Hà Nội

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 dự kiến diễn ra từ ngày 8/8

27-04-2020 17:29 | Thời sự
google news

SKĐS - Dự kiến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được tổ chức từ ngày 8/8, đề thi sẽ theo hướng giảm nhẹ nhưng vẫn có tính phân hoá thí sinh. Đó là khẳng định của PGS.TS. Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT chia sẻ với báo chí ngày 27/4.

Độ khó và mức độ phân hóa của đề thi giảm nhẹ nhưng không cào bằng

Theo PGS.TS. Mai Văn Trinh, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc tổ chức dạy học của học kỳ II có những khó khăn nhất định và không đồng đều đối với tất cả các học sinh trong cả nước, nhất là những em ở những vùng khó khăn.

PGS.TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT.

Nếu vẫn duy trì phương thức thi như cũ thì sẽ rất nặng nề cả với học sinh cũng như số lượng lớn cán bộ giảng viên từ các trường đại học trong cả nước về các địa phương tổ chức thi, trong khi dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc.

Vì vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 vừa phù hợp với quy định của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học sửa đổi, vừa phù hợp với lộ trình đổi mới thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Phương thức này sẽ được hoàn thiện cho phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.

Ông Trinh cho biết, kết quả của kỳ thi này sẽ được sử dụng mục đích chính là xét tốt nghiệp. Do vậy, độ khó và mức độ phân hóa của đề thi theo hướng nhẹ hơn chứ không phải cào bằng.

Nếu kỳ thi này được tổ chức nghiêm túc thì rất có thể nhiều trường đại học vẫn có thể sử dụng để tuyển sinh. Bởi vì khi học sinh đã tốt nghiệp THPT coi như đáp ứng yêu cầu căn bản để vào học đại học.

Ông Trinh cho rằng, tuyển sinh đầu vào chỉ là một yếu tố để làm nên chất lượng giáo dục đại học; quan trọng hơn là quá trình đào tạo cần có sự sàng lọc để bảo đảm đáp ứng chuẩn đầu ra mà nhà trường đã công bố.

Cùng với đó, Cục trưởng lý giải, việc sử dụng một đầu điểm với hai bài thi Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội là phù hợp với mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Còn với các trường đại học, trên tinh thần tự chủ nếu lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh thì trường sẽ điều chỉnh khối xét tuyển theo các bài thi và công bố rộng rãi trên trang thông tin của trường.

Ví dụ trường có thể lấy điểm thi của bài thi Toán, Khoa học tự nhiên... đối với các ngành tuyển sinh bằng tổ hợp Toán-Lý-Hóa hoặc Toán-Hóa-Sinh như trước đây.

Ngoài ra, ông Trinh khẳng định, những nội dung được tinh giản (không dạy, không làm, không thực hiện, khuyến khích học sinh tự học) sẽ không được đưa vào đề thi. Bộ GD&ĐT sẽ sớm công bố đề thi minh hoạ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 để giúp giáo viên, học sinh có định hướng dạy học, ôn tập hướng tới kết quả cao nhất trong kỳ thi tới đây.

Bộ GD&ĐT sẽ giám sát chặt chẽ kỳ thi

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, kỳ thi tốt nghiệp THPT tới đây sẽ do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện về sự an toàn, nghiêm túc tại địa phương. Các thí sinh sẽ được thi tại huyện (về cơ bản là tại trường THPT mà mình đang theo học).

Kỳ thi tốt nghiệp THPT do địa phương tổ chức và Bộ GD&ĐT giám sát chặt chẽ, nghiêm túc, không để xảy ra sai phạm.

Ông Trinh cho biết, việc coi thi sẽ do giáo viên của tỉnh đảm nhận theo nguyên tắc đổi chéo giáo viên giữa các trường với nhau. Tuy nhiên, để kỳ thi nghiêm túc, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo thực hiện các giải pháp chính như sau:

Thứ nhất, với bài thi trắc nghiệm trong mỗi phòng thi, mỗi thí sinh sẽ có một mã đề thi riêng.

Thứ hai, quy định chặt chẽ và yêu cầu cao đối với việc tuân thủ quy chế, quy trình trong tất cả các khâu tổ chức thi đối với tất cả các bộ, giáo viên tham gia kỳ thi này.

Thứ ba, tăng cường sử dụng thiết bị kỹ thuật (sử dụng camera giám sát), tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thi.

Thứ tư, tiếp tục tổ chức chấm thi theo quy trình chặt chẽ trong đó với các bài thi trắc nghiệm sẽ được chấm bằng phần mềm với chức năng bảo mật cao; sử dụng thiết bị giám sát toàn bộ quá trình chấm thi cả đối với tự luận và trắc nghiệm.

Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Theo đó, sẽ có các đoàn thanh tra của Bộ GD&ĐT, thanh tra của Sở GD&ĐT tạo và thanh tra của UBND tỉnh để thanh tra, giám sát tất cả các khâu của kỳ thi.

Thứ sáu, các địa phương phải cập nhật kết quả học tập của học sinh và kết quả thi tốt nghiệp THPT lên hệ thống phầm mềm quản lý thi. Bộ GD&ĐT sẽ quản lý, phân tích, đối sánh các dữ liệu này để đánh giá, xử lý các vấn đề phát sinh nếu có, hướng tới sự đánh giá nghiêm túc, công bằng.

Cùng với việc thực hiện các giải pháp trên sẽ có các chế tài xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm (nếu có) trong kỳ thi.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn