Hà Nội

Ký ức màu cờ, một thông điệp về tình yêu tổ quốc

05-12-2020 05:29 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Lâu nay, những chương trình truyền hình chính luận … phục vụ công tác tuyên truyền thường được hiểu với một cái tên chung là sản phẩm “cúng Cụ”. Tuy nhiên, gần đây một số chương trình của Đài truyền hình Việt Nam đã vượt ra khỏi định kiến đó, thực sự là những chương trình đáng xem, tạo được sự xúc động tự hào, khơi dậy lòng yêu nước. Như những con sóng lan tỏa mãi…

Bảo tàng ký ức là format chương trình mà Đài truyền hình Việt Nam đã tạo ra trong thời điểm COVID- 19 lần thứ nhất vào tháng 4 năm nay trong chương trình Ký ức hòa bình về ngày 30-4. Và tối nay, thứ bảy 5/12/2020-  fomat đó trở lại trong Ký ức màu cờ, phát sóng lúc 20:10 trên sóng VTV1.

Nhà báo Đặng Diễm Quỳnh và AHLLVT Tư Cang, chỉ huy cụm H63 Tình báo miền Nam & cô Chính Nghĩa, nữ biệt động nổi tiếng Sài Gòn, người phụ nữ duy nhất trong đội biệt động 5 tấn công Dinh Độc Lập tết Mậu Thân.


Với màu cờ đỏ trong tim, biết bao thế hệ đã được tiếp thêm sức mạnh, làm nên những điều lớn lao cho bản thân và cho đất nước. “Hồng như màu của bình minh, đỏ như màu máu của mình tim ơi!”. Lời ca trong bài Màu cờ tôi yêu, nhạc Phạm Tuyên, thơ Diệp Minh Tuyền, gợi lên biết bao xúc cảm thiêng liêng và đẹp đẽ.

“Ký ức màu cờ” với ý nghĩa là một bảo tàng ký ức, nơi những con người bình dị đến để chia sẻ câu chuyện của mình, về một thời tuổi trẻ đầy lý tưởng và giàu cống hiến cho đất nước. Đây là chương trình giao lưu, nghệ thuật nhiều xúc động, tự hào, đặc biệt là truyền cảm hứng đến các thế hệ trẻ hôm nay của truyền hình Việt Nam, trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vào tháng 1/2021.

Chương trình gồm 3 chương, trải qua 3 thời kì: chống Pháp, chống Mỹ và thời kì xây dựng Xã hội chủ nghĩa  sau 1954. Nhân vật đều là những người giản dị, nhưng họ là những chứng nhân của lịch sử, là người làm nên Tổ quốc, ghi dấu ấn vào lịch sử Đảng CSVN.

Những nhân vật của Ký ức màu cờ

Khán giả của Đài truyền hình Việt Nam sẽ được gặp gỡ với ông Tư Cang- chỉ huy trưởng Cụm tình báo H63- Cụm tình báo đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam tại Sài Gòn. Tham gia cách mạng từ năm 17 tuổi, năm 1954, tập kết ra Bắc, đổi tên là Trần Văn Quang. 5 năm sau, quay lại hoạt động tại chiến trường miền Nam. Khi cụm tình báo H.63 ra đời,  Phạm Xuân Ẩn là điệp viên chính, nằm trong lòng địch, còn ông được giao nhiệm vụ chỉ huy cả cụm cho đến ngày thống nhất năm 1975… Trong câu chuyện khán giả sẽ phần nào giải mã về ý nghĩa chiến dịch Mậu Thân 1968 dẫn đến việc Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải ngồi đàm phán hòa bình- Hiệp định Paris vào năm 1969, hay những chiến công thầm lặng của những chiến sĩ tình báo chiến lược Việt Nam…

Nhà báo Đặng Diễm Quỳnh và AHLLVT Tư Cang, chỉ huy cụm H63 Tình báo miền Nam


Trong những năm tháng hào hùng và hy sinh ấy, có một trung đội nữ lái xe duy nhất trên đường Trường Sơn. Họ có tên chung là đội nữ lái xe Trường Sơn, gồm 40 nữ thanh niên. Đó là những cô gái tuổi đôi mươi từ lực lượng thanh niên xung phong vào Trường Sơn năm 1967 - 1968, gồm 40 người, lái xe Zin130, Gaz 51, Gaz 69… vượt núi băng rừng, tải thương, tải đạn, chở lương thực, thuốc men, súng ống, đạn dược từ Vinh theo đường Trường Sơn vào đến Quảng Bình, đi qua những cung đường khốc liệt nhất của Trường Sơn, những túi bom như bãi Dinh, Cổng Trời, bãi Đá Đẽo, phà Xuân Sơn, cầu Trạ Ang, ngầm Tà Lê, Ngã ba Đồng Lộc... suốt những năm chiến tranh ác liệt nhất… Cung đường phía Tây Trường Sơn nhiều vực nên một trong những nỗi sợ của các tay lái nữ này thời ấy là sợ rơi xuống vực hơn là sợ trúng bom. Nhiều lúc xe dừng lại ở điểm tập kết, để tránh bom thì các cô phải hút xăng  bằng mồm và cất xăng ở một nơi khác, xe cất riêng và xăng cất riêng. Hút xăng bằng mồm khiến nhiều người bị nhiễm độc. Sau này thời bình có 10 cô mất đa phần là do ung thư. Bây giờ về đời thường mỗi người một hoàn cảnh, người vui vầy bên con cháu, người lẻ bóng một mình nhưng trong họ ký ức Trường Sơn luôn là kỷ niệm đẹp của một thời tuổi trẻ.  Ngày 18 tháng 12 hàng năm là các cô lại họp mặt nhân ngày truyền thống của đơn vị.

