Hà Nội

Kỹ thuật thẩm tách siêu lọc máu-Giải pháp tối ưu cho bệnh thận mạn giai đoạn cuối

11-11-2019 10:29 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Đối với bệnh nhân bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối, để duy trì sự sống song song điều trị nội khoa cần kết hợp 1 trong 3 phương pháp điều trị là: Lọc máu, thẩm phân phúc mạc (lọc màng bụng) và ghép thận. Trong đó lọc máu là một trong những phương pháp thay thế thận phổ biến nhất ở Việt Nam. Tuy nhiên, kỹ thuật lọc máu truyền thống sẽ xuất hiện các biến chứng. Trong những năm gần đây, kỹ thuật thẩm tách siêu lọc máu được đưa vào sử dụng đã hạn chế được các biến chứng do kỹ thuật lọc máu truyền thống gây ra.

Bà V.T.T 58 tuổi (Long Biên, Hà Nội) đã điều trị bệnh thận mạn bằng phương pháp lọc máu đến nay đã gần chục năm. Trước đó, bà nhận thấy các triệu chứng như: xạm da, mệt mỏi, ăn kém, ngủ kém và bà quyết định tới bệnh viện khám. Tại đây, bà được chẩn đoán sơ bộ là mắc bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối do Đái tháo đường týp 2, tăng huyết áp, thiếu máu. Sau khi tới điều trị tại Bệnh viện TWQĐ 108, bà V.T.T được các y bác sĩ khoa Nội thận và Lọc máu điều trị bằng phương pháp thẩm tách siêu lọc máu (HDF - Online).

Kỹ thuật HDF - Online là gì?

HDF - Online đã được ứng dụng ở một số nước phương Tây từ cuối thập niên của thế kỷ trước. Tại Việt Nam kỹ thuật này đã được ứng dụng cách đây 10 năm và ở Bệnh viện TWQĐ 108, HDF - Online bắt đầu được ứng dụng vào năm 2015.

HDF - Online có tên khoa học là Lọc máu bằng kỹ thuật thẩm tách siêu lọc dịch bù trực tiếp từ dịch lọc (Hemodiafiltration Online), tên thường gọi là thẩm tách siêu lọc máu. Đây là phương pháp thay thế thận sử dụng màng lọc có tính thấm cao, kết hợp giữa khuếch tán và đối lưu để tăng cường loại bỏ các chất hòa tan có trọng lượng phân tử cao. Điều trị phối hợp giữa lọc máu truyền thống và lọc máu với điều trị cao cấp có thể loại bỏ nhiều độc tố uremic ở bệnh nhân bệnh thận mạn giai đoạn cuối.

Bệnh nhân V.T.T đang được điều trị tại Khoa Nội thận và Lọc máu, BV 108

Ưu việt của kỹ thuật thẩm tách siêu lọc máu

Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng nếu chỉ thực hiện kỹ thuật lọc máu truyền thống thì các biến chứng trung và dài hạn sẽ xuất hiện do không đào thải hoặc kém đào thải các độc tố uremic có trọng lượng phân tử trung bình và cao. Chính các độc tố này là nguyên nhân gây ra bệnh lý tim mạch dẫn đến tử vong, gây ra các biến chứng xương khớp và ảnh hưởng đến chất lượng sống (bệnh nhân chán ăn, ăn không ngon miệng, ngứa, da xạm…). Phương pháp lọc máu thông thường được sử dụng 3 lần/tuần và mỗi lần chạy 4 giờ.

Trái lại, đối với phương pháp HDF – Online, sử dụng dịch lọc được tạo thành liên tục theo nhu cầu và dung dịch truyền sử dụng ngay với thành phần và chất lượng mong muốn có thể loại bỏ các độc tố uremic có trọng lượng phân tử thấp và trung bình. Từ đó cải thiện tình hình tim mạch, cải thiện đáp ứng đối với thuốc kích thích tạo hồng cầu, giảm thiểu các biến chứng (thiếu máu, tăng phosphor máu, tăng β2 M), bảo tồn chức năng thận còn lại, ổn định huyết áp trong quá trình lọc máu, giảm thiểu hội chứng MIA (biếng ăn, viêm và xơ vữa mạch)và nâng cao chất lượng sống của bệnh nhân bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối. Ngoài ra, nước tiểu đối với bệnh nhân suy thận là rất quan trọng. Nếu bệnh nhân còn đi tiểu được thì phương pháp HDF - Online còn giúp bảo tồn nước tiểu tồn dư. Phương pháp này đặc biệt tốt cho bệnh nhân trước ghép thận. Tần suất điều trị HDF - Online là 2 lần/3 tháng (đây là phương pháp rất hiệu quả nhưng chi phí cao hơn 3 lần so với lọc máu thông thường nên Bảo hiểm y tế chi trả 2 lần/3 tháng), tuy nhiên nếu có điều kiện bệnh nhân có thể lọc bất kỳ lúc nào.

Theo cảm nhận của bà V.T.T sau khi được sử dụng phương pháp lọc máu thông thường bà thấy trong người không hết bứt rứt, còn ngứa ngáy và không có cảm giác thoải mái nhiều. Sau khi được sử dụng phương pháp HDF - Online, bà thấy rất hài lòng. Bởi bà thấy thoải mái rõ rệt, các triệu chứng như ngứa ngáy, xạm da, mệt mỏi gần như không còn.

Trường hợp nào không sử dụng được biện pháp này?

Đối với phương pháp HDF – Online này, không có chống chỉ định tuyệt đối nhưng cần cân nhắc trong các trường hợp sau:

- Rối loạn đông máu nặng, xơ gan nặng

- Ung thư giai đoạn cuối

- Suy tim xung huyết nặng, nhồi máu cơ tim cấp, đột quỵ não mới trong vòng 3 tháng

- Bệnh về mạch máu ngoại biên nặng, cầu nối không đạt lưu lượng khi lọc


Mai Hằng- BSCKII Trần Thanh Sơn,Khoa Nội thận - Lọc máu, Bệnh viện TWQĐ 108
Ý kiến của bạn