Đã hơn nhiều năm trôi qua sau ngày gặp đại nạn, ông Nguyễn Thanh Dũng - một ngư dân bị nhồi máu cơ tim vẫn không thể nào quên được thời khắc kinh hoàng giữa biển khơi.
Đó là một đêm cuối tháng 7/2017, tàu câu mực của ông Dũng mang biển số QNg 90188TS cùng hơn chục thành viên đang câu mực ở phía Bắc, cách đảo Song Tử Tây gần chục hải lý. Sóng yên biển lặng, chiếc ghe nhỏ bé như lá tre bập bềnh giữa biển đêm. Trong khi tất cả đang mải mê câu mực, bỗng phía mũi tàu tiếng ông Dũng thét lên rồi ngất xỉu.
Mọi người soi đèn thấy ông nằm xoài trên mũi tàu, mặt tím tái, miệng mím chặt. Mọi người vội đưa ông vào khoang tàu xoa dầu và hô hấp nhân tạo. Linh tính mách bảo chuyện chẳng lành, tàu chạy khẩn cấp vào đảo Song Tử Tây xin được cứu giúp.
Nhận được tín hiệu, chiến sĩ thông tin báo cáo Đảo trưởng. Ngay lập tức, kíp trực quân y được triển khai cấp cứu. Một tổ cơ động ra cầu cảng đón các ngư dân. Ngư dân Nguyễn Thanh Dũng được nhanh chóng chuyển vào phòng cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Tại đây, bác sĩ đảo Song Tử Tây chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp tính. Nhanh chóng, tổ quân y đã làm các thủ thuật chuyên môn, vừa hô hấp nhân tạo, ép đẩy lồng ngực; vừa truyền dịch và dùng thuốc trợ tim đặc biệt. Sau hơn một giờ đồng hồ, ông Dũng đã thoát khỏi cơn nguy kịch nhưng sức khỏe không ổn định. Theo chỉ định của bác sĩ, ông Dũng được nằm điều trị tại bệnh xá của đảo đến ngày thứ 17 được xuất viện và tiếp tục trở lại tàu câu mực.
Bà Phạm Thị Của là vợ của ông Dũng (ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn chưa hết xúc động khi kể lại: "Các anh biết không? Khi nghe tin chồng tôi bị nhồi máu cơ tim, chân tay tui rụng rời. Ba đứa con bỏ cơm, cả nhà chỉ cầu mong cho ông ấy bình an trở về. May mà có các bác sĩ Trường Sa cứu sống không thì ba con tôi đã mồ côi bố. Gia đình tôi luôn biết ơn các anh...".
Đang trong chuyến đi đánh bắt cá dài ngày, ông Đinh Văn Nam (quê ở xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, ngư dân tàu cá QNa 90668TS) bất ngờ đau bụng dữ dội. Nhận được tin báo, cán bộ, chiến sĩ và bác sĩ trên đảo An Bang nhanh chóng đến ứng cứu. Qua chẩn đoán, bác sĩ cho biết khối viêm ở ruột thừa của anh Nam đã sắp vỡ rồi, cần phải phẫu thuật gấp.
Hôm đó, kíp y - bác sĩ và cán bộ, chiến sĩ trên đảo An Bang gần như đã có một đêm thức trắng hồi hộp, lo lắng khi ca phẫu thuật diễn ra hơn 3 giờ đồng hồ. Mổ, bóc tách gỡ dính, hút dịch, dẫn lưu ổ áp xe... Kỳ tích sau 13 ngày chăm sóc, điều trị tích cực, anh Đinh Văn Nam đã khỏe mạnh và tiếp tục những chuyến đi biển dài ngày.
Bác sĩ Trương Đức Cường kể thêm cho chúng tôi nghe về 2 ca mổ cấp cứu nặng vào thời điểm cuối năm 2016 trên đảo Trường Sa Lớn. Trường hợp đầu là ngư dân Nguyễn Quốc Lợi, làm việc trên một tàu cá, bị viêm ruột thừa cấp. Khi làm việc tại Bệnh viện 175, anh Cường đã quá quen thuộc với các ca mổ ruột thừa. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, các ca bệnh trong bờ thường được đưa đến bệnh viện kịp thời và chỉ cần mổ nội soi, còn bệnh nhân ở Trường Sa phải mổ mở do để quá lâu.
Dù có kinh nghiệm lâu năm nhưng anh Cường vẫn không khỏi hồi hộp, lo lắng trong lần cứu người đầu tiên ở môi trường mới. Bởi lẽ, nếu không xác định được chính xác vị trí cần mổ thì sẽ rất nguy hiểm cho bệnh nhân. Nhưng rồi mọi việc cũng suôn sẻ. Ca mổ kết thúc thành công lúc 2 giờ sáng. Mọi người cùng thở phào nhẹ nhõm.
Chưa kịp nghỉ ngơi thì 5 giờ sáng, các anh lại tiếp nhận một bệnh nhân khác đang làm việc trên tàu kiểm ngư, cũng bị viêm ruột thừa. Xác định đây là trường hợp rất nặng và nguy kịch, một mặt anh Cường cùng ê kíp chuẩn bị mổ cấp cứu cho bệnh nhân, một mặt báo cáo hội chẩn với lãnh đạo Bệnh viện 175 và Cục Quân y. Cấp trên đã đồng ý dùng trực thăng chuyển bệnh nhân vào bờ nhưng sau khi hội chẩn, bệnh nhân được giữ lại mổ tại Bệnh xá Trường Sa Lớn. Một lần nữa, ca mổ thành công. Lúc này, anh Cường cùng các đồng đội mới ôm nhau chia sẻ niềm vui và bao mệt mỏi sau một đêm thức trắng dường như tan biến.
