Kỳ tích của 2 nhà khoa học nữ Việt Nam

08-03-2014 09:09 | Thời sự
google news

Giải thưởng Kovalevskaia năm 2013 được trao cho 2 nhà khoa học nữ Việt Nam.

Giải thưởng Kovalevskaia năm 2013 được trao cho 2 nhà khoa học nữ Việt Nam.

Đó là PGS-TS- BS Lê Thị Luân, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vắc-xin và Sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) và PGS-TS Nguyễn Thị Bích Thủy, nguyên Giám đốc Viện Chuyên ngành Vật liệu xây dựng và Bảo vệ công trình, Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải (GTVT - Bộ GTVT).

Bảo vệ sức khỏe hàng triệu trẻ em

Gần 20 năm nghiên cứu về Rotavirus, PGS-TS-BS Lê Thị Luân đã cùng các cộng sự sản xuất vắc-xin ngừa tiêu chảy, bảo vệ sức khỏe cho hàng triệu trẻ em. Với thành công này, Việt Nam đã trở thành nước thứ 4 (sau Bỉ, Mỹ và Trung Quốc) sản xuất thành công vắc-xin Rota. Theo PGS-TS-BS Luân, hầu hết trẻ em trên khắp thế giới bị tiêu chảy do Rotavirus trong 5 năm đầu đời. Tại Việt Nam, tiêu chảy do Rotavirus chiếm đến 50% số ca. Hàng ngàn trẻ đã tử vong do tiêu chảy khiến biết bao gia đình phải gánh chịu nỗi đau sinh ly, tử biệt.

Năm 2008, Việt Nam đã cho phép nhập vắc-xin ngừa Rotavirus. Tuy nhiên, do giá thành quá đắt nên rất ít người có điều kiện cho con sử dụng. Chính điều này đã thôi thúc bà và các cộng sự phải nghiên cứu bằng được vắc-xin giá rẻ. Năm 1998, khi Việt Nam được chọn tham gia dự án giám sát về bệnh tiêu chảy trẻ em của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), PGS-TS-BS Luân và các đồng sự đã lao vào cuộc chiến với Rotavirus. “Nhiều lần, tôi nghĩ mọi cố gắng đã đi vào ngõ cụt khi điều kiện tại Việt Nam còn thiếu thốn. Có thời gian tôi đã phải “ôm” con virus sang tận Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ để tìm môi trường thuận lợi phát triển trên tế bào. Thành công, tôi lại đưa virus về nuôi cấy ở Việt Nam để tìm ra quy trình phù hợp” - PGS-TS-BS Lê Thị Luân tâm sự.

PGS-TS-BS Lê Thị Luân (trái) và PGS-TS Nguyễn Thị Bích Thủy. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
PGS-TS-BS Lê Thị Luân (trái) và PGS-TS Nguyễn Thị Bích Thủy. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Đến tháng 5-2012, sau 16 năm nghiên cứu, Rotavin-M1 chính thức được Bộ Y tế cấp phép đưa ra thị trường. Đến nay, đã có 100.000 trẻ tại 60 tỉnh, thành được tiêm vắc-xin Rotavin-M1. Chất lượng tương đương nhưng giá vắc-xin ngừa tiêu chảy của Việt Nam chỉ bằng 1/3 vắc-xin ngoại.

Giữ vẻ đẹp những cây cầu

Xúc động khi nhắc lại giây phút đầu tiên thấy những nhịp cầu Chương Dương sáng lên trong màu sơn men do mình nghiên cứu và chế tạo, PGS-TS Nguyễn Thị Bích Thủy nhớ lại: “Đây là kỷ niệm đặc biệt. Lúc đó, vừa mừng vừa lâng lâng xúc động vì thấy sản phẩm của mình được đưa vào ứng dụng, đặc biệt lại ở thủ đô. Đây là công việc âm thầm, không được quảng bá và ít người biết đến. Vì vậy, nhiều đồng nghiệp còn nghĩ đó là sơn nhập ngoại”.

Hơn 30 năm công tác ở Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, PGS-TS Nguyễn Thị Bích Thủy đã chủ trì và tham gia 59 đề tài các cấp, trong đó 47 công trình đã được công bố, trên 10 công trình tiêu biểu được áp dụng trong thực tiễn, tạo ra các sản phẩm thân thiện môi trường, phục vụ phát triển bền vững... Trong đó, tiêu biểu là quy trình sản xuất sơn bảo vệ cầu thép và kết cấu thép có tuổi thọ 10 năm và sơn men tuổi thọ hơn 15 năm đã được ứng dụng từ năm 1994 đến nay, giúp giải quyết triệt để sự ăn mòn kim loại tại các cầu Nguyễn Văn Trỗi (TP Đà Nẵng); cầu treo Dùng, Giăng (Nghệ An); sửa chữa khe co giãn cầu Cường Thịnh, Suối Bon (Phú Thọ)…

Công trình đầu tiên được áp dụng quy trình sản xuất sơn bảo vệ cầu thép và kết cấu thép do PGS-TS Thủy nghiên cứu là cầu Nguyễn Văn Trỗi. Từ năm 1994, cây cầu này đã được “khoác áo mới” vàng rực rỡ với một quy trình hoàn toàn do Việt Nam thực hiện từ thiết kế đến sản xuất và thi công.

 

 


Ý kiến của bạn