Phần lớn các tác phẩm nhiếp ảnh của Việt Nam dường như chỉ để cho “Tây” xem. Nó cứ na ná giống nhau theo một khuôn mẫu có sẵn và đẹp hơn thực tế vốn có. Điều đó cho thấy nghệ thuật nhiếp ảnh của chúng ta chưa có cái “tôi”, cái riêng biệt để tạo thành bản sắc.
Đó là nhận xét chung của khá nhiều nhà phê bình nghệ thuật trong Hội thảo “Nhiếp ảnh trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế” vừa được tổ chức tại Hà Nội. Theo Nhà phê bình Vũ Huyến - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA): Để hội nhập với thế giới, chúng ta phải chấp nhận đa phong cách nhưng đồng thời phải khẳng định được cá tính mạnh mẽ thể hiện cái “tôi” trong ảnh. Tuy nhiên, cái “tôi” - tiềm năng của sự sáng tạo trong nghệ thuật chưa được các nhiếp ảnh gia Việt Nam chú trọng lắm. Nhiếp ảnh của chúng ta vẫn đối mặt với thực tế: ảnh báo chí tuyên truyền thiếu thông tin sự kiện, thiếu phát hiện và khi nêu ra những hiện tượng mới thì lại có xu hướng đẹp hóa và sắp đặt, dàn dựng. Trong khi đó, ảnh nghệ thuật lại có xu hướng “ép” ý tưởng và hình ảnh một cách khiên cưỡng.
Bức ảnh phong cảnh đã được xử lý bằng kỹ thuật đồ họa (ảnh có tính minh họa). Nguồn: Google |
Quá đẹp để chạy đua giật giải
Một thời gian dài nhiếp ảnh lấy tiêu chí duy nhất là cái đẹp. Cái đẹp được đánh giá cao nhất, còn cá tính, phong cách riêng hay những tố chất thuộc về cá nhân thì không được coi trọng. Vì thế mà nhiều bức ảnh ra đời cứ na ná giống nhau theo một khuôn mẫu. Một nhà phê bình nghệ thuật người Mỹ khi xem triển lãm về chân dung các bà mẹ Việt Nam đã nhận định: “Ảnh của các bạn đẹp về hình thức, nhưng xem xong có cảm giác các bạn có một bà mẹ chung chia đều cho tất cả các bà mẹ. Ngược lại, chúng tôi có rất nhiều bà mẹ khác nhau làm nên chân dung một bà mẹ!” Cùng chung nhận định trên, Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Thành (báo ảnh Việt Nam) cho biết: Hầu hết các nhà nhiếp ảnh làm theo, gắn chặt với những gì được thừa nhận hơn là tìm cách diễn tả và khám phá. Họ say sưa đi tìm hình mẫu, lo lắng sắp xếp, tạo hình trong những bố cục được các nhà thẩm định ưa chuộng. Một trào lưu như vậy tạo ra hàng loạt những bức ảnh vô hồn và trùng lặp, thiếu cá tính. Cũng vì thế mà với nhiều cuộc thi ảnh, người ta nghiên cứu ban giám khảo hơn là nghiên cứu đề tài và chủ đề thể hiện. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là không có những nhà nhiếp ảnh trẻ tỏ ra không bị lệ thuộc vào giải thưởng để giữ phong cách và cái “tôi” trong nhiếp ảnh của mình. Họ xa rời những giải thưởng thiếu tính chuyên nghiệp, đi tìm cái riêng biệt của mình trong cách thể hiện. Có thể nói, trong xu thế hội nhập quốc tế, phát huy sáng tạo cá nhân trong nhiếp ảnh là một yêu cầu thực sự. Nếu không có cá tính thì không thể phát triển nghệ thuật nhiếp ảnh theo đúng nghĩa của nó được.
