Mùa xuân năm nay vì đại dịch COVID-19, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài không thể về thăm quê hương, nhất là dịp Giỗ tổ Hùng Vương, Kỷ niệm 45 năm thống nhất đất nước 30/4 và lễ Phật Đản.
Anh bạn nhà báo Việt kiều từ Mỹ liên tục gọi điện về hỏi thăm kỳ tích chống đại dịch của nước nhà và thông tin cho tôi nhiều điều mới mẻ, thú vị về những ấn tượng tốt đẹp của thế giới với đất nước Việt Nam, con người Việt Nam trước mọi biến cố, hiểm nguy. Anh cho biết, báo Business Insides vừa có bài “Những quốc gia không thể bị khuất phục” khẳng định dẫn đầu là Việt Nam với tóm lược lịch sử chống ngoại xâm hơn bốn nghìn năm, đặc biệt là nửa cuối thế kỷ 20, Việt Nam đã lần lượt xóa sổ chủ nghĩa thực dân cũ, thực dân mới và cả chủ nghĩa bành trướng, tạo nên phong trào giải phóng dân tộc rộng lớn khắp thế giới. Sau khi thống nhất đất nước vào 30/4/1975, Việt Nam đã vượt qua được nhiều thách thức khốc liệt do chiến tranh để hội nhập toàn cầu với công cuộc đổi mới toàn diện, thu được nhiều thành tựu to lớn.
Nhân dịp này nhiều hãng truyền thông nổi tiếng của thế giới đều cho đăng những bài hồi ký, phóng sự về 45 năm Việt Nam yên bình phát triển, đánh giá cao những nỗ lực chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang nền kinh tế thị trường đầy sáng tạo trong thể chế xã hội chủ nghĩa. Việc chấp nhận 5 thành phần kinh tế, mở rộng phát triển hàng triệu doanh nghiệp tư nhân và hộ sản xuất buôn bán nhỏ đã khuyến khích toàn dân hăng hái làm giàu chân chính, nhanh chóng tạo nên những tỷ phú, đại gia mạnh dạn đầu tư làm ăn lớn cả ở nước ngoài. Đây chính là mô hình mang tầm vóc chiến lược hoàn toàn mới về chủ nghĩa xã hội hiện đại của riêng Việt Nam- Lịch sử luôn công bằng trong sự đánh giá , thừa nhận. Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá cao những bước đi bền vững của kinh tế Việt Nam trong quản lý vĩ mô, quản lý tài chính, tiền tệ cùng phát triển thị trường trong và ngoài nước hợp lý, không ngừng học hỏi, cải tiến tổ chức quản lý, đổi mới thể chế phù hợp với thông lệ quốc tế, hơn 30 năm qua liên tục tăng trưởng cao, đặc biệt trở thành điểm sáng về xóa đói giảm nghèo,bảo đảm tốt an ninh năng lượng và an ninh lương thực đủ năng lực chiến thắng nhiều thiên tai, dịch bệnh- nhất là đại dịch COVID- 19 hiện nay Việt Nam đã tỏ rõ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.
Cấp cứu cho người bệnh tại Khoa Cấp cứu, BV bệnh nhiệt đới Trung ương
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng chuyển đổi sản phẩm, phát triển sản xuất các thiết bị y tế chất lượng cao, không chỉ đủ cung ứng cho cả nước mà còn xuất khẩu, trợ giúp nhiều quốc gia , kể cả Hoa Kỳ và nhiều nước Châu Âu, khiến cho những người còn bất đồng chính kiến cũng phải thừa nhận, khen ngợi mô hình chống đại dịch của Việt Nam là hình mẫu đạt hiệu quả cao, chi phí thấp.
Đài BBC đã cho phát đi hình ảnh những chiếc máy ATM phát gạo cho những người gặp khó khăn trong đại dịch tại Sài Gòn-Hà Nội-Huế và nhiều địa phương cùng với bài phỏng vấn giáo sư nông học Võ Tòng Xuân khẳng định sau 45 năm thống nhất đất nước,Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất, có gạo ngon nhất (ST25), không bao giờ còn thiếu gạo. Chính phủ cho xuất khẩu gạo trong đại dịch là để giúp nông dân bán được gạo, doanh nghiệp có kho chứa tiếp tục dự trữ đủ cho an ninh lương thực, rất hợp lý, nhất là lúc này giá gạo thế giới đã cao lên,Việt Nam cần tiếp tục xuất khẩu gạo nhiều hơn khi đã có đủ gạo dự trữ và ổn định giá được giá gạo cho nhân dân tiêu dùng.
