Ký ức Nam Sudan: Vinh quang sứ mệnh dài lâu hòa bình…

24-01-2023 14:15 | Quốc tế

Điều dưỡng Trần Thị Mai Liên và bác sĩ Nguyễn Tiến Duy là 2 trong số 63 chiến sĩ áo trắng đội mũ nồi xanh thuộc biên chế Liên hợp quốc, đã có 14 tháng thực hiện sứ mệnh quốc tế khám chữa bệnh cho nhân viên của Liên Hợp quốc, quân nhân các nước đến từ các đơn vị trong phái bộ.

Ký ức Nam Sudan: Vinh quang sứ mệnh dài lâu hòa bình… - Ảnh 1.

   “… Nhiệm kỳ sống với đam mê

Ngàn cân sợi tóc vai kề bên nhau

Thanh xuân rực rỡ sắc màu

Vinh quang sứ mệnh dài lâu hòa bình

Sao vàng cờ đỏ lung linh

Việt Nam kiêu hãnh nước mình trời Phi...”

Điều dưỡng Trần Thị Mai Liên, khoa Hồi sức Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tự hào kể về hành trình 1 năm cống hiến hết mình tại mảnh đất Nam Sudan bằng thơ với vai trò là điều dưỡng công tác tại Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3. Cùng đi với người chép sử “nhiệm kỳ” tại Nam Sudan bằng thơ là nam bác sĩ Nguyễn Tiến Duy, khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Họ là 2 trong số 63 chiến sĩ áo trắng đội mũ nồi xanh thuộc biên chế Liên hợp quốc, đã có 14 tháng thực hiện sứ mệnh quốc tế khám chữa bệnh cho nhân viên của Liên Hợp quốc, quân nhân các nước đến từ các đơn vị trong phái bộ.

Ký ức Nam Sudan: Vinh quang sứ mệnh dài lâu hòa bình… - Ảnh 2.

Ký ức Nam Sudan: Vinh quang sứ mệnh dài lâu hòa bình… - Ảnh 3.

Tháng 3/2021, bác sĩ Nguyễn Tiến Duy (Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cùng các cán bộ nhân viên Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 3 đáp xuống sân bay quốc tế thủ đô Juba, Nam Sudan. Đây cũng là thời điểm Việt Nam cùng nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả Nam Sudan đang đối mặt với làn sóng đại dịch Covid-19.

Tiếp quản lại công việc từ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2, ngay sau khi ổn định, việc đầu tiên với cả kíp là kiểm tra, sắp xếp lại phòng mổ, hồi sức. Bấy giờ, bác sĩ Duy thấy thiếu thốn đủ thứ, từ vật tư dây mổ, ống nội khí quản, thuốc men…

Sau một thời gian đặt chân tới Bentiu, cách thủ đô Juba 900km để tiếp quản Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3, bác sĩ Nguyễn Tiến Duy gặp phải một tình huống khá bất ngờ. Nam thanh niên người Paskinton nhập viện trong tình trạng cấp cứu do thoát vị bẹn.

Theo đúng tuyến điều trị, các bác sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 phải chuyển người bệnh lên tuyến trên. Nhưng người bệnh đặt trọn niềm tin với các bác sĩ Việt Nam, quyết định chọn ở lại.

Ký ức Nam Sudan: Vinh quang sứ mệnh dài lâu hòa bình… - Ảnh 4.

Bác sĩ Duy động viên bệnh nhân nằm điều trị tại Bệnh viện.

Là bác sĩ phụ trách phòng hồi sức và phòng mổ, bảo đảm hồi sức cho bệnh nhân nặng, tình thế khó khăn đến với bác sĩ Duy khi người bệnh là người Hồi giáo nên theo phong tục họ không đồng ý cho cạo râu, không cho gây tê vì sợ đau. “Bình thường vết mổ này, chúng tôi sẽ chỉ gây tê. Nhưng vì bệnh nhân rất sợ đau nên trước ngày mổ, bệnh nhân đã gặp riêng xin để đề nghị 2 điều: một là không cạo râu, hai là phải gây mê”, bác sĩ Duy kể. Bác sĩ Duy cũng mạnh dạn áp dụng kỹ thuật mới, tận dụng máy siêu âm để giảm đau cho bệnh nhân sau mổ.

Ca mổ thành công tốt đẹp. Người dân càng có thêm niềm tin vào tay nghề của các bác sĩ Việt Nam. “Bệnh nhân hồi phục hoàn toàn sau khi ra viện 3 ngày. Bạn ấy gọi tôi là anh trai, thi thoảng tặng quà. Khi trở về Việt Nam, người bạn này đã tặng một vật kỷ niệm đáng quý là một một phần gỗ cây thông có khắc tên tôi”, bác sĩ Duy tâm sự.

