Kỷ tử giúp bổ dưỡng và hỗ trợ điều trị nhiều bệnh

10-03-2023 06:45 | Vị thuốc quanh ta

SKĐS - Kỷ tử là một vị thuốc bổ huyết, bổ can thận, nhuận phế táo, mạnh gân cốt, thường dùng cho người suy nhược mệt mỏi, gầy yếu; hỗ trợ trị ho lao...

1. Tác dụng dược lý của kỷ tử

Kỷ tử còn có tên gọi khác là câu khởi, khởi tử, câu kỷ tử. Tên khoa học Lycium sinense Mill (Lycium barbarum L. var. sinense Ait). Thuộc họ Cà Solanaceae.

Kỷ tử hay khởi tử (Fructus Lycii) là quả chín phơi hay sấy khô của cây khởi tử Lycium sinense.

Tại Trung Quốc người ta trồng kỷ tử ở nhiều tỉnh. Những tỉnh biên giới Việt Nam như Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam đều có. Ngoài ra, cây còn mọc và được trồng ở Nhật Bản, Triều Tiên.

Món ăn, bài thuốc dễ làm có kỷ tử - Ảnh 1.

Kỷ tử bổ huyết.

Trong kỷ tử có carotene, canxi, photpho, sắt, vitamin C, acid nicotinic, lysine, choline, chất béo, protein…

Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, câu kỷ tử là một trong những vị thuốc có tác dụng dược lý rất phong phú: Cải thiện và điều tiết công năng hoạt động của cơ thể; nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống nội tiết hạ khâu não - tuyến yên - tuyến thượng thận; bảo vệ tế bào gan, ức chế sự lắng đọng chất mỡ trong gan, thúc đẩy quá trình tái sinh của tế bào gan; điều chỉnh rối loạn lipid máu, làm hạ và làm chậm sự hình thành các mảng vữa xơ trong huyết quản; hạ đường huyết; làm giãn mạch và hạ huyết áp; thúc đẩy quá trình tạo huyết của tủy xương; chống oxy hóa và làm chậm sự lão hóa; chống phóng xạ và ức chế sự phát triển của tế bào ung thư…

Kỷ tử được coi là một vị thuốc bổ máu, dùng trong các bệnh đái tháo đường (phối hợp với các vị thuốc khác), ho lao, viêm phổi, mệt nhọc, gầy yếu, bổ tinh khí, giúp trẻ lâu.

Liều dùng: 6-15g dưới dạng thuốc sắc, tán bột hoặc ngâm rượu thuốc.

Theo tài liệu cổ, kỷ tử có vị ngọt, tính bình, vào ba kinh phế, can, thận; có tác dụng bổ can thận, nhuận phế táo, mạnh gân cốt; dùng chữa chân tay yếu mỏi, mắt mờ, di mộng tinh.

Món ăn, bài thuốc dễ làm có kỷ tử - Ảnh 2.

Trà kỷ tử hỗ trợ điều trị suy giảm thị lực.

2. Món ăn bài thuốc từ kỷ tử bổ dưỡng

Theo ThS. BS. Nguyễn Đình Thục – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Đông y Việt Nam cho biết một số món ăn, bài thuốc từ kỷ tử có thể thực hiện tại nhà để hỗ trợ điều trị bệnh và bổ dưỡng như sau:

- Trà kỷ tử, cúc hoa: Kỷ tử 10g, cúc hoa 10g. Hãm với nước sôi trong bình kín.

Tác dụng: Phòng ngừa và hỗ trợ điều trị suy giảm thị lực, quáng gà, hoa mắt.

- Cháo kỷ tử: Kỷ tử 25g, gạo tẻ 100g. Nấu cháo, chia ăn 1 - 2 lần/ngày, có thể ăn thường xuyên.

Tác dụng: Phòng ngừa và hỗ trợ điều trị suy nhược cơ thể, ốm lâu ngày, tuổi cao sức khỏe yếu, kiềm chế lão suy, kéo dài tuổi thọ.

Món ăn, bài thuốc dễ làm có kỷ tử - Ảnh 3.

Cháo kỷ tử.

