Hà Nội

Kỳ tích: Cứu sống mẹ con sản phụ mắc COVID-19, suy hô hấp, tiền sản giật, rối loạn đông máu

26-06-2021 16:41 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Bệnh nhân mang thai 35 tuần, trong quá trình điều trị COVID-19 diễn biến nặng, rơi vào tình trạng suy hô hấp, tiền sản giật, rối loạn đông máu, nhưng đã được các bác sĩ BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cứu sống thành công cả mẹ lẫn con.

TS.BS Vũ Đình Phú - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Ca bệnh nguy kịch này đòi hỏi yêu cầu chuyên môn rất cao, sự phối hợp chặt chẽ của nhiều chuyên khoa và của các lực lượng thầy thuốc. Toàn bộ thầy thuốc, đặc biệt là BS. Trần Văn Kiên - người trực tiếp điều trị, luôn luôn sát sao, kiên trì, chủ động sáng tạo trong theo dõi, đánh giá và điều trị người bệnh.

"Cảm xúc hài lòng và hạnh phúc dâng trào trong đôi mắt của BS. Kiên khi anh nhìn thấy sự nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ đã giúp cho mẹ con, gia đình được đoàn tụ sau khi chạm cửa thần chết!" - BS. Phú chia sẻ.

"Mẹ con tôi như được hồi sinh. Xin cảm ơn các y bác sĩ..." - chị K. nói trước khi xuất viện.

Cuộc mổ lấy thai khẩn cấp

Bệnh nhân L.T.K (nữ, 33 tuổi ở Nậm Pồ, Điện Biên) lấy chồng sau 11 năm mới mang thai lần đầu. Lần này, chị K. mang thai nhờ IVF, 35 tuần tuổi. Bệnh nhân có yếu tố dịch tễ tiếp xúc F0, được cách ly ngày 4/5/2021, phát hiện dương tính ngày 13/5. Ngày 19/5, bệnh nhân sốt cao, tức ngực, khó thở nhiều, được bệnh viện tuyến dưới chuyển cấp cứu đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Tại đây, bệnh nhân được hội chẩn các chuyên khoa Hồi sức cấp cứu, Sản khoa, Ngoại khoa, các bác sĩ tiên lượng nguy kịch với cả mẹ và con do bệnh nhân suy hô hấp cấp tính, tổn thương phổi nặng nề, thai 35 tuần, sản phụ phù 2 chi dưới nhiều, theo dõi tình trạng tiền sản giật. Hơn nữa bệnh nhân có rối loạn nặng nề về đông máu. Vì vậy, các bác sĩ nhận định đây là ca bệnh hết sức phức tạp, cần hội chẩn thêm chuyên khoa huyết học để dùng thuốc chống đông máu phù hợp. Các bác sĩ thống nhất cần phối hợp tất cả các chuyên khoa để cố gắng cứu sống cả mẹ và con vì đây là trường hợp hiếm muộn rất éo le.

 

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân K.

Sau 3 ngày điều trị tích cực, nhận thấy tình trạng suy hô hấp của bệnh nhân nặng dần lên, nguy cơ suy thai do mẹ thiếu oxy, các bác sĩ đã tổ chức hội chẩn chỉ định mổ cấp cứu lấy con vào ngày 21/5. Cháu bé 35 tuần tuổi nặng 2600g đã cất tiếng khóc chào đời trong niềm hân hoan của tập thể y bác sĩ BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Cháu bé được chăm sóc theo dõi tại khoa Nhi của bệnh viện.

Còn tại khoa Hồi sức tích cực, người mẹ tiếp tục được hồi sức, chăm sóc hô hấp chuyên sâu, thở máy với chế độ dành cho bệnh nhân suy hô hấp cấp tính.

