BS Trần Thị Lịch – khi ấy là một cán bộ côn trùng học trẻ – may mắn có mặt trong đoàn, trở thành nhân chứng sống cho một hành trình khoa học đầy gian khổ, hy sinh và cao cả.
Chúng tôi gặp BS Trần Thị Lịch trong khuôn viên tưởng niệm cố GS Đặng Văn Ngữ tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương. Đây cũng là nơi đặt trụ sở Bệnh viện Đặng Văn Ngữ.
Mái tóc bạc, dáng người gọn gàng, bà Lịch vẫn nhớ như in từng chi tiết của hành trình đặc biệt ấy – chuyến đi cùng Giáo sư Đặng Văn Ngữ vào Vĩnh Linh năm 1966.
"Cô là Trần Thị Lịch, sinh năm 1940", bà chậm rãi giới thiệu rồi ánh mắt như sáng lên khi nhắc tới người thầy Đặng Văn Ngữ "Cô may mắn được sống và làm việc bên cạnh thầy. Đó là một khoảng thời gian không thể nào quên."
BS Trần Thị Lịch (thứ 2 từ trái qua) cùng đồng nghiệp tại khuôn viên tưởng niệm cố GS Đặng Văn Ngữ tại Viện Sốt rét – Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương.
Tháng 4 năm 1966, trong lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ đang bước vào giai đoạn khốc liệt, bệnh sốt rét lại trở thành một kẻ thù không súng đạn nhưng giết người không kém phần tàn bạo. "Bộ đội ta hy sinh không chỉ vì bom đạn mà còn vì sốt rét – nhất là sốt rét ác tính. Sốt rét đã giết nhiều người lính ngoài mặt trận, đặc biệt ở các vùng rừng núi, nơi điều kiện y tế cực kỳ thiếu thốn," BS Lịch kể.
Chứng kiến tình hình đó, GS Đặng Văn Ngữ – khi ấy là Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng - Côn trùng đã vô cùng trăn trở. "Thầy rất lo lắng, rất đau đáu. Thầy suy nghĩ rất nhiều: Làm sao có thể tìm ra một biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ bộ đội khỏi sốt rét?"
Giữa thời buổi mà khái niệm "vắc xin phòng sốt rét" còn rất xa lạ với giới y học Việt Nam, GS Đặng Văn Ngữ đã nghĩ đến việc sản xuất vắc xin sốt rét. "Có ai nghĩ đến chuyện đó thời ấy đâu," bà Lịch nhớ lại. "Vậy mà thầy đã nghĩ ra. Không chỉ nghĩ, thầy tổ chức ngay một đoàn nghiên cứu vào chiến trường để thực hiện".
Cuối tháng 4/1966, đoàn nghiên cứu sốt rét được thành lập. Các thành viên trong đoàn nghiên cứu bao gồm: GS Đặng Văn Ngữ, các bác sĩ Nguyễn Thị Hợi, Trần Thị Lịch và Nguyễn Văn Sản. Trước ngày khởi hành, GS Đặng Văn Ngữ đã có buổi trao đổi với đoàn về bệnh sốt rét, tổn thất của các chiến sĩ bộ đội phải đối mặt nơi chiến trường do bệnh sốt rét gây ra. Nhiều người mắc sốt rét đã ảnh hưởng trầm trọng đến sức chiến đấu của bộ đội.
Đoàn nghiên cứu được trao đổi về tầm quan trọng, yêu cầu, mục tiêu của chuyến nghiên cứu, các kiến thức về chống sốt rét và về vắc xin thoa trùng sốt rét. Cuộc thảo luận tỉ mỉ để hiểu được tầm quan trọng của chuyến đi thực địa, những yêu cầu mà Đoàn nghiên cứu cần làm để có kết quả nghiên cứu tốt nhất.
