Kỹ thuật mới: Thay đài quay nhân tạo cho bệnh nhân bị gãy tay

17-01-2018 16:28 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS -Ngày 17/1, TS.BS. Nguyễn Việt Nam, Trưởng Khoa Chấn thương chi trên và vi phẫu thuật - Viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, bệnh viện vừa thực hiện thành công kỹ thuật thay đài quay mới cho bệnh nhân Nguyễn Trọng Thu (44 tuổi, Hưng Yên) bị tai lao động dẫn đến gãy đài quay tay phải. Đây là một trong những bệnh nhân đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện kỹ thuật này.

Bệnh nhân Nguyễn Trọng Thu cho biết, anh làm công nhân xây dựng tại Hải Phòng. Trong lúc bất cẩn, anh Thu đã bị ngã giàn giáo gây chấn thương. Ngay sau đó, anh Thu được đưa đến một bệnh viện tư nhân cấp cứu. Tại đây, anh Thu được chẩn đoán bị rạn đài quay tay phải, trệch khớp nên được nắn và bó bột.

Tuy nhiên, sau 2 tuần, bệnh nhân Thu thử vận động thấy tay không cử động được, cảm giác buốt nên đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Tại đây, các bác sĩ đã cho chụp phim chẩn đoán bệnh nhân bị gẫy đài quay và chỉ định nhập viện.

TS.BS. Nguyễn Việt Nam, Trưởng Khoa Chấn thương chi trên và vi phẫu thuật - Viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108


Mảnh xương đài quay bị vỡ vụn của bệnh nhân Thu được gắp trong quá trình phẫu thuật.

Ngày 12/1, bệnh nhân được thực hiện phẫu thuật. Trong quá trình phẫu thuật, kíp mổ gắp những mảnh xương đài quay vỡ, sau đó thay đài quay nhân tạo mới. Tới nay, sau phẫu thuật 3 tuần, tập nhẹ theo hướng dẫn, tay của bệnh nhân đã cử động bình thường, không còn đau buốt.

Theo TS.BS. Nguyễn Việt Nam, trong các trường hợp chấn thương vỡ nát chỏm xương quay phức tạp, không thể đặt lại xương, cố định lại bằng kim hoặc vít, bác sĩ bắt buộc phải lấy bỏ chỏm xương quay bị vỡ. Khi đó, bệnh nhân có nguy cơ mất vững khớp khuỷu, khiến cho việc cầm, nắm, nâng vật khó khăn, co duỗi khuỷu hoặc sấp ngửa bàn tay không được như bình thường. Đài quay ở khớp khuỷu sẽ đảm bảo cho bệnh nhân gấp duỗi ở khủy, sấp ngửa cẳng tay.

Hiện tại, sau phẫu thuật 3 tuần và tập nhẹ theo hướng dẫn, tay của bệnh nhân Nguyễn Trọng Thu đã cử động bình thường, không còn đau buốt.

Theo bác sĩ Nguyễn Việt Nam, trước đây, khi khớp đài quay bị gẫy nát phải lấy bỏ thì cánh tay sẽ bị yếu, dẫn tớibiến dạng cánh cẳng tay. Hiện nay, BV 108 đã thực hiện thành công kỹ thuật thay đài quay nhân tạo. “Trường hợp bệnh nhân Trọng là một trong số bệnh nhân đầu tiên tại Việt Nam thực hiện kỹ thuật này” -  bác sĩ Nam cho biết.

BS Nam khuyến cáo, người dân nếu không may gặp tai nạn có tổn thương ở khớp khuỷu, có dấu hiệu sưng, đau, không quay gập được cánh tay, nên đến bệnh viện chuyên khoa để được chụp và phát hiện sớm bệnh. Nếu tổn thương ở chỏm quay không được xử lý kịp sẽ khiến bệnh nhân vận động khó khăn, hoặc sưng đau.


Thanh Loan
Ý kiến của bạn