Sau hơn 30 năm đổi mới tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã vượt mốc 500 tỷ USD/năm, đưa dự trữ ngoại tệ lên hơn 70 tỷ USD. Nhờ phát triển thương mại với Hoa Kỳ, EU, tăng cường hợp tác khối ASEAN 3 và mở rộng thị trường xuất khẩu thế giới, Việt Nam đã nhanh chóng đổi mới công nghệ, điện khí hóa toàn quốc, phát triển và nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư lớn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có 120.000 tỷ đồng đưa điện về 100% các xã và hộ gia đình cùng 11/12 huyện đảo được Quỹ tiền tệ Quốc tế đánh giá là tốt nhất châu Á, tạo điều kiện để Việt Nam trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn thu hút đầu tư lớn từ các nước phát triển, đưa du lịch, dịch vụ và sản phẩm công nghệ cao trở thành những nguồn lợi lớn với các khu công nghiệp, chế xuất mang tầm vóc công xưởng toàn cầu. Xã hội ổn định nên dòng ngoại tệ đổ vào Việt Nam tăng nhanh lên đến hàng trăm tỷ USD; Riêng số ngoại tệ của Việt Kiều gửi về có năm đã đạt trên 16,7 tỷ USD.
Chưa bao giờ sức mạnh đoàn kết của người Việt Nam được thể hiện cao độ như hiện nay với ý thức tự giác, tương thân tương ái, bao dung lan tỏa khắp đất nước trong công cuộc “chống dịch như chống giặc” suốt 4 tháng qua. Mọi chỉ đạo của Thủ tướng đểu được toàn dân thực hiện nghiêm túc, triệt để góp phần chặn đứng được đại dịch, tăng thêm niềm tự tin, phấn chấn thiết thực kỷ niệm 45 năm Đại thắng mùa Xuân, thống nhất đất nước. Có biết bao câu chuyện cảm động đã và đang diễn ra lấp lánh tình người tràn ngập mạng xã hội và khắp các hệ thống truyền thông của cả thế giới ngợi ca vẻ đẹp mới của người Việt Nam. Một nhà thống kê dịch tể học đã tỏ ra ngạc nhiên về tổng số người Việt Nam cả trong và ngoài nước bị nhiễm COVID-19 rất ít, nhất là số người tử vong dường như hiếm thấy. Gần 60% số người bị nhiễm COVID-19 tại Việt Nam là người nước ngoài, nhiều ca rất nặng bao gồm cả người Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp…đã được điều trị rất tận tình, sáng tạo bao gồm cả chữa trị những bệnh nền lâu năm, hầu hết đều đã khỏe mạnh và được thu xếp cho trở về nước trên những chuyến bay thuận lợi dù đang đóng cửa các sân bay. Họ rất cảm phục và xúc động bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc. Dân tộc Việt Nam vốn nhân ái bao dung, sẵn có sức đề kháng rất đặc biệt đã quen thích nghi, luôn tuân thủ những nguyên tắc cảnh giác đề phòng trước mọi hiểm nguy trong thiên tai địch họa, cùng ý chí không chịu khuất phục trước mọi hoàn cảnh nên đã chống đại dịch đầy bản lĩnh. Trong đại dịch COVID-19 đã xuất hiện những chiếc bánh mì thanh long, những sản phẩm bún dưa hấu xuất khẩu cùng rất nhiều Siêu thị 0 đồng, Quán cơm miễn phí, Nồi cháo tình thương, ATM gạo cứu trợ, ATM thực phẩm 1000 tình nghĩa…cùng muôn vạn khẩu trang, nước sát trùng được phát miễn phí khắp các nẻo đường, thôn xóm…
Cây ATM gạo nhằm chia sẻ khó khăn với người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh
Những nỗ lực chế tạo vắc-xin và thuốc trị COVID-19 đang khẩn trương được thực hiện tại nhiều quốc gia kể cả Việt Nam, chắc chắn đại dịch sẽ bị đẩy lùi, nhưng kinh tế thế giới đã thiệt hại nghiêm trọng cần có thời gian để khôi phục. Đây chính là thời điểm vàng để những nước như Việt Nam có điều kiện tăng tốc. Chính phủ đã nhận thức điều này và có những quyết sách mạnh mẽ kịp thời, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tỏ rõ bản lĩnh khi nắm bắt những nhu cầu mới của thị trường toàn cầu khi phát triển nhiều mặt hàng mới từ nguyên liệu trong nước. Cuộc sống của người dân Việt Nam đã nhanh chóng trở lại bình thường, dù còn nhiều khó khăn nhưng mang lại bao niềm vui, niềm tin mới trong mọi người dân với niềm tự hào to lớn với sức mạnh sáng tạo tăng lên gấp bội để bù đắp cho những thiệt hại do đại dịch .
Bài học của Việt Nam hôm nay chính là sự tín nhiệm rất lớn của toàn dân với sự điều hành quyết liệt và sáng tạo của Chính phủ cùng sự nỗ lực đồng bộ của cả hệ thống chính trị và toàn dân với mục tiêu kép: chống dịch để bảo đảm cuộc sống toàn dân đủ sức khỏe, đủ năng lực phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh tế, đủ tiềm lực để chống mọi dịch bệnh và chống giặc ngoại xâm. Sở dĩ Chính phủ đã dám hy sinh một phần lợi ích kinh tế vì cuộc sống của toàn dân chính là Việt Nam đã có đủ thực lực để đương đầu và đã huy động được tối đa sức mạnh của mọi ngành, mọi địa phương, mọi người làm nên một kỳ tích mới, trước thềm ngày đại lễ 30/4.
Thành công của ngành Y tế Việt Nam chiến thắng đại dịch như một cuộc biểu dương lực lượng của đội quân áo trắng đang thực sự làm chủ những tiến bộ kỹ thuật trong y học và cả những giá trị đạo đức cao quý, cùng sự tận tụy của lòng nhân ái. Cách ngăn chặn dịch bệnh của Việt Nam rất khoa học và kỳ công từ việc truy tìm mối liên quan F1, F2 của từng người bệnh khắp đất nước, đến việc tổ chức chăm sóc, quản lý cách ly, điều trị với 4 tại chỗ rất cẩn thận, đầy đủ điều kiện. Đó là nhận định của chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Còn WB thì dự báo Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng khá trong năm 2020 và sẽ tăng tốc trong nhờ những điều tiết kịp thời chuyển đổi sản xuất thích hợp khi nhiều mặt hàng xuất khẩu sang Âu-Mỹ bị ngưng do đại dịch. Tuy 4 tháng đầu năm tăng trưởng kinh tế Việt Nam có bị giảm sút, nhưng nhiều mặt hàng xuất khẩu vẫn tăng trên 7-8%, nhiều khu công nghiệp lớn vẫn duy trì tốt nhịp độ tăng trưởng, sản phẩm công nghiệp vẫn duy trì được sức tăng trưởng cao. Thị trường hàng hóa của Việt Nam vẫn rất phong phú với giá cả rất ổn định, sức mua qua mạng và không dùng tiền mặt ngày càng tăng lên rất nhanh.
Hãng thông tấn NPR của Mỹ vừa có bài “Giải mã Hiện tượng Việt Nam ”với sự khẳng định của những chuyên viên giàu kinh nghiệm đã và đang có mặt tại Việt Nam rằng những số liệu mà Chính phủ Việt Nam công bố hàng ngày là rất minh bạch, chính xác giúp cho toàn dân hiểu rõ diễn biến từng ngày để vươn lên ngăn chặn bằng được dịch bệnh và vững tin phát triển sản xuất kinh doanh. Những ngày cuối tháng 4, Việt Nam liên tục nhận được nhiều tin vui từ khắp đất nước nhiều ngày liên tục không có ca nhiễm mới, hầu hết những người bị nhiễm dịch còn lại đều đã âm tính, cuộc sống toàn dân ổn định, khí thế thi đua lao động lan tỏa sức sống mới đoàn kết hơn, nhân ái hơn - kể cả những vùng bị hạn nặng cũng đã có đủ nước để sản xuất, sinh hoạt. Nhờ áp dụng công nghệ cao, nhiều cây trồng được mùa, được giá; nhiều sản phẩm mới nhận được những đơn hàng lâu dài gía trị lớn; nhiều nhà đầu tư mong sớm được trở lại Việt Nam. Có những tập đoàn xuyên quốc gia muốn đưa thêm những nhà máy lớn vào hoàn thiện dây chuyền sản xuất hàng điện tử thông minh đang rất thành công tại Việt Nam. Qua đại dịch,Việt Nam càng khẳng định thêm tính ưu việt là điểm đến hấp dẫn, an toàn, nhiều lợi ích. Phải chăng Bản lĩnh Việt Nam vừa làm nên kỳ tích mới mang tầm vóc của Đại Thắng Mùa Xuân 45 năm trước, được cả thế giới ngưỡng mộ. Việc mở cửa đất nước, đẩy mạnh du lịch, đầu tư… đòi hỏi những biện pháp mới, phức tạp mới ngăn chặn được dịch bùng phát nhưng với những kinh nghiệm đã qua cùng sức đề kháng cao của toàn dân đoàn kết đồng lòng, chắc chắn Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng cao.
Đại dịch COVID-19 dù có gây nên những xáo trộn trong cuộc sống, nhưng cũng tạo ra những sức đề kháng mới, những cách làm việc mới, cách tiếp cận mới của người Việt Nam khi công nghệ 4.0 đang lan tỏa trong mọi gia đình, mọi công sở, doanh nghiệp, mở đầu cho bước đột phá hiện đại hóa đất nước trong những năm tới.
Hà Nội tháng 4/2020
VKN