Kỹ sư Đặng Phúc Thông và bản báo cáo mật

30-11-2009 06:08 | Văn hóa – Giải trí
google news

Đặng Phúc Thông (1906-1951) là một trí thức yêu nước thuộc tầng lớp người Việt đầu tiên được đào tạo tại Pháp, như Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Xiển...

Đặng Phúc Thông (1906-1951) là một trí thức yêu nước thuộc tầng lớp người Việt đầu tiên được đào tạo tại Pháp, như Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Xiển... Ông được biết ít hơn mặc dầu có công lớn hồi đầu kháng chiến do ông mất quá sớm, vào năm 45 tuổi khi bị bệnh phổi nặng, sau 8 giờ ngâm nước trong hầm trú ẩn để tránh phi cơ Pháp. Ông tốt nghiệp loại ưu tại hai trường lớn Paris: trường Mỏ và trường quốc gia Cầu đường. Về nước năm 1931, ông từ chối vào làng Tây (quốc tịch Pháp, nhiều ưu đãi), chỉ nhận làm  chuyên môn: mỏ và hoả xa. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, ông không nhận làm Bộ trưởng trong chính phủ Trần Trọng Kim. Ông có cảm tình với Việt Minh trước Cách mạng Tháng Tám. Sau khi ta tuyên bố Độc Lập, ông được mời tham gia chính quyền, Thứ trưởng Bộ Giao thông Công chính, đại biểu Quốc hội khóa I, thành viên phái đoàn Việt Nam dự Hội nghị Fontainebleau.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến, cuối 1946, ông bị mắc kẹt trong Hà Nội, đóng vai "trí thức trùm chăn". Pháp mua chuộc, hứa cho ông và vợ con sang Pháp, tùy ý làm việc gì cũng được, miễn là không cộng tác với chính phủ Hồ Chí Minh, ông nhất định cự tuyệt. Trong thời gian này, bọn Pháp cử hai chính khách quan trọng là Pignon và Paul Mus đến gặp ông để thăm dò ý kiến của chính phủ ta, muốn đánh hay muốn hoà. Sau các cuộc gặp, ông làm một bản báo cáo mật nhờ chuyển đến Chính phủ qua trinh sát viên của Đội quân báo Thiếu nhi thuộc Công an Hà Nội. Người liên lạc bị bắt nên báo cáo rơi vào tay Phòng Nhì quân đội Pháp. Mãi mấy chục năm về sau ta mới phát hiện ra tài liệu này trong hồ sơ lưu trữ của Pháp. Khi được Công an Hà Nội cho biết mất báo cáo mật, ông Thông viết lại bản báo cáo này và gửi được tới An toàn khu Việt Bắc.

Được đọc bản báo cáo mật (hồ sơ Phòng Nhì quân đội Pháp) tôi vô cùng khâm phục lòng yêu nước và đầu óc phân tích chính trị sáng suốt của ông. Bản báo cáo viết cách đây hơn 60 năm, năm 1947, khi Cách mạng còn ở thời kỳ trứng nước, quân đội ta còn yếu, Pháp tấn công như vũ bão. Vậy mà Đặng Phúc Thông vững lòng tin vào kháng chiến, hiên ngang nói chuyện với Pignon ở Phủ Toàn quyền cũ. Pignon là cố vấn chính trị của Đại diện Pháp Sainteny. Pignon tốt nghiệp thủ khoa trường đào tạo quan cai trị thuộc   địa. Ông ta tham gia kháng chiến chống Đức ở châu Phi trước khi sang Đông Dương. Nhận thức được cần điều đình với Việt Nam hơn là dùng biện pháp quân sự, ông chủ trương ký Hiệp định Pháp Việt 9/3/1946. Nhưng ông không muốn điều đình với Hồ Chí Minh  mà muốn dùng "con bài Bảo Đại".

Trong cuộc hội kiến với Đặng Phúc Thông, Pignon trình bày trước, nhắc lại quan điểm của ông: Thống nhất ba kỳ, Việt Nam độc lập trong khối Liên hiệp Pháp. Ông cho là Hiệp định 9/3/1946 quá lơ mơ, Tạm ước Fontainebleau ít giá trị. Theo dõi Quốc hội ta, ông "ngạc nhiên" không thấy có mục "Việt Nam nằm trong khối Liên hiệp Pháp", trong chính phủ của ta, có nhiều phần tử cực tả. Ông kết luận là Tạm ước sẽ không được phía ta thực hiện. Pignon không nói  gì đến sự kiện Pháp gây hấn Hải Phòng   và Hồ Chủ tịch. Tất cả những điều ông ta trình bày chẳng qua là để thanh minh cho thái đội cứng rắn của D’Argenlieu, "Đến lượt tôi (Đ.P.Th) phát biểu tuy tôi cũng nghĩ như ông ta là Hiệp định 6/3 và Tạm ước Fongtainebleau nội dung có phần yếu,   nhưng tôi có lúc đã hy vọng là Pháp và Việt Nam rồi cũng sẽ tiến tới ký một hiệp định bền vững. Nhưng ngay những buổi họp đầu ở Fontainebleau tôi đã không còn ảo tưởng gì nữa, tôi thấy rõ sự nghi kỵ giữa hai bên. Phía Việt Nam ngờ Pháp muốn tái lập quyền cai trị của Toàn quyền cũ với những danh từ mới. Còn phía Pháp nghi ta chỉ nói đầu lưỡi gia nhập Liên hiệp Pháp. Về phần tôi, dù nỗi đau rất lớn do chiến tranh nổ ra, tôi chỉ có thể khẳng định sự gắn bó của tôi với chính phủ Hồ Chí Minh, và tiếc là không được ở bên Hồ chủ tịch trong những ngày này.

"...Pignon nhắc lại chữ chiến tranh tôi vừa dùng và bảo: Quả là có tất cả các đặc điểm của chiến tranh. Tôi cãi lại "theo tôi đó là chiến tranh giữa Pháp và Việt Nam, chứ không phải chỉ là giữa quân đội Pháp và Việt Minh. Quan hệ Pháp Việt mang tính quốc gia và quốc tế”. Pignon gạt tính chất quốc tế, cho là Việt Nam  phải nằm trong Liên hiệp Pháp. Biện pháp phải là  chính trị, kéo dài chiến tranh đau khổ vô ích" Luận điểm của tôi là chính phủ Hồ Chí Minh đã được chính phủ Pháp công nhận là duy nhất hợp pháp. Vả chăng, có điều đình thì cũng phải điều đình với địch thủ chứ!" (với Hồ Chí Minh, không phải với Bảo Đại). Cuộc hội kiến kéo dài 2 tiếng.

Đặng Phúc Thông kết luận là Pignon muốn gạt Hồ Chí Minh, tuy biết   là rất khó.

Đúng như sau này nhà sử học Philippe Devillers nhận định, Pignon là một trong ba chính khách Pháp hiếu chiến, chủ ý gây chiến tranh Pháp - Việt   (cùng với Cao ủy D’Argenlieu và tướng Valluy).

Hữu Ngọc


Ý kiến của bạn