Trong nhiệm kỳ 14 tháng hoạt động, trong hoàn cảnh thiếu thốn đủ bề từ vật tư y tế đến thuốc men, Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 3 đã thu dung được hơn 1.400 ca bệnh nhân ngoại trú, tổ chức vận chuyển đường không 16 ca và phẫu thuật thành công 16 ca. Nhiều ca nặng và phức tạp như đột quỵ não cấp, nhồi máu cơ tim, xuất huyết tiêu hóa cấp, phẫu thuật chấn thương ngực, thoát vị bẹn... được các bác sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 xử lý thành công, an toàn cho bệnh nhân, được Trưởng y tế phái bộ và Trưởng phòng Quân y Phái bộ khen ngợi.

Bệnh viện đã mạnh dạn áp dụng hệ thống Telemedicine trong phẫu thuật cấp cứu các ca nặng với sự hỗ trợ của các chuyên gia từ Bệnh viện Quân y 175 cách địa bàn gần 10.000km. Các bác sĩ tại đây đã phát huy tinh thần sáng tạo, đưa nhiều kỹ thuật mới lần đầu tiên thực hiện trong điều kiện dã chiến, làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19… tạo được lòng tin yêu của bạn bè quốc tế và địa phương.

Trong ký ức của bác sĩ Duy, ca phẫu thuật đầu tiên ở Bentiu cũng để lại nhiều dấu ấn. Đó là thời điểm một tháng khi vừa đặt chân đến Bentiu, chứng kiến những thiếu thốn chưa từng có. Trường hợp cấp cứu là bệnh nhân 29 tuổi, quốc tịch Mông Cổ, thuộc tiểu đoàn bộ binh Mông Cổ/UNMISS khu vực Pariang (cách nơi đóng quân của bệnh viện 130km) với chẩn đoán sơ bộ viêm ruột thừa cấp.

Ký ức Nam Sudan: Vinh quang sứ mệnh dài lâu hòa bình… - Ảnh 6.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Duy (trái) và đồng nghiệp thực hiện kỹ thuật giảm đau cho bệnh nhân.


Tình thế trở nên khó khăn không phải vì thiếu kinh nghiệm xử trí mà bởi mùa mưa tại Nam Sudan khiến việc đi lại bằng đường bộ rất khó khăn. Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 đã nhanh chóng triển khai đón bệnh nhân bằng trực thăng để tiến hành khám và phẫu thuật.

Các kết quả cận lâm sàng được các bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 đánh giá cho thấy vị trí ruột thừa nằm cao hơn các trường hợp thông thường (vùng mạn sườn phải), dự kiến phẫu thuật mở ổ bụng cắt ruột thừa viêm ruột thừa cấp (giờ thứ 12). Cuộc hội chẩn nhanh và phẫu thuật tiến hành ngay lập tức. Không đủ điều kiện thực hiện mổ nội soi, các bác sĩ tiến hành ca mổ mở. Sau ca mổ thành công, bệnh nhân vẫn rất đau đớn, điểm đau theo thang điểm VAS 7-8 điểm.

Ở Bentiu, KHÔNG có kim gây tê chuyên dùng, KHÔNG dây dẫn thuốc…, các bác sĩ phải khắc phục bằng tận dụng kim truyền, ống hút vết mổ, đầu dò siêu âm… với mục tiêu vừa hiệu quả vừa bảo đảm an toàn cho bệnh nhân.

Bằng những kinh nghiệm đã can thiệp giảm đau cho bệnh nhân, trong hoàn cảnh thiếu thốn các trang thiết bị, bác sĩ Duy quyết định xin ý kiến chỉ đạo từ lãnh đạo bệnh viện tại nhà, xin ý kiến của Phái bộ để thực hiện phương pháp gây tê phong bế thần kinh vùng bụng TAP block (Transversus Abdominis Plane) dưới hướng dẫn siêu âm nhằm giảm đau cho bệnh nhân. Quyết định mạnh dạn đó đã giúp bệnh nhân giảm đau nhiều, điểm đau VAS còn 1-2 điểm.

Cuộc phục hồi nhanh chóng sau mổ, có thể tập vận động đi lại tốt ngay hôm sau của bệnh nhân là một niềm vui với các bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3. Bởi lẽ, kỹ thuật này vốn được thực hiện ở các bệnh viện lớn ở Việt Nam, đòi hỏi chuyên môn sâu và trong điều kiện đầy đủ các trang thiết bị. Trong khi ở Bentiu, không có kim gây tê chuyên dùng, không dây dẫn thuốc… Các bác sĩ phải khắc phục bằng tận dụng kim truyền, ống hút vết mổ, đầu dò siêu âm… với mục tiêu vừa hiệu quả vừa bảo đảm an toàn cho bệnh nhân.

