Trong đời sống tinh thần, linh vật (chó đá) ẩn giấu nhiều câu chuyện cổ tích, mang đậm dấu ấn văn hóa Việt. Thú “nuôi” chó đá cũng từ đấy mà ra, với bao trải nghiệm kỳ lạ...
Chó đá khóc - Chó đá cười
Từ xa xưa, người Việt ta đã có tục thờ chó đá (linh cẩu), không chỉ vùng xuôi mà miền ngược, người dân tộc thiểu số cũng thờ. Quan niệm chung đều giống nhau, chó đá là những linh vật canh giữ phần âm, trừ ma tà và những điều xấu bất thường có thể xảy ra. Do vậy, họ thường bày chó đá ở trước cửa chính của ngôi nhà. Trong đời sống, chó và ngựa được coi là những con vật có nghĩa có tình với con người (Khuyển mã chí tình). Chính vì thế, gia chủ chăm sóc “linh cẩu” với lòng thành kính. Họ thường lau chùi, thắp hương vào những ngày mồng một, hay rằm hàng tháng. Có nơi còn coi đó là những ông quan lớn Hoàng Thạch hay “Thần Cẩu” liêm khiết chính trực có thể cầu cậy mỗi khi gia đình có sự kiện xảy ra. Đó là tín ngưỡng thờ chó đá trong tâm thức thuần nông. Việc bày đặt thờ “linh cẩu” ở đâu, theo hướng ra sao hoặc ngày nào cũng không được tùy tiện. Kể cả cân nặng, to nhỏ đến đâu cũng phải nhờ thầy xem tuổi của gia chủ, rồi mới đi mua hoặc đặt thợ làm.
Hòn Chó Đá ở Hạ Long. Ảnh: V.T
Riêng người Tày, Nùng ở Lạng Sơn hay Cao Bằng, từ xưa đã phải tìm đá tự tạc lấy “linh cẩu” của mình chứ ít ra chợ mua. Chính vì thế, chó đá của người vùng cao có những nét độc đáo mà vùng đồng bằng không có. Vẻ đẹp của chó đá mang tính hoang dại, cười khóc với gia chủ, thân thiết chí tình. Khi người cười, chó đá cũng vui. Khi buồn có thể ngồi bên chó đá mà rơi nước mắt. Lâu nay họ coi “chó nhà coi trộm, chó đá coi ma”. Ma chính là phần hồn. Chó đá trở nên linh thiêng và sẵn sàng được gia chủ bày tỏ và trao gửi nỗi niềm khi gặp rủi may. Vậy xưa mới có chuyện chó đá cười, đứng vụt dậy mừng rỡ chào một người học trò khi vào nhà thầy giáo. Cậu ta hỏi lý do, chú chó đá nói tương lai cậu sẽ đỗ đạt cao nên phải kính trọng chào mừng thôi. Nhưng “chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng”. Bố của cậu học trò kia hung hăng đe dọa mọi người, còn cho trâu dẫm nát lúa của dân làng, không ai dám làm gì. Những ngày sau, cậu ta lại đến nhà thầy nhưng sao thấy chú chó đá tiu nghỉu, buồn thiu. Thật lạ. Nhưng ngay lập tức, cậu nghe chú chó đá nói hết sự tình về người cha hách dịch kia nên cậu đã bị Thiên Tào phạt, gạch tên trong khoa thi. Quả nhiên cậu bị trượt. Người cha cậu học trò thật sự hối hận, sau khi nghe con trai nói lại mọi chuyện và tỉnh ngộ. Ông vội vã đi xin lỗi những người đã bị mình xúc phạm và sống thân thiện, tu thân tích đức, giúp đỡ mọi người trong làng. Cậu học thầm lặng, tiếp tục phấn đấu học tập trong 3 năm trời, chờ khoa thi mới. Một lần cậu đến thăm thầy. Khi đi qua cửa, chú chó đá lại cười, quẫy đuôi mừng rỡ chào đón. Năm đó cậu học trò thi đỗ cao. Câu chuyện cổ dân gian gắn với chú chó đá, cốt mang những điều răn dạy người đời về ý nghĩa của cái sự học phải đi liền với đạo làm người.
