Kỳ thị phân biệt đối xử - Rào cản lớn trong phòng chống HIV

20-09-2022 12:51 | Xã hội

SKĐS - Một trong những khó khăn trong công tác phòng chống HIV/AIDS là kỳ thị phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV, làm cho họ giấu giếm thân phận, bỏ điều trị… dẫn tới khó kiểm soát dịch HIV.

1. Bỏ điều trị thuốc ARV vì kỳ thị khiến bệnh nặng lên

Ngồi trước mặt chúng tôi là chị Dương T Ch. (47 tuổi). Nếu như không nói thì không ai biết chị Ch. là người có ‘H" và đang điều trị thuốc ARV tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp Mười. 3 năm nay chị dùng thuốc điều trị ARV đều đặn, giờ da dẻ hồng hào, khỏe mạnh... Hằng ngày chị Ch. vẫn đi bán vé số, kiếm thu nhập…

Do tuân thủ điều trị tốt, nên hiện chị được các bác sĩ hẹn đến lấy thuốc 3 tháng 1 lần.

Nét mặt chùng xuống, chị Ch. cho biết, trước đây chị sống ở tỉnh An Giang và bị nhiễm HIV từ chồng. Sau khi chồng mất, thấy sức khỏe giảm sút chị đi khám, phát hiện mình bị nhiễm HIV và đã dùng thuốc ARV (kháng virus).

Lúc phát hiện ra mình nhiễm HIV chị Ch. cũng buồn lắm, lại cộng thêm tình trạng kỳ thị nơi chị sống, không chịu được điều ra tiếng vào và cũng không làm ăn gì được… vì sự kỳ thị, nên chị đã bỏ An Giang và chuyển sang Long An sinh sống, với mục đích để không có ai biết mình nhiễm HIV; đồng thời chị Ch. cũng bỏ luôn thuốc điều trị ARV cho tình trạng nhiễm HIV của mình.

photo-1661059026491

Chị Ch. Chia sẻ với phóng viên.

Thế nhưng, bỏ thuốc một thời gian chị bị sốt, sút cân, người luôn mệt mỏi… buộc chị phải đi khám bệnh. Một lần nữa chị lại được các bác sĩ, nhân viên y tế tư vấn về HIV, về lợi ích của tuân thủ điều trị, rồi tư vấn cho chị mua bảo hiểm để được hưởng quyền lợi như những người bệnh khác…

Hiểu và trải qua thực tế bỏ trị và hậu quả với sức khỏe… nên lần này chị tuân thủ dùng thuốc, nhưng chị tiết lộ, hiện vẫn giấu tình trạng nhiễm HIV của mình.

BSCKI Vương Văn Phến, Trưởng Khoa nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp Mười cho biết, HIV là bệnh mạn tính, nên người bệnh cần phải dùng thuốc đều đặn, hằng ngày để ức chế virus. Nếu bỏ trị hoặc uống thuốc không đều sẽ không ức chế được virus, làm suy yếu hệ miễn dịch, dẫn đến nhiễm trùng cơ hội từ nhẹ đến nặng, có thể tử vong. Nguy hiểm hơn, do cá nhân không tuân thủ sẽ sinh ra chủng HIV kháng thuốc, và bệnh nhân có khả năng lây nhiễm cho nhiều người khác trong cộng đồng.

2. Nhiều hệ lụy từ kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV

Ở nhiều nơi trên thế giới cũng như ở nước ta hiện nay, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV vẫn còn xảy ra, với các biểu hiện công khai hoặc ngấm ngầm, thô bạo hoặc tế nhị, ở nhiều hoàn cảnh khác nhau, dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau.

Thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết không đúng, không đầy đủ về HIV/AIDS là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Nhiều người vẫn cho rằng HIV/AIDS là bệnh rất dễ lây, kể cả qua tiếp xúc thông thường hoặc nhiều người lại cho rằng chỉ có những người tiêm chích ma túy hoặc người mua, bán dâm... tức là những người cho là xấu mới bị nhiễm HIV/AIDS, coi nhiễm HIV/AIDS là tệ nạn xã hội, chứ không phải là một bệnh mạn tính.

Bản chất của HIV/AIDS là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể gây tử vong, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh… cũng làm cho người dân sợ hãi.

photo-1661059027324

Tư vấn điều trị cho người nhiễm HIV tại BV Đa khoa Đồng Tháp Mười. Ảnh TH

Theo các chuyên gia về phòng, chống HIV/AIDS, do sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử, người nhiễm HIV/AIDS thường giấu giếm tình trạng bệnh tật, mặc cảm, không dám tiếp xúc với cộng đồng, không hợp tác với chương trình phòng chống HIV/AIDS.

