Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT diễn ra trong 2 ngày là 25-26/12.
Cụ thể, ngày 25/12: Thi viết các môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật và thi lập trình trên máy vi tính đối với môn Tin học.
Ngày 26/12: Thi viết các môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học; Thi nói các môn tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật và thi lập trình trên máy vi tính đối với môn Tin học.
Giờ cắt bì đề thi tại phòng thi là 7h50. Thời gian bắt đầu làm bài của mỗi buổi thi là 8h.
Bộ GD&ĐT cho hay, nội dung thi sẽ theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT; Đối với các môn thi ngoại ngữ: Tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật theo Chương trình GDPT hiện hành và Công văn 4171/BGDĐT-GDTrH ngày 26/8/2022 của Bộ GD-ĐT hướng dẫn thực hiện chương trình chuyên sâu các môn chuyên cấp THPT.
Trước ngày 12/11, các Hội đồng coi thi cần gửi bản đăng ký số lượng thí sinh dự thi về Bộ GD&ĐT.
Trước ngày 29/11, các Hội đồng coi thi gửi danh sách thí sinh đăng ký dự thi về Bộ GD-ĐT.
Các Hội đồng coi thi khai mạc vào ngày 24/12 và sẽ tổ chức cho thí sinh thi thử bài thi nói các môn ngoại ngữ. Các đơn vị sẽ tự chuẩn bị đề thi nói để thí sinh thi thử hoặc cho thí sinh giới thiệu về bản thân.
Ở buổi thi nói của các môn ngoại ngữ, thí sinh lưu ý, khi hệ thống bắt đầu ghi âm, phải đọc mã số của đề thi, nội dung của câu hỏi trong đề thi trước khi bắt đầu trả lời bằng ngôn ngữ dự thi. Thí sinh không được đọc họ tên, số báo danh, đề cập đến các thông tin cá nhân trong phần trả lời, tạo ra các tiếng động nhằm đánh dấu phần thi của mình (nếu vi phạm quy định này, bài thi nói của thí sinh sẽ bị coi là vi phạm).
Khi ghi âm bài thi, thí sinh phải nói to, rõ ràng.
Bộ GD&ĐT cho biết, kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia được tổ chức nhằm động viên, khuyến khích người dạy và người học phát huy năng lực sáng tạo; góp phần thúc đẩy việc cải tiến, nâng cao chất lượng dạy và học; đồng thời phát hiện người học có năng khiếu về môn học để tạo nguồn bồi dưỡng, thực hiện mục tiêu đào tạo nhân tài cho đất nước.
Năm ngoái, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tổng số thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia là 5.819 thí sinh, tăng 1.230 thí sinh so với năm học 2022-2023. Trong tổng số 12 môn thi của kỳ thi này, Ngữ văn và Tiếng Anh là các môn có nhiều thí sinh dự thi nhất, với số lượng lần lượt là 648 và 639 thí sinh.
10 đơn vị dẫn đầu kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2023 gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nghệ An, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Nam Định.