Hà Nội

Ký ức không phai về miền hoa ban trắng

29-03-2018 08:44 | Xã hội
google news

SKĐS - Đến với vùng Tây Bắc, bạn không chỉ được ngắm hoa ban trắng tinh túy tô điểm cho những ngọn núi trùng điệp, hiểm trở mà còn chiêm nghiệm cả một nền văn hóa trên nền núi non hùng vĩ ở nơi cực Bắc của Tổ quốc. Đoàn chúng tôi đã khởi hành từ 5h sáng từ Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ tại Hà Nội để đến với Mường Nhé, huyện xa xôi cách trở nhất của tỉnh Điện Biên, nơi hội tụ những người anh hùng năm xưa.

"Thầy thuốc trẻ Vì Sức khỏe cộng đồng" khám bệnh cho hơn 1000 đồng bào vùng cao ở Mường Nhé, Điện Biên

Đoàn chúng tôi gồm những người bác sĩ trẻ đến từ các câu lạc bộ thầy thuốc trẻ của Hà Nội, Viện Nhi, Viện K đã rong ruổi trên con đường nghìn trùng núi non của Tây Bắc tươi đẹp, giữa những làn hoa ban tinh túy, trắng trong chào đón, thấp thoáng bóng nhà sàn và những thiếu nữ miền sơn cước xinh tươi trong những chiếc váy xòe, những em bé má đỏ hây hây, những em thơ được mẹ địu lên lưng đáng yêu và trong trẻo đang chờ chúng tôi trên những nẻo đường.

Núi non, đèo dốc cứ thấp thoáng ẩn hiện trong làn mây, làn sương khói. Hòa Bình, Sơn La và Điện Biên cứ dần hiện lên trước tầm mắt khiến tâm hồn các bác sĩ trẻ tươi phơi phới. Nơi đây thể hiện tâm hồn mộc mạc, phóng khoáng của các dân tộc Việt Nam, nơi những con người dũng cảm xây nhà trên núi cao và sống cuộc đời thôn dã. Tây Bắc cũng là nơi tình yêu đơm hoa, với khung cảnh lãng mạn khiến những người thầy thuốc trẻ chúng tôi cảm thấy yêu đời, yêu người hơn, và nguyện sức mình đóng góp cho cộng đồng, xây dựng quê hương tươi đẹp.

Khối núi đá vôi, rừng nguyên sinh của Hòa Bình, các đồi cỏ xanh non mơn mởn của Mộc Châu lần lượt đi qua trên chặng hành trình. Rồi đèo Pha Đin ẩn hiện trong mây, trong sương khói như mơ. Đèo Tăng Quái với những pha cua hiểm nguy mà như tên gọi của nó khiến mọi tay lái đều phải thót tim. Chúng tôi đã trải qua 500km để đến với thung lũng Điện Biên và tiếp tục 200km nữa để chinh phục đường núi Mường Nhé. Với hành trình kéo dài hơn 21 tiếng trên những con đèo dốc hiểm trở, vực kề bên đường, đôi khi sương muối khiến gần như không còn thấy đường, phải mò mẫm trong đêm. Nhưng đến sáng hôm sau, những gương mặt hồn nhiên, trong trẻo của đồng bào vùng cao khiến tâm hồn người thầy thuốc cảm thấy hạnh phúc làm sao, những đôi tay thoăn thoắt khám bệnh, hỏi han bệnh nhân. Rất đông người đã tới đây để mong tới lượt mình khám. Nhiều người mẹ trẻ măng, nhiều cụ bà trong trang phục của các dân tộc vùng cao rực rỡ sắc màu địu con, địu cháu trên lưng. Tiếng em bé khóc vang khi được bác sĩ cho ống nghe vào nghe nhịp tim hoặc mở miệng để kiểm tra amidan xen lẫn tiếng dỗ dành của các nữ bác sĩ nhi-những người mẹ hiền khiến chúng tôi càng cảm thấy yêu người, yêu nghề hơn.

Gia đình đồng bào vùng cao tới khám bệnh ở Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé, Điện Biên

Ở bàn bên kia, một bác sĩ liên tục kiểm tra võng mạc cho các bác lớn tuổi, có bác sĩ thì tư vấn nội khoa cho hàng lượt người bệnh. Ở một buồng bệnh, bác sĩ của Viện 198, Bộ Công An đang siêu âm 4D cho hàng trăm lượt đồng bào. Đợt khám này, đồng bào dường như đã đợi chờ và mong ngóng từ rất lâu, bởi quy tụ nhiều bác sĩ giỏi nhất từ các bệnh viện đầu ngành. Ai cũng mong sẽ sớm tới lượt của mình. Dù 1h30 sáng mới tới nơi, chỉ chợp mắt vài tiếng và dậy sớm để chuẩn bị khám, cùng những lượt người khám đông nghịt, nhưng những câu hỏi mộc mạc, ngây thơ của người vùng cao khiến mọi nỗi mệt mỏi dường như tan biến. Tất cả chúng tôi đều tràn đầy sinh lực và mong có thể khám, kê đơn cho nhiều người hơn. Rất có thể, chính sự hùng vĩ của thiên nhiên, sự kiên cường khi sống trong điều kiện khắc nghiệt của con người nơi đây, vẻ đẹp thuần khiết của họ đã khiến bác sĩ trẻ Nguyễn Văn Hiếu mê say và chọn nơi đây làm quê hương của mình. Chúng tôi có người đã từng đi tới Trường Sa thân yêu, nơi biển sâu xa thẳm, và nay lại nguyện tới nơi miền sơn cước hiểm trở để có thể tận mắt thấy núi non hùng vĩ và sự quả cảm của con người nơi đây.

Mường Nhé, Điện Biên đã từng ghi dấu trận chiến hào hùng năm xưa, nơi những người thầy thuốc quân y đã từng đi bộ nhiều ngày để chữa trị cho các chiến sĩ và nhân dân, nơi mà các y sĩ thôn bản vẫn ngày ngày cuốc bộ trên các con đường đến tận nhà dân để khám và chữa bệnh. Thắp nén hương tưởng niệm các chiến sĩ vô danh, chúng tôi nguyện sẽ mãi cống hiến sức mình như loài hoa ban trắng thuần khiết trên khắp muôn nẻo đường Tây Bắc. Màu trắng trong của hoa ban cũng giống như màu áo blouse, sẽ vẫy gọi chúng tôi tới mọi nẻo đường của Tổ quốc trong sứ mệnh thiêng liêng của người thầy thuốc.


Nguyễn Vân
Ý kiến của bạn