Kỳ tích của cử tạ Việt

06-12-2015 14:03 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Cử tạ vừa trở thành môn đầu tiên của thể thao Việt Nam đoạt 3 suất tới Olympic 2016, với vai trò quyết định của 3 lực sĩ cùng ở hạng 56kg nam. Ðây cũng chính là hạng cân đã đạt tới đẳng cấp thể giới, từng mang về cả HCB Olympic và HCV giải vô địch thế giới.

Từ trường hợp ngoại lệ tới bộ đôi Vàng

Năm 2005, gương mặt lạ hoắc Hoàng Anh Tuấn đã đánh dấu một cột mốc quan trọng cho cử tạ Việt Nam trên đỉnh cao quốc tế với 1 tấm HCV, 2 tấm HCB hạng 56kg tại giải trẻ VĐTG. Cũng kể từ đó, đô cử sinh năm 1985 liên tục đứng trong Top 3 mọi cuộc đấu, với điểm rơi ngoạn mục là tấm HCB Olympic 2008. Khi ấy, giới chuyên môn đều đánh giá lực sĩ quê Bắc Ninh là một trường hợp ngoại lệ, mà vị trí thứ 2 và kỷ lục 290kg tại Bắc Kinh có thể coi như một điểm tới hạn mà khó đàn em nào có thể tái lập chứ chưa nói đến vượt qua.

Dù Tuấn nhanh chóng đánh mất mình, rõ nhất với sự cố doping ngay trước thềm ASIAD 2010, anh vẫn được coi là “con độc” của TTVN với các mục tiêu tầm thế giới. Câu chuyện chăm lo đầu tư cho Tuấn như thế nào, cùng cá tính và sự trễ nải kéo dài trong tập luyện, thi đấu của anh đã làm cho cả ngành thể thao phải lo lắng.

Đô cử Thạch Kim Tuấn (ảnh trên) cùng 2 người đồng đội Trần Lê Quốc Toàn (ảnh dưới trái) và Thạch Kim Tuấn (ảnh dưới phải)  ở hạng 56kg đã giúp cử tạ Việt Nam đoạt 3 suất chính thức tới Olympic 2016.

Sau Hoàng Anh Tuấn, tưởng như cử tạ Việt Nam không thể còn trông mong gì, thì chính ở hạng 56kg lại xuất hiện 2 tài năng trẻ hiếm có, gần như cùng thời điểm là Trần Lê Quốc Toàn và Thạch Kim Tuấn. Trong vai người “đóng thế” bất đắc dĩ tại ASIAD 2010, Toàn đã đứng ngay hạng 6, trong khi Tuấn “em” còn gây tiếng vang hơn nhiều với ngôi đầu lịch sử tại Olympic Trẻ 2010.

Bộ đôi ấy đã song hành, vừa cạnh tranh lành mạnh vừa tạo động lực mạnh mẽ để cùng nhau vươn tới đẳng cấp hàng đầu thế giới. Điều thú vị, họ còn có sự thay thế hoàn hảo cho nhau để gánh vác xuất sắc sứ mệnh nặng nề của cả môn. Khi Kim Tuấn gặp khó trong quá trình phát triển, thậm chí còn tính chuyển hạng cân, Quốc Toàn đã vượt lên trước để đoạt 1 HCV SEA Games và 1 HCĐ thế giới năm 2011, rồi suýt chút nữa đã mang về 1 tấm HCĐ Olympic 2012. Lúc Quốc Toàn sa sút phong độ vì chấn thương, đến lượt Kim Tuấn rực sáng. Không chỉ có HCV SEA Games 2013 mà anh còn  đoạt  1 HCB ASIAD cùng 1 HCV, 1 HCB giải VĐTG 2014 với thông số chuyên môn đều vượt qua cả HCV Olympic 2012.

3 lực sĩ tầm cỡ thế giới

Ngoại trừ siêu cường Trung Quốc, không có nền cử tạ nào lại đang sở hữu tới 3 hảo thủ tầm cỡ thế giới chỉ ở 1 hạng cân như Việt Nam. Bên cạnh bộ đôi vàng Quốc Toàn - Kim Tuấn, từ 2 năm nay, cử tạ Việt Nam lại sản sinh ra một nhân tố triển vọng khác là Nguyễn Trần Anh Tuấn. Đô cử cùng tên và cùng  “lò” thầy Huỳnh Hữu Chí với Thạch Kim Tuấn này được coi như 1 trong 2 đô cử trẻ hay nhất thế giới hạng 56kg. Năm 2014, lực sĩ sinh năm 1998 đoạt HCB Olympic trẻ. Năm 2015, Tuấn tiếp tục giành 3 HCB giải trẻ thế giới, với mức tổng cử trên 260kg, đủ để lọt vào top 10 thế giới. Nếu xét 10 năm trở lại đây, chỉ trừ Trung Quốc, duy nhất Việt Nam luôn giữ được lực lượng dồi dào, liên tục và khả năng tranh chấp huy chương tại mọi cuộc đấu quốc tế.

Chính nhờ có tới 3 hảo thủ cùng ở hạng cân 56kg, cử tạ Việt Nam mới có đủ quân mạnh để đưa ra chiến thuật thi đấu tốt tại giải VĐTG 2015 khi Thạch Kim Tuấn, Nguyễn Trần Anh Tuấn cùng tranh tài hạng cân “tủ” còn Trần Lê Quốc Toàn được “đôn” lên thi đấu hạng 62kg. Dù đều không thành công song bộ ba này vẫn mang về thêm 43 điểm, giúp đồng đội nam  có một thứ hạng trong Top 24 (xét tổng 2 giải VĐTG 2014 và 2015) để được trao 3 suất tới Olympic 2016.

Thậm chí đến Olympic 2016, cử tạ với hạng 56kg cũng được đánh giá là “mũi nhọn” duy nhất của thể thao Việt Nam đủ sức tranh chấp sòng phẳng 1 tấm huy chương. Sứ mệnh đang được giao phó cho Thạch Kim Tuấn-người vẫn “ẵm” HCĐ nội dung tổng cử tại giải VĐTG 2015 bất chấp mới chỉ lấy lại được khoảng 80% sức vóc vốn có sau chấn thương.


Xuyến Chi
Ý kiến của bạn