"Sốt rét là bệnh dễ gây tử vong do biến chứng, nên cần phải có phương pháp phòng hiệu quả. Bệnh sốt rét Trường Sơn lại do muỗi An. Balabacensis (sau này định danh là A. dirus) tiêu ngoài trời truyền bệnh. Mọi hoạt động, chiến đấu của bộ đội gắn liền với núi rừng Trường Sơn, nghỉ bằng võng mắc trong rừng, trong hầm và luôn phải di chuyển nhiều nơi. Do đó, cần phải có biện pháp hữu hiệu phù hợp nhất phòng chống sốt rét Trường Sơn bằng vắc xin thoa trùng sốt rét thiên nhiên tại các vùng sốt rét lưu hành nặng", BS Trần Thị Lịch kể.
Nhiệm vụ của đoàn nghiên cứu khi đó thống nhất gồm: Bắt muỗi, định loại và mổ lấy tuyến nước bọt tìm thoa trùng để có nhận xét là tại điểm sốt rét lưu hành nặng có thể bắt được nhiều muỗi không.
Điều chế vắc xin từ tuyến nước bọt có thoa trùng, để có nhận xét là vắc xin điều chế từ tuyến nước bọt muỗi nhiễm thoa trùng thiên nhiên dùng cho người có an toàn không.
Theo dõi kết quả tiêm thông qua xét nghiệm máu của một số người được tiêm vắc xin và một số người không được tiêm vắc xin cùng sinh hoạt tại điểm sốt rét nặng để đưa ra nhận xét là vắc xin thoa trùng trong tuyến nước bọt muỗi thiên nhiên có hiệu quả không.
GS Đặng Văn Ngữ (trái) cùng các đồng nghiệp.
GS Đặng Văn Ngữ phân công nhiệm vụ khi đó:
BS Nguyễn Thị Hợi: Chịu trách nhiệm khám, điều trị và theo dõi bệnh nhân sốt rét; xét nghiệm máu hằng ngày và theo dõi đánh giá tình hình. Ngoài ra, cũng tham gia bắt muỗi vào buổi tối.
BS Trần Thị Lịch: Bắt muỗi, mổ muỗi tìm thoa trùng.
BS Nguyễn Văn Sản: Bắt muỗi và tham gia công tác điều trị cùng BS Nguyễn Thị Hợi.
Anh Dương Văn Đắc (lái xe) sẽ cùng tham gia bắt muỗi.
BS Trần Thị Lịch kể, đoàn xuất phát từ Hà Nội vào tháng 5/1966. Chuyến đi kéo dài 7 ngày đêm. Nhưng không phải hành trình bình thường – họ chỉ có thể đi vào ban đêm để tránh máy bay Mỹ. Ban ngày, cả đoàn phải tìm nơi trú ẩn, tránh bom, vượt qua những đoạn đường bị cắt đứt, cầu gãy.
Tới Vĩnh Linh, máy bay địch đánh phá khốc liệt liên hồi, và đây là vùng tiếp giáp chiến trường chính miền Nam. Tại Vĩnh Linh, Giáo sư Đặng Văn Ngữ chọn địa điểm nghiên cứu là Quân y viện 43, nằm tại vùng rừng Trường Sơn thuộc xã Vĩnh Khê, khu vực Vĩnh Linh, có nhiệm vụ điều trị cho bộ đội từ miền Nam ra.
Bệnh nhân ở đây nằm điều trị tại các lán được làm bằng gỗ rừng, mái lợp bằng lá tranh, xung quanh vách lán ken các lán được che kín bằng phên lá "đúng đỉnh" để ánh sáng không lọt ra bên ngoài, tránh máy bay địch phát hiện. Mỗi lán có 6–8 bệnh nhân, các lán cách nhau từ 50–80m.
Công việc đầu tiên của nhóm nghiên cứu là bắt muỗi. Người bắt muỗi thường ngồi cách lán bệnh nhân 2–4m, mỗi lán có một người ngồi bắt và thời gian bắt từ 6–8h tối.
"Người bắt muỗi sẽ xắn quần cao qua đầu gối để làm mồi, khi muỗi đậu dùng đèn pin soi, lấy ống nghiệm to nhẹ nhàng chụp bắt muỗi. Bắt muỗi luân phiên hôm nay lán này, hôm sau lán khác, mấy ngày sau quay trở lại bắt. Giáo sư chia thêm người tham gia bắt muỗi, các ngày cũng mỗi người 1 lần để bắt. Chúng tôi đề nghị với Giáo sư không đi bắt muỗi tối, công việc này để chúng tôi lo, nhưng ông không nghe và nói có nhiều người bắt thì sẽ có nhiều muỗi, số muỗi bắt được phụ thuộc vào thời tiết mỗi ngày, khoảng trên 10 con, có ngày không bắt được con muỗi nào", BS Trần Thị Lịch kể lại.
BS Lịch được phân công mổ muỗi và soi tuyến nước bọt tìm thoa trùng. Công việc mổ muỗi bà đã thực hiện nhiều, còn soi tuyến nước bọt thì chưa bao giờ gặp thoa trùng. GS Đặng Văn Ngữ đã dành nhiều thời gian để tham gia thực hiện phần việc này.
"Ngày đầu làm nhiệm vụ, thầy Đặng Văn Ngữ đã quan sát tôi thực hiện quy trình kỹ thuật mổ muỗi lấy tuyến nước bọt rất kỹ lưỡng.
Muỗi bắt về chủ yếu là An. balabacensis, sau đó được phân loại rồi gây mê từng con bằng cete. Tiến hành mổ muỗi trên kính lúp hai mắt đèn.
Muỗi đã gây mê được đặt lên một giọt nước muối sinh lý 9‰ trên lam kính đầu tiên, được cắt cánh và chân. Sau đó muỗi được chuyển sang giọt nước muối sinh lý trên lam kính thứ 2.
Ở đây, muỗi bị tách đầu kéo theo tuyến nước bọt. Việc tách lấy được tuyến nước bọt ra đòi hỏi kỹ thuật thuần thục và chính xác.
Sau đó, tuyến nước bọt được tách ra khỏi đầu, chuyển sang giọt nước muối trên lam kính thứ 3 rồi chuyển sang kính hiển vi để GS Ngữ soi tìm thoa trùng.
"Sau khi xem lam kính thứ ba để kiểm tra tuyến nước bọt, Giáo sư nói tôi xem và nhận định: không thấy có hạt phình tinh, tập trung, cụ thể, kiến, gần sát kẽ để thấy được tất cả các điểm của các tuyến nước bọt.
Mỗi lần xem tuyến nước bọt muỗi, Giáo sư đều có nhận xét rất kỹ, nhưng trong suốt thời gian đầu thực hiện, chúng tôi không thấy có thoa trùng nên nhiều lần bị ông nhắc nhở và cảm thấy có lỗi khi chưa phát hiện.
Tôi quan sát kỹ hơn, và nhận thấy tuyến nước bọt muỗi có khác, so với bộ tuyến nước bọt khác tôi đã xem: kích thước tuyến hơi căng đều hơn, nhìn kỹ thấy các khoang tuyến có nhiều hình thoi màu trắng xếp đều, phần tuyến bị rách có hiện tượng sóng động đậy rất rõ. Tôi rất vui mừng vì đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy thoa trùng trên tuyến nước bọt muỗi", BS Trần Thị Lịch kể lại.
Từ ngày phát hiện ra bộ tuyến nước bọt muỗi có thoa trùng, tất cả các bộ tuyến nước bọt muỗi có thoa trùng đều được giữ lại để điều chế vắc xin. Mỗi bộ tuyến nước bọt được cho vào 0,5ml phenol 1% (1/2 ml có 10 giọt nước). Muỗi bắt được chủ yếu là An. balabacensis.
Số tuyến nước bọt có thoa trùng được lưu giữ lại đóng trong lọ dung dịch phenol 1%. Mỗi liều tiêm cho người là 0,5 ml vắc xin/người (mỗi người nhận 1 bộ tuyến nước bọt muỗi/mỗi lần tiêm). Số lượng vắc xin đã đủ để tiêm, Giáo sư Đặng Văn Ngữ quyết định tiêm thử vắc xin cho người.
Do chiến tranh ác liệt vùng giới tuyến, mọi thứ đều vô cùng thiếu thốn, không có điều kiện để nghiên cứu đánh giá tính an toàn của vắc xin. Do tính cấp bách của nghiên cứu, buộc giáo sư phải tiến hành đánh giá tính an toàn của vắc xin ngay trên những cán bộ được nghiên cứu.
Bà Lịch nhớ lại khoảnh khắc đó, giọng bỗng chậm rãi hẳn lại. Không gian như lắng xuống theo từng lời kể.
"Khi mũi tiêm chạm vào da thầy, cả phòng im phăng phắc. Không ai dám nói gì. Không khí như đặc quánh lại. Rồi, sau một lúc, thầy đứng dậy, thản nhiên nói: 'Mình vẫn bình thường!' – chúng tôi òa lên trong niềm vui. Cảm giác như vừa thoát khỏi một trận bão lớn".
Sau mũi tiêm đầu tiên ấy, lần lượt bốn thành viên trong đoàn, trong đó có bà Lịch, cũng tham gia tiêm thử nghiệm. Tổng cộng có năm người, bao gồm GS Đặng Văn Ngữ. Dưới những tán rừng Trường Sơn, giữa tiếng bom đạn ngày đêm rền vang, họ lặng lẽ thực hiện một thí nghiệm chưa từng có tiền lệ – đặt cả sức khỏe, mạng sống của mình lên bàn cân khoa học.
"Ở Quân y viện 43 lúc ấy, người ta cũng chuẩn bị đầy đủ các phương tiện cấp cứu. Nhưng may mắn là không có ai gặp phản ứng xấu," – bà kể – "Thầy Ngữ không chỉ là nhà khoa học giỏi, mà còn là người có nhân cách lớn. Dám đi trước, chấp nhận rủi ro thay cho người khác."
"Sau một thời gian, khi có đủ vắc xin tiêm cho 10 người. Chúng tôi lựa chọn ra 20 nhân viên của Quân Y viện 43 có mọi điều kiện sinh hoạt đời sống như nhau. 10 người được tiêm vắc xin sốt rét, và 10 người không tiêm để đối chứng. Trước khi tiêm, 20 người được khám sức khỏe, xét nghiệm máu và có kết quả âm tính với ký sinh trùng sốt rét. Sau khi tiêm, cứ 2 tuần/lần, những người tham gia được xét nghiệm máu tìm ký sinh trùng sốt rét", BS Lịch kể.
Sau một tháng theo dõi, 10 người được tiêm vắc xin không ai bị sốt, trong xét nghiệm máu cũng không có ký sinh trùng sốt rét, còn 10 người không tiêm vắc xin có 2 người bị sốt và xét nghiệm máu có ký sinh trùng sốt rét.
Nhật ký làm việc của GS Đặng Văn Ngữ được lưu ở Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương.
Tháng tiếp theo, 10 người tiêm vắc xin không ai bị sốt, trong xét nghiệm máu không có ký sinh trùng sốt rét, còn 10 người không tiêm vắc xin có 1 người bị sốt và xét nghiệm máu có ký sinh trùng sốt rét. T
Theo dõi 5 người trong đoàn nghiên cứu, không ai bị sốt, trong xét nghiệm máu không có ký sinh trùng sốt rét. Ngoài ra, Đoàn nghiên cứu và Quân y viện 43 vẫn tiếp tục tiêm thêm cho một số người, tuy nhiên, do thời gian không có, những trường hợp này không tiến hành theo dõi kết quả.
BS Hợi chịu trách nhiệm xét nghiệm máu hằng ngày để theo dõi, đánh giá tình hình bệnh nhân sốt rét, số lượng ký sinh trùng trong hồng cầu, điều trị bệnh nhân sốt rét (kết hợp thuốc sốt rét với Filatov lách trâu); theo dõi những bệnh nhân có ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc, điều trị sốt rét kháng thuốc và xét nghiệm máu của nhóm người được tiêm vắc xin cùng nhóm người đối chứng.
Nghiên cứu vắc xin sốt rét thoa trùng thực địa tại Vĩnh Linh đã có kết quả, qua đó GS Đặng Văn Ngữ có niềm tin vắc xin sốt rét thoa trùng lấy từ tuyến nước bọt muỗi nhiễm tự nhiên có khả năng phòng sốt rét. Việc này thôi thúc Giáo sư hoàn thành nghiên cứu, đưa vào chiến trường miền Nam Trị Thiên Huế, tiếp tục nghiên cứu, sản xuất vắc xin sốt rét cho chiến trường tại chỗ để tiêm cho bộ đội đang chiến đấu gần với núi rừng Trường Sơn.
Tư liệu lưu giữ tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương.
Sau chuyến đi thực địa, khi về Hà Nội vào cuối tháng 9/1966, GS Đặng Văn Ngữ đã ngay lập tức tổ chức đoàn nghiên cứu y tế, có ý kiến đề nghị Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ xin được vào chiến trường Trị Thiên Huế xin được vào chiến trường Trị Thiên Huế để tiếp tục công việc nghiên cứu và sản xuất vắc xin thoa trùng sốt rét cho bộ đội và nhân dân vùng sốt rét. Dù lãnh đạo nhiều nơi không được chấp thuận, ông vẫn kiên trì thuyết phục bằng lòng quyết tâm, sự nhiệt huyết, khát khao mong muốn được góp sức vào công cuộc giải phóng Đất nước. Sau nhiều lần trình bày thì nguyện vọng của Giáo sư đã được chấp nhận.
GS Đặng Văn Ngữ khẩn trương thành lập đoàn đi trong sự phấn khởi và vui mừng. Đoàn gồm có 12 người, 7 nam và 5 nữ, cùng Giáo sư vào chiến trường để làm nhiệm vụ. Giáo sư sát cánh, giúp đỡ, giải quyết những khó khăn vướng mắc cho các thành viên đoàn. Giáo sư còn tổ chức phát động phong trào mọi người trong viện làm đơn xung phong xin vào chiến trường công tác, tạo nên khí thế hừng hực toàn Viện khi đó.
Theo bà Lịch, công trình của GS Đặng Văn Ngữ là một bước đi tiên phong. Thời điểm ấy, ngay cả trên thế giới, chưa có nghiên cứu vắc xin sốt rét nào được triển khai thực nghiệm đến vậy.
"Giáo sư đi trước thời đại. Phải mấy chục năm sau, thế giới mới bắt đầu đi theo hướng nghiên cứu vắc xin thoa trùng sốt rét như thầy từng làm. Đến tận năm 2023, Tổ chức Y tế Thế giới mới chính thức phê duyệt vắc xin phòng sốt rét để đưa vào sử dụng rộng rãi."
Bà dừng lại, lấy tay lau khóe mắt vì xúc động. "Ở nơi xa kia thầy sẽ thấy con đường mà thầy đi, cuối cùng nhân loại cũng đã đi theo. Mà cái con đường ấy… thầy bắt đầu từ rừng Trường Sơn, giữa khói lửa chiến tranh, giữa những ngày tháng gian nan."
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng ký ức về GS Đặng Văn Ngữ và mũi tiêm đầu tiên ấy vẫn sống động trong tâm trí những người từng có mặt. Với bác sĩ Lịch, đó không chỉ là một thí nghiệm y học, mà là biểu tượng của lòng dũng cảm, niềm tin khoa học, và tình yêu thương con người.
"Giáo sư không chỉ dạy chúng tôi kiến thức. Thầy dạy cả cách làm người, cách dấn thân. Làm khoa học không chỉ cần trí tuệ – còn phải có cả trái tim."
Giờ đây, khi thế giới đã ghi nhận những thành tựu từ vắc xin phòng sốt rét, người ta nhắc đến những cái tên trong các phòng thí nghiệm hiện đại. Nhưng ở một nơi nào đó trong lịch sử, có một người Việt Nam – GS Đặng Văn Ngữ – đã lặng thầm làm điều tương tự, từ rất sớm, bằng cả tâm huyết và sinh mạng của mình.
BS Trần Thị Lịch.
Bà Lịch nhớ lại: "Trong mọi hoạt động, thầy Ngữ luôn tỉ mỉ, cẩn trọng. Thầy dạy chúng tôi cả cách xử lý mẫu, cách phân tích, ghi chép dữ liệu. Không có bất cứ sự cẩu thả nào dù chỉ là chi tiết nhỏ."
Thầy còn đặc biệt chú trọng sức khỏe của các thành viên trong đoàn. "Thầy luôn dặn dò phải tự bảo vệ mình trước tiên. Thầy nói: không thể có nghiên cứu nếu không giữ được sức khỏe."
Khi công việc đang vào giai đoạn quan trọng, tai họa ập đến. Ngày 1/4/1967, bom Mỹ dội trúng căn cứ. GS Đặng Văn Ngữ hy sinh. Sự ra đi đột ngột của GS Đặng Văn Ngữ là cú sốc lớn với ngành y học Việt Nam. Ông ngã xuống giữa chiến trường, ngay trong hành trình nghiên cứu vắc xin phòng chống căn bệnh đã giết chết hàng ngàn chiến sĩ.
"Thầy mất, ai cũng đau đớn. Nhưng chúng tôi tự hứa với lòng: phải tiếp tục công việc của thầy. Phải hoàn thành mục tiêu của đoàn," bà Lịch nói.
BS Trần Thị Lịch tiếp tục công tác ở bộ phận nuôi côn trùng của Viện Sốt rét – Côn trùng – Ký sinh trùng Trung ương. Bà tiếp tục cùng đồng nghiệp đi nhiều nơi để nghiên cứu, khảo sát tình hình sốt rét ở từng vùng sinh thái, xác định loài muỗi truyền bệnh, tìm hiểu cơ chế kháng thuốc của ký sinh trùng và phối hợp triển khai các biện pháp phòng chống.
Một trong những vấn đề rất quan trọng thời điểm đó là tình trạng ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc chloroquin (thuốc điều trị chính thời đó) ngày càng gia tăng. Vì vậy, các cán bộ của viện đã tiến hành nghiên cứu điều trị sốt rét bằng các thuốc phối hợp khác như fansidar, quinine, artesunate… Kết quả điều trị được theo dõi chặt chẽ, từng bước xây dựng được phác đồ điều trị phù hợp với từng vùng.
Những năm sau này, nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế tiếp tục nghiên cứu về vắc xin sốt rét. Đặc biệt, năm 2021, vắc xin RTS,S/AS01 do hãng GSK phát triển đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị sử dụng thí điểm tại một số nước châu Phi.
Tháng 4/2023, WHO chính thức công bố đưa vắc xin chống thoa trùng sốt rét vào sử dụng cho người để phòng bệnh sốt rét. Đây là kết quả của một hành trình nghiên cứu kéo dài hàng chục năm, khởi nguồn từ những công trình khoa học tiên phong, trong đó có hướng nghiên cứu của GS Đặng Văn Ngữ tại Vĩnh Linh năm 1966 – một hướng đi mang tầm nhìn chiến lược và khoa học vượt thời đại.
Các cán bộ Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương và Gia đình GS.BS Đặng Văn Ngữ thắp hương tưởng niệm nhân ngày Thương binh Liệt sĩ Việt Nam 27/7.
Ngoài kia, nắng vàng rơi qua tán cây viện cũ. Trên dãy hành lang, mùi cồn sát khuẩn, tiếng guốc y tá lách cách như hòa cùng câu chuyện vừa nghe – về một thời đã xa, nhưng không bao giờ mất dấu trong ký ức người nữ bác sĩ trẻ năm xưa.