Bệnh nhân nữ, tên là B.T.L, nữ, 57 tuổi ở Hưng Yên có tiền sử rung nhĩ, suy tim do hẹp hở van hai lá, và không dự phòng bằng thuốc chống đông. Ngày 21/03/2016, bệnh nhân đột ngột rối loạn ý thức, nói nhảm và yếu 1/2 người bên trá nên gia đình đưa bệnh nhân vào Bệnh viện đa khoa Phố Nối, Hưng Yên để cấp cứu. Nhận thấy bệnh nhân có thể bị đột quỵ nhồi máu não đến sớm trên nền có rung nhĩ, suy tim do hẹp hở van hai lá, các bác sĩ đã nhanh chóng sơ cứu và chuyển bệnh nhân bằng xe cứu thương về Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.
4 giờ sau đột quỵ
BS Lương Quốc Chính Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho biết: Ngày 21/03/2016 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tỉnh (GCS 14 điểm), mạch không đều (khoảng 109 lần/phút), huyết áp 130/90 mmHg, không sốt (36,4 độ C), tự thở (20 nhịp/phút), SpO2: 96% (khí phòng). Nghe tim có loạn nhịp hoàn toàn, nghe phổi thông khí đều và không có ran. Các bác sĩ khám thần kinh kết quả cho thấy liệt hoàn toàn 1/2 người trái nên được chỉ định bệnh nhân nhanh chóng được chụp MSCT não và mạch não cho kết quả cho thấy tình trạng bệnh nhân bị nhồi máu não do tắc động mạch não giữa đoạn M1, ASPECT: 6 điểm, và tuần hoàn bàng hệ trung bình (3 điểm). Ngay trên bàn chụp MSCT, nhận thấy bệnh nhân có chỉ định sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch phối hợp với biện pháp lấy huyết khối cơ học qua đường động mạch, các bác sĩ cấp cứu và bác sĩ chẩn đoán hình ảnh đã hội chẩn nhanh với nhau, xin ý kiến lãnh đạo của hai khoa, và giải thích về tình trạng của bệnh nhân cũng như những nguy cơ về bệnh với gia đình. Bệnh nhân được đặt ống nội khía quản, an thần, thở máy, sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch và lấy huyết khối cơ học qua đường động mạch từ. Kết quả sau can thiệp động mạch não giữa tái thông hoàn toàn. Bệnh nhân được ở lại khoa Cấp cứu A9, để tiếp tục theo dõi và điều trị.
Phẫu thuật mở sọ giúp bệnh nhân bước qua cửa tử
Ngày 22/03/2016 khoảng hơn 2 giờ sau tiêu sợi huyết và can thiệp nội mạch, tình trạng bệnh nhân xấu đi nhanh chóng, hôn mê sâu (điểm GCS tụt nhanh chóng từ 14 xuống 12 và xuống 8), liệt 1/2 người trái, đồng tử phải giãn 5 mm, mạch 110 lần/phút, huyết áp 130/70 mmHg. Ngay lập tức các bác sĩ đã chỉ định bệnh nhân được chụp cộng hưởng từ (MRI) não cấp cứu và cho kết quả cho thấy nhồi máu não diện rộng bán cầu đại não phải tương ứng với khu vực cấp máu của động mạch não giữa phải.
Thật may mắn cho bệnh nhân, và cũng xuất phát từ câu chuyện tình cờ các bác sĩ khoa Cấp cứu A9 trò chuyện cùng các bác sĩ trẻ khoa Phẫu thuật Thần kinh (Bệnh viện Bạch Mai), và thảo luận về một ca bệnh đột quỵ não nặng đêm hôm trước không qua khỏi.
Tình trạng bệnh nhân B.T.L có diễn biến xấu đi và được tiên lượng nguy cơ tử vong cao. Ngay lập tức bác sĩ trực đã nhấc máy gọi điện để hội chẩn với bác sĩ trực khoa Phẫu thuật Thần kinh (Bệnh viện Bạch Mai). Chỉ khoảng 15 phút sau, bác sĩ phẫu thuật thần kinh đã tới, thăm khám, và thống nhất phẫu thuật mở sọ giảm áp cấp cứu ngay trong đêm cho bệnh nhân này.
Thật là thần kỳ, chỉ một ngày sau mổ, tình trạng bệnh nhân đã cải thiện rõ, tỉnh hoàn toàn, tự thở được và được rút ống nội khí quản cho dù vẫn còn di chứng liệt 1/2 người trái.
Ngày 29/3/2016, sau 9 ngày điều trị, bệnh nhân đã thoát khỏi cửa tử và tự nói được lời cảm ơn bác sĩ trước khi được chuyển về Bệnh viện đa khoa Phố Nối, Hà Nội để tiếp tục được điều trị.
Theo các bác sĩ; có 10% trường hợp đột quị nhồi máu não được xếp vào nhóm nhồi máu não ác tính hoặc diện rộng do diện tổn thương phù não choán chỗ có thể gây tăng áp lực nội sọ và gây thoát vị não. Nguyên nhân gây nên nhồi máu não ác tính diện rộng thường gặp nhất là do huyết khối buồng tim bắn lên hoặc xơ vữa động mạch cảnh trong, đoạn gần (hay đoạn M1) và đoạn giữa của động mạch não giữa. Bệnh nhân bị nhồi máu não ác tính có tỷ lệ tử vong cao khoảng 78% do thoát vị não thuỳ thái dương chèn ép thân não. Các triệu chứng lâm sàng như liệt hoàn toàn, buồn nôn và/hoặc nôn trong vòng 48 giờ, huyết áp tâm thu ≥ 180 mmHg khoảng 12 giờ sau đột quị, tiền sử tăng huyết áp, tiền sử suy tim, và có tăng bạch cầu máu; người trẻ bị đột quị lần đầu, tắc động mạch cảnh, tuần hoàn bàng hệ nghèo nàn và đặc biệt ý thức bệnh nhân suy giảm nhanh so với lúc ban đầu là những dấu hiệu dự báo tắc động mạch não giữa ác tính do diện tích ổ nhồi máu lớn liên quan đến vùng cấp máu của động mạch não giữa.
Mở sọ giảm áp là một can thiệp lớn và có thể không phù hợp với nhiều bệnh nhân, cũng như không được nhiều gia đình bệnh nhân đồng ý. Phẫu thuật này không được áp dụng rộng rãi, và không phải là điều trị bắt buộc. Trong khi đó nhồi máu não do tắc động mạch não giữa không chống chỉ định với thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch cũng như biện pháp lấy huyết khối cơ học qua đường động mạch. Nghiên cứu lâm sàng đã khẳng định tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch bằng tPA (alteplase) là có lợi cho các bệnh nhân nhồi máu não trong vòng 4,5 giờ đầu. Tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch hoặc đường động mạch không ngăn cản việc mở sọ giảm áp sau đó, nhưng chỉ nên thực hiện phẫu thuật này 48 giờ đầu sau đột quỵ hoặc sau khi dùng thuốc tiêu sợi huyết.