Hình ảnh Kim Kardashian - minh tinh nổi tiếng sexy của Hollywood với khuôn mặt nhòe máu khi đi làm đẹp tại Viện thẩm mỹ Miami là một hình ảnh vô cùng ấn tượng về kỹ thuật “làm đẹp bằng máu” đang trở thành trào lưu khắp thế giới.
Trào lưu này đã lan nhanh đến Á châu mà nhanh nhất là tại Hàn Quốc, nơi mà mọi kỹ thuật làm đẹp đều được phổ cập cho toàn xã hội. Theo báo cáo của các bác sĩ Hàn Quốc trong các hội nghị thẩm mỹ gần đây, kỹ thuật làm đẹp bằng máu đã trở nên phổ biến ở xứ Hàn. Mấy năm vừa qua, kỹ thuật này cũng không còn xa lạ với các tín đồ thẩm mỹ Việt Nam. Thêm một kỹ thuật làm đẹp mới được sáng tạo và áp dụng, dù chỉ là bước đầu nhưng những kết quả thu được khả quan cũng mang lại cho những người hành nghề thẩm mỹ và chị em phái đẹp những niềm hy vọng mới.
Vài nét về lịch sử
Sự ra đời của kỹ thuật làm đẹp bằng máu bắt nguồn từ một sự tình cờ giống sự ra đời của Viagra trong vai trò là thuốc tăng cường khả năng sinh lý của đàn ông. Năm 1987, huyết tương giàu tiểu cầu được áp dụng lần đâu tiên trong một ca phẫu thuật tim. Sau đó được sử dụng để điều trị các tổn thương bệnh lý và thu được kết quả tốt nhờ khả năng làm vết thương mau lành, nhất là với các tổn thương cơ xương khớp. Qua quá trình điều trị bệnh đó, người ta phát hiện ra những khả năng của nó trong việc chống lại quá trình lão hóa, tăng cường khả năng tái tạo tế bào tổ chức nhằm duy trì, phục hồi sức khỏe và nhan sắc. Và bác sĩ người Mỹ Charles Runels là người đầu tiên đưa kỹ thuật này vào áp dụng rộng rãi trong lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp. Kỹ thuật PRP này đang ngày càng phổ biến và hiện vẫn được coi là một kỹ thuật làm đẹp tiên tiến (cutting-edge technique). Hiệu quả của kỹ thuật này được bác sĩ Golchin, một chuyên gia hàng đầu Hoa Kỳ về PRP mô tả là kỳ diệu với gương mặt tươi trẻ chỉ sau vài tháng.
Kim Kardashian đang làm PRP bằng bút châm
Kỹ thuật “máu me”
Thực chất kỹ thuật làm đẹp bằng máu là phương cách sử dụng một số thành phần có trong máu của chính mình để giúp giữ gìn và phục hồi sự nhan sắc của cơ thể, mà chủ yếu là sự tươi trẻ của làn da. Quy trình thực hiện kỹ thuật không có gì là phức tạp. Sau khi một lượng máu nhỏ khoảng 30ml được lấy ra khỏi cơ thể giống như cách lấy máu khi làm xét nghiệm, chúng sẽ được xử lý bằng thiết bị ly tâm chuyên dụng để có được dung dịch huyết tương chứa khối lượng tiểu cầu nhiều gấp 3 - 7 lần máu bình thường (máu bình thường có 150.000 - 40.000 tiểu cầu/mm3). Đó chính là huyết tương đã được làm giàu tiểu cầu. Chính vì thế mà kỹ thuật này có tên là PRP (Platelet Rich Plasma) - huyết tương giàu tiểu cầu. Khi sử dụng, huyết tương này có thể được pha thêm một số thành phần khác như: các vitamin, fillers, collagen,… và được đưa vào các vùng cơ thể với độ nông sâu khác nhau tùy theo yêu cầu điều trị bằng các dụng cụ như kim chích, kim lăn (roller) hay cây bút (pen). Trong trường hợp của cô đào Kim ở Hollywood, các kỹ thuật viên đã sử dụng cây bút chứa 25 đầu kim nhỏ để đưa huyết tương tiểu cầu vào toàn bộ da mặt của cô khiến gương mặt của cô nhòe máu như người nhìn thấy trong các bức hình đăng tải trên báo chí. Chính vì vẻ “máu me” đó mà ở Mỹ kỹ thuật này còn có nickname là Vampire Facial, Vampire Facelift hayDracula Therapy. Sau khi được đưa vào cơ thể, dung dịch huyết tương giàu tiểu cầu này sẽ giải phóng hàng loạt các yếu tố tăng trưởng giúp tái tạo tế bào tổ chức mô cơ thể làm các vết thương mau lành và ngăn cản quá trình lão hóa da và các thành phần tổ chức khác của cơ thể.
