Kỹ thuật cao vì sự sống và sức khỏe cộng đồng

01-02-2014 09:16 | Thời sự

SKĐS - Những kỹ thuật cao liên tục được triển khai và thực hiện thành công trên khắp cả nước là minh chứng cho sự phát triển của ngành y tế Việt Nam. Và cao hơn nữa, nhiều bệnh viện (BV) đang phát triển các kỹ thuật cao như phẫu thuật tim, ghép tạng như những chương trình ý nghĩa vì sự sống, sức khỏ

Những kỹ thuật cao liên tục được triển khai và thực hiện thành công trên khắp cả nước là minh chứng cho sự phát triển của ngành y tế Việt Nam. Và cao hơn nữa, nhiều bệnh viện (BV) đang phát triển các kỹ thuật cao như phẫu thuật tim, ghép tạng như những chương trình ý nghĩa vì sự sống, sức khỏe của người nghèo...

BV Chợ Rẫy: Từ ghép gan, thận đến ghép đa tạng

Năm 2013 là một năm đánh dấu mốc quan trọng với chuyên ngành ghép tạng nói chung và ghép tạng ở BV Chợ Rẫy nói riêng khi Hội nghị Khoa học ghép tạng Việt Nam lần thứ I đã được tổ chức rất quy mô tại BV vào ngày 27 và 28/10/2013 để nhìn lại chặng đường hơn 20 năm của ghép tạng nước nhà. Hội nghị đã đánh giá rất cao sự chuẩn bị về con người và trang thiết bị của BV Chợ Rẫy TP.HCM trong ghép tạng. Đặc biệt là nơi thực hiện ca ghép gan người lớn đầu tiên ở phía Nam vào ngày 15/8/2013 vừa qua. Bệnh nhân may mắn được ghép gan thành công là ông H.C.T. (50 tuổi, quận Tân Phú) bị xơ gan giai đoạn cuối (BN hay uống rượu nên viêm gan B bùng phát khiến ông bị hôn mê 3 lần) đã được ghép gan từ gan của con trai 18 tuổi, hiện đã hồi phục sức khỏe tốt sau xuất viện. Ca ghép có sự hỗ trợ chuyên môn của các chuyên gia Trung tâm Ghép gan ASAN (Hàn Quốc) và kéo dài 12 tiếng đồng hồ đã thành công mỹ mãn.

Êkíp phẫu thuật đang thực hiện ca ghép gan người lớn tại BV Chợ Rẫy TP.HCM.

Êkíp phẫu thuật đang thực hiện ca ghép gan người lớn tại BV Chợ Rẫy TP.HCM.

PGS.TS. Nguyễn Tấn Cường, Chủ nhiệm bộ môn Ngoại, Trường đại học Y Dược TP.HCM, nguyên Trưởng khoa Gan - Mật BV Chợ Rẫy, Trưởng êkíp ghép gan cho bệnh nhân trên chia sẻ, ghép gan là kỹ thuật ghép khó nhất trong lĩnh vực ghép tạng. Tại Việt Nam, ca ghép gan người lớn đầu tiên được thực hiện tại BV Việt Đức (Hà Nội) năm 2007, bây giờ là BV Chợ Rẫy ở phía Nam.

