Kỹ thuật tạo nên thương hiệu bệnh viện

05-10-2014 14:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Cần Thơ đang là thành phố phát triển năng động, là trung tâm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Cần Thơ đang là thành phố phát triển năng động, là trung tâm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Sự phát triển đó lan toả sang các ngành nghề khác để tiến kịp đà tăng trưởng của thành phố. Ngành y tế không phải là ngoại lệ. Với sự quan tâm của chính quyền, y tế Cần Thơ đã đưa vào hàng loạt bệnh viện lớn có cơ ngơi khang trang, đầu tư nhiều trang thiết bị mới thu hút người bệnh. Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ là bệnh viện thuộc Bộ Y tế buộc phải có những đổi mới, năng động hơn để “hút” người bệnh.

Bệnh viện Chợ Rẫy đã tổ chức chuyển giao kỹ thuật tim mạch can thiệp cho Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ. Đây là kỹ thuật mới, hiện đại được chuyển giao thành công phục vụ công tác khám chữa bệnh, từ đó mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người bệnh tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần nâng cao vị thế của bệnh viện tuyến Trung ương tại khu vực.

Phát triển kỹ thuật là hướng đi đúng để giữ chân bệnh nhân.

Phát triển kỹ thuật là hướng đi đúng để giữ chân bệnh nhân.

Kỹ thuật tim mạch can thiệp là những thủ thuật xâm lấn tối thiểu. Không giống như phẫu thuật truyền thống, những thủ thuật này được thực hiện qua một ống thông (catheter) rất nhỏ, đường kính từ 2-3mm; ống thông đưa một bóng nhỏ vào lòng động mạch vành bị tắc rồi nong và đặt stent (giá đỡ) để làm tái thông dòng máu.

Sau hơn 1 năm triển khai kỹ thuật tim mạch can thiệp tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, dưới sự giúp đỡ của Khoa Tim mạch can thiệp - Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ đơn vị Tim mạch can thiệp tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ đã cứu sống nhiều bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp, hội chứng động mạch vành cấp.

Kỹ thuật này được các chuyên gia đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy đánh giá cao về hiệu quả trong công tác cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân tim mạch tại Cần Thơ và cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Theo TS. Đặng Quang Tâm - Giám đốc Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, sau hơn 1 năm triển khai tại bệnh viện, đến nay bệnh viện đã thực hiện 213 trường hợp can thiệp mạch vành, trong đó đặt stent mạch vành chiếm tỷ lệ cao nhất. Nhiều trường hợp cấp cứu với tỷ lệ thành công là 100%.

PGS.TS. Võ Thành Nhân - Trưởng khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, qua thời gian ngắn triển khai kỹ thuật tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, tỷ lệ can thiệp đặt stent thành công lên đến 95,5%, không có trường hợp tử vong. Hiện kỹ thuật tim mạch can thiệp là một trong những kỹ thuật cao trong lĩnh vực y tế. Theo đánh giá của Bệnh viện Chợ Rẫy, trước khi kỹ thuật này được triển khai tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, các bệnh nhân ở Cần Thơ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mắc các bệnh tim mạch đều phải lên TP. Hồ Chí Minh cấp cứu. Quá trình cấp cứu không đảm bảo thời gian “vàng” nên khả năng tử vong lớn và khiến bệnh viện tuyến trên bị quá tải.

Lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, thời gian tới, bệnh viện sẽ tiến hành chuyển giao và hỗ trợ bệnh viện đa khoa các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bước đầu làm quen với kỹ thuật can thiệp mạch vành trong công tác điều trị cứu sống bệnh nhân. Bộ Y tế cũng đã đồng ý phê duyệt để Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ được thực hiện độc lập 12 kỹ thuật tim mạch can thiệp.

Không chỉ phối hợp tốt với các bệnh viện trong nước, TS. Đặng Quang Tâm còn cho biết, bệnh viện đã phối hợp chặt chẽ với BV Morges của Thụy Sĩ để triển khai nhiều kỹ thuật tiên tiến như: tê tủy sống, tê ngoài màng cứng, tê đám rối thần kinh dưới sự hướng dẫn của siêu âm, chương trình chăm sóc người bệnh toàn diện cho điều dưỡng, tổ chức nhiều lớp về điều trị đau mạn tính, giảm đau sau mổ... BV Morges hỗ trợ 50 lượt bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên sang BV Morges học tập và hơn 320 lượt cán bộ của BV Morges đến BV đa khoa Trung ương Cần Thơ làm việc và trao đổi kinh nghiệm. BV Morges cũng tặng BV 15 chuyến hàng trang thiết bị với tổng trị giá trên 3 tỉ đồng. Trong các hỗ trợ của BV Morges với BV đa khoa Trung ương Cần Thơ, lĩnh vực được hỗ trợ nhiều nhất là gây mê hồi sức. BS. Trần Huỳnh Đào - Trưởng khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức cho biết: “Giai đoạn BV còn khó khăn, thiếu thốn, khan hiếm thuốc và thiết bị, BV Morges mang sang những thuốc mới, trang thiết bị mới và các kỹ thuật gây mê, giảm đau tiên tiến để hướng dẫn các bác sĩ, điều dưỡng của khoa. Hằng năm, BV Morges tổ chức đoàn bác sĩ nhiều kinh nghiệm sang BV khoảng 2 tuần để chuyển giao kỹ thuật. Hiện nay, nhờ sự hỗ trợ tích cực của BV Morges, khoa triển khai rất nhiều kỹ thuật gây mê, giảm đau mới, tiên tiến của châu Âu, góp phần đảm bảo công tác điều trị bệnh nhân. Mỗi ngày, khoa tiếp nhận 50-70 ca mổ”.

Qua nhiều năm gắn bó, các bác sĩ ở Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức trân trọng gọi các bác sĩ ở BV Morges là thầy. BS. Trần Huỳnh Đào tâm tình: “Các thầy mong muốn chúng tôi xây dựng Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức trở thành trung tâm giảm đau, gây mê hồi sức khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh kỹ thuật chuyên môn, chúng tôi học ở các thầy sự tận tâm, nhiệt tình, tỉ mỉ khi khai thác bệnh sử của bệnh nhân, tạo mối quan hệ thân thiết, gần gũi, tin tưởng giữa thầy thuốc và bệnh nhân. Đây chính là liều thuốc vô giá giúp bệnh nhân mau hồi phục sức khỏe”. Trong các kỹ thuật được chuyển giao, kỹ thuật phối hợp thuốc bupivacaine với sufentanil và morphine trong tê tủy sống mổ lấy thai là kỹ thuật mới được ứng dụng hiệu quả. Đây là phương pháp mới đã được sử dụng ở Pháp, Đức, Thụy Sĩ... nhưng thời điểm năm 2010, ở Việt Nam, chưa có BV nào sử dụng kỹ thuật này trong mổ lấy thai. Vì thế, các tài liệu nghiên cứu hầu như không có. BS. Trần Huỳnh Đào cho biết thêm: “Dưới sự hỗ trợ kỹ thuật, tài liệu từ các thầy đến từ Thụy Sĩ và Pháp, khoa triển khai thành công kỹ thuật này. Qua khảo sát 234 sản phụ, hiệu quả giảm đau rất tốt, tính an toàn cao. Giảm đau tốt giúp bệnh nhân cân bằng tâm lý, vận động sớm, giảm biến chứng hô hấp, nguy cơ thuyên tắc mạch và thời gian nằm viện. Ngoài ra, đối với sản phụ, việc chăm sóc trẻ tốt hơn, cho trẻ bú và ăn uống sớm để mau hồi phục sức khỏe. Hiện nay, kỹ thuật này được UBND thành phố chấp thuận triển khai đề tài nghiên cứu cấp thành phố”. Sản phụ Trần Thái Thảo vừa được các bác sĩ ở BV đa khoa Trung ương Cần Thơ sử dụng kỹ thuật này để mổ lấy thai cho biết: “Sau mổ hầu như em không cảm thấy đau và không còn sợ mổ nữa”.

Minh Tiến

 


Ý kiến của bạn