Kỹ thuật thở môi hỗ trợ chức năng phổi tốt hơn

03-07-2020 14:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Đối với những người bị hạn chế chức năng phổi, khó thở thường xuyên, một kỹ thuật gọi là thở môi có thể áp dụng để cải thiện oxy, loại bỏ thán khí khỏi phổi.

Thở môi và lợi ích sức khỏe

Thở môi là một kỹ thuật cho phép bạn kiểm soát oxy và thông khí. Nó được thực hiện bằng cách hít không khí qua mũi và thở ra bằng miệng một cách chậm rãi, có kiểm soát. Trong quá trình thở ra, không khí được đẩy ra qua đôi môi hơi chúm lại. Điều này có lý do của nó: Khi đôi môi chúm lại và thở ra, động tác này sẽ kích thích hệ thống thần kinh thực vật và thúc đẩy thư giãn. Điều này đã được chứng minh là mang lại lợi ích đáng kể như: Cải thiện hơi thở (những người bệnh COPD thường có xu hướng thở nông), tăng cường chức năng phổi và tăng khả năng chịu được các bài tập thể dục cũng như hiệu suất hoạt động thể chất ở những người bị khó thở.

Cơ chế của nó là loại bỏ khí phế thũng trong phổi, và làm tăng lượng oxy. Thông thường, khi một người thở ra, cơ hoành giãn và đẩy không khí ra khỏi phổi. Khi cơ hoành yếu và không hoạt động bình thường, không khí cũ sẽ bị giữ lại trong phổi và không còn không gian cho không khí mới có chứa oxy đi vào. Điều này dẫn đến khó thở và thiếu oxy.

Ngoài những lợi ích về phổi mà bạn có thể nhận được từ việc thở môi, kỹ thuật này cũng có thể dẫn đến sự thư giãn tổng thể. Bằng cách hít thở sâu, bạn có thể bình tĩnh hơn, có tác dụng thư giãn trên toàn bộ cơ thể, giúp làm giảm căng thẳng và lo lắng.

Ai có thể áp dụng thở môi?

Bởi vì thở môi giúp tăng cường chức năng phổi, nên được sử dụng trong các chương trình phục hồi chức năng phổi cho các bệnh gây khó thở và giảm oxy. Đây là một trong những bài tập thở phổ biến nhất đối với bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Những người gặp phải tình trạng hạn chế chức năng phổi như viêm phế quản mạn tính, hen suyễn, khí phế thũng, bệnh xơ phổi, phổi kẽ... bài tập này cũng đem lại lợi ích tăng cường oxy vào cơ thể, để các hoạt động hàng ngày như đi bộ hoặc leo cầu thang... trở nên dễ dàng hơn. Khi các nhà nghiên cứu phân tích lợi ích của việc thở môi ở những bệnh nhân mắc COPD, họ thấy rằng nó đã cải thiện mức độ oxy hóa và dẫn đến những thay đổi tích cực đáng kể trong chức năng hô hấp.

Kỹ thuật thở môi hỗ trợ chức năng phổi tốt hơnKỹ thuật thở chúm môi.

Thực hiện thế nào?

Mục đích của việc thở môi là giữ cho đường thở mở ra lâu hơn, loại bỏ không khí lưu cữu đọng trong phổi và phổi nhận được nhiều oxy hơn.

Đầu tiên, ngồi thẳng, thư giãn vai và buông lưỡi ra khỏi vòm miệng. Cố gắng giải phóng cơ thể và tâm trí khỏi căng thẳng và thư giãn.

Tiếp theo, hít sâu qua mũi trong khoảng 2 giây, môi mím lại.

Sau đó chúm môi và thở ra từ từ trong khoảng 5 giây. Hãy tưởng tượng bạn đang thổi nến trên chiếc bánh sinh nhật của mình trong nhịp thở ra từ từ.

Để tăng cường chức năng phổi bằng kỹ thuật này, cần tập thở ít nhất 10 phút mỗi ngày mới đạt hiệu quả. Ở nhịp thở ra kéo dài hơn 5 giây càng tốt. Kiên trì lặp lại bài tập hàng ngày.

Ngoài ra, kỹ thuật này có thể thực hiện bất cứ khi nào bạn khó thở, như trong hoặc sau khi tập thể dục, sau khi đi lên cầu thang và khi mang vật nặng. Có thể tập thở khi nằm.

Lời khuyên của thầy thuốc

Thở môi nên được thực hành cho đến khi nó trở thành thói quen tự nhiên. Một khi bạn đã thực hiện được nó, nó có thể giúp bạn cải thiện việc kiểm soát hơi thở và làm cho việc tập thể dục trở nên dễ chịu hơn, ngay cả khi bạn có vấn đề về phổi như COPD.  Bạn yên tâm rằng sẽ không có rủi ro hoặc biến chứng nào liên quan đến bài tập thở này. Tuy nhiên, nếu bạn tập sai cách nó, có thể không đem lại hiệu quả mong muốn. Nếu cẩn thận bạn có thể trao đổi với bác sĩ điều trị hoặc chuyên gia phục hồi chức năng về kỹ thuật thở này để được hướng dẫn cụ thể hơn. Cần kiên trì tập cho đến khi bạn quen với kỹ thuật này.


BS. Vũ Hà
Ý kiến của bạn