Hà Nội

Kỳ thi THPT quốc gia 2018: Đặc biệt siết chặt khâu bảo mật đề thi

18-06-2018 06:50 | Thời sự
google news

SKĐS - Kỳ thi THPT quốc gia 2018 sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 25 -27/6. Tới thời điểm hiện tại, công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi đang được siết chặt, đặc biệt là ở khâu in, sao, vận chuyển đề thi.

Đề thi tăng mức vận dụng kiến thức của thí sinh

Tại hội nghị cung cấp thông tin về công tác thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2018 diễn ra cuối tuần qua, Bộ GD-ĐT cho biết, tổng số thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2018 là 925.792 em (năm 2018 là 866.006). Trong đó xét công nhận tốt nghiệp là 879.705 em; số thí sinh sẽ tham gia xét tuyển sinh ĐH-CĐ là 688.466 em, tăng hơn 48.000 so với năm 2017. Cả nước có 2.144 điểm thi với 39.689 phòng thi, bố trí ở các trường THPT, rất thuận lợi cho thí sinh. Có 341.576 thí sinh đăng kí làm bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên, chiếm 37%; số thí sinh đăng kí làm bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội tăng 5% so với năm 2017, với 444.538 thí sinh đăng kí, chiếm 48%. Số thí sinh đăng kí cả 2 tổ hợp giảm 3% so với năm 2017 với 36.016 thí sinh đăng kí. Có 11% tổng số thí sinh đăng kí dự thi các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp. Số này là thí sinh tự do, thi để xét tuyển đại học, cao đẳng hoặc thí sinh tự do thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT có bảo lưu các môn thành phần của bài thi tổ hợp năm 2017.

Mọi công tác đảm bảo an toàn cho kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã sẵn sàng. Ảnh: TM

Mọi công tác đảm bảo an toàn cho kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã sẵn sàng. Ảnh: TM

Bộ GD-ĐT cho biết, ma trận đề thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đảm bảo phù hợp với hình thức đã công bố, theo hướng tiếp tục thực hiện định hướng đánh giá năng lực người học, tăng mức yêu cầu vận dụng kiến thức, các câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Đề thi cũng tăng cường các câu hỏi phân hóa kết quả thi đảm bảo đáp ứng yêu cầu công nhận xét tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tin cậy để xét tuyển đại học, cao đẳng, trung cấp.

Theo Bộ GD&ĐT, về cơ bản kỳ thi THPT quốc gia 2018 được giữ ổn định như năm 2017 và có một số vi chỉnh về mặt kỹ thuật.

Năm nay, rút kinh nghiệm từ sự cố lọt đề thi trong kỳ thi vào lớp 10 của Hà Nội vừa qua, Bộ GD-ĐT yêu cầu tuân thủ nghiêm túc, đúng, đầy đủ hướng dẫn thực hiện quy chế thi. Công tác bảo mật đề thi được đặc biệt quan tâm, các địa phương hiện đều đã có phương án cụ thể, khả thi để bảo mật tuyệt đối đề thi ở tất cả các khâu. Phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi thi đã được hoàn thiện, sử dụng dễ dàng, phục vụ tốt cho xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và công tác xây dựng đề thi. Phần mềm chấm thi trắc nghiệm đã được bàn giao và nghiệm thu, các sở GD-ĐT đã dùng thử cho kết quả tốt. Hệ thống phần mềm quản lý kỳ thi THPT quốc gia vận hành tốt, đến nay phần mềm hoạt động thông suốt, không có bất kỳ trục trặc nào.

Hai bộ siết chặt kiểm tra, phát hiện gian lận thi THPT quốc gia

Ông Nguyễn Huy Bằng - chánh thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết, bộ đã huy động trên 4.000 cán bộ, giảng viên trong cả nước tham gia công tác thanh tra tại kỳ thi THPT quốc gia năm nay, có cả lực lượng thanh tra của Bộ và của sở, thanh tra cơ động và thanh tra cắm chốt nhằm đảm bảo cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế. Như vậy, với hơn 2.000 điểm thi THPT quốc gia, tối thiểu 7 phòng thi thì có 1 giám sát. Cán bộ giám sát không làm thay giám thị mà giám sát giám thị.

Về vấn đề gian lận trong thi cử, ông Bằng nhìn nhận do số lượng thi rất đông nên năm nào cũng xuất hiện. Những vi phạm có thể xảy ra ở nhiều trường hợp như trực tiếp giải bài hoặc hướng dẫn làm bài, lấy bài thí sinh này đưa cho thí sinh khác, chấm thi không đúng,... trao đổi bài, chép bài của thí sinh khác, mang vật dụng vào phòng thi, đưa đề ra ngoài, thi hộ thi kèm.

Bên cạnh đó, cần đề phòng gian lận kỹ thuật cao, ví dụ máy tính cầm tay được phép đưa vào phòng thi cũng là thiết bị dễ gian lận, thẻ ATM, tai nghe không dây... Thanh tra Bộ cũng từng phát hiện các thiết bị có thể được ngụy trang bằng nhiều cách. Có thí sinh chuẩn bị những máy tính cầm tay có gắn thiết bị camera và có thể phát truyền thông tin.

“Năm ngoái ở Quảng Nam, chính thanh tra Bộ đã phát hiện ra thiết bị như vậy. Cũng ở Quảng Nam, có trường hợp dùng tai nghe không dây như hạt đậu phải dùng nam châm hút ra, chứ không có cách gì lấy ra được”- ông Bằng cho biết.

Tuy thiết bị có công nghệ cao đến đâu thì người sử dụng cũng có dấu hiệu dễ nhận biết, vì vậy chỉ cần giám thị tập trung sẽ phát hiện dấu hiệu gian lận.

Ngoài ra, Thanh tra Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp Cục PA83 Bộ Công an và phòng PA83 công an các tỉnh, thành tăng cường rà soát, kiểm tra để phát hiện thí sinh gian lận bằng thiết bị công nghệ cao.


Hoàng An
Ý kiến của bạn