21 ngày thở máy, 9 lần lọc máu hồi sinh thần kỳ

Những tưởng qua cơn nguy kịch, nhưng chỉ 1 ngày sau cuộc mổ đẻ cấp cứu, bệnh nhân K. tiến triển nặng, có toan chuyển hóa. TS.BS Vũ Đình Phú - Trưởng khoa Hồi sức tích cực sau khi hội chẩn bệnh nhân đã quyết định cho bệnh nhân thở máy kỹ thuật cao bảo vệ phổi, lọc máu hấp phụ cytokines, kiểm soát nguyên nhân toan chuyển hóa, duy trì an thần giảm đau để bệnh nhân thở theo máy hàm hạn chế tổn thương phổi. Đồng thời duy trì thuốc chống đông máu theo mục tiêu điều trị, theo dõi đánh giá thường xuyên để điều chỉnh kịp thời các biện pháp điều trị.

Quá trình điều trị hết sức khẩn trương, tích cực tuy nhiên sau 08 ngày thở máy và 6 lần lọc máu liên tục, đến ngày 29/5, bệnh nhân chưa có dấu hiệu tốt lên, thậm chí chức năng phổi còn suy giảm nhiều, chỉ số chức năng phổi giảm nặng, ăn sữa qua sonde dạ dày không tiêu.

Bệnh nhân tiếp tục được thở máy qua mở khí quản, lọc máu thêm 3 lần nữa, sử dụng kháng sinh chống bội nhiễm, điều chỉnh rối loạn điện giải, dinh dưỡng bổ trợ đường tĩnh mạch, chăm sóc tích cực, tập phục hồi chức năng, và các chăm sóc sản khoa.

Đã có lúc tưởng như không thể cứu chữa được nhưng bằng sự tận tụy, nỗ lực, sáng tạo không ngừng nghỉ, các bác sĩ điều dưỡng đã đưa chị "từ cõi chết trở về".

Sau 21 ngày thở máy liên tục và 9 lần lọc máu, kết hợp các biện pháp điều trị và chăm sóc tích cực chuyên sâu, bệnh nhân đã có những tiến triển tốt. Bệnh nhân được chuyển thở  máy theo chế độ tự thở một phần.

Đến ngày 13/6, bệnh nhân được bỏ máy thở thành công. Sáu ngày sau khi bỏ được thở máy, bệnh nhân đã có những chuyển biến vượt trội, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, ăn tiêu tốt, các điều dưỡng bắt đầu tập vận động tại giường cho bệnh nhân.

Đến hôm nay 26/6, bệnh nhân ổn định, hoàn toàn khỏe mạnh, được xuất viện và được Sở Y tế Điện Biên điều xe xuống đón. Trước đó con của chị sau một thời gian được chăm sóc tại khoa Nhi đã đảm bảo sức khoẻ, không bị mắc COVID-19 từ mẹ và được về với gia đình.

"Bệnh nhân khỏi bệnh là món quà đối với chúng tôi..."

Đây là lời tâm sự mộc mạc mà chất chứa cảm xúc của BS. Phạm Văn Phúc - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

BS. Phúc cho biết, từ đầu mùa dịch thứ 4 đến nay, các bác sĩ đã tiếp nhận điều trị 59 ca bệnh rất nặng, đến nay đã có 17 bệnh nhân ra viện. Mỗi trường hợp bệnh nhân ra viện có hoàn cảnh khác nhau nhưng khi chứng kiến họ khỏe mạnh, ra viện, tập thể các bác sĩ điều dưỡng chúng tôi rất vui mừng. Đó như một món quà dành cho nhân viên y tế đã nỗ lực cứu sống bệnh nhân trong suốt thời gian qua...".

Cũng trong ngày hôm nay có thêm 1 bệnh nhân nặng 60 tuổi mắc bệnh nền, hồi phục tốt, được chuyển khỏi đơn vị Hồi sức tích cực (ICU).
Đây là 2 ca COVID-19 nguy kịch thứ 16, 17 tại khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương được hồi phục khỏe mạnh trong đợt dịch thứ tư này.
Trong ngày hôm nay tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương còn có thêm 6 bệnh nhân khỏi bệnh được ra viện trở về địa phương theo dõi theo quy định.

 


Dương Hải
Ý kiến của bạn