Với điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện trang thiết bị còn khó khăn, cách xa đất liền hàng trăm hải lý, việc khám, chữa bệnh và cứu chữa quân dân ngoài quần đảo Trường Sa là không hề đơn giản. Nhưng nhờ được sự quan tâm từ đất liền, hệ thống y tế ở đảo xa đã từng bước được đầu tư, hoàn thiện, hỗ trợ tốt hơn cho công tác chăm sóc sức khỏe cho quân và dân tại Trường Sa.
Hệ thống trang thiết bị y tế trên đảo được thay mới, bổ sung nhiều thiết bị hiện đại như: Máy chụp X-quang kỹ thuật số, máy siêu âm màu 4 chiều, máy gây mê kèm thở… Đặc biệt, nhằm hỗ trợ hơn nữa trong công tác chẩn đoán bệnh, hệ thống truyền dữ liệu và hội chẩn từ xa Telemedicine đã được trang bị tại quần đảo Trường Sa. Qua đó, tạo điều kiện cho y, bác sĩ Trường Sa được tham khảo ý kiến, tiếp nhận sự phối hợp của những chuyên gia đầu ngành tại các bệnh viện lớn của Trung ương trong xử lý nhanh chóng, kịp thời những ca bệnh khó.
Trên đất liền, y bác sĩ cũng nhiều đêm thức trắng hội chẩn cùng Trường Sa, theo dõi quá trình điều trị người bệnh. Đến nay, đã có hàng trăm lượt bệnh nhân nguy kịch, quá khả năng cứu chữa trên đảo được trực thăng đưa về Bệnh viện Quân y 175 điều trị. Những chuyến chuyên cơ xuyên qua giông bão trong biển đêm, những chuyến trực thăng bay đêm trong mọi điều kiện thời tiết đã góp phần cướp được giờ vàng, giành giật sự sống rất nhiều người bệnh có bệnh lý đặc biệt.
Anh Phan Văn Thanh - người dân thị trấn Trường Sa chia sẻ: "Chúng tôi sinh sống trên đảo, khí hậu khắc nghiệt, ra khơi đánh bắt hải sản thường gặp phải những bệnh nghề biển đều được các bác sĩ trên đảo tận tình thăm khám, cấp phát thuốc. Trẻ con ở nhà có đau ốm cũng yên tâm hơn vì trên đảo đã có các thầy thuốc tận tâm, lành nghề. Bên cạnh đó, các anh còn là những người thầy giáo dạy ngoại ngữ, kiến thức cho các em nữa. Chúng tôi xem các anh như người nhà, người anh em ruột thịt".
Khó khăn nhất ở các đảo Trường Sa là khí hậu khắc nghiệt nên trang thiết bị rất dễ nhiễm hơi nước biển mặn trong khi nhu cầu khám chữa bệnh diễn ra thường xuyên. Ngoài các cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang đang làm nhiệm vụ, còn có công nhân làm việc ở các trạm hải đăng, trạm khí tượng hải văn, lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải và đặc biệt là rất nhiều ngư dân đánh bắt hải sản trên biển.
Ngoài những bệnh cảm cúm, ho, da liễu thông thường như trong đất liền, các bác sĩ trên đảo thường xuyên phải xử lý các ca cấp cứu đặc thù của nghề biển là tai biến (đột quỵ), viêm ruột thừa và tai nạn lao động. Những ca bệnh này vốn rất nguy hiểm, có thể để lại những biến chứng nặng nếu không được cấp cứu, xử lý kịp thời…
Sau những giọt mồ hôi của bác sĩ ở quần đảo Trường Sa, là niềm vui và sự sống của quân dân huyện đảo, là niềm tin, là chỗ dựa vững chắc của những ngư dân bám biển. Ở đó giữa y bác sĩ và người bệnh không có khoảng cách, chỉ có tình người, tình đời hòa lẫn vào nhau giữa ngàn trùng sóng biếc. Để rồi trong mỗi chuyến ra khơi đánh cá, sau mỗi chặng hải trình nhọc nhằn với những tấn cá đầy khoang, điều đọng lại trong lòng bà con ngư dân không chỉ là những chiến sĩ kiên cường trước bạt ngàn nắng gió, mà còn có những chiến sĩ khoác áo blouse trắng chăm sóc sức khỏe cho ngư dân biển đảo.
Thượng tướng Phạm Hoài Nam - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá cao những nỗ lực, đóng góp của các thế hệ quân dân y trong công tác y tế biển đảo, đặc biệt là việc xây dựng Trung tâm y tế hiện đại ở Trường Sa.
"Điều này đã tạo niềm tin, điểm tựa vững chắc để cán bộ chiến sĩ, ngư dân yên tâm bám đảo, bám biển, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc" - ông Nam nói.
Xem thêm video được quan tâm:
Xúc động bức thư cảm ơn những y bác sỹ ngày đêm "chiến đấu" với dịch bệnh