Ký ức Núi Thành

16-12-2019 09:01 | Xã hội

SKĐS - Miền đất huyện Núi Thành đặc trưng cho Quảng Nam với câu ca dao: “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm.

Rượu Hồng Đào chưa uống đã say. Bạn về đừng ngủ gác tay. Nơi mô nghĩa nặng, ân đầy thì theo”. Núi Thành là điểm chốt của vùng đất mở đầu cho cuộc Nam tiến từ thời nhà Nguyễn. Phía Tây là núi Trường Sơn. Một bên là biển Đông. Ở giữa con đường 1A chạy qua. Núi Thành tựa pháo đài án ngữ cho mọi cuộc hành quân vào ra...

Trận đầu đánh Mỹ

Khi đến khu tượng đài chiến thắng Núi Thành (thuộc xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, Quảng Nam), chúng tôi thật bất ngờ với công trình hùng vĩ trên đồi cao. Núi Thành kéo dài chừng hơn một cây số nằm gần đường quốc lộ. Một không khí hừng hực hiện về như cách đây hơn nửa thế kỷ. Bài ca Những dũng sĩ Núi Thành (sáng tác nhạc sĩ Trọng Bằng) luôn cất lên hùng tráng. Chúng tôi bước từng bậc lên cao trong lời ca vang dội: “Mờ trong màn đêm ánh sao soi đường ta đi. Trông xa xa bóng Núi Thành nhắc ta cùng cất nhịp hành quân. Nghe trong tim sôi sục lửa căm hờn. Giờ đây quê hương đứng dậy quyết chôn vùi lũ giặc Mỹ”. Người hướng dẫn viên đưa chúng tôi những nén nhang tưởng niệm. Anh kể cho mọi người nghe về hình ảnh của người Quảng Nam: “Gươm Ba Gia sáng ngời trong muôn người. Những dũng sĩ quyết chiến thắng gian khó không sờn lòng”. Đó là thắng lợi mở đầu cho chiến dịch đánh giáp lá cà quân đội Mỹ.

Các chiến sĩ thăm Tượng đài chiến thắng Núi Thành.

Các chiến sĩ thăm Tượng đài chiến thắng Núi Thành.

Ai cũng biết Núi Thành là địa bàn hiểm trở, gần khu quân sự Chu Lai, giặc Mỹ dễ tiếp tế vũ khí lương thực cho chiến trường. Tháng 3/1965, chúng đổ quân vào Đà Nẵng và Núi Thành rồi xây dựng sân bay quân sự Chu Lai (sát biển). Một đại đội Mỹ đóng chốt trên Núi Thành. Ngay lập tức, Bộ chỉ huy Quân khu V (Quảng Nam) có kế hoạch tấn công phủ đầu những lô cốt Núi Thành càng sớm càng tốt. Phải tiêu diệt giặc Mỹ tại sào huyệt của chúng. Một không khí rạo rực chưa từng có. Bởi đây là trận đầu tiên đánh giặc Mỹ. Chiến thắng sẽ khẳng định sức mạnh quân dân ta trên khắp chiến trường miền Nam, phá tan hoài nghi lo sợ về sức mạnh khủng khiếp của quân đội Mỹ. Một đơn vị tinh nhuệ đã được chọn tấn công chiếm lĩnh Núi Thành. Lá cờ mang dòng chữ “Quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” đã dẫn đầu đoàn quân nổ súng đúng nửa đêm 25/5/1965. Đòn tập kích bất ngờ, quân đội ta khống chế được những hỏa lực của địch trên hai đỉnh cao, đồi 49 và 50. Chỉ trong 30 phút chiến đấu, giặc Mỹ bỏ chạy tán loạn và bị tiêu diệt gọn một đại đội gồm 140 tên. Chúng bàng hoàng trước sự dũng mạnh của các chiến sĩ quân đội nhân dân Quảng Nam. Đúng như hình ảnh mà nhạc sĩ Trọng Bằng đã mô tả: “Mắt sáng, quắp lưỡi lê sắt xông tới không sờn lòng. Lời hô xung phong át tiếng súng xông tới đêm mịt mùng. Nhằm trúng tim giặc thù mà đâm thẳng tay...”.

