Ký ức quãng đời viết báo

21-10-2011 11:01 AM | Dược

Tôi đang ở tuổi 85, vào đời không phải là “nghề viết báo”. Kể từ thời là y tá vệ quốc quân (đầu năm 1946) tới nay (2011), tôi đã được khoác áo “chiến sĩ áo trắng”,

Tôi đang ở tuổi 85, vào đời không phải là “nghề viết báo”. Kể từ thời là y tá vệ quốc quân (đầu năm 1946) tới nay (2011), tôi đã được khoác áo “chiến sĩ áo trắng”, đã có 38 năm cầm bút viết sách khoa học, y học lâm sàng và đặc biệt có nhiều năm đồng hành viết báo chuyên ngành y - Báo Sức khỏe&Đời sống.

Nhớ ngày đầu tôi nhận lời mời tham gia viết bài cho báo. Tôi đã bất ngờ, ngần ngại vì lẽ mình quen viết sách khoa học rồi, nay chuyển sang viết báo, hội nhập với các nhà văn, nhà báo chuyên nghiệp sẽ thật là khó khăn. Tôi tự suy nghĩ: viết sách chuyên khảo chủ yếu là để xây dựng ngành, phục vụ bạn đọc là đồng nghiệp, dễ chấp nhận những từ ngữ chuyên khoa, còn viết báo lại phục vụ cộng đồng, phần lớn không phải là ngành y, làm sao để phổ thông hóa những thuật ngữ khô khan, cứng nhắc về thần kinh học. Sau bài viết thử đã được đăng với tiêu đề Thiểu năng tuần hoàn não ở người cao tuổi và chỉ ít ngày sau khi báo phát hành, tôi nhận được điện thoại xin được tư vấn của bạn đọc gần xa. Lại có năm giáp Tết, tôi nhận được 5 lá thư, không phải thư chúc Tết mà là thư của bệnh nhân, có thư dài 2 - 3 trang, chữ nhỏ, khó đọc, yêu cầu tác giả trả lời những chứng bệnh của họ gần giống như trong bài báo. Những khi trả lời độc giả như vậy, mặc dù vất vả, tốn nhiều thời gian nhưng tôi lại thấy vui vì kiến thức của mình thông qua báo Sức khỏe&Đời sống đã đến được với bạn đọc xa gần. Và cũng chính điều này đã động viên tôi tiếp tục viết báo và lại càng tự đặt ra cho mình một trách nhiệm không thể thoái thác được của một thầy thuốc cụ Hồ mang áo lính đối với cộng đồng, nhất là những bạn đọc nghèo ở những vùng quê xa cơ sở y tế.

Thời gian của tuổi hưu trí cứ trôi đi, cuốn hút vào viết báo, sau mỗi lần bài viết được đăng, tôi lại say mê viết, có khi đam mê viết như những nhà văn, nhà thơ vậy. Nhưng có một lần tôi thực sự thấy khó khăn và bối rối khi nhận lời viết bài Tết cho báo. Đây thực sự là một đòi hỏi hóc búa vì yêu cầu bài Tết không nặng nề bệnh tật mà phải nhẹ nhàng, phù hợp với mùa xuân… Như thế thì gần như bài của một nhà văn rồi. Tôi suy nghĩ, trăn trở, càng cảm thông với các nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp. Có nhiều câu hỏi tôi tự đặt ra: viết về bệnh nào (ví dụ như đột quỵ, tai biến mạch máu não… thì quá nặng nề với bạn đọc), mùa xuân thì có bệnh thần kinh gì vừa có tác dụng phổ cập được bệnh lại phù hợp với tiết xuân, hấp dẫn được bạn đọc: chạm cốc, nhấp ly rượu và lời chúc mừng xuân lại được bồi thêm những kiến thức của báo về sức khỏe, tránh được bệnh tật trong giấc mơ “say xuân”. Tôi đã viết bài Bí mật đôi má xuân trên cơ sở khoa học tâm lý gì mà nó có khả năng kỳ diệu, làm rung động trái tim của người được áp má… Còn phải nói tới bài báo Tết năm nào, tôi viết bài Những chứng liệt của cặp tình nhân trong mùa xuân nhưng Ban biên tập lại gắn cho bài báo một tiêu đề mới bao hàm nhiều ý nghĩa sâu xa, thầm kín, tế nhị là Coi chừng những chứng liệt khi yêu. Thật là tuyệt vời với trí tưởng tượng, “văn nghệ hóa” hay như thế. Từ yêu đặt vào đây thật là một từ đắt giá!      

  PGS. Vũ Quang Bích


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH