Cú cà phê Huế tôi uống đầu tiên là tại bến xe An Hòa, một đêm mùa hè năm 1976, tôi xuống xe liên vận Hà Nội - Huế, ngủ lại nhà trọ bến xe một đêm để mai về làng. Về nhà tôi hồi ấy là phải ra bến đò Ðông Ba, xuống đò về Thanh Chương - Ðại Lược - Chợ Biện. 10 giờ trưa đò mới chạy, cà rục cà rù phải 2 - 3 giờ chiều mới tới. Rủ một anh bộ đội cùng phòng trọ ra bến xe ngồi ngắm linh tinh - phòng trọ kê rất nhiều giường sát nhau, mỗi người một giường nên có thể gọi là “giường trọ” thì đúng hơn...
Hồi ấy, cái bến xe An Hòa vô cùng đông đúc, nhộn nhạo. Mà cái hồi bao cấp ấy thì bến xe nào cũng như vậy cả, đủ thứ bẩn tưởi, thanh cao ở đấy. Nhưng vẫn có một cái góc yên tĩnh với một anh chàng bán cà phê cóc, mấy cái ghế, ngọn đèn dầu... Uống xong mỗi người một ly đen nóng thì anh bộ đội giành trả tiền mất. Không được, không thể được, ai lại thế. Thế là tôi kêu… hai ly nữa, ngồi đến một giờ sáng thì lần mò tìm về nhà trọ và… nằm thao láo đến sáng.
Một góc cà phê với bao kỷ niệm buồn, vui...
Hồi ấy, tôi vừa tốt nghiệp cấp 3, tức hết lớp 10 ở Thanh Hóa, thú thực là chưa bao giờ tôi uống cà phê, đây là ly cà phê đầu tiên trong đời tôi. Đến giờ, đã nghiện cà phê đến mức nếu như sáng ra chưa có nó thì cứ lử khử như kẻ sốt rét kinh niên, nhưng cũng chưa bao giờ mà liên tục một lúc tôi xơi hai ly đen như đêm ấy…
Đến khi về Huế thì cà phê Thọ đang nổi. Đây là quán cà phê ở ngay bên bờ sông Hương, cạnh bến đò chợ Đông Ba. Đã vào miền Tây, sang Lào, Thái Lan…, thấy những quán cà phê bên bờ sông, tôi lại nhớ cà phê Thọ. Cà phê pha sẵn trong “tất”, tức là những cái bao vải, cho cà phê vào rồi… ninh. Khi có khách, nếu uống đá thì để thế cho đá vào, nếu uống đen nóng thì lại cho vào ấm đun lên. Thi thoảng nhân viên lại mang những cái “tất” chứa bã cà phê ra sông giũ bã và giặt. Thực ra không nhớ người Huế thời ấy có gọi là cà phê tất không, nhưng tôi nhìn những cái túi vải dài dài căng căng ấy cứ gọi là tất cho nó… nhã.
Cũng không nhớ đến bao giờ thì cà phê Thọ biến mất để cho chợ Đông Ba mở rộng sửa sang. Tôi đã từng rất nhiều lần ngồi trầm ngâm ở đấy. Những bản nhạc bolero từ cái băng cối to ụ, rừ rừ quay giữa những trưa hè. Ở xa thì thao thức chứ ngồi gần ngắm sông Hương đoạn ấy thú thật là… rất kinh. Tại vì là cái bến đò, san sát đò, người ta vô tư thải các thứ xuống sông. Rồi còn cái chợ Đông Ba, rồi bao nhiêu hàng quán… và bao nhiêu gia đình sống trên ấy nữa. Nước sông đen xì, sền sệt. Vẫn có những người chịu khó lội ra xa gánh nước về, có những đứa bé bán trà đá thi thoảng vục trộm cái ấm xuống sông thay vì về nhà lấy thêm nước… Giờ đoạn ấy sạch sẽ và tươm tất, mỗi lần về, ghé lại, tôi lại vẫn thấy thiêu thiếu một thứ gì. Thì ra là cái quán cà phê có tên Thọ và sự nhộn nhịp của bến đò một thời…
Sinh viên, chúng tôi hay ngồi cà phê Bến Nghé. Thời chúng tôi là sinh viên khác bây giờ nhiều. Có tiền thì hay đi ăn bún, bánh bột lọc, sắn luộc… ở cổng trường. Rủ bạn gái đi thì ăn chè. Huế có chè heo quay khá lạ. Giờ sinh viên cà phê hàng ngày là đương nhiên, biết nhậu nữa…
Chúng tôi thích cà phê nhưng không có tiền uống, phải có dịp mới uống. Dịp là những cuộc kiểm tra hoặc thi hết môn hoặc hết học kỳ, hết năm...
Cứ hôm nào mà mai thi thì chiều ấy tôi đi… bán một thứ gì. Sáng mai rủ gã bạn thân ra cà phê Bến Nghé ngồi rất sớm, đợi thi. Có khi 2 thằng chỉ 1 ly cà phê đá, cứ ngồi đồng thế, đến lúc thay mấy lần trà và đá thì… tính tiền. Nhưng sinh viên cũng sĩ. Kêu cà phê thì 1 thằng sẽ dõng dạc nói uống rồi, chỉ kêu 1 ly cà phê, 1 ly trà đá với 1 điếu thuốc rồi lén lút uống chung, hút chung. Có hôm không thi mà có tí tiền thì đến… 4 thằng vào kêu 1 ly cà phê vì 3 thằng kia… uống rồi và ngồi đồng cả buổi.