Chiến thắng Núi Thành làm rạng rỡ non sông. Trong Đại hội liên hoan anh hùng và chiến sĩ thi đua lần thứ nhất, quân và dân Quảng Nam đã vinh dự được Ủy ban Trung ương mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam tặng 8 chữ vàng: “Trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ”. Đó là tuyên ngôn về sức mạnh tinh thần của dân tộc ta. Đó là bản trường ca đất nước được khởi đầu bằng chiến thắng Núi Thành. Nhạc sĩ Huy Sô (Đài phát thanh Việt Nam) đã thức trắng mấy đêm liền để viết bản giao hưởng ca ngợi những Dũng sĩ Núi Thành. Bản nhạc đã được phát sóng ngay sau đó. Đây là lời khích lệ kịp thời, nạp thêm năng lượng tinh thần với niềm tin chiến thắng giặc Mỹ, cho đến ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975). Dư âm chiến thắng Núi Thành còn vang vọng đến bây giờ bởi: “Dũng sĩ anh hùng đời đời mãi còn ghi. Núi Thành ơi! Tượng đời cao vời vợi. Quê mình quê mình rực ánh bình minh” (Tình ca Núi Thành - nhạc sĩ Nhật Minh).

Quá khứ ngàn năm tháp Chăm Khương Mỹ

Theo lịch sử người Quảng Nam đã từng tiếp xúc với văn minh các châu lục từ 400 năm trước. Đó là một Hội An tân cảng tấp nập các tàu hàng khắp nơi đổ về. Nào Pháp, Nhật, Bồ Đào Nha, Trung Hoa, Anh quốc... Dân đất Quảng sớm có khả năng giao du văn hóa, luôn thể hiện sự ứng xử tinh tế. Từ xa xưa, Quảng Nam thuộc miền đất của xứ sở Chiêm thành. Khu di tích Mỹ Sơn là một trong những di sản mà ông cha ta đã thành tựu. Hàng chục tháp Chăm còn rải rác đó đây nhưng tập trung phần lớn tại Quảng Nam. Nút kết cuối cùng là cụm tháp Khương Mỹ ở thôn 4 xã Tam Xuân 1 (huyện Núi Thành). Đây cũng có thể coi là bản tình ca Núi Thành trong quá khứ. Một dấu mốc son ngàn năm lịch sử được tôn vinh. Hơn nữa, cụm tháp Khương Mỹ còn được bảo tồn khá nguyên vẹn so với nhiều nơi đã sụp đổ hoặc chắp vá khiên cưỡng. Khác hẳn với hình ảnh mà nhà thơ Chế Lan Viên đã viết: “Đây những tháp gày mòn vì mong đợi. Những đền xưa đổ nát dưới thời gian” (Trên đường về).

Người ta nói tháp Khương Mỹ là một phong cách Chăm có màu sắc riêng so với khu thánh địa Mỹ Sơn. Nó vắng bóng Siva và Brahma (âm dương) như mọi nơi. Những bản điêu khắc trên bệ đá có chuyện kể về cuộc chiến đấu của Rama và quỷ vương Ravana (cổ tích Ấn Độ). Bên cạnh đó còn có những hình tượng bầy khỉ trong mọi tư thế độc đáo. Các nhà khảo cổ Pháp đã kết luận, những bầy khỉ này cũng liên quan tới bản trường ca Ramaya nổi tiếng, mang đậm dấu ấn Bà La Môn. Đây là dấu ấn văn hóa có ảnh hưởng sâu sắc trong một bộ phận lớn cộng đồng người Chăm. Điển hình nhất là bức tượng thần Vishnu 4 tay được khai quật từ đây. Cụm tháp Chăm của Núi Thành có ngôn ngữ kiến trúc đặc sắc. Có thể coi đó là phong cách Khương Mỹ đầu thế kỷ X. Hơn 1000 năm, trải qua bao cuộc chiến tranh, mưa nắng dãi dầu, 3 ngọn tháp Khương Mỹ vẫn trầm mặc với thời gian. Một không khí cô quạnh đầy mộng tưởng. Tôi chợt nhớ tới những câu thơ cũng của Chế Lan Viên viết trong bài Đợi người Chiêm nữ rằng: “Bên cửa tháp ngóng trông người Chiêm nữ. Ta vẩn vơ nhìn không khí bâng khuâng. Vài ngôi sao lẻ loi hồi hộp thở. Một đôi cành tơ liễu nhúng trong trăng!...”.

