Em T. T. Đ. Q., 16 tuổi, ở TP Cần Thơ, khởi phát bệnh khoảng 5 ngày chỉ với triệu chứng mệt và cảm giác khó thở, sốt cao.
Vừa hỗ trợ tim, vừa hỗ trợ phổi cho bệnh nhân
Bệnh nhân đến bệnh viện địa phương khám và điều trị 2 ngày, tình trạng bệnh nặng nên được chuyển cấp cứu đến BVĐK Trung ương Cần Thơ lúc 15 giờ 15 phút ngày 9/02/2022 trong tình trạng khó thở, lừ đừ, sốt, ho, mạch nhanh, tụt huyết áp.
Tiếp nhận bệnh nhân các thầy thuốc nhận định, đây là trường hợp bệnh lý phức tạp, diễn tiến nặng nên các bác sĩ hồi sức đã nhanh chóng thực hiện các tầm soát.
Hội chẩn các thầy thuốc thống nhất bệnh nhân chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn nghĩ từ đường hô hấp biến chứng suy đa cơ quan, viêm phổi biến chứng ARDS (hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển), viêm cơ tim có suy tim cấp.
Ngay lập tức thầy thuốc tiếp nhận đã tiến hành các phương pháp hồi sức cho bệnh nhân như thở oxy liều cao, sử dụng thuốc vận mạch liều cao, thuốc kháng sinh phổ rộng, đặt ống thông động mạch theo dõi huyết áp liên tục…
Tuy nhiên, sau 6 giờ nhập viện, bệnh nhân diễn tiến suy hô hấp đột ngột, phải đặt ống nội khí quản và gắn máy trợ thở thông số cao. Đồng thời bệnh nhân phải sử dụng đến 3 thuốc vận mạch liều cao để nâng huyết áp.
Trước tình hình bệnh lý diễn tiến nguy kịch, với sự tư vấn chuyên môn từ các chuyên gia Hồi sức tích cực của Bệnh viện Chợ Rẫy – TP. Hồ Chí Minh, sử dụng kỹ thuật ECMO (oxy hoá máu bằng màng ngoài cơ thể) được xem như phương pháp điều trị tối ưu cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, trong tình hình dịch COVID-19, cả 3 máy ECMO của bệnh viện đều đang thực hiện can thiệp cho các bệnh nhân nguy kịch đang điều trị tại Trung tâm hồi sức Quốc gia điều trị COVID-19 của bệnh viện nên việc tìm máy ECMO để can thiệp cấp cứu cho bệnh nhân trở nên vô cùng khó khăn.
Trong khi đó, tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch, có choáng tim nặng, nhịp tim rất nhanh, huyết áp giảm sâu, da nổi bông, nguy cơ tử vong rất cao.
Với diễn biến bệnh nguy hiểm đến tính mạng người bệnh, BVĐK Trung ương Cần Thơ đã kích hoạch hệ thống toàn bệnh viện trong khu vực ĐBSCL, được biết BVĐK tỉnh Kiên Giang sẵn sàng chi viện hệ thống ECMO, nên đã đề nghị hỗ trợ đưa máy ECMO lên Cần Thơ ngay trong đêm để can thiệp cho bệnh nhân.
Do bệnh nhân vừa sốc tim, kết hợp suy hô hấp nặng, phim chụp X-Quang phổi thâm nhiễm lan tỏa hai phế trường, ê kíp hội chẩn đã dùng phương pháp can thiệp song song vừa hỗ trợ tim, vừa hỗ trợ phổi nhân tạo cùng lúc (VAV ECMO)
Ê kíp đã chuẩn bị sẵn sàng, khi hệ thống ECMO về đến BV, các bác sĩ can thiệp ECMO VA-V thành công với thời gian 3 giờ.
Kỹ thuật cao nhất, cứu bệnh nhân
Trong quá trình thực hiện ECMO kết hợp lọc máu liên tục sử dụng quả lọc hấp thụ cytokines cho bệnh nhân, các y bác sĩ phải luôn túc trực 24/24h và lên kế hoạch theo dõi chặt chẽ từng giờ các dấu hiệu sinh tồn, các kết quả xét nghiệm để thực hiện các điều chỉnh thích hợp nhằm đảm bảo kỹ thuật được tiến hành thuận lợi và chính xác nhất có thể.
Đồng thời, bệnh nhân cũng được điều trị nội khoa tích cực với nhiều loại thuốc kháng sinh phổ rộng và dinh dưỡng hỗ trợ nhằm tăng cường khả năng phục hồi của bệnh nhân.
Sau can thiệp ECMO tình trạng bệnh nhân cải thiện rõ, huyếp áp ổn định, nhịp tim giảm, liều thuốc vận mạch giảm dần.
Sau 6 ngày nỗ lực trong điều trị, đến sáng ngày 14/02/2022 bệnh nhân đã tỉnh táo, gọi biết, hiểu được lời nói của y bác sĩ, ngưng được tất cả các thuốc vận mạch, các thông số máy thở cũng giảm dần và bệnh nhân đã ngưng hệ thống ECMO thành công.
