Kỹ sư Nga công bố nguyên nhân MH17 gặp nạn

25-08-2014 20:18 | Quốc tế
google news

Đến nay vẫn không có ai đưa ra được bằng chứng đáng tin cậy cho giả thuyết MH17 bị bắn hạ bởi tên lửa đất đối không

  •  

Hội Liên hiệp các kỹ sư toàn Nga đã tổ chức cuộc điều tra độc lập bằng chuyên môn và kỹ thuật riêng của mình đối với vụ tai nạn của chiếc máy bay Boeing 777 (MH17) ở gần Donetsk hôm 17/7 vừa qua. 

Tham gia cuộc điều tra này có các nhóm chuyên gia bao gồm các kỹ sư quân sự, các sĩ quan dự bị có kinh nghiệm trong việc sử dụng tên lửa phòng không và phi công có kinh nghiệm trong việc sử dụng vũ khí trên máy bay chiến đấu.

Để tiến hành nghiên cứu, họ đã sử dụng một mô hình mô phỏng tiêm kích Su-25 bởi theo các chuyên gia Nga, các mảnh vỡ đã thu thập được ở hiện trường cho thấy rằng giả thuyết chiếc máy bay trúng tên lửa "Buk" là rất khó xảy ra.

Tranh luận về giả thuyết MH17 bị bắn hạ bằng cách sử dụng hệ thống tên lửa "Buk", các thành viên của Liên hiệp các kỹ sư toan Nga giải thích để có thể phóng được "Buk-M1" trúng mục tiêu, nó phải được đi kèm với các yếu tố chỉ huy, chỉ thị mục tiêu, điều khiển radar... rất phức tạp.

  •  

    Người dân vùng Donetsk đang xem xét một mảnh vỡ của chuyến bay MH17

"Tuy nhiên, đến nay vẫn không có ai đưa ra được bằng chứng đáng tin cậy cho giả thuyết MH17 bị bắn hạ bởi tên lửa đất đối không"- một chuyên gia nói.

Theo các nhà nghiên cứu, chiếc Boeing 777 của Malaysia Airlines đã bị một tên lửa không-đối-không tấn công. Xem xét theo giả thuyết này, các chuyên gia đã tính đến thực tế là vào ngày 17/7 đã có một chiếc Su-25 của Không quân Ukraine hoạt động trong khu vực đó và khoảng cách giữa hai máy bay chỉ vào khoảng 3-4 km.

"Su-25 có thể đạt tới độ cao 10.000 feet hoặc hơn trong một thời gian ngắn. Nó (Su-25) được trang bị vũ khí tiêu chuẩn là tên lửa "không đối không" R-60, có khả năng nắm bắt và bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách lên đến 10 km. Bên cạnh đó, nó không cần tiếp cận gần với mục tiêu mà vẫn có thể sử dụng các loại vũ khí hiện có"- chuyên gia Odcherknuli cho biết.

"Có khả năng là khi đó, hệ thống điều khiển bằng tay đã được tắt và máy bay đang trong tình trạng máy lái tự động. Máy bay chiến đấu không xác định, phát hiện thấy một luồng xung điện mạnh trong đám mây ở phía trước đã quyết định tấn công. Cuộc tấn công xảy ra đột ngột và kéo dài chỉ trong một vài giây nên phi hành đoàn đã không thiết lập cảnh báo hay cấp cứu"- các kỹ sư ghi nhận.

“Nếu bị tấn công bằng tên lửa đất đối không, chắc chắn phi hành đoàn có nhiều thời gian hơn để phát hiện tình trạng khẩn cấp và đã phát tín hiệu báo động”.

  •  

  • Các dấu vết còn lại trên mảnh vỡ của MH17 cho thấy nó không phải bị bắn rơi bởi tên lửa đất đối không

Trong nghiên cứu, các chuyên gia đi đến kết luận rằng, lực lượng vũ trang tự xưng là Cộng hòa Nhân dân Donetsk, không có loại máy bay chiến đấu tương ứng, không có mạng lưới sân bay, phương tiện radar phát hiện mục tiêu và theo dõi. Các chuyên gia cũng khẳng định rằng lực lượng vũ trang của Nga không vi phạm không phận của Ukraine và không liên quan đến vụ tai nạn.

"Để tiếp cận sự thật, điều cần thiết là phải có một cuộc điều tra khách quan và không thiên vị để xem xét tất cả các giả thuyết dẫn đến việc chiếc Boeing 777 của Malaysia Airlines lâm nạn. Thông tin quan trọng được chứa trong các đống đổ nát của chiếc máy bay và những tàn tích của người chết, nhưng những thông tin này dễ dàng bị phá hủy hay bị làm sai lệch và che giấu"- Phó chủ tịch thứ nhất của Liên hiệp các kỹ sư toàn Nga, ông Ivan Andrievski tuyên bố.

Trong khi đó, các chuyên gia Hà Lan, những người nước ngoài đầu tiên tiến vào hiện trường vụ máy bay rơi vẫn chưa công bố kết quả điều tra riêng của mình.

Theo Infonet


Ý kiến của bạn