Ký ức Nam Sudan: Vinh quang sứ mệnh dài lâu hòa bình… - Ảnh 8.

“Với các ca phẫu thuật mở, bệnh nhân thường mất máu nhiều hơn, thời gian hồi phục lâu hơn và phải chịu đau đớn nhiều hơn, do vậy sự thành công trong kỹ thuật giảm đau mang nhiều ý nghĩa trong bối cảnh dã chiến. Sau ca đầu tiên, kỹ thuật giảm đau này được thực hiện thường quy mang hiệu quả cao cho người bệnh sau phẫu thuật”, bác sĩ Duy tự hào kể.

Mang những kỹ thuật tốt nhất phục vụ người bệnh, bác sĩ Duy cùng đồng nghiệp cũng đã lần đầu tiên ứng dụng dùng máy siêu âm dây thần kinh thị giác, đo đường kính để đánh giá tăng áp lực nội sọ, chẩn đoán đột quỵ cho bệnh nhân.

Kỹ thuật này được triển khai khẩn cấp khi bệnh viện tiếp nhận một trường hợp có triệu chứng đau đầu dữ dội kèm theo nôn ói, chóng mặt, đi lại khó khăn. Thay vì bệnh nhân được chụp CT như vốn làm ở các bệnh viện lớn, tại đây, từ kinh nghiệm theo dõi dấu hiệu lâm sàng, cùng với việc tận dụng máy siêu âm, các bác sĩ tiến hành siêu âm thần kinh thị giác, đo đường kính để đánh giá tăng áp lực nội sọ, nhờ đó đã chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng của người bệnh để xử trí kịp thời.

Sau đó, kỹ thuật này được ứng dụng đánh giá cho 4 ca bệnh và tất cả đều có kết quả rất chính xác, bệnh nhân được sơ cấp cứu kịp thời và chuyển lên bệnh viện tuyến cao hơn.

Động lực chính để các y, bác sĩ tại bệnh viện dã chiến chính là sự hài lòng của người bệnh, là những lá thư cảm ơn, những hiện vật tặng y, bác sĩ, là sự hồi phục của bệnh nhân sau những tình huống ngàn cân treo sợi tóc.

Ký ức Nam Sudan: Vinh quang sứ mệnh dài lâu hòa bình… - Ảnh 9.

Ký ức Nam Sudan: Vinh quang sứ mệnh dài lâu hòa bình… - Ảnh 10.

Trở về Việt Nam đã nửa năm, nhưng Trần Thị Mai Liên, điều dưỡng Khoa Hồi sức Tim mạch, Viện Tim Mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chưa hề nguôi ngoai nỗi nhớ mảnh đất cằn khô, nghèo đói, khó khăn, nhớ ánh mắt ngơ ngác của những đứa trẻ gầy rộc nằm trên tay các bà mẹ.

Cũng như bác sĩ Duy, Liên đã phải vượt qua gần 1 năm đào tạo, huấn luyện tại Bệnh viện 175 (TP Hồ Chí Minh) để trở thành một nữ nhân viên y tế đầu tiên tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tham gia vào Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3.

Ngày đầu đặt chân đến Nam Sudan, Liên vô cùng ngỡ ngàng. Những gì được đồng nghiệp chia sẻ trước đó, những hình ảnh được xem chưa thể lột tả được hết sự khắc nghiệt của mảnh đất này. “Ngày chúng tôi đến, Nam Sudan vừa trải qua cơn lũ lụt lịch sử 60 năm mới gặp lại. Toàn cảnh tiêu điều xơ xác. Có rất nhiều việc phải làm ngay”, Liên kể.


Khí hậu nắng nóng 40-50 độ. Bệnh viện thiếu rau xanh, thiếu thực phẩm tươi và nỗi nhớ nhà luôn thường trực, nhất là khi cả Hà Nội đang gồng mình chống dịch Covid-19.

- Điều dưỡng TRẦN THỊ MAI LIÊN -


Vừa khan hiếm nước sạch, vừa chịu cảnh sốt rét triền miên nguy hiểm, 63 thành viên bắt tay vào “kiến thiết” lại môi trường làm việc chung quanh bệnh viện. Việc tiên quyết là phải giảm tối đa không cho muỗi sinh sôi để bảo vệ sức khỏe nhân viên trong bệnh viện tránh căn bệnh sốt rét. Tuy nhiên, dù có phun thuốc muỗi thường xuyên cũng không lại với điều kiện thực địa tại Bentiu. Thê đội nào cũng có nhân viên mắc bệnh sốt rét. Sự khắc nghiệt cứ song hành với nhau. Khí hậu nắng nóng 40-50 độ. Bệnh viện thiếu rau xanh, thiếu thực phẩm tươi và nỗi nhớ nhà luôn thường trực, nhất là khi cả Hà Nội đang gồng mình chống dịch Covid-19.

