'Đrak, Đắk Lắk đã khiến tôi mất anh, con xa bố hiện hữu. Ngày 23-10-2013 đến tháng 12-2013, sau khi kết thúc việc ngồi thiền, anh sụt 17kg và cuộc sống gia đình tôi đảo lộn hoàn toàn. Vợ chồng tôi phát sinh các mâu thuẫn ngày càng gay gắt, diễn biến tiếp theo hẳn ai cũng tỏ tường, chúng tôi có mặt tại tòa án và dấu chấm hết bằng bản án vụ ly hôn nghìn tỷ cách đây chưa lâu.

Cuộc gặp gỡ định mệnh, quả ngọt là 4 người con yêu thương và thành công với thương hiệu Trung Nguyên đều do vợ chồng tôi dứt ruột đẻ ra, chung sức vun trồng, nuôi dưỡng. Gắn bó với ANH - "VUA CÀ PHÊ" ĐẶNG LÊ NGUYÊN VŨ, tôi đã có một chuyến đi mang tên cuộc đời, mà tôi chưa bao giờ có sự chuẩn bị để đến một ngày, không được quay trở về miền yêu dấu mang tên Trung Nguyên. Thật may mắn và hạnh phúc khi con người ta có một nơi bắt đầu, và được trở về nơi chốn ấy mỗi ngày. Với tôi, dẫu có chuyện gì đã, đang và sẽ xảy ra đi chăng nữa, nó mãi mãi là một miền ký ức tươi đẹp để nhớ đến. 

KÝ ỨC ‘TRUNG NGUYÊN’ TRONG NỖI NHỚ CỦA ‘NỮ HOÀNG CÀ PHÊ’ LÊ HOÀNG DIỆP THẢO - Ảnh 17.















 

Ý kiến của bạn