Ra trường đi làm, một lần về Huế, mấy em sinh viên rủ “tiền bối” đi cà phê Chiều. Cái quán cà phê hay đến mức mà về tôi phải viết hẳn một cái tản văn. Ấy là một cái quán lá nằm trên một con đường nhộn nhịp xứ Huế. Chiều lững lờ trôi theo dập dìu áo trắng học trò với chậm rãi vòng quay xe đạp. Cỏ xanh ngợp mắt leo trễ nải và buông thả lên những mảng tường thành đổ nát trước mặt làm tăng thêm vẻ cổ kính hoàng thành. Quán cà phê này có mấy điều đặc biệt: một là chỉ chuyên mở nhạc Trịnh, mà chủ yếu là giọng hát liêu trai của Khánh Ly một thuở từ một cái băng cối to ụ; Hai là có rất nhiều vò đất để cắm, để thả chỉ một loại duy nhất là cỏ dại ngắt ở xung quanh quán; Ba là chỉ thắp nến trên bàn; Bốn là tên quán chỉ độc một chữ: Chiều. Và năm là bàn ghế vô cùng thô sơ nhưng lại cũng vô cùng đông khách, chủ yếu là sinh viên. Vì là sinh viên nên nhiều khi cả bốn năm chàng-nàng đổ bộ trên một, hai chiếc xe đạp tồng ngồng xuống chiếm hẳn... hai bàn nhưng lại chỉ kêu... một chai nước khoáng và ngồi suốt buổi trầm tư gật gù như bị thôi miên nhưng lại rất tỉnh táo và tự giác khi lẳng lặng móc túi quần ra những đồng năm trăm, hai trăm nhàu nát góp cho bạn chung tiền. Thời tôi còn là sinh viên ngồi cà phê nghe nhạc Trịnh là xa xỉ, là phù phiếm. Nhạc Trịnh chúng tôi chỉ dám khe khẽ hát cho nhau nghe, những giọng ca mà nếu Trịnh nghe cũng phân vân không hiểu có đúng chúng đang hát nhạc của mình không? Giờ ngồi đây, tuổi sinh viên của tôi như chỉ mới hôm qua? Nắng dìu dịu, chiều như một giấc mơ ăn lan vào quá khứ. Từ đây nhìn vào một góc tử cấm thành hoang phế, thấy hiển hiện bao kiếp phù du hưng thịnh. Nến nhập nhoè và thảng thốt một đôi mắt buồn như nhạc Trịnh... Sau này về lại, lại ghé, nghe nói quán đã đổi chủ, nó không còn 5 điều độc đáo như tôi từng nghĩ nữa. Biết làm sao được, bán cà phê là để sống đã chứ?
Giờ, cũng như mọi nơi trên đất nước ta, Huế cũng bạt ngàn quán cà phê. Tôi đã từng những sáng tinh sương ngồi cà phê ở một quán trên đường Trần Thúc Nhẫn, từng trong cơn mưa ngút trời, giày phải gác lên ghế ở một cà phê mạn Đập Đá hay một chiều ưng ửng ở cà phê Tứ phương vô sự thành Nội… Nhưng ấn tượng nhất với Huế là cà phê… ghế.
Nhớ có lần trên một tờ báo in cái ảnh cà phê ghế ở Huế. Giữa mênh mông nước lụt, từng dãy ghế vẫn thẳng tưng trên vỉa hè. Cận cảnh một trai Huế quần cụt áo thun co chân trên ghế tránh nước trầm tư bên ly cà phê bốc khói. Một ghế thấp - một ghế cao: ghế thấp cho người, ghế cao cho ly cà phê, thế là thành cà phê… ghế, thẳng tắp như thế, trầm tư như thế, hài hước như thế và cũng ấn tượng như thế, cà phê ghế Huế trở thành vết khắc vào nỗi nhớ của người Huế tha phương - là tôi.
Và uống cà phê ở nhiều nơi, tôi mới nhận ra số nữ uống cà phê không đường nhiều nhất là ở Huế. Cũng chả hiểu tại sao, nhưng tôi thấy đa phần các cô gái Huế, nhất là các cô xinh đẹp đúng phong cách Huế, thường là uống cà phê không đường. Dẫu cứ vẫn phải cho một ít đường, một ít thôi, vào ly đen nóng, bao giờ cũng là đen nóng, nhưng tôi vẫn cho rằng uống cà phê không đường nó mới lên hết cái vị, cái hương, cái chất của cà phê. Và bởi thế, với tôi, cà phê sữa chưa bao giờ là cà phê…
Tôi cho rằng có một văn hóa cà phê và không phải ai biết uống cà phê, thậm chí là nghiện cà phê, là có văn hóa cà phê. Có hàng ngàn quán cà phê, nhưng chỉ chừng nửa số ấy là có văn hóa, có triết lý cà phê, họ nâng việc pha chế, phục vụ, bán cà phê... thành nghệ thuật, một thứ nghệ thuật vô lượng vô hình mà chỉ ai thật sành, thật tinh tế mới cảm nhận được. Họ pha cà phê như một sự ngưỡng thánh, như tự mình dâng hiến, đắm say và sáng tạo, bí ẩn và thiêng liêng, tưởng giản đơn nhưng lại đầy cảm xúc và bất ngờ… Tết này, tôi ngồi uống cà phê ở một thành phố được mệnh danh là thủ phủ cà phê để nhớ về Huế, về nơi tôi đã uống ngụm cà phê đầu tiên của cuộc đời để rồi mãi mãi nó thành một dấu ấn kỷ niệm không thể quên, để tôi, mãi mãi bị mê hoặc trong cái thứ nước đen đen ma mị đầy ám ảnh ấy…
Bài, ảnh: Văn Công Hùng