1 ngày sau, bệnh nhân đã được cai máy thở, rút ống nội khí quản, phổi thông khí tốt, các dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng tiến triển rất khả quan.
Đến chiều nay, 16/2/2022, bệnh nhân tỉnh, sinh tồn ổn, tiếp tục được theo dõi và điều trị tại khoa nội tim mạch.
Sự phục hồi ngoạn mục của bệnh nhân đã mang niềm vui cho tập thể thầy thuốc BVĐK Trung ương Cần Thơ và cũng là phần thưởng cho sự nỗ lực không ngừng quyết tâm cứu sống bệnh nhân nhất là khi ê kip cùng lúc phải theo dõi 4 bệnh nhân đang thực hiện ECMO ở 2 nơi khác nhau là Khoa hồi sức tích cực chống độc và Trung tâm Hồi sức tích cực Quốc gia COVID -19 tại bệnh viện.
Theo BS. CKII. Dương Thiện Phước, Trưởng khoa Hồi sức tích cực -chống độc: Phương pháp trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO) được xem là phương tiện hữu ích để hỗ trợ tạm thời cho chức năng của tim và phổi khi các cơ quan này bị suy, để tạo điều kiện cho cơ thể được phục hồi hoặc chuẩn bị ghép thay thế.
Những bệnh nhân suy hô hấp nặng không đáp ứng với thông khí cơ học thường quy, chế độ ECMO qua tĩnh mạch – tĩnh mạch (VAV- ECMO) được khuyến cáo.
Trong khi ở những bệnh nhân suy tim nặng, viêm cơ tim cấp hoặc choáng tim, chế độ ECMO qua tĩnh mạch – động mạch (VA ECMO) được ưu tiên lựa chọn.
Đặc biệt, trong các trường hợp nguy kịch vừa có suy hô hấp nặng vừa có choáng tim nặng, chế độ ECMO kết hợp giữa VV ECMO và VA ECMO là tĩnh mạch – tĩnh mạch – động mạch ECMO (VVA ECMO) đã được báo cáo mang lại tỉ lệ thành công cao.
Bằng cách kết hợp cả 2 chế độ VV ECMO và VA ECMO, bệnh nhân được đảm bảo có sự trao đổi oxy tối ưu của VV ECMO, vừa được đảm bảo tuần hoàn cơ thể đầy đủ của VA ECMO. Từ đó dẫn đến tăng hiệu quả điều trị, cải thiện tiên lượng sống còn của người bệnh.
Tuy nhiên ECMO là một kỹ thuật phức tạp, chi phí cao và rất dễ gặp sự cố với các ống thông, tán huyết. Ngoài ra, việc phải cân bằng lượng máu lưu thông giữa vòng tuần hoàn tĩnh mạch và động mạch trong quá trình chạy ECMO cũng đặt ra bài toán khó cho người bác sĩ điều trị.
"Chính vì vậy, thành công của ca ECMO này trước hết là nhờ sự phối hợp đồng bộ giữa các bệnh viện. Đặc biệt là việc hội chẩn từ xa của các chuyên gia hồi sức cấp cứu BV Chợ Rẫy, sự hỗ trợ kịp thời hệ thống ECMO của BV Kiên Giang và việc triển khai kịp thời kỹ thuật chuyên sâu hồi sức cấp cứu tại BVĐK Trung ương Cần Thơ", BS Phước nói.
Chia sẻ thêm về kỹ thuật ECMO, BS.CKII Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc BVĐK Trung ương Cần Thơ cho biết, đây là kỹ thuật hồi sức chuyên sâu, hiện đại, được ví như cứu cánh cuối cùng cho những ca bệnh nặng và thường chỉ được thực hiện ở các bệnh viện lớn tại Việt Nam.
Tuy nhiên, năm 2021, trong hoàn cảnh đợt dịch COVID-19 thứ 4 diễn ra nghiêm trọng tại ĐBSCL, kỹ thuật ECMO đã được triển khai liên tục tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.
Tới nay, đã có 15 trường hợp ECMO được thực hiện tại bệnh viện này, qua đó góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân nặng nguy kịch, đặc biệt là các bệnh nhân COVID-19.
Bên cạnh đó, BVĐK Trung ương Cần Thơ cũng đã hỗ trợ một số đơn vị khác triển khai kỹ thuật ECMO như BVĐK TP.Cần Thơ, BVĐK Kiên Giang.
"Thầy thuốc chúng tôi đã cứu sống nhiều ca bệnh tưởng chừng hết hy vọng bằng kỹ thuật ECMO mang rất nhiều ý nghĩa cho người bệnh. Không chỉ mở ra cơ hội cứu sống bệnh nhân mà còn cho thấy năng lực chuyên môn của ê kip bác sĩ đã được cải thiện và vững mạnh hơn sau đại dịch COVID-19", BS CKII Phạm Thanh Phong nói.
Những điều nên tránh khi tự làm test nhanh COVID-19 tại nhà