Sáng tạo nghệ thuật trong cơ chế thị trường cũng phụ thuộc nhiều vào thị hiếu công chúng và cá tính sáng tạo. Nghệ thuật tạo ra công chúng và đến lượt mình, công chúng lại đòi hỏi nghệ thuật. Sự lặp lại trong nhiếp ảnh cũng có thể xảy ra bất cứ lúc nào và với bất cứ ai. Tính đại chúng của nhiếp ảnh cũng dễ tạo ra sự nhàm chán. Xu hướng săn lùng giải thưởng, theo đuổi những danh hiệu gắn với nghệ sĩ đang phổ biến trong giới nhiếp ảnh. Điều này tốt hay xấu? Ông Vũ Đức Tân, Trưởng ban Lý luận phê bình Hội NSNA Việt Nam cho rằng, cần phải nhìn nhận vấn đề này một cách lành mạnh. Đây cũng là một thứ sản phẩm của thị trường. Theo đuổi những giải thưởng, những danh hiệu cũng gắn liền với những quyền lợi vô hình, chỗ đứng của người hoạt động nhiếp ảnh trong thị trường. Thương hiệu cũng là sự khẳng định về nghề nghiệp trong một tổ chức đồng thời cũng góp phần đem lại niềm tin cho khách hàng. Khách hàng sẽ bằng lòng hơn nếu bức ảnh được chụp bởi một nhiếp ảnh gia có tước hiệu nghệ sĩ. Tuy không phải ai cũng gắn mọi thứ với danh hiệu như vậy, nhưng đó là một thực tế chúng ta đang đối mặt.
Chưa được coi trọng đúng mức
Thiếu cái “tôi” trong sáng tác cũng một phần bởi chúng ta chưa có những nhà nghiên cứu và những cơ sở lý luận phê bình về nhiếp ảnh phù hợp với tầm vóc của nó. Ông Nguyễn Tiến Mão - Giảng viên Khoa Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) thẳng thắn nêu những bất cập khi giảng dạy nhiếp ảnh trong cơ chế thị trường: “Công tác đào tạo báo chí nói chung, chuyên ngành nhiếp ảnh báo chí nói riêng hiện nay ở nước ta chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng đúng và đầy đủ yêu cầu của thực tế. Nhìn chung, việc truyền thụ kiến thức cho sinh viên vẫn mang tính lý thuyết; thời gian đầu tư cho việc rèn nghề và làm nghề chưa thỏa đáng. Làm báo trong cơ chế thị trường quả là thách thức lớn đối với sinh viên chuyên ngành nhiếp ảnh”. Ở các cơ quan thông tấn báo chí rất ít quan tâm đến phóng viên ảnh.
Theo ông Vũ Khánh, Khoa Nhiếp ảnh Trường đại học Sân khấu Điện ảnh, nhiếp ảnh đang bị ảnh hưởng và “xâm lấn” mạnh mẽ bởi kỹ thuật xử lý nhiếp ảnh đồ họa, chỉ vì tác giả mong muốn các tác phẩm của mình phải đẹp hơn, thậm chí thật hoàn hảo ở tất cả các chi tiết trên ảnh. Đây có lẽ là điều phi lý không thể có trong cuộc sống thường ngày. Nhiếp ảnh luôn hướng tới chân - thiện - mỹ. Việc chọn lựa góc độ, ánh sáng, khoảnh khắc chụp mới là điều quan trọng nhất thuyết phục người xem bằng chính bản chất truyền thống của nhiếp ảnh. Tác giả có thể tác động (ở mức độ nhất định) vào quá trình sáng tác nhưng không được phép làm sai lệch nội dung thông tin trên bức ảnh. Đó là việc không bao giờ nên khuyến khích làm. Hạn chế được sự lệ thuộc vào kỹ thuật có nghĩa là chúng ta đã tạo thêm cơ hội cho tính sáng tạo phát triển. Có như vậy mới bớt đi những bức ảnh “na ná giống nhau và đẹp hơn thực tế”!
Liên Nhi