Trong dân gian còn chuyện chó đá cười khác, nhưng lại ẩn giấu nỗi oan tình không thể nào gỡ nổi của một chàng trai. Khi chết, chàng đã hóa thành chó đá. Bức tượng chú chó đá ngửa mặt lên trời cười hiện còn ở thôn Địch Vĩ (xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, Hà Nội) gắn với một bi kịch đẫm lệ. Chuyện kể rằng, ở vùng Hát Môn cách Địch Vĩ không xa (chừng 5km) có hai anh em nhà kia yêu thương nhau hết mực. Người anh đỗ đạt làm quan và đã lấy vợ. Nhưng người anh thường xuyên phải đi công cán lâu lâu mới về. Mọi việc đều nhờ cậy người em ở nhà lo toan. Sợ chị dâu đi ngoại tình, cứ đêm đêm người em thò tay qua lỗ thủng của vách nhà giữ chị dâu không cho đi đâu. Nhưng không ngờ, vài tháng sau người anh trở về bỗng thấy vợ mình có chửa. Quan anh nghi cho em trai gian díu với vợ mình nên đã nổi giận sai người giết chết. Nhưng có biết đâu cô vợ kia đã bị thủy quái xâm dục mà có chửa. Khi người vợ đẻ ra yêu quái, quan anh vỡ lẽ về nỗi oan tình của người em, nhưng mọi sự đã muộn. Hồn người em về báo mộng và xin dân làng đúc một bức tượng cho mình rồi thả xuống sông. Bức tượng theo con nước và phù sa trôi dạt về tận xã gần với thôn Địch Vĩ. Khi phát hiện ra bức tượng, mọi người đổ xô ra khênh vớt nhưng không sao mang lên bờ nổi. Cuối cùng, chỉ có bốn chàng trai của thôn Địch Vĩ mới vớt lên được. Dường như trời đã định, tượng thuộc về thôn Địch Vĩ và được tôn làm Quan lớn Hoàng Thạch, đưa về làng để thờ. Đó chính là tượng chó đá cao 1,4m, trong tư thế ngồi, chân cụp, mắt nhìn thẳng về phía trước. Nhìn ngỡ ngài ngẩng mặt lên trời cười. Chung quanh quan Hoàng Thạch còn có hơn chục chú chó con, to nhỏ, cao thấp khác nhau. Có điều kỳ lạ là ngay từ đầu quan Hoàng Thạch đã được đặt theo hướng nhìn về phía Hát Môn quê hương ngài. Hiện nay, tại đền thờ Hai Bà Trưng ở Hát Môn cũng có hai tượng chó được thờ và quay mặt hướng về thôn Địch Vĩ. Đó là sự ngóng trông và khóc cho một số mệnh oan khuất cho dù đã được giải thoát về sau.
Đã từ lâu, đền thờ quan Hoàng Thạch tại đây được coi là chốn linh thiêng và dân chúng quanh vùng thường đến cầu thần hóa giải những mâu thuẫn trong vợ chồng, anh em, dòng họ. Nhất là những đôi trai gái có trục trặc nhân duyên, xung đột vì nghi kỵ đều đến ngài lễ, cầu xin được hòa thuận và hạnh phúc trở lại. Nhiều khi họ còn thề độc trước quan Hoàng Thạch bằng cách đập vỡ cả chồng bát mang theo để khẳng định nỗi oan khuất của mình.
Thú “nuôi” chó đá
Nói về chuyện người đời chơi chó đá, không ai vượt nổi danh tiếng của ba chị em họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, Thành Chương và Nguyễn Thị Hiền. Họ là ba trong số bảy người con của nhà văn Kim Lân. Theo họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức (người đã từng được giải Họa sĩ xuất sắc nhất cho phim Long Thành cầm giả ca), không hẳn chỉ vì cha ông đã để lại dấu ấn đặc sắc qua tập truyện ngắn Con chó xấu xí mà nảy sinh thú chơi chó đá. Nhưng có lẽ mấy anh em họ đã từng sống từ bé với đồng quê, thời kỳ theo gia đình đi kháng chiến nên đã yêu thương gần gũi với hình ảnh con chó của mọi gia đình. Thêm nữa chăng, những con chó đá ở nông thôn, trong đình làng, chùa miếu với vẻ đẹp thân thiện và thần bí của nó đã thu hút tâm hồn trẻ thơ. Nên hai anh em nhà Thành Chương và Mạnh Đức đều say chó đá từ nhỏ. Riêng họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức thì nổi “máu chó đá” hơn cả. Hay tin anh đi khắp nơi săn lùng chó đá cổ, sau này từ những người buôn đồ cổ đến dân đồng nát cũng đến bán cho anh những chú chó đá mà họ sưu tầm được. Số lượng chó đá nhặt nhạnh cả vài mươi năm đưa về qua tay anh “nuôi” cũng đã lên tới hàng ngàn con. Căn nhà sàn trên thửa đất rộng gần 500 mét vuông của anh ở phía sau vườn Thủ Lệ trở thành vườn chó đá cảnh là vì thế. Anh còn cung cấp cho họa sĩ Thành Chương mấy trăm con để bày trên Phủ Sóc Sơn.
Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức và bộ sưu tầm chó đá. Ảnh: V.T
Nhất là sau khi họa sĩ Nguyễn Minh Thành mượn 300 con chó đá của Nguyễn Mạnh Đức để bày trong một cuộc triển lãm (năm 2000) thì nhiều người tìm đến tận nhà mua. Đầu tiên chỉ là anh em họa sĩ hay những người hoạt động trong nghệ thuật, báo chí. Sau đó là những người có thú chơi chó đá tìm đến ngày một đông. Họa sĩ Mạnh Đức kể, nhiều người cũng nổi máu điên chơi chó đá khác biệt. Có người bên Gia Lâm (tên An Trinh) đã đến nhà sàn của anh khuân về cả trăm chú chó đá. Hoặc một nữ doanh nhân khá thành đạt ở TP. Hồ Chí Minh (tên Tú Anh) ra mua liền 400 con, đưa về bày đầy sân nhà, ở quận Phú Nhuận. Chị mua cốt để thờ, lưu giữ những ký ức tuổi thơ và tạo dựng một không gian văn hóa làng quê cho riêng mình, ở giữa phố phường. Còn hơn nữa, có người đàn ông xa lạ (tên Khánh) được mách đến mua hẳn 500 con chó đá, rồi mang đi đâu không biết. Người thường đến mua lẻ về thờ hay về “nuôi” chơi thì vô khối. Hàng chó đá của họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức đắt như tôm tươi. Ngôi nhà sàn của anh một thời nhộn nhịp như chợ vậy. Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức mang thương hiệu “Đức chó đá” là vì thế.
Cùng thú “nuôi” chó đá, ở Xóm Núi, Lạng Giang, Bắc Giang còn có anh Mạnh Quý - một tỉ phú trẻ sinh năm 1971, cũng say chó đá và đồ đá. Hiện anh cũng có vài trăm chú chó đá. Những chú chó lớn làm thần canh giữ ngoài cửa, còn lại đồng loại bạn bè nhỏ thì được bày trang trí, bên cạnh những cối đá, cầu đá hay cổng đá. Một không gian thấm đẫm hồn quê. Anh cũng là một tay sưu tầm chó đá cổ khá kỳ công. Đi khắp nơi lặn lội lên tận hang cùng ngõ hẻm trong cộng đồng bà con dân tộc trên vùng cao để mua về. Anh cốt nuôi chơi chứ không hề có ý định mua đi bán lại đàn chó đá này. Ngược lại, họa sĩ Nguyễn Thành Phong (sinh năm 1986) - người đã được một tờ báo vinh danh là “Trần Đăng Khoa của giới mỹ thuật” (thần đồng hội họa) lại có sở thích tạc lấy những con chó đá để bày chơi hoặc làm hàng buôn bán.
Chú chó đá canh giữ biển khơi
Thiên nhiên thật kỳ thú khi trên một sườn núi ở Vịnh Hạ Long sinh ra một chú chó đá khổng lồ, đã hàng triệu năm qua. Đó chính là Hòn Chó Đá cao chừng 8m, khối đá giống như một con chó gác cổng trời, nơi biển khơi. Giữa muôn trùng sóng vỗ, Hòn Chó Đá như một biểu tượng bình yên cho những chuyến tàu vạn chài và du khách qua lại. Nếu đi từ hàng Đầu Gỗ khoảng mươi phút là tới Hòn Chó Đá. Khi đến đây, mọi người như được trở về ngôi nhà thân yêu, nơi lũy tre làng. Nơi ấy, những chú chó vàng đang sủa vào thinh không như một nỗi nhớ mênh mông chờ đón người thân trở về.