Sinh thời, kiến trúc sư Kazic (Ba Lan) - người có công bảo tồn và phục hồi những di sản Chăm ở nước ta đã khẳng định tháp Khương Mỹ là một kỳ tích, một nhịp điệu riêng trong bản tráng ca của kinh thành Chăm cổ kính. Những dấu tích và di sản đặc trưng nhất của tháp đã được khai quật và lưu giữ tại Bảo tàng Chăm (TP. Đà Nẵng). Qua những công trình tháp gạch đỏ, cùng với nghệ thuật kiến trúc độc đáo, người Chăm cổ đã biết thổi hồn vào đất đá. Họ biết dựa vào thiên nhiên để làm nên những bảo tàng sống vô giá về những tác phẩm điêu khắc cho nhân loại. Đến nay, chúng ta vẫn chưa hiểu hết về những ngọn tháp này. Trên thềm đá hoang sơ có những câu thơ khắc họa làm xao xuyến lòng người: “Tiếng kèn Saranai lóe lên tia chớp. Thắp ngọn buồn cháy buốt đêm đen. Khóe mắt em ướt màn sương lạnh. Bước giang hồ nhỏ lệ bên thềm...”.

Tháp Chăm Khương Mỹ - Núi Thành.

Tháp Chăm Khương Mỹ - Núi Thành.

Những cánh bay từ Núi Thành

Tượng đài chiến thắng Núi Thành là dấu ấn quá khứ hào hùng của người dân Quảng Nam. Cụm tháp Khương Mỹ là một biểu tượng văn hóa ngàn năm đầy lãng mạn của vùng đất Quảng Nam này. Nhưng giờ đây, Núi Thành đã cất cánh bay từ Khu kinh tế mở Chu Lai. Ngoài sân bay Chu Lai mới được kết nối 2 đường bay với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Núi Thành còn có hàng loạt cụm cảng và các khu công nghiệp nằm trong địa bàn. Chính vì thế, Núi Thành đã đóng góp hơn 60% tổng thu ngân sách tỉnh Quảng Nam. Với 37km đường biển, Núi Thành có một loạt làng du lịch với nhiều kỳ quan. Riêng dãy núi Bàn Than thuộc xã đảo Tam Hải đang được đề nghị xét trở thành di sản thế giới. Một cấu tạo địa chất đá đen có một không hai với những hình thù kỳ dị. Do đó, kinh tế du lịch cũng là một tiềm năng trọng điểm của một đô thị hiện đại mai này.

Núi Thành thị trấn sẽ được nâng lên cấp thành phố bên con sông Trường Giang. Nó sánh đôi TP. Tam Kỳ cùng khu vườn cây xanh ngút ngàn chạy ra biển khơi. Đó là ấn tượng đã hiện diện bên con đường số 1. Những công trình đang mọc lên hối hả ngày đêm. Bản tình ca Núi Thành đang được viết tiếp. Âm hưởng mới của nó đã hình thành những giai điệu lãng mạn: “Cất cánh bay trên bầu trời bao la. Những đoàn tàu băng băng lướt sóng. Núi Thành quê ta tràn đầy ước vọng. Một thành phố tương lai tươi sáng mai này”. Đúng là cảm xúc tràn trề của mảnh đất anh hùng bên triền núi Trường Sơn.


Bài và ảnh: Lưu Kường
Ý kiến của bạn