Riêng về ghép thận, theo GS.TS. Trần Ngọc Sinh, Trưởng khoa Ngoại - Tiết niệu, BV Chợ Rẫy, ngoài việc tăng số lượng ca ghép hàng năm (BV đã có trên 300 ca ghép thận - PV), việc cập nhật, cải tiến, nâng cao kỹ thuật là một trong những “tôn chỉ” trong hoạt động ghép tạng tại BV. “Từ năm 2004, các kỹ thuật lấy thận bằng mổ mở và ghép thận cổ điển trước đó tại BV và cả nước đã được thay thế bằng phẫu thuật lấy thận nội soi. Đồng thời, BV đã nghiên cứu, phát triển cụm 3 công trình mang “thương hiệu” riêng của BV lấy tên là “Quy trình ghép thận của BV Chợ Rẫy bao gồm 3 kỹ thuật lớn: phương pháp cắt thận của người cho sống bằng kỹ thuật nội soi sau phúc mạc; phương pháp ghép thận vào hốc chậu phải với kỹ thuật chuyển vị mạch máu; nối niệu quản của thận ghép vào trong bàng quang bằng kỹ thuật cải tiến. Các phương pháp này đã được thực hiện thành công và nghiệm thu trong một năm qua giúp bệnh nhân bớt đau và ít biến chứng hơn phương pháp cũ, tiết kiệm nhiều thời gian hồi phục và chi phí ít tốn kém hơn. Các chuyên gia hàng đầu về ghép tạng đánh giá rất cao cụm công trình này khi BV báo cáo ở các hội nghị quốc tế. Hiện, nhiều học viên là BS nước ngoài cũng đến học về ghép thận tại BV Chợ Rẫy. Một số luận án tiến sĩ y khoa cũng được bảo vệ thành công liên quan đến những kỹ thuật này.

Đánh giá về những thành tựu và kỹ thuật trong ghép tạng tại BV Chợ Rẫy, PGS.TS.BS. Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV cho biết, phát triển kỹ thuật cao là nhiệm vụ hàng đầu trong định hướng của BV. Nhất là trong bối cảnh nhiều bệnh lý không nhiễm khuẩn như tim mạch, ung thư, đái tháo đường, suy thận mạn... đang có xu hướng tăng cao và gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người. Như vậy, vấn đề điều trị tối ưu các bệnh lý này là “cơ sở” để BV Chợ Rẫy tập trung triển khai các kỹ thuật điều trị mới. Cụ thể, sẽ có 3 mảng lớn cần phát triển hơn, đó là: các bệnh lý tim mạch; các bệnh lý về ung thư và các bệnh lý về ghép tạng. “Với nền tảng là trình độ chuyên môn, kỹ thuật và trang thiết bị, BV sẽ tiến tới ghép đa tạng như ghép gan, thận, ghép tủy, giác mạc. Một êkíp các y bác sĩ đã được BV cử sang Hàn Quốc và Đài Loan học tập, trao đổi chuyên môn để chuẩn bị cho ghép tim. Nếu “thuận buồm xuôi gió”, BV sẽ thực hiện ghép đa tạng và ghép tim ngay trong năm 2014”, PGS. Nguyễn Trường Sơn chia sẻ.

Hy vọng, điều này sẽ sớm thành hiện thực để ngày càng có nhiều người bệnh có thêm cơ hội sống và sống khỏe mạnh sau khi được thụ hưởng những “quả ngọt” là nỗ lực không ngừng của các y, BS và ngành y tế Việt Nam.

BV Nhân dân Gia Ðịnh:

Phát triển phẫu thuật tim vì người nghèo

Chuẩn bị được xuất viện và trở về nhà trong những ngày cuối năm, chị Huỳnh Thị Mỹ Loan (28 tuổi, ngụ Bình Thuận) hồ hởi chia vui với các bệnh nhân (BN) khác tại Khoa Phẫu thuật tim, BV Nhân dân Gia Định. Trước đó, chị nhập viện trong tình trạng suy kiệt, khó thở, mệt, chị Loan được chẩn đoán bị nhiễm trùng huyết do liên cầu, viêm nội tâm mạc gây thủng, rò nhánh chính động mạch vành trái vào nhĩ trái kèm hở van 2 lá và suy tim độ 3. Bệnh nặng, gia cảnh lại khó khăn (chị làm công nhân, chồng sửa xe đạp), chị Loan và gia đình không ngờ lại được các bác sĩ (BS) tại đây điều trị khỏe lại và bất ngờ hơn là chị còn được BV miễn cho hàng chục triệu đồng. Chung niềm vui với chị Loan, gia đình anh Trần Văn Chiến (ngụ Bình Phước) như vừa được ban tặng một phép màu khi cậu con trai đầu lòng bị tim bẩm sinh, lại nhẹ cân vừa được phẫu thuật thành công. “BS nói bệnh tim của bé rất phức tạp, nếu không được phẫu thuật sớm thì bé sẽ không sống được lâu. May phước cho gia đình tôi, cho cháu là BV đã phẫu thuật ngay khi con tôi nhập viện. Và khi biết gia đình không có khả năng chi trả, BV đã miễn giảm cho gia đình gần như hoàn toàn số tiền chữa trị cho cháu. Ơn này của BV, của các BS chúng tôi không bao giờ quên”, vừa ôm con, vợ anh Chiến xúc động nói.