Cán bộ chuyên môn khó có thể gặp và tư vấn cho họ về kỹ năng phòng và tránh lây HIV/AIDS cho người khác, làm cho người nhiễm HIV/AIDS trở thành "quần thể ẩn", rất khó tiếp cận. Do đó họ khó có thể tiếp nhận thông tin, kỹ năng phòng bệnh và do vậy họ hoàn toàn có thể truyền HIV cho người khác.

Do thiếu sự thông cảm giúp đỡ của cộng đồng có thể dẫn đến tâm lý bi quan, thậm chí "uất ức và trả thù đời" của người nhiễm HIV.

Do không tiếp cận được với người nhiễm HIV nên cũng khó có được số ca bệnh chính xác, từ đó khó ước tính và dự báo chính xác được về tình hình dịch… gây khó khăn cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Không kỳ thị sẽ giúp người nhiễm HIV tuân thủ tốt điều trị, sống khỏe mạnh và cống hiến cho gia đình và xã hội. Họ còn là những tuyên truyền viên tích cực, hiệu quả góp phần quan trọng vào sự thành công trong phòng, chống HIV/AIDS…

3. Giảm kỳ thị bằng cách nào?

Hiện nay, HIV/AIDS vẫn đang là gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam. Theo báo cáo của địa phương, hiện có hơn 213.800 người nhiễm còn sống, lũy tích tử vong là 110.990 trường hợp. Năm 2021, cả nước phát hiện hơn 13.000 người nhiễm HIV và 1.855 người nhiễm HIV tử vong.

Trước đây lây nhiễm HIV ở Việt Nam chủ yếu lây qua đường máu ở nhóm nghiện chích ma túy và lây qua đường tình dục ở nhóm phụ nữ mại dâm. Tuy nhiên, lây truyền qua đường quan hệ tình dục ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây.

Theo số liệu giám sát trọng điểm HIV, năm 2014 tỷ lệ nhiễm HIV trung bình trong nhóm này là 6,7%, năm 2017 là 12,2% và năm 2020 là 13,3%. Nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay.

photo-1661059027889

Truyền thông là một trong những biện pháp chủ yếu trong phòng, chống HIV/AIDS.

Truyền thông không chỉ làm thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ, sự lây truyền HIV và các biện pháp phòng tránh, làm giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS mà còn kết nối và thúc đẩy các dịch vụ về dự phòng, chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS; cũng như góp phần nâng cao trách nhiệm và sự quan tâm của các cấp, các ngành, các tầng lớp xã hội vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS... từ đó đã góp phần kiểm soát sự gia tăng dịch HIV/AIDS ở Việt Nam trong nhiều năm qua.

Được biết, Cục Phòng chống HIV/AIDS đã có công văn gửi Sở Y tế các các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, hướng dẫn thực hiện công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS năm 2022, hướng tới mục tiêu Chiến lược kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030, trong đó cần đạt: 80% thanh niên 15-24 tuổi có hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS và 80% người dân 15-49 tuổi không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.

BS. Nguyễn Văn Lên - Phó Giám đốc phụ trách CDC tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, trực tiếp phụ trách lĩnh vực HV/AIDS cho biết, hiện kỳ thị vẫn còn tồn tại trong cộng đồng, ở cơ quan, doanh nghiệp, ở ngay tại từng gia đình, dòng họ hay làng khu phố đối với người nhiễm HIV. Do đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người cùng hiểu, nhận thức đúng về HIV/AIDS, đường lây truyền và phải coi người nhiễm HIV cũng như mắc các bệnh tật khác để chúng ta có cái nhìn cảm thông hơn, chia sẻ hơn… Bên cạnh đó bản thân người nhiễm HIV/AIDS cũng phải thấy được sự sẻ chia của cộng đồng, suy nghĩ tích cực, sống tích cực, có ích...

Với sự hỗ trợ của các dự án, của cục phòng chống HIV chúng tôi sẽ đẩy mạnh các hoạt động tiếp cận cộng đồng ở các nhóm tự lực, đây là cánh tay nối dài trong phòng chống HIV/AIDS, BS Nguyễn Văn Lên cho biết.

Mời độc giả xem thêm video:

Kéo dài thêm 5 năm tuổi thọ, ngừa ung thư nhờ ăn nho đúng cách

Phương Hà
Ý kiến của bạn