Các kỹ thuật viên BVĐK Trung ương Cần Thơ thực hiện kỹ thuật ít xâm lấn chữa trượt đốt sống lưng cho bà Em.
Bà Tạ Kim Em, 69 tuổi, ở huyện Ngã Bãy, tỉnh Hậu Giang vào viện ngày 24/4/2020 vì đau lưng. Bà Em đã nhiều lần đau lưng lan xuống hai chân trong thời gian dài, đi lại khó khăn và điều trị không giảm.
Qua thăm khám bệnh nhân và chẩn đoán hình ảnh MRI cột sống lưng, bác sĩ chẩn đoán: Hẹp ống sống thắt lưng do thoái hóa và trượt đốt sống thắt lưng không đáp ứng với điều trị nội khoa. Bà Em có yêu cầu phẫu thuật. Được biết, bệnh nhân còn có bệnh cao huyết áp và thiếu máu cơ tim .
Hình ảnh chụp cộng hưởng từ vị trí trượt đốt sống
Trước đây, phương pháp "cổ điển" trong trường hợp này là buộc phải mổ hở để giải phóng chèn ép thần kinh, ghép xương liên thân đốt, sau đó cố định và hoặc nắn chỉnh đốt sống bị trượt bằng hệ thống ốc vít.
Đây là cuộc phẫu thuật lớn, sẽ mất máu nhiều, sau mổ bệnh nhân rất đau, kèm theo sự tàn phá các cấu trúc thần kinh mạch máu của các cơ cạnh sống.
Mổ hở tạo ra một sẹo cơ lớn nên người bệnh thường bị đau lưng, đau vùng mổ. Sự hiện diện của sẹo cơ trong mổ hở còn làm xáo trộn hoạt động của nhóm cơ dựng sống (cơ bám giữa các đốt sống), các cơ cạnh sống, do đó mỗi khi người bệnh cử động, di chuyển, các cơ co kéo sẽ tạo ra những chuyển động bất thường.
Mổ hở còn có thể xâm phạm đến khớp của đốt sống ngay phía trên chỗ bắt vít cao nhất, dễ dẫn đến hẹp ống sống, trong khi vít qua da sẽ hạn chế được vấn đề này.
Tuy nhiên, với các tiến bộ trong y học hiện nay mà các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã và đang thực hiện chỉ cần thông qua một vài đường rạch da rất nhỏ khoảng 1.5 - 2 cm gọi là phẫu thuật cố định cột sống bằng vít qua da và ghép xương liên thân đốt qua hệ thống ống nong. Đây là phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn và ưu tiên lựa chọn trên bệnh nhân có yếu tố nguy cơ tim mạch và cao tuổi.
Phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn chỉ cần vết rạch trên da rất nhỏ giúp người bệnh hồi phục nhanh
Ê kíp do BS.CKI Nguyễn Quang Hưng - ThS.BS Nguyễn Duy Linh- Khoa Ngoại thần kinh–BS.CKI gây mê Lưu Tuyết Kiều trong 3,5 giờ đã thực hiện phẫu thuật giải ép ít xâm lấn, giải phóng hệ thống thần kinh ra khỏi các khối chèn ép.
Theo đó, phẫu thuật viên tiếp cận tổn thương và thực hiện giải ép thông qua hệ thống kính vi phẫu hiện đại và ống nong đường kính 26mm. Ghép xương liên thân đốt qua lỗ liên hợp. Cố định làm vững một đoạn cột sống thông qua hệ thống ốc vít và thanh dọc thông qua những đường rạch da nhỏ.
Sau mổ bệnh nhân khỏe mạnh, đi lại bình thường và xuất viện vào ngày hôm nay, 6/5/2020.
Nhiều kỹ thuật mới, hiện đại được áp dụng tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ giúp người bệnh không phải chuyển viện đi xa
Theo BS CKII Chương Chấn Phước - Trưởng Khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, trước đây chỉ duy nhất mổ hở mới cố định được cột sống. Ngày nay để đưa được vít vào thân đốt sống qua các chân cung và cố định lại, chỉ cần sử dụng một hệ thống dụng cụ hỗ trợ đặc biệt thông qua các đường mổ nhỏ.
Sau mổ nẹp vít qua da, người bệnh ít bị đau hơn, thời gian dưỡng bệnh ngắn hơn, có thể nhanh chóng trở lại với cuộc sống và công việc bình thường.
Phẫu thuật ít xâm lấn có ưu điểm giải chèn ép thần kinh tối đa mà vẫn bảo tồn các cấu trúc tham gia làm vững cột sống, giảm lượng máu mất trong mổ, giảm đau nhanh sau mổ, vận động sớm, sử dụng ít thuốc giảm đau hơn so với mổ mở, thời gian hậu phẫu ngắn, sẹo mổ nhỏ đảm bảo tính thẩm mỹ.
Đặc biệt phương pháp này có ý nghĩa rất lớn trong những trường hợp có bệnh nặng kèm theo như suy thận mạn phải chạy thận nhân tạo, suy tim.
BS.CKII Phạm Thanh Phong - Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả trong công tác điều trị, trong 5 năm trở lại đây, bệnh viện chúng tôi đã áp dụng rất nhiều những những kỹ thuật mới trong đó có phẫu thuật ít xâm lấn điều trị bệnh lý vùng cột sống thắt lưng.
Hiện nay kỹ thuật này đã được thực hiện thường quy tại bệnh viện với nhiều trường hợp đã được phẫu thuật thành công và có hiệu quả đáp ứng được nhu cầu của người dân trong và ngoài TP Cần Thơ.