Kỹ thuật chỉnh sửa gen trên phôi người

13-12-2018 16:26 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Ngày 26/11/2018, PGS. Hạ Kiến Khuê (He Jiankui) tại Đại học Khoa học và Công nghệ phía Nam tỉnh Thâm Quyến, đã khiến cả thế giới bàng hoàng khi công bố trong một video trên internet rằng một cặp bé gái sinh đôi vừa chào đời khỏe mạnh trong tháng 11 này từ các phôi đã được chỉnh sửa trong quá trình hỗ trợ sinh sản IVF để miễn nhiễm với vi rút HIV.


Vi phạm thỏa thuận sử dụng công cụ chỉnh sửa gen

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Quốc tế Lần thứ Hai về Chỉnh sửa Gen Người ngày 28/11/2018 vừa qua, PGS. Hạ Kiến Khuê cho biết đã sử dụng công cụ chỉnh sửa gen có tên CRISPR-Cas9 để thay đổi, chỉnh sửa gen CCR5 trong AND của phôi thai trong quá trình IVF, do vậy các em bé sẽ không bị lây HIV từ người bố dương tính HIV. Ông Khuê cũng tuyên bố rằng một người phụ nữ khác đã thụ thai thành công ở giai đoạn đầu với một phôi đã được chỉnh sửa gen, có nghĩa là có thể sẽ có thêm em bé thứ ba sẽ được tạo ra theo cùng cách thức này.

Kỹ thuật chỉnh sửa gen trên người.

Các nhà khoa học hết sức phẫn nộ trước lời tuyên bố của ông Khuê. Hàng loạt các câu hỏi chất vấn gay gắt về khía cạnh đạo đức xoay quanh tính minh bạch của hoạt động chỉnh sửa gen này được đưa ra. Các nhà khoa khọc đã kêu gọi việc phải bảo đảm quy tắc đạo đức trong chỉnh sửa gen người phải được tuân thủ nghiêm ngặt trên toàn cầu.

Ông Khuê cho biết, những cặp bố mẹ được lựa chọn từ một nhóm tình nguyện viên nhiễm HIV/AIDS đã đồng ý tham gia thử nghiệm. Tuy nhiên, ông Robin Lovell-Badge, Giám đốc Phòng Thí nghiệm sinh học tế bào tốc và phát triển gen (Viện nghiên cứu Francis Crick Institute), cho hay, chưa có tính khách quan khi thực hiện thử nghiệm này khi đích thân ông Khuê và nhóm nghiên cứu đã thực hiện việc lấy ý kiến của các cặp bố mẹ.

Rất nhiều nhà khoa học tham gia Hội nghị đã chỉ ra rằng việc ông Khuê cố ý sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa gen CRISPR là một vi phạm đối với sự đồng thuận về sử dụng kỹ thuật này. Ông David Baltimore, chủ tọa hội nghị cho biết, nghiên cứu này là không cần thiết về mặt y tế, vì đã có những cách điều trị, xử lý khác cho HIV. Ông Baltimore đã chỉ trích ông Khuê thiếu minh bạch và đề cập đến một thỏa thuận đã đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh Quốc tế Lần thứ Nhất về Chỉnh sửa Gen Người được tổ chức năm 2015. Thỏa thuận này nêu rõ sẽ là thiếu trách nhiệm nếu sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa gen này cho đến khi mọi vấn đề quan ngại về an toàn đều đã được giải quyết thỏa đáng.

Những phản đối trong nước

Trước đây, Trung Quốc đã đầu tư vào nghiên cứu công nghệ chỉnh sửa gen để đạt được những mục tiêu trở thành quốc gia "đầu tiên”: Quốc gia đầu tiên sử dụng công cụ chỉnh sửa gen CRISPR-Cas9 trên người vào năm 2016 và quốc gia đầu tiên công bố sử dụng công nghệ chỉnh sửa gen để sửa đổi phôi thai người bị bỏ đi trong các trường hợp hỗ trợ sinh sản vào năm 2015. Năm ngoái, Trung Quốc đã đầu tư một khoản kỷ lục là 1,76 nghìn tỷ nhân dân tệ (254 tỷ đô la Mỹ) vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, đuổi kịp mức đầu tư của Hoa Kỳ cho lĩnh vực này, thúc đẩy một cuộc “chạy đua vũ trang” về gen.

