Tại cuộc họp báo về kết thúc công tác coi thi của kỳ thi THPT Quốc gia 2019, chiều 27/6, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó ban thường trực Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia 2019 cho biết: "Từ ngày 25 đến 27 những mục tiêu đặt ra của kỳ thi đến thời điểm này đã đạt được, đó là an toàn và nghiêm túc".
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lí chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm nay ban chỉ đạo thi cấp tỉnh vào cuộc rất sớm và chỉ đạo sát công tác tổ chức tại địa phương mình. Nhiều địa phương có trưởng ban chỉ đạo là Chủ tịch UBND tỉnh.
Cục trưởng Cục Quản lí chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo Mai Văn Trinh
Ông Trinh cho hay, có 4 thí sinh, trong đó 3 thí sinh ở Lào Cai và 1 thí sinh ở Sơn La đã phải thi lại môn Ngữ văn bằng đề thi dự bị do sai sót của giám thị.
Cụ thể, tại Hội đồng thi Lào Cai, cán bộ coi thi đã ký nhầm tên vào ô chấm thi, thay vì ô coi thi trên tờ bài thi của ba thí sinh. Sau một nửa thời gian làm bài, giám thị này mới phát hiện ra việc nhầm lẫn nên đã yêu cầu thí sinh viết lại bài thi vào tờ giấy thi khác mà không cho thí sinh được thêm thời gian bù giờ. Như vậy, giám thị này vi phạm nguyên tắc không đảm bảo quyền lợi của thí sinh khi làm nhiệm vụ.
Ngay khi sự việc được báo cáo, Ban chỉ đạo thi Trung học phổ thông Quốc gia đã chỉ đạo Hội đồng thi Lào Cai đình chỉ hai giám thị coi thi ở phòng thi này, đồng thời làm công tác tư tưởng cho ba thí sinh.
Chiều 27/6, Hội đồng thi đã tổ chức cho ba thí sinh này thi lại môn Ngữ văn bằng đề thi dự bị. Bên cạnh đó, Hội đồng thi Lào Cai đã hỗ trợ các em về kinh tế do các em phải ở lại thêm thời gian để dự thi.
Tại một điểm thi thuộc Hội đồng thi tỉnh Sơn La cũng xảy ra sự việc có một thí sinh ghi số báo danh không đúng quy cách vào buổi thi môn Ngữ văn. Tuy nhiên, các giám thị đã xử lý thiếu linh hoạt, sau một nửa thời gian làm bài giám thị vẫn yêu cầu thí sinh thay tờ giấy khác, làm lại bài thi, ảnh hưởng tới thời gian làm bài thi.
Nhằm đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, Hội đồng thi Sơn La đã đình chỉ giám thị coi thi và tổ chức cho thí sinh làm lại bài thi môn Ngữ văn bằng đề thi dự bị.
Tại Phú Thọ, 2 cán bộ đã không phát hiện được 1 thí sinh tự do dùng điện thoại chụp đề đưa ra ngoài nhờ giải hộ.
Một số sai sót xảy ra ở các hội đồng thi là do lỗi của cán bộ coi thi, in sao đề thi như việc phát nhầm đề thi cho thí sinh, in thiếu đề thi dẫn đến thí sinh phải làm bài thi muộn giờ so với quy đinh. Hội đồng thi đã xử lý bù thời gian làm bài để đảm bảo quyền lợi của thí sinh.
Ông Mai Văn Trinh khẳng định, công tác xử lý cán bộ với các tình huống bất thường của Ban chỉ đạo thi các tỉnh đã thể hiện được các nguyên tắc: “Luôn luôn đặt quyền lợi của thí sinh lên đầu và xử lý các sai phạm theo đúng quy chế. Nhìn chung, năm nay không còn hiện tượng phao thi, kỷ luật trường thi được siết chặt".
Với môn thi trắc nghiệm thì có quy trình rất rõ ràng, cải tiến về phần mềm, sẽ tiến hành quét từng túi bài thi. Ông Trinh nói: “Dữ liệu ngay sau khi quét sẽ được mã hóa; thêm vào đó, phần mềm có chức năng thông minh, chỉ cho phép người dùng sửa ở những chỗ bị lỗi, còn những chỗ không bị lỗi thì không thể tác động vào. Năm nay, nhiều địa phương để cho các cán bộ tham gia vào khâu in sao đề thi phải được cơ quan công an xác định nhân thân trước đó” . Ngay cả đáp án chấm trắc nghiệm cũng sẽ được mã hóa. Rút kinh nghiệm năm ngoái, năm nay Bộ sẽ không công bố đáp án ngay sau khi kết thúc kỳ thi.
Bài thi được đưa từ điểm thi về nơi tập kết sẽ có sự giám sát của các cán bộ công an. Phòng lưu trữ bài thi sẽ có camera giám sát 24/24 giờ và cũng có lực lượng an ninh, bảo vệ giống như các khâu khác. Đây là những giải pháp được cho là để tăng cường phòng ngừa gian lận thi cử.
Cả nước có 887.104 thí sinh đăng ký dự thi, được tổ chức tại 1980 điểm thi với 38.050 phòng thi; huy động gần 50.000 cán bộ, giảng viên được điều động từ 216 đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng tham gia phối hợp tổ chức Kỳ thi. Tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào đại học, cao đẳng chiếm khoảng 70,2% (năm 2018 là gần 74,3%).