Các yếu tố tăng trưởng được giải phóng chủ yếu:
- Yếu tố tăng tưởng có nguồn gốc tiểu cầu.
- Yếu tố tăng trưởng beta giúp tăng cường khả năng biệt hóa và tăng trưởng của tế bào.
- Yếu tố tăng trưởng nguyên bào sợi.
- Yếu tố tăng trưởng giống insulin 1và 2 sự giúp quá trình tăng trưởng ở trẻ em và quá trình đồng hóa ở người lớn.
- Yếu tố tăng trưởng tế bào nội mạc mạch máu.
- Yếu tố tăng trưởng da.
- Yếu tố tăng trưởng tế bào keratin.
- Yếu tố tăng trưởng tổ chức liên kết.
Sự phóng thích đồng loạt các yếu tố trên tạo những tác động riêng biệt và liên kết hỗ trợ nhau đưa đến các hiệu quả:
- Tăng sinh trẻ hóa tế bào tổ chức.
- Tăng sinh collagen, làm dày mô dưới da, tăng cường sức khỏe của da.
- Huy động tế bào tập trung đến làm lành vết thương.
- Tăng cường quá trình biệt hóa tế bào.
Các chuyên gia thế giới cũng đưa ra hướng dẫn chỉ định điều trị cho những tổn thương ở các vùng khác nhau của cơ thể :
- Vùng da quanh ổ mắt (da mỏng và nhiều nếp nhăn nhỏ).
- Sẹo do mụn trứng cá.
- Vùng ám và giữa mặt.
- Da cổ.
- Da cằm và dưới hàm.
- Lưng bàn tay.
- Đầu gối, khuỷu tay, cánh tay...
Những lưu ý
Tuy nhiên, đây là một kỹ thuật điều trị có xâm lấn cơ thể nên dù bằng đường nào và với dụng cụ gì cũng có những nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Ngoài những yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ như: tay nghề và chọn lựa chỉ định điều trị thì yếu tố quan trọng hàng đầu cho liệu pháp này là phải được tiến hành với điều kiện vô trùng tuyệt đối trong một trường vệ sinh y tế tốt nhất. Tuy sử dụng máu tự thân là một yếu tố đảm bảo không xảy ra phản ứng dị ứng cho cơ thể, nhưng cũng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ khác. Nhiễm trùng tại chỗ hay toàn thân là nguy cơ có thể xảy ra ở mọi khâu thao tác: lấy máu, xử lý máu, bảo quản dung dịch huyết tương và quá trình thao tác đưa huyết tương vào cơ thể mà máu lại là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của vi trùng. Vì vậy, điều kiện vệ sinh cơ sở và trang thiết bị là yếu tố cần phải lưu ý hàng đầu. Điều kiện vệ sinh y tế không tốt còn có thể gây ra sự lây nhiễm bệnh từ người này sang người khác, mà viêm gan, HIV... là những nguy cơ không hiếm gặp hiện nay.
Kết quả điều trị có thể thấy rõ sau 3 tuần và tăng dần mỗi tháng với sự cải thiện cả về cấu trúc và bề mặt da. Để có kết quả tốt hơn có thể kết hợp các liệu pháp thẩm mỹ cùng với các trị liệu quang học. Các chuyên gia quốc tế cũng khuyến cáo sự hạn chế kết quả điều trị trong các trường hợp sẹo lớn và các khách hàng sử dụng nhiều thuốc lá, rượu bia. Tất nhiên, kết quả trị liệu mỗi người cũng khác nhau do những yếu tố thể trạng và di truyền. Do vậy, người bác sĩ thẩm mỹ phải nắm vững kỹ thuật và phân tích đánh giá chính xác tình trạng của mỗi bệnh nhân để đưa ra giải pháp điều trị thích hợp nhằm đạt hiệu quả tối ưu cả về thẩm mỹ và an toàn sức khỏe.
BS. CAO NGỌC BÍCH
Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ TP.HCM
Trưởng Khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ Bệnh viện An Sinh