Kỹ thuật mới giúp chấn thương khớp bàn tay do chơi thể thao phục hồi nhanh

02-07-2020 17:57 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức vừa phẫu thuật cho bệnh nhân chấn thương thể thao bằng kỹ thuật gia cố bên trong, thông qua thiết bị vít mini có đi liền chỉ neo. Sau phẫu thuật 2 tuần, bệnh nhân tái khám ổn định và có thể sớm chơi lại thể thao

Mới đây, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật chi trên và Y học thể thao đã phẫu thuật chấn thương khớp bàn tay sau khi chơi thể thao (đánh tenis) cho nam bệnh nhân 59 tuổi ở Long Biên- Hà Nội.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sưng và đau khớp ngón tay cái. Qua thăm khám và từ các kết quả chụp, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật cho bệnh nhân bằng kỹ thuật gia cố bên trong, thông qua thiết bị vít mini có đi liền chỉ neo. Sau phẫu thuật 2 tuần, bệnh nhân tái khám ổn định và có thể sớm chơi lại thể thao

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh - Phó Viện trưởng Viện Chấn thương, chỉnh hình, Trưởng Khoa Phẫu thuật chi trên và Y học thể thao, Bệnh viện Việt Đức cho biết, kỹ thuật mới này thực hiện được nhờ trang thiết bị, vật tư hiện đại, trong đó có các chỉ neo rất nhỏ chuyên biệt.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật chấn thương khớp bàn tay do chơi thể thao cho bệnh nhân

“Bản chất là vít mini rất nhỏ đi liền với chỉ neo, khi phẫu thuật viên tiến hành ca mổ thì bắt vít đó vào trong xương, hoàn toàn không nhìn thấy vít thò ra ngoài mà chỉ có những sợi chỉ thò ra và được khâu gia cố lại để tăng cường dây chằng bên đã bị đứt. Hoặc chỉ đó có thể được bắt vào cả hai đầu xương nối khớp đốt bàn ngón tay- kỹ thuật gia cố bên trong. Vật liệu mới này sẽ thay thế cho dây chằng khớp bên trong”- PGS.TS Khánh thông tin

Trước kia khi chưa có chỉ neo bắt vào xương như này, việc cố định lại dây chằng rất khó khăn đặc biệt là các khớp nhỏ vì vít thông thường rất to, khi bắt xong không có chỉ để khâu. Vật liệu mới này có ưu điểm vừa là vít nhưng đuôi của vít lại có sợi chỉ, do đó vừa khâu lại dây chằng, vừa tạo hình lại dây chằng và có thể thay thế dây chằng

Thêm nữa, vật liệu mới này có nhiều kích cỡ khác nhau nên có thể áp dụng nhiều vị trí khớp khác nhau, có trường hợp là khớp bàn tay, có trường hợp là khớp cổ chân, hoặc tổn thương khớp vai- những trường hợp trật khớp vai tái diễn ở người chơi thể thao.

“Có nghĩ là vật liệu mới này có thể giúp phẫu thuật viên linh động phẫu thuật nhiều vị trí tổn thương khớp. Vừa có thể ứng dụng trong kỹ thuật mổ mở nhưng cũng có thể ứng dụng trong phẫu thuật nội soi , đối với khớp vai”- Trưởng khoa Phẫu thuật chi trên và Y học thể thao cho biết

Thêm nữa những tổn thương ở dây chằng khớp thông thường có thể mỗ những đường mổ rất nhỏ, cộng thêm ứng dụng kỹ thật mới với dụng cụ vít chỉ neo với đặc thù khi phẫu thuật, phẫu thuật viên sẽ đưa vít này vào nằm trong xương nên người bệnh vẫn có thể nhanh cử động được các khớp chấn thương và chơi lại thể thao như bình thường...

Khớp ngón tay cái sau chấn thương của bệnh nhân đã cử động bình thường sau 2 tuần phẫu thuật

Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, trong những năm gần đây, bệnh viện điều trị cho khá nhiều trường hợp chấn thương thể thao, ngoài vùng khớp gối, còn có các vùng chấn thương khác như cổ chân, khớp vai và khớp khuỷu, cổ bàn tay...

Các môn thể thao hay gặp chấn thương nhất là bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, tennis, thậm chí là tập yoga, do khởi động không kỹ, có sự va chạm trực tiếp, trong quá trình chơi chạy sai tư thế...

Đối với những môn thể thao như bóng chuyền, bóng rổ, khi đâp quả bóng to, hoặc đập sai tư thế... có thể dẫn tới chấn thương khớp bàn tay, đặc biệt là ngón tay cái. Hoặc trong tình huống khi chơi các môn thể thao này khi bị ngã, thường người chơi sẽ chống tay xuống đột ngột cũng sẽ gây chấn thương bàn tay.

Khi người chơi thể thao, luyện tập yoga bị chấn thương thường khiến tổn thương dây chằng, có thể là giãn, hoặc đứt hoặc nhổ điểm bám vào xương, sẽ gây ra tình trạng mất vững, lỏng lẻo của khớp, có thể là khớp gối, khớp cổ chân, khớp bàn cổ tay, khớp vai...

“Với những người chơi thể thao nghiệp dư, có đến 60-70% bị các chấn thương. Nguyên nhân chính là do khởi động không đúng cách. Trước khi chơi thể thao người chơi cũng không hiểu biết sâu sắc về môn thể thao đó mà chơi theo cảm tính và bản năng. Cũng có những trường hợp “ham chơi” mà không phòng tránh, khi chấn thương rồi cứ cố chơi hoặc tự điều trị”- PGS.TS Khánh nêu thực trạng, đồng thời cũng cảnh báo đã tiếp nhận không ít bệnh nhân bị chấn thương khớp bàn tay trong quá trình tập yoga vì có nhiều tư thế, động tác khó xoắn vặn bày tay nhiều, trong khi người tập lại khởi động không kỹ, hoặc sai tư thế.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh cho hay, trên thực tế đa số người chơi thể thao sau khi bị chấn thương thường chủ quan, bỏ qua việc đến cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám khá nhiều hoặc là không được tư vấn bởi các chuyên gia có kinh nghiệm về lĩnh vực này. Thậm chí rất nhiều trong số này là các bệnh nhân đến bệnh viện rất muộn...

Khi chơi thể thao mà chờ đến gẫy xương là đã quá nặng và lúc đó mới đến cơ sở y tế thì việc điều trị sẽ khó khăn và lâu dài, thậm chí có người còn khó có thể quay lại chơi thể thao được.

Bản chất của chấn thương vùng khớp là giãn các thớ cơ, trong các bao cơ của từng cơ bị xé, rách các sợi cơ. Cùng với đó là tình trạng đứt dây chằng, gây ra phù nề, biểu hiện ra ngoài là sưng to nên nhiều người gọi là “bong gân”, thế nhưng thực ra đó là đứt, có thể đứt bán phần, một phần hoặc toàn phần hoặc giãn dây chằng.

Do đó, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh khuyến cáo, người dân cần tránh tâm lý chủ quan, tránh tự đi đắp lá, dán cao, uống thuốc- tiêm thuốc giảm đau khi bị chấn thương thể thao mà nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám sớm, nhằm phát hiện tổn thương, điều trị phù hợp, không phải cứ chấn thương là phẫu thuật mà sẽ có những giải pháo điều trị phù hợp với thực tiễn

 

 


Thái Bình
Ý kiến của bạn