Kỳ tích: Cứu sống bé trai bị cành cây đâm rách động mạch cảnh, gây áp xe phức tạp

26-04-2017 06:52 | Thành tựu y khoa
google news

SKĐS - Các bác sĩ của 3 BV lớn là BV Tai Mũi Họng TƯ, BV Bạch Mai và BV Việt Đức đã cùng hội chẩn và phẫu thuật cứu sống một ca bệnh hi hữu chưa từng có. Bệnh nhân (BN) là một bé trai bị dị vật đâm từ họng xuyên ngang đến góc hàm, đâm vào nền sọ gây rách động mạch cảnh (ĐMC). Đáng nói là trong quá trình đâm, dị vật này bị đứt gãy làm 2 đoạn, nằm ẩn nấp rất khó phát hiện, gây nhiễm trùng nặng nề, nguy hiểm đến tính mạng. May mắn thay, BN đã được các bác sĩ hồi sinh một cách ngoạn mục.



Truy tìm dị vật…

Bệnh nhi hi hữu này là cháu Đặng Hải P. (5 tuổi, quê ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) nhập viện sau cú ngã vào hàng rào lúc đang chơi đùa. ThS.BS Trần Hữu Thắng, Phụ trách Khoa Cấp cứu, BV Tai Mũi Họng TƯ cho biết, thông thường, dị vật đâm thẳng vào trong họng và thường để lại tổn thương phía sau (xuyên qua màn hầu, thành sau họng và cân trước sống) nhưng ở trường hợp này, cành cây lại đâm xuyên ngang từ họng lên trên và mạnh tới mức gãy làm đôi; sau đó tiếp tục đâm sâu sát nền sọ làm rách ĐMC trong.

Lúc đầu, khi BN mới được đưa đến viện, qua thăm khám, các bác sĩ không thấy tổn thương sâu mà chỉ thấy vết rách màn hầu, dị vật đâm vào cực trên amidan. BN đã được khâu tổn thương, sức khỏe ổn định và được xuất viện. Tuy nhiên, sau khi trở về nhà, cháu P. đột ngột nôn ra máu và rơi vào tình trạng hoảng loạn. Gia đình đưa cháu P. trở lại BV lần 2 để thăm khám. Các bác sĩ đã nhanh chóng cho kiểm tra lại tình trạng BN, thấy vết khâu màn hầu có xu hướng liền sẹo tốt. Tuy nhiên, khi tiến hành nội soi vùng họng thì phát hiện bệnh tích trên vòm – niêm mạc trần vòm giãn ra như sao và nhận định đây có thể là triệu chứng của bệnh giãn mao mạch niêm mạc đường hô hấp trên. BN được điều trị cho đến khi ổn định và ra viện.

dị vậtHình ảnh dị vật trên phim MSCT.

hình ảnh 3DChụp mạch cảnh xóa nền dựng hình 3D xác định vị trí của dị vật.

Những tưởng sức khỏe BN P. sẽ dần hồi phục nhưng sau đó cháu P. lại có biểu hiện nôn ra máu, tiếp tục nhập viện lần 3 trong tình trạng trụy mạch hoàn toàn. BN được tiến hành hồi sức tích cực, truyền 3-4 đơn vị máu. Đến lúc này, các bác sĩ băn khoăn đặt ra nghi vấn tại sao tình trạng bệnh lại có xu hướng nặng nề đến vậy, trong khi kết quả kiểm tra tổng thể không phát hiện BN có bệnh lý gì kèm theo. Nhiều giả thuyết được đưa ra như BN bị xuất huyết tiêu hóa, hoặc mắc các bênh về máu…, sau đó BN đã được tiến hành làm tất cả những xét nghiệm và thủ thuật cần thiết như gửi máu lên Viện Huyết học và Truyền máu TƯ và nội soi dạ dày tại BV Nhi TƯ nhưng không phát hiện gì đặc biệt.

“Trước tình trạng BN hết sức nghiêm trọng, cuối cùng dựa vào tính chất của chảy máu là ộc máu từng đợt chúng tôi đã chỉ định cho BN đi chụp hệ mạch cảnh xóa nền MSCT để tìm kiếm vùng tổn thương với hy vọng là tìm ra những bất thường về mạch máu. Sau đó chúng tôi đã cùng hội chẩn với chuyên gia chẩn đoán hình ảnh là ThS.BS Lê Văn Khảng của BV Bạch Mai. Với những nỗ lực cùng kinh nghiệm của mình, ThS. Khảng đã phát hiện hình ảnh dị vật đứt làm 2 đoạn, đâm vào nền sọ làm rách ĐMC trong. Đây chính là nguyên nhân gây phình mạch dẫn đến tình trạng BN chảy máu, nôn ra máu nhiều lần như vậy”- ThS. Thắng phân tích.

phẫu thuật lấy dị vậtCác bác sĩ buộc sẵn chỉ chờ vì nếu chẳng may chảy máu dữ dội do rách thì các chuyên gia mạch máu sẽ tiến hành buộc ĐMC trong lại.