- Cháo kỷ tử, gạo lứt: Kỷ tử 30g, gạo lứt 60g, táo tàu 10 quả. Nấu chung cả ba vị thành cháo, ăn vào 2 bữa sớm, tối.

Tác dụng: Phòng ngừa và hỗ trợ điều trị viêm thận mạn tính do can thận âm hư.

- Kỷ tử hấp trứng: Kỷ tử 15g, trứng gà tươi 2 quả. Đập trứng gà vào bát thêm chút dầu ăn, đánh tan. Kỷ tử ngâm nước sôi cho nở. Đổ trứng vào khay hấp trong nước sôi to lửa khoảng 10 phút. Cho kỷ tử lên trên hấp thêm 5 phút.

Tác dụng: Dùng cho người huyết hư, nhức đầu, chóng mặt, nhịp tim nhanh, suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể, đái tháo đường, đau lưng mỏi gối...

- Kỷ tử, đậu đen ninh xương: Kỷ tử 15g, đậu đen 30g, táo tàu 20 quả, xương lợn 250g. Cho tất cả các nguyên liệu cho vào nồi thêm nước ninh nhừ, gia vị vừa đủ, cách 1 ngày uống 1 thang. Có thể uống lâu dài.

Tác dụng: Dùng cho người thiếu máu, thuộc diện can thận âm hư, chóng mặt ù tai, thường sốt nóng vào lúc quá trưa, chân tay phát nhiệt, di tinh, đổ mồ hôi trộm, xuất huyết.

Món ăn, bài thuốc dễ làm có kỷ tử - Ảnh 4.

Đậu đen phối hợp với kỷ tử, táo tàu dùng cho người thiếu máu.

- Kỷ tử rang thịt: Kỷ tử 100g, thịt nạc 500g, măng tươi 100g. Thái thịt nạc và măng tươi xé nhỏ, đảo đều trong chảo có tráng mỡ, cho thêm chút rượu, gia vị vừa đủ. Cho kỷ tử vào sau, đảo thêm một lát nữa cho chín là được.

Tác dụng: Dùng để hỗ trợ điều trị các chứng suy nhược cơ thể, hoa mắt, chóng mặt, thận hư, thị lực kém nhìn vật bị nhòe...

- Kỷ tử hấp gà mái: Kỷ tử 15g, gà mái 1 con. Gà làm sạch sẽ, chần nước sôi, vớt ra để ráo nước, bỏ kỷ tử vào trong bụng, quay bụng gà lên trên, cho thêm gừng tươi, rượu, gia vị, hạt tiêu, nước vừa đủ, cho vào nồi, đun chín. Uống thang, ăn thịt gà.

Tác dụng: Dùng cho người can thận bất túc, đầu váng mắt hoa, hay ngủ mơ, hay quên, lưng đau gối mỏi, di tinh.

- Kỷ tử, mộc nhĩ trắng: Kỷ tử 25g, mộc nhĩ trắng 20g, đường phèn 100g, trứng gà 2 quả. Mộc nhĩ trắng ngâm nước cho nở, ngắt bỏ cuống, đập trứng gà ra lấy lòng trắng; đổ nước vào nồi đất, đun sôi lên, cho lòng trắng trứng và đường phèn vào đánh tan, lại đun sôi lên, cho kỷ tử và mộc nhĩ trắng vào, đun thêm lát nữa là được.

Tác dụng: Ăn thường xuyên có tác dụng cường hóa các mao mạch, thúc đẩy việc tuần hoàn máu, giúp gan và nội tạng giải độc, tăng trưởng các dịch vị tiêu hóa. Có thể dùng làm thuốc bổ thận.

- Kỷ tử, đỗ trọng, chim cút: Kỷ tử 30g, đỗ trọng 10g, chim cút 1 con. Nấu chung cho tới khi thịt chim chín nhừ. Ăn thịt chim, uống nước thuốc.

Tác dụng: Dùng hỗ trợ chữa bệnh lưng đau gối mỏi.

Kiêng kỵ: Người đang thực nhiệt (nhiễm khuẩn, viêm tấy), bị đàm thấp, tiêu chảy không dùng.

Xem thêm video đang được quan tâm:

10 lợi ích sức khỏe tuyệt vời của tỏi ngâm mật ong.



Hải Long
Ý kiến của bạn