Ông Hoàng Quân Tạo, cựu tù Hỏa Lò - bị thực dân Pháp bắt năm 1952 khi đang hoạt động tại nhà vợ chưa cưới. Trong tù, ông bị tra tấn dã man, kể cả tra tấn tinh thần nhưng ông không khai nửa lời, một lòng kiên trung với cách mạng. Trong tù, ông diễn nhiều vở kịch tại xà lim để tuyên truyền cách mạng, cổ vũ anh em chiến sĩ. Chính những vở kịch ấy đã theo ông đến khắp chiến trường trong thời kì chống Mỹ và xây dựng đất nước. Ông trở thành giám đốc đầu tiên của nhà hát kịch Hà Nội và hoạt động tại đây trong suốt 40 năm, từ năm 1959-1999, được phong danh hiệu NSƯT cùng nhiều danh hiệu cao quý khác. Ông cũng chính là người đầu tiên dựng vở của Lưu Quang Vũ, một tài năng của sân khấu Việt Nam.

Bà Đỗ Hồng Phấn, cựu nữ sinh trường Trưng Vương, bị bắt vào nhà tù Hỏa Lò khi đang treo cờ cách mạng tại sân trường. Bị bắt và tra tấn bằng nhiều hình thức tinh vi, nhưng sau khi ra tù chỉ 2 ngày bà đã móc nối liên lạc lại với tổ chức để tiếp tục hoạt động. Sau này, bà trở thành lứa học sinh khóa 1 của trường ĐH Bách Khoa và tham gia xây dựng nhiều công trình lớn của đất nước như công trình Bắc Hưng Hải, thủy điện Hòa Bình với tư cách chuyên gia thủy lợi. Bà cũng tham gia nhiều tổ chức quốc tế để giải quyết các vấn đề về của khu vực sông Mê Kông.

Khán giả sẽ được nghe những câu chuyện của ông Thái Phụng Nê, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng, Trưởng ban quản lý dự án Thủy điện Hòa Bình, người được xem là rất am hiểu về thủy điện, gần như cả cuộc đời gắn với các công trình thuỷ điện tại Việt Nam. Ông sẽ kể về “Lá thư gửi thế hệ mai sau” được mở ra vào ngày 1.1.2100, một sáng kiến của những cán bộ, kỹ sư xây dựng công trình Thủy điện Hòa Bình.

Trong “Ký ức màu cờ”, khán giả còn được nghe lại những ca khúc cách mạng đi cùng năm tháng, từ “Tiến Quân ca”, “Quốc tế ca”, đến những ca khúc như “Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây”, “Mùa xuân trên quê hương”, “Màu cờ tôi yêu”…

Hãy hiểu quá khứ để vững tin vào hiện tại và sống vì tương lai

Đây là tâm sự của nhà báo Đặng Diễm Quỳnh sau khi gặp AHLLVT Tư Cang, chỉ huy cụm H63 Tình báo miền Nam & cô Chính Nghĩa, nữ biệt động nổi tiếng Sài Gòn, người phụ nữ duy nhất trong đội biệt động 5 tấn công Dinh Độc Lập tết Mậu Thân, hai trong số các nhân vật xuất hiện trong chương trình Ký ức màu cờ : Một chuyến đi rất ngắn mà đầy ấn tượng sâu sắc đẹp đẽ. Cảm ơn Sài gòn và những nhân vật huyền thoại đã trao cho chúng mình bao ký ức vô giá về lòng dũng cảm. “Các con cứ hướng về tương lai, nhưng phải hiểu quá khứ, sẽ thấy thêm vững tin và mạnh mẽ.”- ông Tư và cô Chính Nghĩa dặn vậy trước khi chúng mình đóng máy ra sân bay về HN.


Từ trái qua: Bà Đỗ Hồng Phấn- cựu nữ sinh trường Trưng Vương, bị bắt vào nhà tù Hỏa Lò khi đang treo cờ cách mạng tại sân trường; Ông Tạ Quốc Bảo - liên lạc viên trẻ tuổi của khu xứ ủy Bắc Kỳ phía Bắc Hà Nội, người tù trẻ nhất tại nhà tù Hỏa Lò thời điểm đó; Ông Thái Phụng Nê, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng; Ông Hoàng Quân Tạo, cựu tù Hỏa Lò, giám đốc đầu tiên của nhà hát kịch Hà Nội


Mỗi con người đều có những hành trình cuộc đời của mình. Có những nhân vật cách đây 10 năm báo chí khai thác hay những nhân vật ngày hôm qua báo chí khai thác nhưng đến khi gặp những người thực hiện chương trình này lại trong một tâm trạng khác, mọi người lại có cảm xúc mới để chia sẻ. Nhà báo Đặng Diễm Quỳnh chia sẻ : Tôi nghĩ rằng chỉ cần người hỏi chuyện thực sự lắng nghe thì luôn có được nội dung mới. Tôi nghĩ sức lay động không phải ở thông tin mà ở cảm xúc.

Nếu như ở những người thuộc thế hệ 7X của chúng tôi lần đầu được nghe các Anh hùng, các chiến sĩ thi đua từ năm 20 tuổi thì sẽ rất khác với những bạn phóng viên trẻ hiện nay đang ở tuổi 20. Đó lại là một cảm xúc mới, mối quan tâm mới và những hình dung mới. Và cảm xúc của chương trình được cộng hưởng từ hai yếu tố, một là cảm xúc của nhân vật, hai là cảm xúc của người làm nghề.


Võ Hồng Thu
Ý kiến của bạn