Cuộc mổ gay cấn

Sau khi đã khoanh vùng được tổn thương thì vấn đề cần thiết đặt ra là vùng tổn thương quá phức tạp, toàn bộ phần tổn thương của ĐMC trong được “bao bọc” một ổ mủ nhiễm trùng, có nguy cơ rách và chảy máu dữ dội, BN có thể sẽ tử vong. Trước tình thế đó, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn liên viện với chuyên gia phẫu thuật đầu cổ là PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh (Trưởng Bộ môn Tai Mũi Họng, Trường Đại học Y Hà Nội) và chuyên gia mạch máu là PGS.TS Đoàn Quốc Hưng (Khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực, BV Việt Đức). Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định chuyển BN lên BV Việt Đức để tiến hành cuộc mổ phối hợp giữa chuyên khoa mạch máu – tai mũi họng nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người bệnh.

Lúc này tình trạng cháu P. rất nguy kịch, BN vẫn nôn ộc máu, và phải tiếp tục truyền máu tổng cộng hơn 10 đơn vị máu. Sau khi tính toán cặn kẽ, các bác sĩ quyết định mổ càng sớm càng tốt cho BN. Kíp mổ bao gồm TS. Phạm Hữu Lư của BV Việt Đức và ThS. Trần Hữu Thắng của BV Tai Mũi Họng TƯ.

“Phương án cuộc mổ được đặt ra là mở ĐMC trong, cùng lúc đó thắt buộc sẵn chỉ chờ vì nếu chẳng may chảy máu dữ dội do rách thì các chuyên gia mạch máu sẽ tiến hành buộc ĐMC trong lại. Tình huống này, BN có khả năng sẽ bị liệt nửa người. Ở phương án 2, các bác sĩ sẽ mở ĐMC trong, nếu vẫn không tìm được dị vật gây tổn thương thì rất có thể sẽ phải cắt xương hàm của BN”- ThS. Thắng nói.

dị vật lấy raDị vật đứt làm hai đoạn được lấy ra thành công.

Các bác sĩ kiểm tra lại hốc mổ.

Tuy nhiên trong quá trình mổ, khi đã mổ đến phần góc hàm là vùng cao của ĐMC trong nhưng vẫn chưa bộc lộ được tổn thương, các bác sĩ quyết định mở tuyến dưới hàm với hi vọng là có thể tiếp cận vùng tổn thương từ phía trong thì sẽ an toàn hơn nhưng cũng không tìm thấy dị vật. Với tinh thần nỗ lực vì người bệnh, tin tưởng lẫn nhau kíp mổ đã quyết định đi lên cao hơn vào vùng mỏm chũm và cách góc hàm hơn 1cm, tiến sát đến phần nền sọ thì bất ngờ phát hiện một ổ viêm.

ThS. Thắng cho hay: “Toàn bộ phần ĐMC trong bị tổn thương được bọc trong ổ mủ cùng với dị vật và khiến các bác sĩ hết sức lo lắng, vì nếu chỉ sơ sẩy trong một tích tắc sẽ khiến nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Điều khó khăn nhất trong cuộc mổ này là làm sao khi lấy dị vật ra mà cầm được máu, tránh nguy cơ chảy máu dữ dội vì tổn thương mạch ở phần cao, sâu, khó khâu cầm máu và đã nhiễm trùng trong một thời gian dài, BN sẽ chết. Đến giai đoạn này là phần của chuyên gia mạch máu, BS. Lư đã phải rất thận trọng, khéo léo, tỉ mỉ vừa cầm máu, buộc mạch và bóc tách để lấy dị vật và cuối cùng lấy ra được hai dị vật có chiều dài 1cm và gần 5cm. Lúc này cả ekip mới thở phào nhẹ nhõm…”.

tai mũi họng

PGS.TS Võ Thanh Quang thăm hỏi và tặng quà bệnh nhi sau phẫu thuật.

Sau ca mổ, quá trình hậu phẫu cho BN cũng được giám sát chặt chẽ để tránh tai biến. Đến nay sau gần 2 tháng điều trị, tình trạng BN tiến triển tốt, BN từ chỗ nguy kịch và có nguy cơ liệt nửa người đã có thể ổn định sức khỏe, vận động nhẹ nhàng tốt. Hiện các bác sĩ đang tiến hành nâng cao thể trạng cho P. để cháu có thể nhanh chóng xuất viện trong vài ngày tới.

Có được thành công của ca mổ hi hữu này, theo ThS. Thắng, đó là do có sự lãnh đạo chỉ đạo trực tiếp, sát sao, theo dõi từng diễn biến ca bệnh của PGS.TS Võ Thanh Quang, GĐ BV Tai Mũi Họng TƯ. Đến khi sức khỏe BN ổn định, PGS. Quang đã đến tận giường bệnh thăm hỏi và động viên cháu bé và gia đình.

Bên cạnh đó là sự phối hợp kịp thời, chính xác giữa các bác sĩ của 3 BV gồm BV Tai Mũi Họng TƯ, BV Bạch Mai và BV Việt Đức đảm bảo cuộc mổ thành công, đem lại sự sống cho người bệnh.

Từ ca bệnh này, ThS. Thắng cũng khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần hết sức thận trọng khi trông chừng trẻ nhỏ. Tuyệt đốt không cho trẻ chơi các đồ vật bé, sắc, nhọn, có cán dài như đũa, thước kẻ… vì dễ gây tai nạn cho trẻ. Khi chẳng may bị dị vật đâm cần đến cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.

Dương Hải
Ý kiến của bạn