Tuy nhiên, ngay tại Trung Quốc, nghiên cứu của ông Khuê cũng bị phản ứng mạnh mẽ. Ngày 24/11/2018, tuyên bố chung của hơn 120 nhà khoa học nước này đã coi việc ông Khuê sử dụng công cụ CRISPR-Cas9 là một hành động gây phương hại sâu sắc đến uy tín của các hoạt động nghiên cứu y sinh của Trung Quốc. Tuyên bố chung này cho rằng, khi một con người được tạo ra theo cách thức này, không ai có thể lường trước được các ảnh hưởng nào có thể xảy ra, vì một điều không tránh khỏi là những gen sửa đổi này sẽ di truyền và ảnh hưởng đến nguồn gen người nói chung.

Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu điều tra ngay lập tức đối với nghiên cứu của ông Khuê. Trước đó, bệnh viện có tên trong tài liệu phê duyệt về đạo đức nghề nghiệp của ông Khuê và trường đại học nơi ông Khuê cộng tác, đều tuyên bố rằng họ không tham gia vào nghiên cứu này.

Ngày 26/11/2018 vừa qua, Đại học Rice tại Hoa Kỳ cũng tuyên bố đang thực hiện điều tra đối với GS. Michael Deem (Đại học Rice) khi ông được truyền thông nêu tên là có tham gia vào nghiên cứu của ông Khuê. Ông Michael Deem là giáo sư hướng dẫn của ông Khuê khi làm nghiên cứu sinh tại Đại học Rice trong hơn ba năm và đã công bố chung 3 nghiên cứu với ông Khuê. Đại diện Đại học Rice cho biết, họ không biết về nghiên cứu này và họ cũng phản đối mạnh mẽ nghiên cứu này và cho rằng nghiên cứu dẫn đến nhiều lo ngại về khoa học, pháp lý và đạo đức.

Hậu quả khôn lường

Một trong những lo ngại hàng đầu của các nhà khoa học trên toàn thế giới là công nghệ chỉnh sửa gen này vẫn còn đang trong giai đoạn sơ khai và có thể dẫn đến những hệ quả khôn lường nếu được sử dụng trên phôi thai người để tạo ra em bé.

Em bé được sinh ra được chỉnh sửa gen.

Nguy cơ về ảnh hưởng xã hội lâu dài của các bé gái này là điều mà các nhà khoa học lo ngại nhất: Các bé gái này nghĩ như thế nào về bản thân cũng như sẽ được xã hội đón nhận như thế nào? Jennifer Doudna, giáo sư hóa học và sinh học phân tử và tế bào tại Đại học UC Berkeley, một trong các nhà khoa học phát minh của CRISPR, cho rằng cuộc sống của cặp bé gái bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngoài ra, việc loại bỏ gen CCR5 sẽ làm tăng nguy cơ bị mắc các loại bệnh khác, ví dụ bệnh vi rút West Nile (viết tắt WNV) hay bệnh cúm.

 

Kỹ thuật chỉnh sửa gen trên người CRISPR-Cas được công bố năm 2012. Tuy nhiên, vì các lý do về an toàn, đạo đức, nhân quyền và công bằng xã hội, nhiều quốc gia như Hoa Kỳ nghiêm cấm việc tạo ra em bé được chỉnh sửa gen. Các nhà khoa học trong lĩnh vực này đã đạt được sự đồng thuận rằng việc chỉnh sửa gen có thể được coi là phi đạo đức nghiêm trọng. Hơn nữa, việc chỉnh sửa gen này vẫn chưa được chứng minh là an toàn và sẽ không chỉ ảnh hưởng đến em bé đó mà còn ảnh hưởng đến những thế hệ sau qua di truyền gen. Thậm chí, việc chỉnh sửa gen ở phôi người cho mục đích sinh sản có thể dẫn đến các rối loạn gen ở các bé trong các năm đầu đời cũng như các năm sau này, bao gồm cả nguy cơ dẫn đến ung thư.

 

 

 


Đàm Mỹ Linh
Ý kiến của bạn