TS. Bùi Minh Thành thăm khám cho bệnh nhi mổ tim tại BV Nhân dân Gia Ðịnh.

Không chỉ riêng những trường hợp trên, tại đây, hàng trăm ca bệnh tim đã được hưởng niềm vui như thế. TS.BS. Bùi Minh Thành, Trưởng đơn vị phẫu thuật tim, BV Nhân dân Gia Định cho biết: “Bệnh tim ngày càng tăng lên và số người đang chờ phẫu thuật rất đông chính là động lực để BV đẩy mạnh phát triển các kỹ thuật mổ tim đồng thời tìm, vận động nhiều nguồn kinh phí hỗ trợ cho người bệnh”. Theo TS. Thành, BV bắt đầu triển khai phẫu thuật tim từ năm ngoái và hiện mổ từ 5-7 ca/tuần. Năm 2013, đã có 250 ca được BV phẫu thuật thành công. BV đặt mục tiêu phẫu thuật cho ngày càng nhiều người nghèo, cận nghèo không đủ kinh phí mổ tim và cao hơn là cứu người trong trường hợp cấp cứu nên rất nhiều lần thực hiện điều trị, phẫu thuật tim cứu sống BN trước dù người nhà thông báo “chưa có tiền”. Nhiều ca phải “khất” để thanh toán sau khi mổ hoặc tái khám. Tuy nhiên, hầu hết các ca mổ đều được miễn, giảm 20-30% viện phí, chi phí ăn uống. Những người khó có khả năng chi trả, tùy từng trường hợp, BV sẽ giảm 70-100%, đặc biệt, với bệnh nhân là trẻ em dưới 15 tuổi (BV đã mổ 130 ca) kể cả những ca có chi phí lên tới 200 triệu đồng. Năm qua, ước tính BV đã dành khoảng 5 tỷ đồng để hỗ trợ, miễn giảm cho BN phẫu thuật tim.

PGS.TS.BS. Hoàng Quốc Hòa, Giám đốc BV Nhân dân Gia Định cho biết, xác định phẫu thuật tim là một kỹ thuật cao nhằm giúp BN hưởng lợi, đồng thời cũng là một nhiệm vụ chính trị, BV đã huy động nguồn kinh phí tại chỗ và hỗ trợ từ một số tập đoàn viễn thông, dầu khí, đoàn hội, tổ chức từ thiện... để mổ tim cho người nghèo. Ngay cả công phẫu thuật, BS mổ cũng không hưởng, chiết khấu đầu tư cơ sở vật chất, vật tư tiêu hao, điện nước... BV đều không tính và BN không phải chi trả.

Phẫu thuật “giá rẻ” nhưng một điều BV tự hào là cơ sở vật chất, các máy móc, trang thiết bị tại phòng mổ, hồi sức, hậu phẫu, siêu âm... đều rất hiện đại. Đặc biệt, các BS ở BV đã có thể triển khai hầu hết các kỹ thuật cao, chuyên sâu (các bệnh lý tim bẩm sinh trẻ em, bệnh mạch vành và bệnh van tim, đặc biệt là phẫu thuật cho trẻ mắc tim bẩm sinh nhẹ cân (dưới 5kg - PV)) và đưa phẫu thuật tim trở thành thường quy. Bên cạnh đó, BV thường xuyên tổ chức các đoàn khám chữa bệnh cho nhiều địa phương miền Trung, Tây Nguyên để lập danh sách hỗ trợ, phẫu thuật cho những người được phát hiện mắc bệnh tim.        

 

Bài và ảnh: Tuân Nguyễn

 

 

 


Ý kiến của bạn