Giống như tại Căn cứ Bentiu, sau chiến tranh, người dân Nam Sudan phải đối mặt với vô số khó khăn, nhất là sau thảm họa lũ lụt lớn nhất trong 60 năm qua, những trại tị nạn của Liên Hợp Quốc luôn quá tải. Trận lũ lụt lịch sử tại đây khiến nước sạch khan hiếm, càng làm tăng sinh sôi nhiều dịch bệnh.


Trước tình hình vệ sinh kém, các bác sĩ đã phải thực hiện thêm nhiệm vụ cùng Phái bộ tại Bentiu hỗ trợ người dân khám sức khỏe, cung cấp thuốc men cho người dân. Các chị em còn pha chế nước rửa tay, may khẩu trang tặng bà con chung quanh. Các bác sĩ nam khéo tay đóng bàn ghế tặng các em nhỏ.

Để có thêm rau xanh và bóng mát, rất nhiều giống ươm được các bác sĩ gieo trồng tại khuôn viên của Phái bộ. Những cây được ươm tươi tốt, Liên mang tặng các đơn vị khác trong phái bộ, tặng các trường học để các em có bóng mát, có trái cây ăn. “Chúng tôi còn tặng các hạt giống cây cho người dân tái sản xuất sau lũ lụt, cung cấp khóa học về vệ sinh cho phụ nữ…”, Liên kể.


Ký ức Nam Sudan: Vinh quang sứ mệnh dài lâu hòa bình… - Ảnh 12.

Cùng người dân bản địa trồng cây xanh.


Ký ức Nam Sudan: Vinh quang sứ mệnh dài lâu hòa bình… - Ảnh 13.

Phun thuốc diệt muỗi (2-3 lần/tuần trong mùa mưa), diệt lăng quăng, bọ gậy.


Ký ức Nam Sudan: Vinh quang sứ mệnh dài lâu hòa bình… - Ảnh 14.

Các nhân viên y tế chụp ảnh kỷ niệm với người dân bản địa.


Ký ức Nam Sudan: Vinh quang sứ mệnh dài lâu hòa bình… - Ảnh 15.

Cung cấp kiến thức cho người dân.


Ký ức Nam Sudan: Vinh quang sứ mệnh dài lâu hòa bình… - Ảnh 16.

Ghi đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam tại Nam Sudan.



Chúng tôi có những bức tranh cổ động từ vật liệu tái chế như vỏ lon hỏng, những can nhựa được tạo hình thành những vật dụng sinh hoạt đáng yêu, bức tranh bản đồ bằng sỏi trưng ngay ở lối vào bệnh viện có đủ quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa khiến họ hiểu thêm về văn hóa Việt Nam cũng như chủ quyền lãnh thổ của nước ta.

Hỗ trợ tinh thần cho các em nhỏ, các thầy thuốc đã làm đồ chơi từ vật liệu tái chế, dựng một bức tranh bản đồ Việt Nam bằng sỏi được lấy từ địa điểm cách Bentiu 900km nhằm khẳng định chủ quyền biển đảo và lan tỏa giá trị tốt đẹp văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Trận lũ lụt lịch sử đã để lại sự trăn trở rất lớn với những người lính mũ nồi xanh. Sự đồng cảm vốn ở mảnh đất hình chữ S quen với lũ lụt, nhưng lũ ở mảnh đất sa mạc như châu Phi thật sự rất khốn khó. Sự hồi sinh của mảnh đất chậm và đầy khó khăn nếu như không có sự hỗ trợ của Liên hợp quốc.

Ở Nam Sudan ngoài công việc chuyên môn, y bác sĩ đều phát huy hết tài lẻ để vừa làm giảm bớt nỗi nhớ nhà, vừa tạo thêm sản phẩm có dấu ấn cho vùng đất còn thiếu thốn.

Ký ức Nam Sudan: Vinh quang sứ mệnh dài lâu hòa bình… - Ảnh 17.

Bác sĩ Tống Vân Anh giới thiệu với Chuẩn Tướng Cooper Mike, Tư lệnh Phân khu Unity về bản đồ đất nước Việt Nam bằng sỏi.


63 thầy thuốc đội mũ nồi xanh, trong lòng còn đầy canh cánh khi ở nhà lần lượt người thân nhiễm Covid-19, thương anh em đồng đội đang vất vả trên mặt trận phòng, chống Covid-19 nhưng trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, thiếu thốn trang thiết bị, đơn phương độc lập tác chiến, những người lính quân y vẫn phát huy hết phẩm chất tuổi trẻ, sống hết nhiệt huyết để góp một phần nhỏ bé vào hòa bình ở trên thế giới, bình yên đến Tổ quốc.

 

Theo Nhân dân
Ý kiến của bạn